Điện thoại: 0935 925 068
12/07/2024
Chuyên đề: Đơn kiện lại trong tố tụng trọng tài
Quyết định số 07/2017/QĐ-PQTT ngày 18/08/2017
của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội
Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X đã giải quyết tranh chấp Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công Ty Cổ Phần xuất nhập khẩu tỉnh L (Nguyên đơn) và Công ty G (Bị đơn).
Bị đơn khiếu nại đối với Quyết định của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X đến Tòa án có thẩm quyền. Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã thụ lý đơn yêu cầu và thành lập Hội đồng xét đơn để giải quyết yêu cầu của Bị đơn.
Trong đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài, Bị đơn cho rằng việc Hội đồng trọng tài chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bên liên quan (Nguyên đơn) về việc chấm dứt Hợp đồng hợp tác kinh doanh mà không xem xét đến hậu quả pháp lý của việc chấm dứt Hợp đồng hợp tác kinh doanh là không đảm bảo khách quan khi giải quyết vụ án, áp dụng pháp luật tùy tiện, vi phạm thủ tục tố tụng, trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội có thẩm quyền nhận định: Bên yêu cầu huỷ Phán quyết trọng tài (Bị đơn - Công ty G) chưa có Đơn kiện lại. Do đó, yêu cầu huỷ Phán quyết trọng tài của Công ty G là không có cơ sở để chấp nhận.
Quyết định số 07/2017/QĐ-PQTT ngày 18/08/2017
của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội [1]
(V/v: Không hủy phán quyết trọng tài)
Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa: ông Hoàng Ngọc Thành
Các Thẩm phán: ông Nguyễn Đình Tiến và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên họp: bà Nguyễn Thị Hoa- Kiểm sát viên.
………
Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đề ngày 14/02/2017 của Công ty G là Bên yêu cầu trong Phán quyết trọng tài số 29/16 ngày 16/01/2016 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X, giữa:
Nguyên đơn: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tỉnh L
Bị đơn: Công ty G
Các bên tham gia phiên họp xét đơn yêu cầu húy phán quyết trọng tài gồm có:
Bên yêu cầu: Công ty G
Bên liên quan: Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tỉnh L
NỘI DUNG VỤ VIỆC
Theo Đơn khởi kiện ngày 09/9/2016 của Công ty CP xuất nhập khẩu tỉnh L (trước đây là Công ty xuất nhập khẩu tinh Lào Cai gọi tắt là Bên liên quan), thì ngày 20/01/2000 tại tỉnh Lào Cai, Việt Nam Bên liên quan và Công ty G (gọi tắt là Bên yêu cầu) ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh với những nội dung chính như sau:
Các bên cùng hợp tác thành lập "Cửa hàng miễn thuế L C" (bao gồm: Cửa hàng, văn phòng, kho chứa hàng phục vụ cho cửa hàng miễn thuế và tái xuất) để kinh doanh hàng miễn thuế tại khu vực cửa khẩu quốc tế L C, thị xã L C, tỉnh Lào Cai, Việt Nam theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các điều luật, quy định khác có liên quan của Nhà nước Việt Nam.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của Cửa hàng được các bên thỏa thuận tại các từ Điều 2 đến Điều 17 của Hợp đồng.
Ngày 10/5/2000, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam đã cấp Giấy phép đầu tư số 2159/GP cho phép các bên hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng để kinh doanh Cửa hàng miễn thuế có tên gọi là Cửa hàng miễn thuế L C tại khu vực cửa khẩu L C, thị xã L C, tinh Lào Cai và chuẩn y Hợp đồng hợp tác kinh doanh ký ngày 20/01/2000. Ngày 02/3/2005, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam cấp Giấy phép điều chỉnh số 2159/GPĐC chuẩn y việc đổi tên bên Việt Nam trong Hợp đồng hợp tác kinh doanh Cửa hàng miễn thuế L C.
Trong quá trình thực hiện Hợp đồng, các bên còn ký một số phụ lục, cụ thể như sau: Phụ lục số 01 ngày 20/01/2005 xác nhận Công ty xuất nhập khẩu tinh L C chuyển thành Công ty CP xuất nhập khẩu tinh L C và thống nhất Công ty CP xuất nhập khẩu tinh L C sẽ thay thế cho Công ty xuất nhập khẩu tỉnh L C trong Hợp đồng; Phụ lục số 02 ngày 17/3/2010 thỏa thuận kéo dài thời gian thực hiện Hợp đồng lên 20 năm.
Đầu năm 2015, khi thấy lượng hàng tiêu thụ ở Cửa hàng có dấu hiệu giảm sút, Bên liên quan đã tìm hiêu giá nhập của các đơn vị khác kinh doanh cùng mặt hàng trên địa bàn và cho rằng Bên yêu cầu cung cấp hàng hóa với giá cao hơn so với giá thị trường, vi phạm thỏa thuận tại điểm 4.2 Điều 4 Hợp đồng. Bên liên quan nhiều lần gửi văn bản yêu cầu Bên yêu cầu giải thích và sang Việt Nam để kiểm tra tình hình thực tế, nhưng không nhận được sự hợp tác của Bên yêu cầu.
Từ tháng 6/2015, Cửa hàng không còn hàng bán, nhưng Bên yêu cầu không có bất kỳ kế hoạch cung cấp hàng cho Cửa hàng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của Cửa hàng, trong khi Cửa hàng vẫn phải duy trì bộ máy hoạt động.
Tại phiên họp ngày 22/12/2016, đại diện của Bên liên quan giữ nguyên yêu cầu khởi kiện trong Đơn khởi kiện ngày 09/9/2016 yêu cầu chấm dứt Hợp đồng đã ký với Bên yêu cầu. Tại Đơn khởi kiện bổ sung ngày 13/9/2016, Bên liên quan yêu cầu Bên yêu cầu phải bồi thường thiệt hại thực tế là 181.398.000 đồng.
Theo trình bày của Bên yêu cầu tại Bản tự bảo vệ ngày 26/10/2016, các văn thư kèm theo và tại phiên họp thì Bên yêu cầu không vi phạm Hợp đồng. Bên yêu cầu cho rằng do Bên liên quan muốn chiếm dụng khoản tiền vay của Bên yêu cầu (Bên yêu cầu nộp kèm Bản tự bảo vệ 02 Hợp đồng vay vốn số 06/HĐVV ký ngày 08/12/2014 và Hợp đồng vay vốn số 01/HĐVV ký ngày 06/01/2015) nên đã cố ý tạo dựng và đổ lỗi cho Bên yêu cầu đã vi phạm Hợp đồng.
Về ý kiến của Bên liên quan cho rằng Bên yêu cầu cung cấp hàng hóa vào Cửa hàng miễn thuế với mức giá cao hơn mức thị trường, Bên yêu cầu khẳng định đại diện của Bên yêu cầu đã trực tiếp sang làm việc và đã yêu cầu Bên liên quan cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc Bên yêu cầu cung cấp hàng hóa vào Cửa hàng miễn thuế với mức giá cao hơn mức thị trường, tuy nhiên Bên liên quan không có tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh. Để minh chứng cho điều này, Bên yêu cầu đã xuất trình Biên bản làm việc giữa các bên ngày 09/6/2015. Như vậy, Bên liên quan đã đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm đạt được mục đích riêng.
Phản bác lại ý kiến của Bên liên quan cho rằng kể từ tháng 6/2015, Cửa hàng không còn hàng bán, nhưng Bên yêu cầu không cung cấp hàng, Bên yêu cầu khẳng định là vào tháng 7/2015 và tháng 8/2015, Bên yêu cầu đã chuyển cho Bên liên quan 02 Đơn hàng, nhưng Bên liên quan không ký xác nhận Đơn hàng nên không thể thực hiện các thủ tục hải quan để nhập hàng. Bên yêu cầu xuất trình kèm theo Bản tự bảo vệ 02 bản sao của đơn hàng tháng 7/2015 và tháng 8/2013.
Bên yêu cầu còn cho rằng Bên liên quan đã tự ý ký hợp đồng với đối tác nước ngoài khác để nhập khẩu hàng hóa về bán tại Cửa hàng miễn thuế mà không được Bên yêu cầu đồng ý. Tại phiên họp, Bên yêu cầu xuất trình bản sao Hợp đồng ngoại thương cung cấp hàng hóa cho Cửa hàng miễn thuế số RZ1607 - 008 ký ngày 26/7/2016 giữa Bên liên quan với Công ty TNHH quốc tế R để mua thuốc lá điếu, mỹ phẩm, rượu các loại. Bên yêu cầu còn xuất trình bản sao hóa đơn bán hàng do Bên liên quan cấp cho khách hàng vào ngày 19/12/2016. Bên yêu cầu còn cho rằng bản thân Bên liên quan vi phạm nghĩa vụ chuyển giá vốn tháng 4/2015 và trả khoản vay trong tháng 6/2015.
Đại diện của Bên yêu cầu còn cho rằng thời hiệu khởi kiện vụ việc đã hết, vì tranh chấp giữa các bên đã phát sinh từ tháng 01/2014.
Trong Bản tự bảo vệ ngày 26/10/2016 và tại Phiên họp, Bên yêu cầu đề nghị Hội đồng trọng tài giải quyết theo nội dung: Trường hợp Bên liên quan muốn đơn phương chấm dứt Hợp đồng thì Bên liên quan phải chịu tồn thất chi phí phát sinh và thiệt hại tổn thất do hành vi vi phạm Hợp đồng của mình gây ra cho Bên yêu cầu trong thời gian từ tháng 5/2015 đến hết tháng 4/2020 tương đương với số tiền là 10.367.755.622 đồng (gồm 1.054.605.013 đồng tổn thất chi phí phát sinh đã chi + 9.313.150.609 đồng thiệt hại tổn thất do hành vi vi phạm Hợp đồng).
Trường hợp Bên liên quan muốn tiếp tục thực hiện Hợp đồng thì Bên liên quan phải chịu tổn thất chi phí phát sinh và thiệt hại tổn thất do hành vi vi phạm Hợp đồng của mình gây ra cho Bên yêu cầu trong thời gian từ tháng 5/2015 đến hết tháng 7/2016 tương đương với số tiền là 3.264.505.157 đồng (gồm 1.209.900.144 đồng thiệt hại tồn thất do hành vi vi phạm Hợp đồng và 1.054.605.013 đồng/1.622.469.251 đồng (65% của tổng chi phí đã chi).
Phản bác lại ý kiến của Bên yêu cầu về việc Bên liên quan không ký 02 đơn hàng (tháng 7/2015 và tháng 8/2015), Bên liên quan khẳng định Bên liên quan không nhận được 02 đơn hàng này. Bên liên quan lập luận rằng Cửa hàng đang rất cần hàng để tiêu thụ, không có lý do gì Bên liên quan lại không ký các đơn hàng. Về việc chuyển giá vốn tháng 4/2015, Bên liên quan khẳng định rằng Bên liên quan đã chuyển giá vốn tháng 4/2015 cho Bên yêu cầu. Bên cạnh đó, Bên liên quan cho rằng trong Biên bản làm việc ngày 09/6/2015, các bên đã thống nhất nội dung là "Hai bên tiếp tục thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh trong thời gian vướng mắc chưa được giải quyết", nhưng Bên yêu cầu vẫn không có kế hoạch giao hàng và không giao hàng, do đó Bên yêu cầu mới là bên vi phạm Hợp đồng.
Về việc Bên yêu cầu yêu cầu Bên liên quan phải chịu tồn thất chi phí phát sinh và thiệt hại tổn thất do hành vi vi phạm Hợp đồng của mình gây ra với số tiền 10.367.755.622 đồng (trường hợp Bên liên quan muốn đơn phương chấm dứt Hợp đồng) và 3.264.505.157 đồng (trường hợp Bên liên quan muốn tiếp tục thực hiện Hợp đồng), Bên liên quan đề nghị Hội đồng trọng tài không xem xét yêu cầu này với lý do đây là yêu cầu độc lập với các yêu cầu của Bên liên quan và Bên yêu cầu không có Đơn kiện lại.
Phán quyết trọng tài
Ngày 16/01/2016, Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X ban hành Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 29/16 quyết định:
- Chấp nhận yêu cầu của Bên liên quan về việc chấm dứt Hợp đồng hợp tác kinh doanh Cửa hàng miễn thuế L C ký ngày 20/01/2000 giữa Bên liên quan và Bên yêu câu.
- Không chấp nhận yêu cầu của Bên liên quan về việc buộc Bên yêu cầu phải bồi thường thiệt hại với số tiền 181.398.000 đồng.
- Bên liên quan phải chịu phí trọng tài là 22.768.000 đồng.
Ngày 14/02/2016, Công ty G có đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 29/16 với nội dung và căn cứ như sau:
Phán quyết trọng tài đã đưa ra nhiều nhận định và kết luận không phù hợp với tình tiết khách quan và trái các quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể:
- Đã hết thời hiệu khởi kiện vì: Trong đơn khởi kiện của Bên liên quan đã khẳng định thời điểm Bên yêu cầu vi phạm nghĩa vụ là tháng 01/2014 nhưng đến ngày 09/9/2016 mới khởi kiện là đã hết thời hiệu khởi kiện. Tại phiên họp Bên yêu cầu đã nêu về vấn đề thời hiệu khởi kiện nhưng không được Hội đồng trọng tài chấp nhận.
- Việc áp dụng pháp luật để giải quyết hậu quả đối với tranh chấp: Bên yêu cầu cho rằng đây là quan hệ đầu tư có yếu tố nước ngoài nên cần áp dụng Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, khi xảy ra tranh chấp cần phải được đánh giá khách quan và toàn diện nhưng phần Quyết định của Hội đồng trọng tài lại chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bên liên quan về việc chấm dứt Hợp đồng hợp tác kinh doanh mà không xem xét đến hậu quả pháp lý của việc chấm dứt Hợp đồng hợp tác kinh doanh, không xem xét đến nguồn vốn của Bên yêu cầu đã đầu tư, không xem xét đến đối tượng nào được quyền tiếp tục quản lý sửa dụng cửa hàng miễn thuế cho các hoạt động kinh doanh tiếp theo...Như vậy, không đảm bảo khách quan khi giải quyết vụ án, áp dụng pháp luật tùy tiện, vi phạp thủ tục tố tụng, trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Tại phiên họp xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài:
Bên yêu cầu trình bày: giữ nguyên yêu cầu đề nghị Hội đồng xét đơn hủy phán quyết trọng tài theo các chứng cứ, tài liệu đã cung cấp và trình bày trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc. Cụ thể là vi phạm Điều 32 Hiến pháp và các quy định của Bộ luật dân sự về bảo hộ quyền sở hữu, quy định trong Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam của người sở hữu tài sản. Phán quyết không giải quyết tài sản của Bên yêu cầu tại Cửa hàng miễn thuế. Không giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng khi Bên yêu cầu đã đầu tư 970.000 USD, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của Bên yêu cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền khởi kiện lại của Bên yêu cầu, đây là sự giải quyết không triệt để vụ án điều này được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự.
Phán quyết trọng tài đã vi phạm nguyên tắc công bằng, hiệu quả được quy định trong Quy tắc trọng tài của VIAC.
Luật sư của Bên liên quan trình bày: đề nghị Hội đồng xét đơn không chấp nhận đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vì các lý do Bên yêu cầu đưa ra không có căn cứ pháp lý. Hội đồng trọng tài đã xét xử vụ án đúng theo quy định của pháp luật và Quy tắc trọng tài. Bị đơn không có khiếu nại nào liên quan đến Hội đồng trọng tài Đối với yêu cầu đòi bồi thường hơn 10 tỷ đồng, Bên yêu cầu chi trình bày trong quá trình giải quyết vụ án mà không có đơn kiện lại nên Hội đồng trọng tài không xem xét là đúng.
Những vấn đề mà Bên yêu cầu đưa ra về quyền sở hữu, Hội đồng trọng tài chỉ xem xét về hợp đồng hợp tác kinh doanh mà không xem xét đến quyền sở hữu tài sản hai bên đã đầu tư. Sau này nếu hai bên có thể đàm phám với nhau về khoản tiền này, nếu không đàm phán được thì một trong hai bên có quyền khởi kiên trong môt vụ án khác.
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên họp phát biểu quan điểm:
Hội đồng xét đơn đã tuân thủ đúng quy định pháp luật tố tụng, đương sự đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Về đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài nộp đúng thời gian luật định.
Phán quyết trọng tài đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Bên yêu cầu. Cụ thể là:
Hội đồng trọng tài đúng thành phần và trong quá trình xét xử Hội đồng trọng tài không vi phạm Quy tắc trọng tài. Nội dung Phán quyết không trái với những nguyên tắc cơ bản pháp luật Việt Nam. Phán quyết trọng tài không vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại, nên để nghị Hội đồng xét đơn ra Quyết định không hủy Phán quyết trọng tài.
XÉT THẤY
Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 29/16 của Trung tâm trọng tài X ban hành ngày 16/01/2016 và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc, ý kiến của những người được triệu tập đến phiên họp và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội, Hội đồng xét đơn yêu cầu nhận định:
1. Về tố tụng:
Ngày 16/01/2016, Trung tâm trọng tài X ban hành Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 29/16. Ngày 16/02/2016, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội nhận được Đơn của Công ty G về việc yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 29/16 ngày 16/01/2016. Căn cứ khoản 2 Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm g khoản 2 và khoản 3 Điều 7, Điều 69 Luật Trọng tài thương mại thì Bên yêu cầu nộp đơn yêu cầu trong thời hạn theo quy định của pháp luật và Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tiến hành thụ lý và giải quyết là đúng thầm quyền.
2. Về nội dung:
Xét các căn cứ mà Bên yêu cầu đề nghị Tòa án hủy Phán quyết trọng tài,
Hội đồng xét đơn thấy:
Bên yêu cầu cho rằng Bên yêu cầu đã đề nghị Hội đồng trọng tài giải quyết là trường hợp Bên liên quan muốn chấm dứt hợp đồng thì Bên Liên quan phải chịu tổn thất chi phí phát sinh và thiệt hại tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng của mình gây ra cho Bên yêu cầu trong thời gian từ tháng 5/2015 đến hết tháng 4/2020, tương đương với số tiền là 10.367.755.622 đồng.
Trường hợp Bên liên quan muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng thì Bên liên quan phải chịu tổn thất chi phí phát sinh và thiệt hại tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng của mình gây ra cho Bên yêu cầu trong thời gian từ tháng 5/2015 đến hết tháng 7/2016 tương đương với số tiền là 3.264.505.157 đồng.
Tuy nhiên, Hội đồng trọng tài đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bên liên quan về chấm dứt Hợp đồng hợp tác kinh doanh ký ngày 20/01/2000 mà không giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng như đề nghị nêu trên của Bên yêu cầu là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Bên yêu cầu, trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Ngày 04/8/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã có Công văn số 86/2017/CV - TA đề nghị Trung tâm trọng tài X cho biết quan điểm về việc này như thế nào. Tại văn bản số 528/VIAC ngày 07/8/2017, Trung tâm trọng tài X, trao đổi ý kiến với Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, thì theo quy định tại Điều 9 Quy tác Tố tụng trọng tài, Bên yêu cầu có quyền kiện lại Bên liên quan, đơn kiện lại phải được gửi tới Trung tâm vào cùng thời điểm gửi bản tự bảo vệ và thể hiện đẩy đủ những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy tắc Tố tụng trọng tài.
Đối chiếu với các quy định nêu trên của Quy tắc, Hội đồng trọng tài khẳng định trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp số 29/16, Hội đồng trọng tài không nhận được bất kỳ Đơn kiện lại nào của Bên yêu caaif về việc đề nghị Hội đồng trọng tài xem xét, giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng. Do vậy, Hội đồng trọng tài không có cơ sở để xem xét các yêu cầu của Bên yêu cầu.
Trường hợp Bên yêu cầu thấy rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, Bên yêu cầu có thể khởi kiện Bên liên quan tại một vụ tranh chấp khác độc lập với vụ tranh chấp 29/16.
Như vậy, trong vụ tranh chấp 29/16 tại Trung tâm trọng tài X, Bên yêu cầu chưa kiện lại Bên liên quan về yêu cầu giải quyết thiệt hại nếu chấm dứt hợp đồng, do vậy không có căn cứ để Hội đồng xét đơn xem xét yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Bên yêu cầu do Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của Việt Nam. Nếu Bên yêu cầu xét thấy quyền và lợi ích bị xâm phạm thì Bên yêu cầu có thể khởi kiện lại bên liên quan trong một vụ án khác.
