Điện thoại: 0935 925 068
21/03/2022
KỸ NĂNG THIẾT LẬP ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI
Phần 02: Điều khoản trọng tài không xác định
đích danh tổ chức trọng tài cụ thể giải quyết tranh chấp
Nguyễn Vĩnh Phú
Tổng Thư ký Trung tâm
Trọng tài Thương mại Miền Trung
Căn cứ theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM) và Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM (Nghị quyết số 01/2014) thì có 03 định hướng mà các bên có thể lựa chọn để xây dựng Điều khoản trọng tài:
1. Điều khoản trọng tài xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp.
2. Điều khoản trọng tài không xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp.
3. Điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài, vừa chọn toà án để giải quyết vụ tranh chấp.
Bài viết dưới đây sẽ đi vào trình bày lựa chọn xây dựng Điều khoản trọng tài không xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp.
Theo như hướng này thì nội dung thoả thuận trọng tài thể hiện trong Điều khoản trọng tài như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài”.
Với thoả thuận này thì đã đảm bảo vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài (nếu một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý[1]) phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật TTTM: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”.
Thoả thuận trọng tài trên vẫn chưa đủ để khởi kiện tới một trung tâm trọng tài cụ thể, vì chưa thể hiện về hình thức trọng tài (vụ việc hay quy chế[2]) và tổ chức trọng tài cụ thể.
Tuy nhiên, pháp luật trọng tài đã đưa ra quy định cụ thể tiếp theo để áp dụng khi phát sinh kiểu thoả thuận trọng tài ấy: “Trường hợp các bên đã có thỏa thuận trọng tài nhưng không chỉ rõ hình thức trọng tài hoặc không thể xác định được tổ chức trọng tài cụ thể, thì khi có tranh chấp, các bên phải thỏa thuận lại về hình thức trọng tài hoặc tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp. Nếu không thỏa thuận được thì việc lựa chọn hình thức, tổ chức trọng tài để giải quyết tranh chấp được thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn”[3].
Như vậy, khi phát sinh tranh chấp các bên thoả thuận lại về việc chọn tổ chức trọng tài cụ thể. Trường hợp không thoả thuận được tổ chức trọng tài cụ thể thì nguyên đơn có quyền chọn một trung tâm trọng tài cụ thể để đề nghị giải quyết. Việc thoả thuận lại là bắt buộc, nhưng nguyên đơn cũng không cần phải có sự đồng ý của bị đơn mới được đưa vụ kiện ra giải quyết bằng trọng tài. Điều này thể hiện qua cách giải quyết của một Hội đồng trọng tài như sau: “…Hội đồng trọng tài còn nhận thấy trong thoả thuận trọng tài cũng như Luật TTTM và quy tắc không có quy định nào nói rằng trước khi Nguyên đơn khởi kiện tại VIAC phải được sự đồng ý và chấp nhận của Bị đơn, Hội đồng trọng tài cho rằng Nguyên đơn căn cứ khoản 5 Điều 43 LTTTM để gửi công văn thông báo khởi kiện ngày 28/12/2015 và sau đó lập đơn khởi kiện đề ngày 03/2/2016 gửi VIAC là đúng pháp luật”[4].
Tính hợp pháp trên được thể hiện qua hướng xử lý của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong một quyết định liên quan đến thoả thuận trọng tài: “Do thoả thuận trọng tài sau cùng (ghi trong Phụ lục 1) không xác định được tổ chức Trọng tài cụ thể và các bên cũng không thoả thuận bổ sung về tổ chức Trọng tài nên Nguyên đơn có quyền lựa chọn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) để giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật TTTM”[5].
Trước thời điểm áp dụng Luật TTTM năm 2010 thì thoả thuận trọng tài trên có nguy cơ bị tuyên là vô hiệu nếu các bên không đạt được sự thoả thuận thống nhất về việc chọn tổ chức trọng tài, bởi Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 quy định thoả thuận trọng tài vô hiệu khi: “Thoả thuận trọng tài không quy định hoặc quy định không rõ đối tượng tranh chấp, tổ chức trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp mà sau đó các bên không có thoả thuận bổ sung”[6].
Nhưng từ khi Luật TTTM năm 2010 có hiệu lực thì thoả thuận trọng tài trên không còn vô hiệu nữa, và nó đã giao quyền lựa chọn cho nguyên đơn. Đây chính là điểm thuận lợi vô cùng cho nguyên đơn khi áp dụng điều khoản trọng tài này. Bởi ngay trong điều khoản hợp đồng xác định tổ chức trọng tài ngay từ đầu và những vấn đề khác trong thoả thuận trọng tài nếu không có sự tìm hiểu, chuẩn bị sẽ tiềm ẩn nhiều bất lợi trong tương lai đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, đối tác có trụ sở khắp cả nước. Cố định một trung tâm trọng tài giữa khoảng 30 trung tâm trọng tài thương mại với phần lớn trụ sở ở 2 thành phố lớn và hệ thống đối tác rộng lớn trong một điều khoản trọng tài khuôn mẫu quả là sự lựa chọn không dễ và đôi khi lại là sự trói buộc cho chính các công ty, tập đoàn thương mại.
Vậy tại sao không thể xây dựng một điều khoản trọng tài mở và hợp pháp cho chính mình?
Hướng xây dựng điều khoản trọng tài kiểu: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài” là một giải pháp đáng suy nghĩ.
[1] Điều 6 Luật TTTM
[2] Bài viết chỉ đề cập trong phạm vi trọng tài quy chế.
[3] Khoản 5 Điều 43 Luật TTTM
[4] Quyết định số 09/2016/QĐ-PQTT ngày 14/12/2016 của TAND TP Hà Nội.
[5] Quyết định số 1240/2013/QĐ-GQKN ngày 10/10/2013 của TAND TP HCM.
[6] Khoản 4 Điều 10 Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết định số 272/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Vụ tranh chấp giữa Công ty H và Công ty M đặt ra những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như quá trình giải quyết của Hội đồng Trọng tài.