Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

Hỏi - Đáp những vấn đề về tố tụng Trọng tài tại MCAC

17/09/2021

HỎI - ĐÁP NHỮNG VẤN ĐỀ

VỀ TỐ TỤNG TRỌNG TÀI TẠI MCAC

 

Câu hỏi 1. Quá trình tố tụng Trọng tài tại MCAC bắt đầu khi nào?

Trả lời: Theo Điều 5 Quy tắc Tố tụng của MCAC, trừ khi các bên có thoả thuận khác, tố tụng Trọng tài bắt đầu từ ngày Trung tâm nhận được Đơn khởi kiện của Nguyên đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 7 của Quy tắc Tố tụng MCAC.

 

Câu hỏi 2. Thông báo, tài liệu do các bên gửi đến MCAC cần có bao nhiêu bản?

Trả lời: Khoản 1 Điều 3 Quy tắc Tố tụng MCAC quy định các thông báo, tài liệu do một bên gửi tới Trung tâm phải đủ số bản để Trung tâm gửi cho thành viên của Hội đồng Trọng tài mỗi người một bản, cho bên kia một bản và lưu một bản. Từ thực tiễn giải quyết tranh chấp, nếu Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên thì số bản mỗi bên phải gửi là năm (05) bản. Nếu Hội đồng Trọng tài gồm một trọng tài viên duy nhất thì số bản mỗi bên phải gửi là ba (03) bản.

 

Câu hỏi 3. Quy tắc Tố tụng MCAC quy định thế nào về việc gửi thông báo, tài liệu; cách tính thời hạn?

Trả lời: Khoản 2, 3, 4 Điều 3 Quy tắc Tố tụng MCAC quy định các vấn đề về việc gửi thông báo, tài liệu; cách tính thời hạn như sau:

  • Thông báo, tài liệu được Trung tâm gửi tới các bên theo đúng địa chỉ do các bên cung cấp và có thể gửi bằng giao trực tiếp, thư bảo đảm, fax, thư điện tử hoặc bằng bất kỳ phương thức nào khác có ghi nhận việc gửi này.
  • Thông báo, tài liệu do Trung tâm gửi tới các bên được coi là đã nhận được vào ngày mà các bên đã nhận, hoặc được coi là đã nhận nếu thông báo, tài liệu đó đã được gửi phù hợp với khoản 2 Điều này.
  • Thời hạn quy định trong Quy tắc Tố tụng này bắt đầu được tính từ ngày tiếp theo ngày mà thông báo, tài liệu được coi là đã nhận theo quy định tại khoản 3 Điều này. Nếu ngày tiếp theo không phải là người làm việc theo quy định tại nơi nhận thì thời hạn này bắt đầu được tính từ ngày làm việc đầu tiên tiếp theo; nếu ngày cuối cùng của thời hạn không phải là ngày làm việc theo quy định tại nơi nhận thì thời hạn này kết thúc vào ngày cuối ngày làm việc đầu tiên tiếp theo. Những ngày không phải là ngày làm việc trong thời hạn được tính vào thời hạn.

 

Câu hỏi 4. Khi nào thì MCAC gửi Thông báo và Đơn khởi kiện của Nguyên đơn đến Bị đơn?

Trả lời: Theo Điều 8 Quy tắc Tố tụng của MCAC, trừ khi các bên có thỏa thuận khác về thời hạn, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Trung tâm nhận được Đơn khởi kiện, Thỏa thuận trọng tài, các tài liệu khác có liên quan và phí trọng tài quy định tại Điều 35 của Quy tắc Tố tụng MCAC, Trung tâm Trọng tài MCAC sẽ gửi tới Bị đơn Thông báo, Đơn khởi kiện, Thỏa thuận trọng tài, mẫu Bản tự bảo vệ và các tài liệu khác có liên quan.

 

Câu hỏi 5. Trường hợp Bị đơn không nộp Bản tự bảo vệ thì tố tụng trọng tài có vẫn tiếp tục được không?

Trả lời: Theo khoản 4 Điều 9 Quy tắc Tố tụng của MCAC, trường hợp Bị đơn không gửi Bản tự bảo vệ, tố tụng Trọng tài vẫn được tiến hành.

 

Câu hỏi 6. Hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp được quy định như thế nào?

Trả lời: Điều 26 Quy tắc Tố tụng của MCAC quy định các vấn đề về hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp như sau:

  1. Nếu có lý do chính đáng, một bên hoặc các bên có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp. Yêu cầu hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp phải bằng văn bản, nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ và gửi tới Trung tâm. Trong trường hợp Trung tâm không nhận được yêu cầu hoãn trước ngày mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp chậm nhất là 07 ngày làm việc thì bên yêu cầu hoãn phải chịu mọi chi phí phát sinh, nếu có. Hội đồng trọng tài quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu hoãn, thời hạn hoãn và thông báo cho các bên.
  2. Hội đồng trọng tài có thể hoãn phiên họp giải quyết vụ tranh chấp trong trường hợp có trở ngại khách quan theo đánh giá của Hội đồng trọng tài.

 

Câu hỏi 7. Quy tắc Tố tụng của MCAC quy định như thế nào về trường hợp vắng mặt của Nguyên đơn, Bị đơn trong phiên họp giải quyết tranh chấp?

Trả lời: Điều 27 Quy tắc Tố tụng của MCAC quy định các vấn đề về trường hợp vắng mặt của Nguyên đơn, Bị đơn trong phiên họp giải quyết tranh chấp như sau:

  1. Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì được coi là đã rút Đơn khởi kiện. Trong trường hợp này, Hội đồng trọng tài chỉ tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp khi Bị đơn có yêu cầu hoặc có Đơn kiện lại.                                   Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp nhưng vắng mặt mà không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết vụ tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có.
  2. Trong trường hợp có Đơn kiện lại, nếu Bị đơn đã được triệu tập hợp lệ tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp nhưng vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc rời phiên họp giải quyết vụ tranh chấp mà không được Hội đồng trọng tài chấp thuận thì được coi là đã rút Đơn kiện lại. Trong trường hợp này, Hội đồng trọng tài chỉ tiếp tục giải quyết Đơn kiện lại khi Nguyên đơn có yêu cầu.
  3. Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài có thể căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên.
  4. Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp kể cả khi có một bên yêu cầu được vắng mặt.

 

Câu hỏi 8. Luật TTTM quy định thế nào về thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài?

Trả lời: Điều 33 Luật TTTM quy định thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài như sau: Trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

 

Câu hỏi 9. Vụ tranh chấp tại MCAC bị đình chỉ giải quyết trong trường hợp nào?

Trả lời: Khoản 1 Điều 30 Quy tắc Tố tụng của MCAC qui định về việc đình chỉ giải quyết các vụ tranh chấp trong các trường hợp sau:

  • Nguyên đơn hoặc Bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
  • Nguyên đơn hoặc Bị đơn là cơ quan, tổ chức đã chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức mà không có cơ quan, tổ chức nào tiếp nhận quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó;
  • Nguyên đơn rút Đơn khởi kiện, trừ trường hợp Bị đơn có Đơn kiện lại;
  • Nguyên đơn được coi là đã rút Đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Quy tắc Tố tụng MCAC, trừ trường hợp Bị đơn có yêu cầu tiếp tục giải quyết tranh chấp;
  • Các bên thoả thuận chấm dứt việc giải quyết tranh chấp;
  • Khi có Quyết định của Hội đồng Trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Quy tắc Tố tụng MCAC;
  • Khi có Quyết định của Tòa án theo quy định của pháp luật.

 

Câu hỏi 10. Trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, các bên có thể hoà giải?

Trả lời: Điều 9 Luật TTTM quy định: Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp.

Điều 29 Quy tắc Tố tụng của MCAC quy định: Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng Trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất. Hội đồng Trọng tài ra Quyết định công nhận hoà giải thành. Quyết định công nhận hoà giải thành của Hội đồng Trọng tài có hiệu lực như Phán quyết trọng tài.

 

Câu hỏi 11. Có thể hợp nhất các vụ việc tranh chấp tại MCAC?

Trả lời: Theo khoản 1 Điều 15 Quy tắc Tố tụng của MCAC thì các bên có thể thoả thuận gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp. Trung tâm MCAC sẽ quyết định việc gộp hay không gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ tranh chấp sau khi cân nhắc các yếu tố có liên quan.

 

Câu hỏi 12. Tố tụng trọng tài tại MCAC có áp dụng thủ tục rút gọn?

Trả lời: Điều 37 Quy tắc Tố tụng của MCAC quy định tố tụng trọng tài theo thủ tục rút gọn được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận.

Khi tiến hành Thủ tục rút gọn, các quy định sau được áp dụng:

  • Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất, trừ khi các bên có thỏa thuận khác;
  • Trung tâm hoặc Hội đồng Trọng tài có thể rút ngắn bất kỳ thời hạn nào được quy định trong Quy tắc Tố tụng này;
  • Hội đồng Trọng tài căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên, trừ khi có sự phản đối của một bên. Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp bằng hình thức teleconference, video-conference hoặc các hình thức thích hợp khác, trừ khi có sự phản đối của một bên.

 

 

Tin liên quan

CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM LAW GEARS
22 10/2024

CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM LAW GEARS

Vào ngày 18/10/2024, tại trường Đại học Gia Định đã diễn ra Sự kiện tọa đàm “Law Gears” lần 2 do khoa Khoa học Xã hội - Ngôn ngữ quốc tế tổ chức. Chương trình có sự tham gia chia sẻ của ThS. LS. Trọng tài viên Kiều Anh Vũ - Phó Chủ tịch Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC).

[HỖ TRỢ SỰ KIỆN] VIETNAM: INTERNATIONAL ARBITRATION & CORPORATE CRIME SUMMIT
08 10/2024

[HỖ TRỢ SỰ KIỆN] VIETNAM: INTERNATIONAL ARBITRATION & CORPORATE CRIME SUMMIT

Vào ngày 30/10/2024, Legal Plus sẽ tổ chức sự kiện về trọng tài tại Việt Nam chủ đề: “The Vietnam: International Arbitration & Corporate Crime Summit”; ngôn ngữ Hội nghị: Tiếng Anh; địa điểm: New World Saigon Hotel.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG