Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

Hỏi - Đáp những vấn đề chung về giải quyết tranh chấp bằng Hoà giải thương mại

17/11/2021

HỎI - ĐÁP NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG

VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI

 

Câu hỏi 1. Hòa giải thương mại là gì? Có các hình thức hòa giải thương mại nào?

Đáp: Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về Hoà giải thương mại (gọi tắt là Nghị định số 22/2017/NĐ-CP) thì hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thoả thuận và được hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.

Hiện có 02 hình thức hòa giải thương mại như sau:

1. Hòa giải thương mại quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một tổ chức hòa giải thương mại theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và Quy tắc hòa giải của tổ chức đó.

2. Hòa giải thương mại vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp do hòa giải viên thương mại vụ việc được các bên lựa chọn tiến hành theo quy định của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP và thỏa thuận của các bên.

 

Câu hỏi 2. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được pháp luật quy định như thế nào??

Đáp: Điều 4 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại bao gồm:

- Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.

- Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

- Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

 

Câu hỏi 3. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại?

Đáp: Điều 6 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định: Tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

 

Câu hỏi 4. Hòa giải viên thương mại bao gồm những ai?

Đáp: Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định: Hòa giải viên thương mại bao gồm hòa giải viên thương mại vụ việc và hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại được các bên lựa chọn hoặc được tổ chức hòa giải thương mại chỉ định theo đề nghị của các bên để hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định này.

 

Câu hỏi 5. Tiêu chuẩn của hòa giải viên thương mại được quy định như thế nào?

Đáp: Điều 7 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP mại quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại như sau:

- Người có đủ tiêu chuẩn sau đây thì được làm hòa giải viên thương mại:

+ Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự; có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín, độc lập, vô tư, khách quan;

+ Có trình độ đại học trở lên và đã qua thời gian công tác trong lĩnh vực được đào tạo từ 02 năm trở lên;

+ Có kỹ năng hòa giải, hiểu biết pháp luật, tập quán kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực liên quan.

- Hòa giải viên thương mại được thực hiện hòa giải thương mại với tư cách là hòa giải viên thương mại vụ việc hoặc hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại theo quy định tại Nghị định này.

- Tổ chức hòa giải thương mại có thể quy định tiêu chuẩn hòa giải viên thương mại của tổ chức mình cao hơn các tiêu chuẩn quy định tại Khoản 1 Điều này.

- Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thì không được làm hòa giải viên thương mại.

 

Câu hỏi 6. Việc lựa chọn, chỉ định hòa giải viên thương mại được quy định như thế nào?

Đáp: Điều 12 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định như sau:

“1. Hòa giải viên thương mại do các bên thỏa thuận lựa chọn từ danh sách hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại hoặc từ danh sách hòa giải viên thương mại vụ việc do Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố.

2. Việc chỉ định hòa giải viên thương mại thông qua tổ chức hòa giải thương mại được thực hiện theo Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại”.

 

Câu hỏi 7. Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định thế nào về quyền, nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong quá trình hòa giải?

Đáp: Điều 12 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định quyền, nghĩa vụ của các bên tranh chấp trong quá trình hòa giải như sau:

Các bên tranh chấp có các quyền sau đây:

  • Lựa chọn trình tự, thủ tục hòa giải, hòa giải viên thương mại, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải;
  • Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải;
  • Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai;
  • Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung hòa giải;                       
  • đ) Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Các bên tranh chấp có các nghĩa vụ sau đây:

  • Trình bày đúng sự thật, các tình tiết của tranh chấp, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ tranh chấp theo đề nghị của hòa giải viên thương mại;
  • Thi hành kết quả hòa giải thành;
  • Trả thù lao và chi phí dịch vụ hòa giải thương mại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  • Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

 

Câu hỏi 8. Các bên có thể sử dụng lại các thông tin, tài liệu trong thủ tục hòa giải để làm chứng cứ trong các thủ tục tố tụng tại Trọng tài, Tòa án không?

Đáp: Không! Khi việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại không đạt được kết quả hòa giải thành, thì theo khoản 5 Điều 11 Quy tắc Hòa giải của MCAC quy định rằng bất kỳ tài liệu hoặc bất kỳ thông tin nào chỉ có thể có được thông qua thủ tục hòa giải không được sử dụng làm chứng cứ trong các thủ tục tố tụng tại Tòa án, Trọng tài hoặc các thủ tục tố tụng khác sau này. Các bên không được yêu cầu Hòa giải viên làm nhân chứng trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào đối với tranh chấp đã qua thủ tục hòa giải hoặc tranh chấp khác phát sinh từ cùng giao dịch đó. Qua đó, việc này có thể giúp các bên có liên quan có thể đưa ra những quan điểm, ý kiến được cho là phù hợp hơn, không lo ngại vấn đề về các thông tin, tài liệu trong thủ tục hòa giải chống lại mình khi tham gia thủ tục tố tụng, và điều này cũng xuất phát từ bản chất của mỗi phương thức giải quyết tranh chấp sẽ có những đặc trưng khác nhau.

 

Câu hỏi 9. Thủ tục hoà giải được chấm dứt khi nào?

Đáp: Điều 17 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định thủ tục hòa giải chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

  • Khi các bên đạt được kết quả hòa giải thành.
  • Khi hòa giải viên thương mại xét thấy không cần thiết tiếp tục thực hiện hòa giải, sau khi tham khảo ý kiến của các bên.
  • Theo đề nghị của một hoặc các bên tranh chấp.

 

Câu hỏi 10. Giá trị pháp lý của Văn bản về kết quả hòa giải thành?

Đáp: Điều 16 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định: “Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”.

 

 

Tin liên quan

[HỖ TRỢ SỰ KIỆN] VIETNAM: INTERNATIONAL ARBITRATION & CORPORATE CRIME SUMMIT
08 10/2024

[HỖ TRỢ SỰ KIỆN] VIETNAM: INTERNATIONAL ARBITRATION & CORPORATE CRIME SUMMIT

Vào ngày 30/10/2024, Legal Plus sẽ tổ chức sự kiện về trọng tài tại Việt Nam chủ đề: “The Vietnam: International Arbitration & Corporate Crime Summit”; ngôn ngữ Hội nghị: Tiếng Anh; địa điểm: New World Saigon Hotel.

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
07 09/2024

HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày 06/9/2024, tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, đại diện Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) đã có buổi trao đổi cùng với các diễn giả là các Luật sư, Tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, cũng như trong việc tư vấn và đại diện cho nhiều doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp kinh doanh tại các tỉnh trên khắp cả nước.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG