Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Số điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

Hỏi - Đáp một số vấn đề về Đơn kiện, Bản tự bảo vệ trong tố tụng Trọng tài

17/09/2021

HỎI - ĐÁP MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐƠN KIỆN, BẢN TỰ BẢO VỆ TRONG TỐ TỤNG TRỌNG TÀI  

 

Câu hỏi 1. Nội dung của Đơn khởi kiện bao gồm những gì?

Trả lời: Theo khoản 2 Điều 7 Quy tắc Tố tụng của MCAC, Đơn khởi kiện bao gồm những nội dung sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm Đơn khởi kiện;
  • Tên, địa chỉ của các bên;
  • Tóm tắt nội dung của vụ tranh chấp;
  • Cơ sở khởi kiện;
  • Trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khởi kiện khác của Nguyên đơn;
  • Tên của người được Nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại khoản 1 Điều 12 hoặc Điều 13 Quy tắc Tố tụng MCAC;
  • Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Nguyên đơn là cá nhân.

 

Câu hỏi 2. Kèm theo Đơn khởi kiện cần có những tài liệu nào?

Trả lời: Theo khoản 3 Điều 7 Quy tắc Tố tụng của MCAC, kèm theo Đơn khởi kiện phải có Thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác (bản chính hoặc bản sao) có liên quan.

 

Câu hỏi 3. Nội dung của Bản tự bảo vệ bao gồm những gì?

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 9 Quy tắc Tố tụng của MCAC, Bản tự bảo vệ của Bị đơn gửi đến MCAC phải bao gồm những nội dung sau đây:

  • Ngày, tháng, năm làm Bản tự bảo vệ;
  • Tên, địa chỉ của Bị đơn;
  • Cơ sở tự bảo vệ;
  • Tên của người được Bị đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên theo quy định tại khoản 2 Điều 12 hoặc Điều 13 của Quy tắc Tố tụng MCAC;
  • Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là cá nhân;
  • Trong trường hợp Bị đơn cho rằng Thỏa thuận trọng tài không tồn tại, Thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Bị đơn phải nêu rõ trong Bản tự bảo vệ. Nếu Bị đơn không nêu rõ điều đó trong Bản tự bảo vệ thì Bị đơn mất quyền phản đối. Trong trường hợp này, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên.

 

Câu hỏi 4. Thời hạn để Bị đơn nộp Bản tự bảo vệ?

Trả lời: Khoản 1 Điều 9 Quy tắc Tố tụng của MCAC quy định: Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, Thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, Bị đơn phải gửi tới Trung tâm Bản tự bảo vệ.

 

Câu hỏi 5. Bị đơn có thể yêu cầu gia hạn nộp Bản tự bảo vệ không?

Trả lời: Khoản 2 Điều 9 Quy tắc Tố tụng của MCAC quy định: Trung tâm có thể gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ khi có yêu cầu gia hạn của Bị đơn. Yêu cầu gia hạn phải được lập bằng văn bản và phải gửi để Trung tâm nhận được trước khi hết thời hạn gửi Bản tự bảo vệ hoặc trước khi hết thời hạn gia hạn gửi Bản tự bảo vệ. Trong trường hợp có yêu cầu gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ, Bị đơn vẫn phải chọn Trọng tài viên hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy tắc Tố tụng của MCAC.

 

Câu hỏi 6. Trường hợp Bị đơn không nộp Bản tự bảo vệ thì tố tụng trọng tài có vẫn tiếp tục được không?

Trả lời: Theo khoản 4 Điều 9 Quy tắc Tố tụng của MCAC, trường hợp Bị đơn không gửi Bản tự bảo vệ, tố tụng Trọng tài vẫn được tiến hành.

 

Câu hỏi 7. Bị đơn có thể kiện lại Nguyên đơn được không?

Trả lời: Khoản 1 Điều 10 Quy tắc Tố tụng của MCAC quy định: Bị đơn có quyền kiện lại Nguyên đơn. Đơn kiện lại phải căn cứ vào Thỏa thuận trọng tài mà dựa vào đó Nguyên đơn đã khởi kiện bị đơn. Đơn kiện lại phải bằng văn bản riêng, độc lập với Bản tự bảo vệ. Đơn kiện lại phải được gửi tới Trung tâm vào cùng thời điểm gửi Bản tự bảo vệ.

 

Câu hỏi 8. Nội dung của Đơn kiện lại bao gồm những gì?

Trả lời: Khoản 2 Điều 10 Quy tắc Tố tụng của MCAC quy định nội dung Đơn kiện lại như sau:

  • Ngày, tháng, năm làm Đơn kiện lại;
  • Tên, địa chỉ của các bên;
  • Tóm tắt nội dung của vụ kiện lại;
  • Cơ sở kiện lại;
  • Trị giá của vụ kiện lại và các yêu cầu khác của Bị đơn;
  • Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc của người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp Bị đơn là cá nhân.

 

Câu hỏi 9. Các bên có thể rút Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại được không?

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 14 Quy tắc Tố tụng của MCAC, trước khi Hội đồng Trọng tài lập Phán quyết trọng tài, các bên có quyền rút Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại.

 

Câu hỏi 10. Các bên có thể sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại, Bản tự bảo vệ và Bản tự bảo vệ đối với Đơn kiện lại được không?

Trả lời: Khoản 2 Điều 14 Quy tắc Tố tụng của MCAC quy định: Trong quá trình tố tụng Trọng tài, các bên có thể sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện, Đơn kiện lại, Bản tự bảo vệ và Bản tự bảo vệ đối với Đơn kiện lại trước thời điểm kết thúc phiên họp cuối cùng giải quyết vụ tranh chấp. Việc sửa đổi, bổ sung này phải được lập thành văn bản với đủ số bản theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Quy tắc Tố tụng MCAC. Hội đồng Trọng tài có quyền không chấp nhận các sửa đổi, bổ sung này nếu thấy rằng việc đó có thể bị lạm dụng nhằm gây khó khăn, trì hoãn việc ra Phán quyết trọng tài hoặc vượt quá phạm vi của Thỏa thuận trọng tài áp dụng cho vụ tranh chấp.

 

Tin liên quan

VTV8 - CÔNG DÂN VÀ PHÁP LUẬT: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI
22 04/2024

VTV8 - CÔNG DÂN VÀ PHÁP LUẬT: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

Với mục tiêu nâng cao chất lượng và phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) cùng Đài Truyền hình Việt Nam tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) tổ chức chương trình Công dân và Pháp luật với chủ đề “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như thế nào”.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG