Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

Chuyên mục bình luận bản án: Gộp nhiều quan hệ tranh chấp vào một vụ kiện

07/02/2022

Chuyên mục bình luận bản án: Gộp nhiều quan hệ tranh chấp vào một vụ kiện

 

Quyết định số 1757/2011/KDTM-QĐ ngày 26/9/2011

của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

 

1. Nội dung vụ việc có liên quan

Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Thương mại A đã ban hành Quyết định Trọng tài về thẩm quyền vụ kiện số 10/10 HCM ngày 29-4-2011 về tranh chấp phát sinh từ 02 Hợp đồng là hợp đồng số WI-LL-01 đề ngày 29-8-2008 và hợp đồng số WI-LL-02 đề ngày 01-9-2008 giữa cùng nguyên đơn và Bị đơn là Công ty Lợi Lợi và Công ty Wilson.

Bị đơn là Công ty Wilson sau đó đã khiếu nại Quyết định Trọng tài về thẩm quyền vụ kiện số 10/10 HCM với lý do: Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết 02 quan hệ hợp đồng trong một vụ kiện số 10/10 HCM.

 Hướng giải quyết của toà án có thẩm quyền: Giữ nguyên Quyết định Trọng tài về thẩm quyền vụ kiện số 10/10 HCM của Trung tâm Trọng tài Thương mại A đối với hợp đồng số WI-LL-01 đề ngày 29-8-2008 và hợp đồng số WI-LL-02 đề ngày 01-9-2008.

2. Bản án, quyết định trích dẫn liên quan như sau:

Quyết định số 1757/2011/KDTM-QĐ ngày 26/9/2011

của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

 

.......

Căn cứ hồ sơ việc dân sự trong lĩnh vực kinh doanh thương mại thụ lý số 591/KDTM-ST ngày 06-7-2011 về việc xem xét giải quyết khiếu nại Quyết định Trọng tài về thẩm quyền vụ kiện số 10/10 HCM về việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng số WI-LL-01 đề ngày 29-8-2008 và hợp đồng số WI-LL-02 đề ngày 01-9-2008 giữa Công ty Lợi Lợi và Công ty Wilson của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Thương mại A công bố ngày 29-4-2011;

Xét Điều khoản giải quyết tranh chấp của hợp đồng số WI-LL 01 để ngày 29-8-2008 và hợp đồng số WI-LL-02 để ngày 01-9-2008 giữa Công ty Lợi Lợi và Công ty Wilson các bên đã thỏa thuận :“bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc thực hiện hoặc giải thích hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng nỗ lực thương lượng, hoà giải giữa hai bên, nếu các bên không đạt được giải pháp hòa giải, tất cả tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bởi Trung tâm Trọng tài Thương mại A bởi Quy tắc tố tụng của nó. Ngôn ngữ được sử dụng trong Trọng tài là tiếng Việt Nam. Quyết định Trọng tài sẽ là cuối cùng và ràng buộc đối với cả hai bên. Chi phí giải quyết tranh chấp do bên thua chịu”.

Xét đơn khởi kiện ngày 19-7-2010 của Công ty Lợi Lợi kiện Công ty Wilson đối với hai hợp đồng số WI-LL-01 đề ngày 29-8-2008 và hợp đồng số WI-LL-02 đề ngày 01-9-2008, sau khi nhận được đơn khởi kiện của Nguyên đơn, Bị đơn là Công ty Wilson đã chỉ định Trọng tài viên để giải quyết tranh chấp hai hợp đồng trên là phù hợp với Điều 8 của Quy tắc tố tụng Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại A. Xét thấy Quyết định Trọng tài về thẩm quyền vụ kiện số 10/10 HCM của Trung tâm Trọng tài Thương mại A công bố ngày 29-4 2011 xác định về việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng số WI-LL-01 đề ngày 29-8-2008 và hợp đồng số WI-LL-02 đề ngày 01-9 2008 giữa Công ty Lợi Lợi và Công ty Wilson thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Thương mại A là phù hợp với các Điều 3, 4, 5 và 9 của Pháp lệnh Trọng tài Thương mại.

QUYẾT ĐỊNH

  1. Không chấp nhận khiếu nại của Công ty Wilson; Giữ nguyên Quyết định Trọng tài về thẩm quyền vụ kiện số 10/10 HCM của Trung tâm Trọng tài Thương mại A công bố ngày 29-4-2011 xác định về việc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng số WI-LL-01 đề ngày 29-8-2008 và hợp đồng số WI-LL-02 đề ngày 01-9-2008 giữa Công ty Lợi Lợi và Công ty Wilson thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Thương mại A. ......

 

3. Nội dung bình luận: Nếu phát sinh nhiều quan hệ hợp đồng thì Nguyên đơn có thể khởi kiện cùng trong một vụ kiện thông qua một đơn kiện gộp?

Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có nhiều điều luật quy định về việc cá nhân, tổ chức có thể kiện một hoặc nhiều cá nhân, tổ chức khác về nhiều quan hệ hợp đồng, quan hệ pháp luật … có liên quan đến nhau mà các bên đã giao kết trong một vụ kiện dân sự. Đơn cử quy định như sau: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án” (khoản 1 Điều 188 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Vậy đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài thì có thể áp dụng các quy định tương tự như đã quy định trên được không?

Luật Trọng tài thương mại năm 2010 không có điều khoản nào quy định về việc có thể kiện gộp nhiều quan hệ tranh chấp vào một vụ kiện.

Tuy nhiên, vấn đề ấy lại được quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại (gọi tắt là Nghị quyết số 01/2014) như sau: “Việc gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ kiện được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Các bên thỏa thuận đồng ý gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện; b) Quy tắc tố tụng trọng tài cho phép gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện”.

Tranh chấp giữa Công ty Lợi Lợi và Công ty Wilson phát sinh từ từ 02 Hợp đồng là hợp đồng số WI-LL-01 đề ngày 29-8-2008 và hợp đồng số WI-LL-02 đề ngày 01-9-2008 đã được Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Thương mại A giải quyết trong một vụ kiện số 10/10 HCM.

Vụ kiện số 10/10 HCM này được giải quyết xuất phát từ một đơn kiện đề ngày 19-7-2010 của Công ty Lợi Lợi.

Như vậy, tranh chấp trên được thực hiện dưới hình thức gộp nhiều quan hệ tranh chấp vào một vụ kiện bởi một Hội đồng Trọng tài.

Vậy Hội đồng Trọng tài thực hiện quy trình tố tụng ấy dựa trên quy định, điều kiện nào?

Xét thấy cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm đang giải quyết cho phép. Được biết thì Trung tâm Trọng tài Thương mại A cho phép việc nhập gộp nhiều vụ tranh chấp vào một vụ kiện để Hội đồng Trọng tài đồng giải quyết.
  • Các bên có thoả thuận. Vụ việc trên thể hiện giữa các bên có sự thoả thuận đồng ý gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện: Sau khi nhận được đơn khởi kiện của Nguyên đơn, thì Bị đơn là Công ty Wilson đã chỉ định Trọng tài viên để giải quyết tranh chấp hai hợp đồng trên.
  • Các quan hệ pháp luật tranh chấp có có liên quan, cùng quan hệ pháp lý;
  • Có thoả thuận trọng tài và đảm bảo sự tương thích về nội dung thoả thuận trọng tài (Hai Hợp đồng trên đều cùng có nội dung thoả thuận trọng tài là vụ việc được giải quyết bởi Trung tâm Trọng tài Thương mại A bởi Quy tắc tố tụng của nó. Ngôn ngữ được sử dụng trong Trọng tài là tiếng Việt Nam. Quyết định Trọng tài sẽ là cuối cùng và ràng buộc đối với cả hai bên. Chi phí giải quyết tranh chấp do bên thua chịu).

Như vậy, xét các điều kiện cho phép phát sinh giữa Nguyên đơn và Bị đơn thì Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Thương mại A đã tiến hành gộp thành vụ kiện số 10/10 HCM ngày 29-4-2011 về tranh chấp phát sinh từ 02 Hợp đồng là hợp đồng số WI-LL-01 đề ngày 29-8-2008 và hợp đồng số WI-LL-02 đề ngày 01-9-2008 giữa cùng nguyên đơn và Bị đơn là Công ty Lợi Lợi và Công ty Wilson.

Trên cơ sở đó thì Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Thương mại A cũng như Toà án có thẩm quyền là Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã bác khiếu nại của Bị đơn là Công ty Wilson khi cho rằng Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền khi tiến hành gộp tranh chấp phát sinh từ 02 Hợp đồng là hợp đồng số WI-LL-01 đề ngày 29-8-2008 và hợp đồng số WI-LL-02 đề ngày 01-9-2008 thành một vụ kiện số 10/10 HCM.

Hiện nay hầu hết các Trung tâm trọng tài đều cho phép việc gộp tranh chấp từ nhiều hợp đồng trong một Đơn khởi kiện để được giải quyết trong một vụ tranh chấp. Ví dụ như Điều 6 của Quy tắc Tố tụng của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) quy định:Các yêu cầu khởi kiện phát sinh từ hoặc liên quan đến nhiều hơn một hợp đồng có thể được gộp trong một Đơn khởi kiện để được giải quyết trong một vụ tranh chấp cho dù các yêu cầu đó được lập trên cơ sở một hoặc nhiều thoả thuận trọng tài”, điều này sẽ giúp các bên giảm tối đa thời gian tham gia tố tụng cũng như phí trọng tài, các chi phí liên quan… đồng thời thể hiện tính hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài mà các bên hướng đến.

 

Tin liên quan

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 786/2022/QĐ-PQTT NGÀY 07/6/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
19 10/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 786/2022/QĐ-PQTT NGÀY 07/6/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Cùng MCAC tìm hiểu Quyết định số 786/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày 07/06/2022 về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa Công ty C và Công ty F liên quan đến vi phạm thủ tục tố tụng và chứng cứ giả mạo.

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2022/QĐ-PQTT NGÀY 25/8/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]
08 10/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2022/QĐ-PQTT NGÀY 25/8/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]

Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG