Điện thoại: 0935 925 068
12/07/2025
Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X đã giải quyết tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng số 26.12.2011/HD-DAP2 ngày 26/12/2011 về gói thầu số 3 (“Hợp đồng EPC1”) giữa Nguyên đơn là Công ty TTCL và Công ty TTCL Việt Nam (gọi chung là “Công ty TTCL”) và Bị đơn là Công ty Cổ phần số 2 (gọi tắt là “Công ty CP2”).
Sau đó, Bị đơn là Công ty Cổ phần số 2 đã khiếu nại đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài Vụ tranh chấp vì lý do: Phán quyết Trọng tài trái với quy định pháp luật về tố tụng trọng tài, vượt quá thẩm quyền và vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam được quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Bị đơn cho rằng Phán quyết Trọng tài có nhiều điểm không khách quan, cụ thể: (i) Chấp nhận toàn bộ yêu cầu thanh toán 100% giá trị hợp đồng dù có sự thay đổi thiết bị làm giảm giá trị thực tế; (ii) Buộc thanh toán cả những khoản chưa đủ điều kiện; (iii) Không cho phép giữ lại các khoản thuế theo quy định; và (iv) Bác bỏ thỏa thuận tại Biên bản M-0137 về việc tạm dừng thanh toán. Theo Bị đơn, những nội dung trên thể hiện việc Hội đồng Trọng tài không đánh giá đầy đủ các căn cứ pháp lý và thỏa thuận của các Bên, vi phạm thủ tục tố tụng và nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, Bị đơn cho rằng Hội đồng Trọng tài đã vượt quá phạm vi thẩm quyền khi không xem xét toàn diện các ý kiến của Bị đơn. Tại Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài, Bị đơn thể hiện rằng:“Việc Hội đồng trọng tài không giải quyết ý kiến của Người yêu cầu sẽ đồng nghĩa với việc không giải quyết triệt để tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài mà vẫn ra phán quyết về nội dung này”.
Thứ ba, Bị đơn cho rằng Phán quyết Trọng tài có những nội dung vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là nguyên tắc công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử.
Hội đồng xét đơn thuộc Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (Hội đồng xét đơn) nhận thấy:
Thứ nhất, về lý do Bị đơn cho rằng Hội đồng Trọng tài vi phạm thủ tục tố tụng trọng tài khi không xem xét các nội dung, ý kiến của Bị đơn. Hội đồng xét đơn nhận thấy, đây là các vấn đề thuộc nội dung Vụ tranh chấp đã được Hội đồng Trọng tài xem xét và đánh giá trong quá trình tố tụng. Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại quy định: "Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào các quy định tại Điều 68 của Luật này và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định; không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết ". Dựa trên quy định pháp luật, khi giải quyết Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn không xét lại nội dung vụ tranh chấp, Tòa án chỉ xem xét dưới góc độ về tố tụng.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 15 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng khẳng định rằng:“Hội đồng xét đơn không có thẩm quyền đánh giá lại chứng cứ hoặc đưa ra nhận định về bản chất vụ tranh chấp đã được Hội đồng trọng tài giải quyết”. Do đó, việc Bị đơn cho rằng Hội đồng Trọng tài đánh giá không đầy đủ hoặc không chấp nhận quan điểm của Bị đơn không có căn cứ pháp lý để hủy Phán quyết Trọng tài. Vì vậy, ý kiến này của Bị đơn không thuộc phạm vi giải quyết của Hội đồng xét đơn.
Thứ hai, về lý do Bị đơn cho rằng Hội đồng Trọng tài giải quyết vượt quá phạm vi thẩm quyền. Hội đồng xét đơn nhận thấy, theo nội dung đơn yêu cầu và lời trình bày của Bị đơn tại Phiên họp, chính Bị đơn đã xác nhận các nội dung nêu trên chỉ là ý kiến chứ không phải là “yêu cầu phản tố” hoặc yêu cầu độc lập gửi đến Hội đồng Trọng tài.
Tại trang 9 của Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài, Bị đơn cho rằng: “việc Hội đồng trọng tài không giải quyết ý kiến của Người yêu cầu sẽ đồng nghĩa với việc không giải quyết triệt để tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài mà vẫn ra phán quyết về nội dung này”. Do đó, lập luận này của Bị đơn là không có cơ sở, trường hợp trên Bị đơn không có yêu cầu thì Hội đồng Trọng tài không thể giải quyết như đã phân tích.
Mặt khác, tại Mục IV của Phán quyết trọng tài, Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X không tuyên xử (chấp nhận hoặc bác) đối với yêu cầu này của Bị đơn. Do đó, việc Bị đơn cho rằng cơ quan giải quyết tranh chấp khác sẽ từ chối giải quyết vì nội dung này đã được giải quyết là không có cơ sở, không có căn cứ để xác định Hội đồng Trọng tài giải quyết tranh chấp vượt quá phạm vi thẩm quyền như trình bày của Bị đơn. Hội đồng xét đơn cho rằng nếu giả sử Hội đồng Trọng tài giải quyết cả phần này thì sẽ vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu của các Bên và sẽ dẫn đến vi phạm thủ tục tố tụng. Do đó, Hội đồng xét đơn xét thấy ý kiến trên của Bị đơn là không có căn cứ để chấp nhận.
Thứ ba, về lý do Bị đơn cho rằng Phán quyết Trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, cụ thể là nguyên tắc công bằng, bình đẳng và không phân biệt đối xử. Hội đồng xét đơn xét thấy rằng, Bị đơn không cung cấp được bất kỳ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh Hội đồng Trọng tài thiếu khách quan, không vô tư hoặc thiên vị trong quá trình giải quyết Vụ tranh chấp. Việc Hội đồng Trọng tài bác bỏ các lập luận của Bị đơn không đồng nghĩa với việc phân biệt đối xử hay vi phạm nguyên tắc bình đẳng.
Căn cứ tại điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP quy định: “Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài sau khi đã chỉ ra được rằng phán quyết có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các Bên hoặc người thứ ba”. Trong Vụ tranh chấp này, không có dấu hiệu nào cho thấy Phán quyết Trọng tài xâm phạm lợi ích công hoặc quyền lợi của chủ thể ngoài tranh chấp.
Căn cứ theo quy định pháp luật và tình hình thực tế Vụ tranh chấp, Hội đồng xét đơn nhận định: Hội đồng Trọng tài đã giải quyết Vụ tranh chấp trên theo đúng quy định, Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X được ban hành theo đúng quy định pháp luật, quy tắc tố tụng trọng tài. Các căn cứ đề nghị hủy Phán quyết Trọng tài của Bị đơn chủ yếu là những nhận xét, đánh giá theo quan điểm của Nguyên đơn và không đưa ra được căn cứ pháp lý nào theo quy định tại Điều 68 Luật TTTM để Hội đồng xét đơn xem xét. Vì vậy, yêu cầu huỷ Phán quyết Trọng tài của Nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận.
TÒA ÁN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Độc lập – Tự do- Hạnh phúc
Số: 1160/2021/QĐ-PQTT Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 11 năm 2021
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC YÊU CẦU HỦY PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI
TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa phiên họp: Ông Lê Công Toại;
Các Thẩm phán: Ông Đào Quốc Thịnh;
Bà Hoàng Thị Bích Thảo.
Thư ký ghi biên bản phiên họp: Bà Lương Thị Thu Trinh, Thư ký Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên họp: Bà Trần Thị Thúy Ái, Kiểm sát viên.
Trong các ngày 17 và 24 tháng 11 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành phiên họp công khai giải quyết việc dân sự thụ lý số 22/2021/TLST-KDTM ngày 29 tháng 01 năm 2021 về việc “Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài” theo Quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự số 3713/2021/QĐ-MPH ngày 22/10/2021 giữa:
- Người yêu cầu: Công ty Cổ phần số 2;
…………….
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
(Các đương sự và Luật sư có mặt tại phiên họp).
Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài đề ngày 05/01/2021 (Tòa án nhận đơn ngày 06/01/2021) của Người yêu cầu đối với Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp lập ngày 02/12/2020 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X giải quyết tranh chấp về Hợp đồng số 26.12.2011/HD-DAP2 về gói thầu số 3 (Hợp đồng EPC1) ký 26/12/2011;
NỘI DUNG TRANH CHẤP:
- Công ty TTCL Việt Nam (nguyên đơn trong phán quyết) yêu cầu Người yêu cầu (bị đơn trong phán quyết) phải thanh toán số tiền 55.648.137.481 đồng bao gồm: Các khoản nợ tồn đọng tính đến 97% giá hợp đồng với số tiền là 2.766.145.240 đồng; Khoản cuối cùng 3% giá hợp đồng với số tiền là 30.266.090.362 đồng; Khoản tiền thiết kế thi công hạng mục đấu nối nguồn 3MW điện 6KV vào trạm 18.1 để lấy điện chạy thử với số tiền là 61.253.500 đồng; Tiền lãi chậm thanh toán phát sinh tính đến ngày 12/10/2020 đối với phần thanh toán đến 97% và 3% còn lại của giá hợp đồng với số tiền là 20.186.762.740 đồng; Chi phí hoàn trả lại cho Công ty TTCL Việt Nam do việc cung cấp hóa chất tẩy rửa đường bôi trơn dầu STG (CP 032) với số tiền là 34.438.999 đồng; Chi phí tư vấn pháp lý và chi phí tố tụng với số tiền là 2.373.447.000 đồng.
- Công ty TTCL (nguyên đơn trong phán quyết) yêu cầu Người yêu cầu (bị đơn trong phán quyết) phải thanh toán tổng số tiền là 12.186.070 USD và 3.396.539.427 đồng, bao gồm: Các khoản nợ tồn đọng tính đến 97% giá hợp đồng với số tiền là 2.896.412USD; Khoản cuối cùng 3% giá hợp đồng với số tiền là 3.004.898USD; tiền lãi chậm thanh toán phát sinh với số tiền là 1.527.304USD; thuế phát sinh từ bản quyền của dự án là 1.052.903USD; lãi chậm thanh toán tiền thuế phát sinh từ bản quyền của dự án là 490.950USD; Các hạng mục công việc phát sinh đã (bao gồm 32 CP) với số tiền là 2.527.835 USD; Chi phí phát sinh do hành vi không thực hiện đúng hợp đồng của chủ đầu tư với số tiền là 301.071USD; Bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm cam kết với số tiền là 18.190USD; Chi phí tư vấn pháp lý và chi phí tố tụng với số tiền 3.396.539.427 đồng.
Phán quyết trọng tài lập ngày 02/12/2020 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X đã quyết định như sau:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TTCL Việt Nam buộc Người yêu cầu phải thanh toán số tiền 37.972.813.144 đồng cho Công ty TTCL Việt Nam.
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty TTCL buộc Người yêu cầu phải thanh toán số tiền 4.665.172USD cho Công ty TTCL.
- Không chấp nhận các yêu cầu khác của Công ty TTCL và Công ty TTCL Việt Nam.
- Không chấp nhận các yêu cầu giảm trừ khác của Người yêu cầu, vì Người yêu cầu không nộp Đơn kiện lại. Đối với các hạng mục này, Người yêu cầu có quyền khởi kiện một vụ tranh chấp khác theo quy định của pháp luật.
…………………..
Tại phiên họp, người yêu cầu vẫn giữ nguyên yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan giữ nguyên ý kiến đã trình bày.
Tại phiên họp, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bà Trần Thị Thúy Ái - Kiểm sát viên, phát biểu: Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét đơn yêu cầu và việc chấp hành pháp luật của các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
………………..
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
[I]. Về thẩm quyền giải quyết và thời hạn nộp đơn yêu cầu:
- Xét đây là việc dân sự về yêu cầu kinh doanh thương mại liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp, nơi Hội đồng trọng tài tuyên Phán quyết trọng tài là Thành phố Hồ Chí Minh, do đó, căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 31; Điểm b Khoản 1 Điều 37; Điểm o Khoản 2 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Khoản 2, Khoản 3 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì yêu cầu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
…………………..
[II]. Về nội dung và căn cứ yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài:
Hội đồng xét đơn yêu cầu (sau đây gọi tắt Hội đồng xét đơn) nhận định về từng lý do mà Người yêu cầu trình bày để yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài như sau:
1/Lý do thủ tục trọng tài trái với quy định của Luật Trọng tài thương mại và Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài X.
1.1. Tại Đơn yêu cầu Người yêu cầu trình bày các nội dung yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài như sau:
- Phần nội dung 1: Phán quyết trọng tài chấp nhận toàn bộ yêu cầu thanh toán đến 100% giá hợp đồng theo yêu cầu của các nguyên đơn và các lập luận của Hội đồng trọng tài liên quan đến việc Công ty TTCL và Công ty TTCL Việt Nam thay đổi thiết bị so với hợp đồng làm giảm giá hợp đồng.
- Phần nội dung 2: Phán quyết trọng tài chấp nhận toàn bộ yêu cầu thanh toán đến 100% giá hợp đồng, bao gồm cả các giá trị hợp đồng chưa đủ điều kiện thanh toán theo yêu cầu của các nguyên đơn.
- Phần nội dung 3: Phán quyết trọng tài chấp nhận toàn bộ yêu cầu thanh toán đến 100% giá hợp đồng theo yêu cầu của các nguyên đơn mà Người yêu cầu không được giữ lại các khoản thuế.
- Phần nội dung 4: Phán quyết trọng tài chấp nhận yêu cầu thanh toán của các nguyên đơn và buộc Người yêu cầu phải tiếp tục thanh toán cho nguyên đơn mà không thể viện dẫn thỏa thuận tại Biên bản M-0137 để dừng thanh toán. Như vậy, các yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Người yêu cầu nêu trên thuộc về nội dung các bên tranh chấp đã được Hội đồng trọng tài ra phán quyết.
Căn cứ Khoản 4 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại: “Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào các quy định tại Điều 68 của Luật này và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định; không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết...” và Khoản 2 Điều 15 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:“Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn không xét lại nội dung vụ tranh chấp mà cần kiểm tra phán quyết trọng tài có thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại hay không…”
1.2. Người yêu cầu cho rằng Hội đồng trọng tài vi phạm thủ tục tố tụng trọng tài:
Tại Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài, Người yêu cầu trình bày: - Ý kiến, yêu cầu của Người yêu cầu không phải giảm trừ giá trị thiết bị thay đổi giảm vào khoản thanh toán cuối cùng mà Người yêu cầu còn nợ nhà thầu. Do đó, Hội đồng trọng tài cần phải giải quyết tranh chấp về giá trị hợp đồng để ra phán quyết về giá trị còn lại mà Người yêu cầu phải thanh toán;
- Ý kiến và yêu cầu của Người yêu cầu là một trong các nội dung tranh chấp và hoàn toàn không phải là những vấn đề có liên quan đến vụ tranh chấp theo Điều 36 Luật Trọng tài thương mại;
- Các ý kiến, yêu cầu của Người yêu cầu chỉ được xem là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn.
Hội đồng xét đơn nhận thấy: Theo nội dung nêu trên, Người yêu cầu xác nhận đây chỉ là ý kiến của bị đơn đối với nội dung của vụ tranh chấp. Như vậy, việc Hội đồng trọng tài không chấp nhận ý kiến của bị đơn đối với nội dung của vụ tranh chấp là quyền quyết định của Hội đồng trọng tài về nội dung; Hội đồng xét đơn cũng không xét lại nội dung vụ tranh chấp như phần trên đã phân tích. Do đó, không có căn cứ để xác định Phán quyết trọng tài vi phạm thủ tục tố tụng của Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài X.
2/ Lý do Hội đồng trọng tài giải quyết vượt quá phạm vi thẩm quyền:
Người yêu cầu cho rằng Hội đồng trọng tài giải quyết vượt quá phạm vi thẩm quyền: Tại trang 9 của Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài, Người yêu cầu cho rằng: “việc Hội đồng trọng tài không giải quyết ý kiến của Người yêu cầu sẽ đồng nghĩa với việc không giải quyết triệt để tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài mà vẫn ra phán quyết về nội dung này”.
Hội đồng xét đơn nhận thấy: Lập luận này của Người yêu cầu là không có cơ sở, bởi trước đó Người yêu cầu đã khẳng định rằng đây chỉ là ý kiến của Người yêu cầu trong vụ tranh chấp, không phải yêu cầu của Người yêu cầu. Do đó, không có yêu cầu thì Hội đồng trọng tài không thể giải quyết như phần trên đã phân tích.
Mặt khác, tại Mục IV của Phán quyết trọng tài, Hội đồng trọng tài không tuyên xử (chấp nhận hoặc bác) đối với yêu cầu này của Người yêu cầu. Do đó, việc Người yêu cầu cho rằng cơ quan giải quyết tranh chấp khác sẽ từ chối giải quyết vì nội dung này đã được giải quyết là không có cơ sở; không có căn cứ để xác định Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp vượt quá phạm vi thẩm quyền như trình bày của Người yêu cầu. Ngược lại: Nếu Hội đồng trọng tài giải quyết cả phần này là vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu của các bên và sẽ dẫn đến vi phạm thủ tục tố tụng. Do đó, Người yêu cầu nêu lý do Hội đồng trọng tài giải quyết vượt quá phạm vi thẩm quyền là không có căn cứ để chấp nhận.
3/ Lý do Phán quyết trọng tài có những nội dung trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam:
Trong đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài, Người yêu cầu cho rằng Phán quyết trọng tài vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, trong việc Hội đồng trọng tài phân biệt đối xử, không công bằng, bình đẳng trong giải quyết vụ tranh chấp.
Hội đồng xét đơn nhận thấy: Không có căn cứ cho rằng Hội đồng trọng tài không vô tư khách quan khi giải quyết vụ tranh chấp; Người yêu cầu cũng không đưa ra được chứng cứ, chứng minh Hội đồng trọng tài phân biệt đối xử, không công bằng, bình đẳng trong giải quyết vụ tranh chấp.
……………………..
Tại điểm đ Khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định: “Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài sau khi đã chỉ ra được rằng phán quyết trọng tài có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà Hội đồng trọng tài đã không thực hiện nguyên tắc này khi ban hành phán quyết trọng tài và phán quyết trọng tài xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên, người thứ ba.”.
Phán quyết trọng tài hoàn toàn không xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 (Người khác ở đây phải được hiểu là người không phải là các chủ thể tranh chấp, không liên quan, tham gia giao dịch). Còn việc Hội đồng trọng tài xem xét quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp là vấn đề thuộc nội dung vụ tranh chấp. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại “Hội đồng xét đơn không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết”. Do đó, Phán quyết trọng tài này không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Ngoài ra, xét thấy cũng không có bất cứ căn cứ nào khác để cho rằng Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hoặc thuộc các trường hợp khác quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Do đó, không có căn cứ để Hội đồng xét đơn ra quyết định hủy Phán quyết trọng tài.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ Khoản 3 Điều 414; Điều 415 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ Điều 68; Điều 71 Luật Trọng tài thương mại năm 2010; Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các quy định pháp luật có liên quan,
QUYẾT ĐỊNH:
I. Không hủy Phán quyết trọng tài của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X lập ngày 02/12/2020, giữa Nguyên đơn là Công ty TTCL và Bị đơn là Công ty Cổ phần số 2.
II. Quyết định này là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; các bên, Hội đồng trọng tài không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị.
Bài viết trên MCAC đã nêu rõ các nội dung liên quan Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 1160/2021/QĐ-PQTT ngày 24/11/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh[1]. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ qua hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.
Quyết định số 08/2021/QĐ-PQTT ngày 30/9/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã bác yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài giữa Công ty HTK và Công ty ĐL liên quan đến gói thầu mua sắm than. Phân tích chi tiết các vấn đề về nguyên tắc pháp lý trong trọng tài thương mại và nhận định của Tòa án.
Quyết định số 300/2021/QĐ-PQTT ngày 09/3/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã bác yêu cầu huỷ bỏ phán quyết trọng tài giữa Công ty F và Công ty H, khẳng định quy trình tố tụng được thực hiện đúng quy định của Luật Trọng tài Thương mại.