Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

Hỏi - Đáp về thủ tục hoà giải và kết quả hoà giải tại MCAC

22/11/2021

HỎI - ĐÁP VỀ THỦ TỤC HOÀ GIẢI VÀ KẾT QUẢ HOÀ GIẢI TẠI MCAC

 

Câu hỏi 1: Những quy định về trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải thương mại?

Đáp: Điều 14 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về Hoà giải thương mại (gọi tắt là Nghị định số 22/2017/NĐ-CP) quy định trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải thương mại như sau:

1. Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.

2. Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên.

3. Tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình hòa giải, hòa giải viên thương mại đều có quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp.

4. Địa điểm, thời gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.

 

Câu hỏi 2. Thủ tục hòa giải tại MCAC sẽ được bắt đầu tiến hành như thế nào nếu các bên đã có thỏa thuận hòa giải?

Đáp: Điều 3 Quy tắc Hòa giải của MCAC quy định về thủ tục bắt đầu hòa giải khi đã có thỏa thuận hòa giải như sau:

- Bất kỳ bên nào muốn hòa giải cũng có thể gửi một Bản yêu cầu hòa giải kèm theo thỏa thuận hòa giải tới MCAC.

- Bản yêu cầu hòa giải có các nội dung sau:

+ Ngày, tháng, năm lập Bản yêu cầu hòa giải.

+ Tên, địa chỉ liên lạc của các bên tranh chấp.

+ Tóm tắt nội dung tranh chấp.

+ Các yêu cầu của bên yêu cầu hòa giải, gồm các yêu cầu nêu trị giá và các yêu cầu khác (nếu có).

+ Tên của người được bên yêu cầu hòa giải đề xuất làm Hòa giải viên hoặc đề xuất của bên yêu cầu hòa giải về cách thức chỉ định hoặc yêu cầu đối với Hòa giải viên.

- Chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc của người đại diện trong trường hợp bên yêu cầu hòa giải là tổ chức; chữ ký của cá nhân hoặc người đại diện trong trường hợp bên yêu cầu hòa giải là cá nhân.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày MCAC nhận được Bản yêu cầu hòa giải và phí hòa giải từ bên yêu cầu hòa giải theo quy định tại Điều 14 của Quy tắc Hoà giải, MCAC gửi thông báo và Bản yêu cầu hòa giải cho bên được yêu cầu hòa giải. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo, bên nhận yêu cầu hòa giải gửi Bản trả lời tới MCAC.

- Thủ tục hòa giải bắt đầu vào ngày MCAC nhận được Bản yêu cầu hòa giải và phí đăng ký hòa giải. Trường hợp bên được yêu cầu hòa giải từ chối tiến hành hòa giải hoặc không gửi Bản trả lời tới MCAC, thủ tục hòa giải chấm dứt theo quy định tại Điều 13 của Quy tắc Hoà giải của MCAC.

 

Câu hỏi 3. Các bên khi tham gia hòa giải có được phép ủy quyền cho người đại diện, mời người trợ giúp tại phiên hòa giải được không?

Đáp: Được! Tại Điều 6 Quy tắc Hòa giải của MCAC quy định về người đại diện và người trợ giúp của các bên trong hòa giải như sau:

- Các bên có thể trực tiếp hoặc chỉ định người đại diện và người trợ giúp cho mình tham gia thủ tục hòa giải và phải thông báo bằng văn bản về tên và địa chỉ liên lạc của những người này cho bên còn lại và cho Hòa giải viên biết. Khi thực hiện việc thông báo này, bên thông báo cần nêu rõ ai là người đại diện và ai là người trợ giúp của mình.

- Trường hợp chỉ định người đại diện, người đại diện phải có đủ thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.

 

Câu 4. Trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, nếu một bên thấy không thể hòa giải và đề nghị chấm dứt thủ tục hòa giải thương mại. Vậy trong trường hợp này, thủ tục hòa giải có chấm dứt không?

Đáp: Điều 17 của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định: Thủ tục hòa giải chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Khi các bên đạt được kết quả hòa giải thành.

2. Khi hòa giải viên thương mại xét thấy không cần thiết tiếp tục thực hiện hòa giải, sau khi tham khảo ý kiến của các bên.

3. Theo đề nghị của một hoặc các bên tranh chấp

Căn cứ quy định trên thì trong trường hợp này, nếu một bên có đề nghị chấm dứt thì thủ tục hòa giải thương mại chấm dứt.

 

Câu 5. Trường hợp các bên đã hòa giải thành tranh chấp thương mại bằng phương thức hòa giải thương mại. Tuy nhiên, để có cơ chế bảo đảm thi hành kết quả hòa giải thành thì hai bên muốn được công nhận kết quả hòa giải thành. Vậy việc công nhận kết quả hòa giải thành trong hòa giải thương mại được pháp luật quy định như thế nào?

Đáp: Theo quy định của Điều 16 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP thì văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Theo đó, Điều 416 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về việc công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án như sau: Kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải.

Bên cạnh đó, Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: (i) Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 của Bộ luật này; (ii) Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đối với trường hợp không có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 của Bộ luật này; (iii) Việc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ngoài Tòa án.

Điều kiện để Tòa án công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án được quy định tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau: (i) Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; (ii) Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý; (iii) Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận; (iv) Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.

Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (khoản 8 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), nhưng có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Kết quả hòa giải ngoài Tòa án được Tòa án ra quyết định công nhận sẽ được cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 8 Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Như vậy, nếu các bên tranh chấp có kết quả hòa giải thành thỏa mãn điều kiện để Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì sẽ được Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành.

 

Câu hỏi 6. Nếu kết quả hòa giải không thành thì các bên liên quan có được kiện ra cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp không?

Đáp: Theo quy định tại khoản 4 Điều 15 của Nghị định số 22/2017/NĐ-CP thì trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Do đó, nếu không hòa giải thành thì hai doanh nghiệp trên có quyền yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định.

 

Câu hỏi 7. Giá trị pháp lý của Văn bản về kết quả hòa giải thành?

Đáp: Điều 16 Nghị định số 22/2017/NĐ-CP quy định: “Văn bản về kết quả hòa giải thành được xem xét công nhận theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự”.

Tin liên quan

CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM LAW GEARS
22 10/2024

CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM LAW GEARS

Vào ngày 18/10/2024, tại trường Đại học Gia Định đã diễn ra Sự kiện tọa đàm “Law Gears” lần 2 do khoa Khoa học Xã hội - Ngôn ngữ quốc tế tổ chức. Chương trình có sự tham gia chia sẻ của ThS. LS. Trọng tài viên Kiều Anh Vũ - Phó Chủ tịch Trung tâm, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC).

[HỖ TRỢ SỰ KIỆN] VIETNAM: INTERNATIONAL ARBITRATION & CORPORATE CRIME SUMMIT
08 10/2024

[HỖ TRỢ SỰ KIỆN] VIETNAM: INTERNATIONAL ARBITRATION & CORPORATE CRIME SUMMIT

Vào ngày 30/10/2024, Legal Plus sẽ tổ chức sự kiện về trọng tài tại Việt Nam chủ đề: “The Vietnam: International Arbitration & Corporate Crime Summit”; ngôn ngữ Hội nghị: Tiếng Anh; địa điểm: New World Saigon Hotel.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG