Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Số điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

Hỏi - Đáp những vấn đề về thoả thuận hoà giải

18/11/2021

HỎI - ĐÁP NHỮNG VẤN ĐỀ

VỀ THOẢ THUẬN HOÀ GIẢI THƯƠNG MẠI

 

Câu hỏi 1. Thỏa thuận hòa giải là gì?

Đáp: Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về Hoà giải thương mại (gọi tắt là Nghị định số 22/2017/NĐ-CP) thì: “Thỏa thuận hòa giải là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh bằng phương thức hòa giải”.

 

Câu hỏi 2. Hình thức của thỏa thuận hòa giải?

Đáp: Theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP thì: “Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thỏa thuận hòa giải được xác lập bằng văn bản.”.

 

Câu hỏi 3. Mẫu thỏa thuận hòa giải được thể hiện như thế nào?

Đáp: Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) khuyến nghị các bên sử dụng một trong các thỏa thuận hòa giải mẫu sau đây:

Mẫu 1:

 “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng hoà giải tại Trung tâm trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) theo Quy tắc Hòa giải của Trung tâm này.”

Mẫu 2:

“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng hoà giải tại Trung tâm trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) theo Quy tắc Hòa giải của Trung tâm này.

Các bên sẽ thống nhất chọn một Hòa giải viên thuộc Danh sách Hòa giải viên của Trung tâm này.”

Mẫu 3:

“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng hoà giải tại Trung tâm trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) theo Quy tắc Hòa giải của Trung tâm này.

Hai bên sẽ thống nhất chọn một Hòa giải viên thuộc Danh sách Hòa giải viên của Trung tâm này.

Thỏa thuận hòa giải này không loại trừ quyền của mỗi bên khởi kiện ra Tòa án.”

 

Câu 4. Trường hợp các bên trong hợp đồng không có thoả thuận hoà giải, nhưng sau khi phát sinh tranh chấp, làm cách nào để các bên có thể áp dụng hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp theo quy định?

Đáp: Điều 6 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định tranh chấp được giải quyết bằng hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp.

Bên cạnh đó Điều 11 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định: Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Thỏa thuận hòa giải được xác lập bằng văn bản.

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì các bên có thể thỏa thuận riêng bằng văn bản về việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải thương mại sau khi phát sinh tranh chấp.

 

Câu hỏi 5. Nếu chưa có thỏa thuận hòa giải, các bên có thể đề nghị giải quyết tranh chấp theo thủ tục hòa giải tại MCAC được không?

Đáp: Được! Điều 4 Quy tắc Hòa giải của MCAC quy định về vấn đề bắt đầu thủ tục hòa giải khi chưa có thỏa thuận hòa giải như sau:

- Khi chưa có thỏa thuận hòa giải, một bên muốn bắt đầu thủ tục hòa giải có thể gửi Bản đề nghị hòa giải tới MCAC với nội dung đề nghị bên còn lại giải quyết tranh chấp giữa các bên thông qua hòa giải tại MCAC theo Quy tắc Hoà giải này.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày MCAC nhận được Bản đề nghị hòa giải, MCAC chuyển Bản đề nghị hòa giải tới bên được đề nghị. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Bản đề nghị hòa giải, bên được đề nghị gửi Bản trả lời đề nghị tới MCAC về việc đồng ý hay từ chối tiến hành hòa giải, MCAC có thể hỗ trợ các bên để các bên đạt được thỏa thuận hòa giải.

- Trường hợp bên được đề nghị hòa giải chấp nhận hòa giải, MCAC hướng dẫn các bên thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Quy tắc Hoà giải này.

- Trường hợp bên được đề nghị hòa giải từ chối hòa giải hoặc không gửi Bản trả lời đề nghị, thủ tục hòa giải theo Quy tắc Hoà giải này sẽ không được thực hiện.

 

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG