Điện thoại: 0935 925 068
26/09/2021
HỎI - ĐÁP NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ ÁP DỤNG
CÁC BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI TRONG TỐ TỤNG TRỌNG TÀI
Câu hỏi 1. Trong tố tụng trọng tài, các bên có thể yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời được không?
Trả lời: Theo Điều 48 Luật Trọng tài thương mại 2010, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không bị coi là sự bác bỏ thỏa thuận trọng tài hoặc khước từ quyền giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 21 Quy tắc Tố tụng của MCAC, theo yêu cầu của một trong các bên, Hội đồng Trọng tài có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với các bên tranh chấp.
Câu hỏi 2. Hội đồng trọng tài có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nào?
Trả lời: Theo khoản 2 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010 và khoản 1 Điều 21 Quy tắc Tố tụng của MCAC, Hội đồng trọng tài có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời bao gồm:
- Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp;
- Cấm hoặc buộc bất kỳ bên tranh chấp nào thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định nhằm ngăn ngừa các hành vi ảnh hưởng bất lợi đến quá trình tố tụng trọng tài;
- Kê biên tài sản đang tranh chấp;
- Yêu cầu bảo tồn, cất trữ, bán hoặc định đoạt bất kỳ tài sản nào của một hoặc các bên tranh chấp;
- Yêu cầu tạm thời về việc trả tiền giữa các bên;
- Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp.
Câu hỏi 3. Có thể đồng thời yêu cầu Hội đồng trọng tài và Tòa áp áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời không?
Trả lời: Theo khoản 3 Điều 49, khoản 5 Điều 53 Luật Trọng tài thương mại 2010 và khoản 3 Điều 21 Quy tắc Tố tụng của MCAC, trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên đã yêu cầu Tòa án hoặc Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời mà sau đó lại có đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Hội đồng trọng tài phải từ chối (nếu đương sự đã yêu cầu Tòa án). Ngược lại, Tòa án phải từ chối (nếu đương sự đã yêu cầu Hội đồng trọng tài, trừ trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài).
Câu hỏi 4. Nếu việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài trái với ý chí của bên yêu cầu và gây thiệt hại thì xử lý như thế nào?
Trả lời: Theo Khoản 5 Điều 49 Luật Trọng tài thương mại 2010, Hội đồng trọng tài áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác hoặc vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của bên yêu cầu mà gây thiệt hại cho bên yêu cầu, bên bị áp dụng hoặc người thứ ba thì người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Câu hỏi 5. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có những nội dung gì?
Trả lời: Theo khoản 2 Điều 50 Luật Trọng tài thương mại 2010, Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung đề nghị một hoặc các bên trong vụ tranh chấp khi nộp Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn;
- Tên, địa chỉ của bên có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tên, địa chỉ của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Tóm tắt nội dung tranh chấp;
- Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Câu hỏi 6. Có thể yêu cầu thay đổi, bổ sung, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài được không?
Trả lời: Theo khoản 1 Điều 51 Luật Trọng tài thương mại 2010 và khoản 2 Điều 21 Quy tắc Tố tụng của MCAC, theo yêu cầu của một bên, Hội đồng trọng tài có quyền thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Câu hỏi 7. Có thể yêu cầu thay đổi, bổ sung, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án trong quá trình tố tụng trọng tài tại MCAC được không?
Trả lời: Theo khoản 3 Điều 53 Luật Trọng tài thương mại 2010 và Quy tắc Tố tụng của MCAC, một bên có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi, bổ sung, huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án trong quá trình tố tụng trọng tài.
Câu hỏi 8. Bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có phải chịu nghĩa vụ, trách nhiệm ràng buộc nào không?
Trả lời: Căn cứ khoản 3 Điều 50 Luật Trọng tài thương mại 2010, theo quyết định của Hội đồng trọng tài, bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Hội đồng trọng tài ấn định tương ứng với giá trị thiệt hại có thể phát sinh do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng gây ra để bảo vệ lợi ích của bên bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng do Hội đồng trọng tài quyết định.
Ngoài ra, theo Điều 52 Luật Trọng tài thương mại 2010, bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình. Trong trường hợp bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và gây thiệt hại cho bên kia hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
Câu hỏi 9. Toà án nào có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi một bên có yêu cầu?
Trả lời: Điều 7 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định các vấn đề về xác định Toà án có thẩm quyền về hoạt động trọng tài liên quan đến việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:
1. Trường hợp các bên đã có thỏa thuận lựa chọn một Tòa án cụ thể thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án được các bên lựa chọn.
2. Trường hợp các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án thì thẩm quyền của Tòa án được xác định như sau: Đối với yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng;
3. Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ngày 06/9/2024, tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, đại diện Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) đã có buổi trao đổi cùng với các diễn giả là các Luật sư, Tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn, cũng như trong việc tư vấn và đại diện cho nhiều doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp kinh doanh tại các tỉnh trên khắp cả nước.
Ngày 06/9/2024, tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) và Trường Đại học Luật, Đại học Huế.