QUYẾT ĐỊNH:
- Căn cứ khoản 2 Điều 31, Điều 414, Điều 415 Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Căn cứ Điều 3,Điều 68, Điều 69, Điều 71 và Điều 72 Luật Trọng tài thương mại;
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ quốc hội ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
1. Không chấp nhận yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 29/16 ngày 16/01/2016 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X.
2. Về lệ phí: Công ty G phải chịu 500.000 (năm trăm nghìn) đồng lệ phí yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, được trừ vào số tiền tạm ứng lệ phí đã nộp theo biên lai số 1661 ngày 09/3/2017 của Cục thi hành án dân sự Thành phố Hà Nội.
3. Quyết định này là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các bên, Hội đồng trọng tài không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Trọng tài thương mại: “Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp”.
Tại phiên họp giải quyết tranh chấp, Bên liên quan (Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tỉnh L) giữ nguyên yêu cầu khởi kiện trong Đơn khởi kiện ngày 09/9/2016 yêu cầu chấm dứt Hợp đồng đã ký với Bên yêu cầu.
Liên quan đến việc Bên yêu cầu có yêu cầu Bên liên quan phải chịu tổn thất chi phí phát sinh và thiệt hại tổn thất do hành vi vi phạm Hợp đồng của mình gây ra với số tiền 10.367.755.622 đồng, Bên liên quan đề nghị Hội đồng trọng tài không xem xét yêu cầu này với lý do đây là yêu cầu độc lập với các yêu cầu của Bên liên quan và Bên yêu cầu không có Đơn kiện lại.
Trong Vụ tranh chấp trên, Bên yêu cầu (Công ty G) cho rằng: “Quyết định của Hội đồng trọng tài lại chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bên liên quan về việc chấm dứt Hợp đồng hợp tác kinh doanh mà không xem xét đến hậu quả pháp lý của việc chấm dứt Hợp đồng hợp tác kinh doanh”.
Theo đó, Bên liên quan yêu cầu trọng tài xem xét hậu quả của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, trong Bản tự bảo vệ, Bị đơn không tập trung vào việc bác yêu cầu chấm dứt Hợp đồng của Nguyên đơn mà theo đó, Bị đơn đã có yêu cầu giải quyết hệ quả của việc chấm dứt Hợp đồng.
Hội đồng xét đơn bác đề nghị của Bị đơn dựa trên căn cứ sau: “Bên yêu cầu chưa kiện lại Bên liên quan về yêu cầu giải quyết thiệt hại nếu chấm dứt hợp đồng, do vậy không có căn cứ để Hội đồng xét đơn xem xét yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Bên yêu cầu do Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của Việt Nam”.
Đồng thời, Trung tâm trọng tài X đã trao đổi ý kiến với Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội liên quan đến việc kiện lại của Bị đơn, theo đó tại Điều 9 Quy tắc Tố tụng trọng tài, Bên yêu cầu có quyền kiện lại Bên liên quan, đơn kiện lại phải được gửi tới Trung tâm vào cùng thời điểm gửi bản tự bảo vệ và thể hiện đầy đủ những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy tắc Tố tụng trọng tài.
Từ những căn cứ pháp lý trên, Hội đồng xét đơn kết luận: Không chấp nhận yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 29/16 ngày 16/01/2016 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Trọng tài thương mại “Bị đơn có quyền kiện lại nguyên đơn về những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp” và “việc giải quyết đơn kiện lại do Hội đồng trọng tài giải quyết đơn khởi kiện của nguyên đơn thực hiện theo quy định của Luật này về trình tự, thủ tục giải quyết đơn khởi kiện của nguyên đơn [2]”. Theo quy định trên thì không chỉ đặt ra quyền cho Bị đơn, mà còn đề ra các điều kiện đối với Bị đơn. Vì vậy, Bị đơn có thể sử dụng quyền kiện lại Nguyên đơn trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì cần phải đáp ứng những điều kiện sau: Thứ nhất, Bị đơn chỉ được phép kiện lại Nguyên đơn về những vấn đề nhất định. Thứ hai, những vấn đề trên phải có liên quan đến vụ tranh chấp.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 36 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Đơn kiện lại của Bị đơn phải được gửi cho Trung tâm trọng tài. Trong trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, đơn kiện lại phải gửi cho Hội đồng trọng tài và nguyên đơn. Đơn kiện lại phải được nộp cùng thời điểm nộp bản tự bảo vệ”.
