Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Số điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

Hỏi - Đáp về Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng

13/10/2021

HỎI - ĐÁP VỀ ĐIỀU KHOẢN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐA TẦNG

 

Câu hỏi 1. Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng là gì?

Trả lời: Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng (Multi-tiered dispute resolution clause) là một chuỗi quy trình các bên sử dụng để giải quyết tranh chấp, bao gồm hai, ba hoặc toàn bộ các cơ chế sau: thương lượng, hòa giải, thẩm định chuyên gia, và trọng tài.

 

Câu hỏi 2. Mẫu tham khảo điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng thể hiện như thế nào?

Trả lời: Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng có thể được trình bày như sau:

“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng. Trong trường hợp các bên tranh chấp vẫn không thoả thuận được với nhau trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày phát sinh, thì vụ tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC). Quyết định của MCAC là quyết định cuối cùng mà các bên phải tuân theo”.

Hoặc là:

“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này trước hết phải được giải quyết thông qua hoà giải tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC). Nếu tranh chấp không được giải quyết trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày một hoặc các bên nộp đơn yêu cầu Hoà giải, thì vụ tranh chấp sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại MCAC. Quyết định của MCAC là quyết định cuối cùng mà các bên phải tuân theo”.

 

Câu hỏi 3. Theo tình hình hiện nay, các bên dựa vào điểm mạnh nào để lựa chọn thỏa thuận điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng?

Trả lời: Theo xu hướng nền kinh tế ngày càng phát triển, việc áp dụng các điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng đã được giới thương nhân, doanh nghiệp lựa chọn và đánh giá rất cao. Các điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng được MCAC đánh giá có những điểm mạnh nếu được lựa chọn áp dụng, cụ thể như:

- Thứ nhất, duy trì mối quan hệ thân thiết giữa các bên. Điều này được đánh giá dựa theo nền văn hóa, truyền thống trong thương mại của nhiều nước Châu Á. Xét theo tính lịch sử, người Châu Á đã đi sâu vào triết lý Nho giáo, ngay cả trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thông thường. Do đó, trong tâm thức của người dân Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, họ không ưa chuộng theo hình thức đối đầu trực tiếp để giải quyết tranh chấp, mà theo đó, việc giải quyết tranh chấp đều bắt đầu bởi chữ “Lễ”, cũng nghĩa là việc giải quyết tranh chấp đều theo xu hướng hòa bình, các bên đều muốn hòa giải, giữ vững mối quan hệ hợp tác trong hiện tại và cả tương lai.

- Thứ hai, giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí. Trên thực tiễn, khi giải quyết một vụ tranh chấp tại cơ quan tài phán đều tốn rất nhiều thời gian tố tụng, công sức của một hoặc nhiều đội ngũ chuyên gia tư vấn và giải quyết tranh chấp, làm phát sinh chi phí rất nhiều để theo đuổi kết quả vụ tranh chấp.

 

Câu hỏi 4. Cần lưu ý những gì khi soạn thảo hợp đồng sử dụng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng?

Trả lời: Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng được áp dụng trên cơ sở tự do thỏa thuận giữa các bên. Do đó, MCAC khuyến nghị một số lưu ý khi các bên soạn thảo hợp đồng sử dụng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng:

Thứ nhất, dựa vào các điều khoản giải quyết tranh chấp để soạn thảo rõ ràng, rành mạch. Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng phải được soạn thảo bởi những từ ngữ mang tính bắt buộc, không tự suy diễn, thể hiện ý chí của các bên mong muốn cơ chế tại các tầng đầu là sự bắt buộc trước khi giải quyết tại cơ quan tài phán.

Thứ hai, trong quá trình soạn thảo điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng, các bên cần nêu rõ từng bước, từng cơ chế theo một trình tự nhất định. Đồng thời, các bên soạn thảo điều khoản nên đề xuất trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên phải thông báo khi nào bắt đầu hoặc kết thúc một tầng giải quyết nào đó bằng văn bản cho bên còn lại và trong thời hạn cụ thể.

Thứ ba, tùy vào tình hình thực tiễn trong quan hệ hợp đồng, các bên cần phải cân nhắc và lưu ý rằng các điều khoản mẫu khi tham khảo từ bất kỳ nguồn nào chỉ được xem là tham khảo, không thể phù hợp áp dụng cho tất cả mọi trường hợp mà cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với mong muốn của các bên tùy theo tính chất, mức độ phức tạp và giá trị giao dịch đó.

Bên cạnh đó, các bên trong quan hệ hợp đồng cần quán triệt tư tưởng lẫn nhau khi giao dịch phải theo hướng trung thực, thiện chí dựa trên nguyên tắc giao dịch pháp luật Việt Nam để nâng cao hiệu quả cũng như nghĩa vụ các bên.

