Điện thoại: 0935 925 068
16/10/2021
Chuyên mục: Bình luận bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến lĩnh vực Trọng tài thương mại.
Chuyên đề:
Tranh chấp liên quan đến lĩnh vực đất đai có thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài?
1. Nội dung vụ việc có liên quan
Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài A đã thụ lý và giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất để xây dựng nhà máy sản xuất giữa 2 công ty có đăng ký kinh doanh.
Bị đơn sau đó đã khiếu nại đến toà án có thẩm quyền cho rằng Hội đồng trọng không có thẩm quyền với lý do rằng tranh chấp trên là tranh chấp dân sự, không phải là tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại.
Hướng giải quyết của toà án có thẩm quyền: Đây là tranh chấp thuộc thẩm quyền của trọng tài.
2. Bản án, quyết định trích dẫn có liên quan như sau:
Quyết định số 1222/2014/QĐ-PQTT ngày 14/10/2014 của TAND TP HCM
XÉT THẤY:
Bị đơn cho rằng Trung tâm Trọng tài A không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp này vì tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất là tranh chấp dân sự không phải tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại nên không thuộc thẩm giải quyết của trọng tài như quy định tại Điều 2 và Điểm c khoản 2 Điều 68 Luật TTTM.
Xét thấy, hợp đồng được ký kết giữa 2 công ty có đăng ký kinh doanh, mục đích thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất là mục đích sinh lợi nên đây là tranh chấp hoạt động thương mại phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật TTTM quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của trọng tài là “tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại” và theo quy định tại Điều 3 Luật Thương mại “hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.
Vì vậy, vụ tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết bằng phương thức trọng tài theo thoả thuận của các bên là phù hợp với quy định tại Điều 2 Luật TTTM. Do đó, với lí do này của Bị đơn về việc huỷ Phán quyết trọng tài là không có căn cứ (…).
.........................
QUYẾT ĐỊNH:
3. Nội dung bình luận:
Việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đúng với quy định của pháp luật trước nay luôn là vấn đề được quan tâm của tố tụng nói chung và tố tụng trọng tài nói riêng.
Tố tụng trọng tài tại Điều 2 Luật TTTM quy định trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sau: (1) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; (2) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; (3) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Trong vụ tranh chấp trên không thể hiện rõ mục đích giao dịch của Bên cho thuê, nhưng đã thể hiện rõ mục đích của Bên thuê được trình bày trong Quyết định số 1222/2014/QĐ-PQTT ngày 14/10/2014 của TAND TP HCM là: “Mục đích thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất là mục đích sinh lợi”.
Mà theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật TTTM thì thì “Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại”, và bên còn lại có thể có mục đích phi lợi nhuận cũng sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài,
Vậy, cần hiểu như thế nào về “bên” (chủ thể) có “hoạt động thương mại”?
Hoạt động thương mại theo quy định tại Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 được định nghĩa: “hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”.
Chủ thể của hoạt động thương mại là thương nhân. Khoản 1 Điều 6 Luật Thương mại năm 2005 định nghĩa “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh”.
Từ đó chúng ta thấy rằng khoản 2 Điều 2 Luật TTTM được hiểu là ít nhất có một bên chủ thể là thương nhân trong hợp đồng thực hiện hoạt động thương mại có mục đích sinh lợi là thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài.
Căn cứ vào quy định của Luật TTTM, các hướng dẫn của văn bản pháp luật khác có liên quan nên Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài A đã thụ lý và giải quyết vụ tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất để xây dựng nhà máy sản xuất giữa 2 công ty có đăng ký kinh doanh là phù hợp.
Hướng giải quyết ấy cũng được Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đồng thuận, chấp nhận thể hiện qua Quyết định 1222 với nội dung sau: “Toà án nhận định: “2 công ty có đăng ký kinh doanh, mục đích thuê đất để xây dựng nhà máy sản xuất là mục đích sinh lợi nên đây là tranh chấp hoạt động thương mại phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật TTTM” nên “vụ tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết bằng phương thức trọng tài theo thoả thuận của các bên là phù hợp với quy định tại Điều 2 Luật TTTM”.
Như vậy, quan điểm cho rằng tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai, tranh chấp hợp đồng thuê quyền sử dụng đất không thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài là không phù hợp. Nếu những tranh chấp ấy có chủ thể ít nhất một bên là thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có mục đích sinh lợi đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài.
Kết luận: Qua trình bày trên về quan hệ tranh chấp, về hướng giải quyết của Hội đồng Trọng tài của Trung tâm Trọng tài A, Quyết định số 1222/2014/QĐ-PQTT ngày 14/10/2014 của TAND TP HCM và về phân tích khoản 2 Điều 2 Luật TTTM thì chúng ta thấy rằng thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài hiện nay rất rộng, không chỉ gói trọn trong hoạt động thương mại, mà có thể là các giao dịch dân sự, đất đai, … với một bên chủ thể có thể là các cá nhân, người tiêu dùng, tổ chức không kinh doanh…Đương nhiên, để các tranh chấp trong các lĩnh vực nêu trên được giải quyết thông qua phương thức Trọng tài, các bên phải có thoả thuận Trọng tài.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết định số 272/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Vụ tranh chấp giữa Công ty H và Công ty M đặt ra những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như quá trình giải quyết của Hội đồng Trọng tài.