Tại khoản 1 Điều 10 Quy tắc Tố tụng của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) cũng quy định như sau: “Bị đơn có quyền kiện lại Nguyên đơn. Đơn kiện lại phải căn cứ vào thỏa thuận trọng tài mà dựa vào đó Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn. Đơn kiện lại phải bằng văn bản riêng, độc lập với Bản tự bảo vệ. Đơn kiện lại phải được gửi tới Trung tâm vào cùng thời điểm gửi Bản tự bảo vệ” [3].
Căn cứ theo những quy định pháp lý trên, Bị đơn có quyền kiện lại Nguyên đơn và Đơn kiện lại phải căn cứ vào thỏa thuận trọng tài mà dựa vào đó Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn. Đơn kiện lại phải bằng văn bản riêng, độc lập với Bản tự bảo vệ, đồng thời phải được gửi tới Trung tâm vào cùng thời điểm gửi Bản tự bảo vệ. Bên cạnh đó, Bị đơn cũng có thể thực hiện việc kiện lại Nguyên đơn từ chính những nội dung được nêu trong đơn kiện của Nguyên đơn trong giai đoạn gửi bản tự bảo vệ. Trên cơ sở quy định nêu trên, Bị đơn phải làm đơn kiện lại gửi cho tổ chức trọng tài.
Như vậy, Bị đơn phải yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết đối với Đơn kiện lại. Trong trường hợp Bị đơn không yêu cầu xem xét Đơn kiện lại thì Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền xem xét.
Theo thực tế Vụ tranh chấp trên, Hội đồng trọng tài khẳng định: “Trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp số 29/16, Hội đồng trọng tài không nhận được bất kỳ Đơn kiện lại nào của Bên yêu cầu về việc đề nghị Hội đồng trọng tài xem xét, giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng”.
Hội đồng xét đơn của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội cho rằng: “Bên yêu cầu chưa kiện lại Bên liên quan về yêu cầu giải quyết thiệt hại nếu chấm dứt hợp đồng, do vậy không có căn cứ để Hội đồng xét đơn xem xét yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Bên yêu cầu do Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của Việt Nam”.
Như vậy, muốn yêu cầu xem xét thì phải có Đơn kiện lại. Tuy nhiên, trong vụ việc này, Bên yêu cầu không gửi bất kỳ Đơn kiện lại nào đề nghị Hội đồng trọng tài xem xét, giải quyết hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng. Do đó, không có cơ sở để Hội đồng trọng tài xem xét các yêu cầu của Bị đơn.
Hướng giải quyết trên của Hội đồng trọng tài cũng như Hội đồng xét đơn là phù hợp với thực tế vụ tranh chấp và quy định của pháp luật. Kiện lại (hay còn gọi là phản tố trong tố tụng Toà án) là quyền của bị đơn trong giải quyết tranh chấp thông qua phương thức trọng tài bằng Đơn kiện lại, bị đơn cần phải nắm vững những quy định pháp luật qua tình huống pháp lý trên để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.
Quyết định số 07/2017/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đánh dấu một bước quan trọng trong việc xác định rõ ràng các quy định pháp lý liên quan đến đơn kiện lại trong tố tụng trọng tài thương mại. Việc hiểu và nắm vững các khía cạnh của bản án này sẽ giúp doanh nghiệp và cá nhân tự bảo vệ quyền lợi của mình một cách hiệu quả. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.
Chú thích:
[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta38589t1cvn/chi-tiet-ban-an
[2] Khoản 4 Điều 36 Luật Trọng tài thương mại
[3] https://mcac.vn/quy-tac-to-tung
Xem thêm: Chuyên mục: Bình luận bản án, quyết định của tòa án có liên quan đến lĩnh vực trọng tài thương mại
Cùng MCAC tìm hiểu Quyết định số 786/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày 07/06/2022 về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa Công ty C và Công ty F liên quan đến vi phạm thủ tục tố tụng và chứng cứ giả mạo.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.