 

Câu hỏi 5. Khi một bên không tuân thủ, bỏ qua một trong các tầng của điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng và nộp thẳng đơn khởi kiện lên cơ quan tài phán thì đơn khởi kiện có được chấp thuận?

Trả lời: Nếu trong hợp đồng sử dụng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng có sử dụng từ ngữ để áp dụng các bước rõ ràng, kỹ lưỡng và mang tính bắt buộc thì các bên có nghĩa vụ phải tuân thủ điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng. Ví dụ như trong giao kết hợp đồng, các bên nếu thỏa thuận bắt buộc áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp nào đó thì phải sử dụng từ “Phải” thay vì sử dụng từ “Có thể”. Lúc này, nếu một bên bỏ qua một trong các tầng của điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng và nộp thẳng đơn khởi kiện thì cơ quan tài phán khi nhận được đơn khởi kiện sẽ phải xem xét và tạm hoãn vụ việc, yêu cầu các bên thực hiện đúng các cơ chế tại các tầng đầu của điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng trước khi giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán.

 

Câu hỏi 6. Điều kiện để công nhận kết quả đối với cơ chế thỏa thuận?

Trả lời: Cơ chế thỏa thuận được đánh giá hiệu quả cao trên cơ sở năng lực đàm phán, công bằng và các yếu tố tâm lý giúp các bên kết nối mối quan hệ trở lại. Nhưng cũng vì vậy mà kết quả của việc thỏa thuận sẽ không có hiệu lực bắt buộc, đồng thời việc này sẽ tương đương như là cuộc đàm phán, hợp tác mới giữa các bên. Do đó, trên cơ sở yêu cầu bằng văn bản của một hoặc các bên tham gia thỏa thuận, tại Điều 417 và khoản 5 Điều 419 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 đã quy định về điều kiện yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án trong lĩnh vực thương mại như sau:

- Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

- Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.

- Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.

- Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 419 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, việc không công nhận kết quả hòa giải thành không làm ảnh hưởng đến nội dung và giá trị của thỏa thuận giải quyết tranh chấp và nó vẫn có hiệu lực bắt buộc thi hành như một hợp đồng.

 

Câu hỏi 7. Quy trình giữa Hòa giải và Trọng tài tại MCAC trong việc giải quyết tranh chấp có sử dụng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng?

Trả lời: Tại MCAC, cả hai phương thức hòa giải và trọng tài đều có thể được thực hiện theo yêu cầu của các bên tranh chấp. Khi hợp đồng có sử dụng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng, trong đó có thỏa thuận cơ chế hòa giải và cơ chế trọng tài, đội ngũ Hòa giải viên và Trọng tài viên của MCAC sẽ luôn tìm cách, hỗ trợ, tư vấn và đưa ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm điều giải giữa các bên có một kết quả tốt nhất để giải quyết tranh chấp.

 

Câu hỏi 8. Có nên thỏa thuận thời hạn tại mỗi cơ chế trong hợp đồng sử dụng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng?

Trả lời: MCAC khuyến nghị các bên khi giao dịch cần chú trọng đến thời hạn giải quyết tại mỗi cơ chế trong hợp đồng sử dụng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng.

Tại Điều 33 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nên do đó, để không ảnh hưởng đến thời hiệu khởi kiện, các bên cần quy định rõ thời gian bắt đầu hoặc kết thúc theo mỗi một cơ chế (thương lượng, hòa giải hay thẩm định chuyên gia,…) tại hợp đồng sử dụng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng. Tùy thuộc vào tính chất từng loại hợp đồng, các bên có thể bố trí thời hạn để giải quyết cho phù hợp.

 

Câu hỏi 9. Theo xu hướng hiện nay, trường hợp nào sẽ phù hợp nhất để áp dụng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng?

Trả lời: Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ kinh doanh, nó giúp cho các bên ràng buộc và duy trì quan hệ của các bên với nhau. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tốt nhất các lợi thế mà hợp đồng sử dụng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng mang lại, các bên nên cân nhắc sử dụng điều khoản này cho những đối tác lâu bền hoặc đối với những hợp đồng mang tính chất dài hạn.

 

Tin liên quan

VTV8 - CÔNG DÂN VÀ PHÁP LUẬT: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI
22 04/2024

VTV8 - CÔNG DÂN VÀ PHÁP LUẬT: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

Với mục tiêu nâng cao chất lượng và phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) cùng Đài Truyền hình Việt Nam tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) tổ chức chương trình Công dân và Pháp luật với chủ đề “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như thế nào”.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG