Điện thoại: 0935 925 068
02/11/2021
Chuyên mục: Bình luận bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến lĩnh vực Trọng tài thương mại.
Chuyên đề:
Quy định về việc thông báo, gửi văn bản trong tố tụng trọng tài.
1. Nội dung vụ việc có liên quan
Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Thương mại A đã gửi thông báo, Đơn khởi kiện và tài liệu vụ kiện đến Công ty TNHH H theo cách thức được quy định trong Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 (Luật TTTM 2010) và Quy tắc Tố tụng của Trung tâm Trọng tài Thương mại A.
Bị đơn cho rằng người đại diện Công ty TNHH H không nhận trực tiếp những tài liệu trên, không đúng với quy khoản 1 Điều 178 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) nên mất quyền chỉ định Trọng tài viên và gửi Đơn kiện lại. Trong suốt quá trình giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Thương mại A, Bị đơn đã phản đối về việc tống đạt.
Toà án có thẩm quyền nhận định: Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nên không thể thực hiện việc gửi thông báo, văn bản theo cách thức của BLTTDS, mà phải tuân thủ theo Luật TTTM 2010 và Quy tắc Tố tụng của Trung tâm Trọng tài Thương mại A.
2. Bản án, quyết định trích dẫn liên quan như sau:
Quyết định số 605/2018/QĐST-KDTM ngày 16/5/2018 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh
(V/v: Huỷ phán quyết trọng tài)
Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có:
Thẩm phán - chủ tọa phiên họp: Ông Ngô Thanh Nhàn
Các Thẩm phán: Ông Nguyễn Công Phú, Ông Nguyễn Hồng Ân
........
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ kèm theo: Bản sao có chứng thực Phán Quyết trọng tài vụ tranh chấp số 17/17HCM ngày 20/9/2017;
Sau khi xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài ngày 20/10/2017 của công ty TNHH H, trụ sở: Đường S, phường B, Thị xã T, tỉnh Bình Dương là bị đơn; Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 17/17HCM của Hội đồng trọng tài do Trọng tài viên Nguyễn Ngọc L, Nguyễn C và Lê Tân V lập ngày 20/9/2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết tranh chấp về hợp đồng xây dựng, giữa:
Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư X, địa chỉ: Đường N, phường V, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh. Đại diện theo pháp luật: Ông Võ Trí N.
Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Văn Đ - sinh năm 1976. Địa chỉ: Đường P, phường L, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh, là người đại diện theo ủy quyền. (có mặt)
Bị đơn: Công ty TNHH H; Địa chỉ: Đường S, phường B, thị xã T, tỉnh Bình Dương; Đại diện theo pháp luật: Ông John Somerset P và ông Nguyễn Hoàng T.
........
Tranh chấp về việc thanh toán tiền nợ của Hợp đồng Xây dựng số 04/2016/HDKT-NICON ngày 18/7/2016 và Hợp đồng Xây dựng số 05/2016/HDKT-NICON ngày 15/8/2016. Giá trị tranh chấp là1.245.120.411 VND, trong đó nợ gốc theo 2 hợp đồng số 04 và 05 là 1.245.120.411 VND, tiền lãi tạm tính là 49.804.816 VND. Ngày 03/10/2016, Công ty H đã tạm ứng cho Công ty X số tiền là 400.208.160 VND và Công ty X cấn trừ số tiền này vào số nợ gốc nên Công ty H còn phải trả cho Công ty X số tiền 844.912.251 VND.
Tại Trung tâm Trọng tài Thương mại A, Công ty X đề nghị Hội đồng Trọng tài xem xét buộc Công ty H phải trả số tiền là 894.717.068 VND trong đó gồm tiền gốc là 844.912.251 VND và tiền lãi đến 15/8/2017 là 49.804.816 VND.
Tại Phán quyết Trọng tài vụ tranh chấp 17/17HCM của Trung tâm Trọng tài Thương mại A quyết định Công ty TNHH H phải trả cho Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư X tổng số tiền là 892.649.793 VND trong đó tiền nợ gốc từ Hợp đồng 04 và Hợp đồng 05 là 844.912.251 VND và tiền lãi chậm thanh toán là 47.737.542 VND.
Ngày 20/10/2017, Công ty TNHH H có đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp 17/17HCM của Trung tâm Trọng tài Thương mại A.
NỘI DUNG YÊU CẦU VÀ CĂN CỨ YÊU CẦU HỦY PHÁN QUYẾT
TRỌNG TÀI:
* Theo đơn ngày 20/10/2017, bản giải trình bổ sung ngày 06/11/2017 và lời trình bày tại phiên họp của người đại diện Công ty TNHH H (gọi tắt là Công ty H) về yêu cầu hủy phán quyết của Trung tâm Trọng tài Thương mại A đối với vụ tranh chấp số 17/17HCM ngày 20/9/2017 mà Công ty H là bị đơn thì:
Tại đoạn 3 trang số 3 của Phán quyết của Trung tâm Trọng tài Thương mại A ghi nhận rằng bị đơn đã nhận được thông báo trọng tài, đơn khởi kiện của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư X (gọi tắt là Công ty X) và các tài liệu có liên quan vào ngày 26/4/2017 là vô lý và không có căn cứ bởi bị đơn hoàn toàn không biết thông tin và nội dung của vụ tranh chấp số 17/17 HCM và không nhận được thông báo trọng tài, đơn khởi kiện Công ty X và các tài liệu khác có liên quan vào ngày 26/4/2017.
Bị đơn chỉ biết thông tin của vụ tranh chấp khi thư ký của Trung tâm Trọng tài liên hệ và thông báo vào ngày 22/6/2017, sau khi đã mất quyền chỉ định trọng tài viên và đơn khởi kiện lại.
Trong suốt quá trình giải quyết vụ tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài, bị đơn đã nhiều lần nêu ý kiến về việc tống đạt hồ sơ của Trung tâm trọng tài đối với thông báo, đơn khởi kiện của Công ty X và các tài liệu đính kèm trái với quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 12 Luật TTTM nhưng Hội đồng Trọng tài vẫn chấp nhận việc tống đạt thông báo, đơn khởi kiện của Công ty X và các tài liệu đính kèm của Trung tâm Trọng tài Thương mại A.
Việc Hội đồng trọng tài chấp nhận thủ tục tống đạt đối với thông báo, đơn khởi kiện và các tài liệu đính kèm của Công ty X đối với bị đơn, đồng thời ghi nhận rằng bị đơn đã nhận các tài liệu này vào ngày 26/4/2017 là vi phạm khoản 1 Điều 9, khoản 1 Điều 10 và khoản 2 Điều 12 của Quy tắc tố tụng Trọng tài ngày 01/03/2017.
Ngoài ra căn cứ theo khoản 1 Điều 178 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục tống đạt thì người đại diện theo pháp luật của bị đơn chưa được Trung tâm Trọng tài tống đạt hợp lệ các thông báo, đơn khởi kiện và các tài liệu đính kèm của Công ty X.
Từ những phân tích nêu trên, căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010, Công ty H đề nghị Tòa án xem xét hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 17/17 HCM lập ngày 20/9/2017.
XÉT THẤY:
Sau khi xem xét đơn, các tài liệu kèm theo và nghe ý kiến của những người được triệu tập, ý kiến của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh;
........
Về khiếu nại của Công ty TNHH H cho rằng Hội đồng Trọng tài không tống đạt các thông báo, đơn khởi kiện và các tài liệu đính kèm của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư X cho người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH H, dẫn đến việc Công ty TNHH H mất các quyền chỉ định trọng tài viên, nộp bản tự bảo vệ và quyền gửi đơn kiện lại, từ đó làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ tranh chấp, nhận thấy:
- Căn cứ vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như sự xác nhận của người đại diện Công ty TNHH H tại phiên họp thì Công ty TNHH H có trụ sở tại Đường S, phường B, Thị xã T, Tỉnh Bình Dương.
- Căn cứ vào vận đơn và phiếu báo phát ngày 26/4/2017 của Công ty Cổ phần chuyển phát nhanh Bưu Điện thì Trung tâm Trọng tài đã thực hiện việc gửi thông báo và tài liệu vụ kiện đến Công ty TNHH H phù hợp theo quy định tại Điều 12 Luật Trọng tài Thương mại.
- Đồng thời căn cứ Điều 415 Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 28 Luật Trọng tài Thương mại thì việc Trung tâm Trọng tài ban hành Quy tắc tố tụng Trọng tài ngày 01/3/2017, đồng thời áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên là phù hợp quy định pháp luật. Việc người đại diện Công ty TNHH H căn cứ theo quy định về thủ tục tống đạt văn bản tố tụng do Bộ luật tố tụng dân sự quy định là không đúng trong trường hợp này.
Từ những phân tích trên, đồng thời căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại, thì khiếu nại của Công ty TNHH H về việc hủy phán quyết Trọng tài vụ tranh chấp số 17/17 HCM là không có cơ sở chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
Căn cứ Khoản 2 Điều 31, Điểm a Khoản 3 Điều 38, Khoản 3 Điều 414 và Điều 415 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015;
Căn cứ điểm g khoản 2 Điều 7; Điều 12; Điều 28; khoản 2 Điều 68 và khoản 1 Điều 69 Luật Trọng tài Thương mại;
Căn cứ Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài Thương mại.
QUYẾT ĐỊNH:
1. Không hủy Phán quyết Trọng tài vụ tranh chấp số 17/17HCM ngày 20/9/2017 của Trung tâm Trọng tài Thương mại A về việc giải quyết vụ tranh chấp giữa:
.........
2. Quyết định này là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, các bên, Hội đồng trọng tài không có quyền khiếu nại, kháng cáo, Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị./.
3. Nội dung bình luận:
Nội dung cơ bản mà Bị đơn khiếu nại đối với Hội đồng Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại A là vấn đề gửi thông báo, tống đạt văn bản của quy trình tố tụng.
Cụ thể Bị đơn trình bày như sau:
- “Hội đồng Trọng tài không tống đạt các thông báo, đơn khởi kiện và các tài liệu đính kèm của Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư X cho người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH H, dẫn đến việc Công ty TNHH H mất các quyền chỉ định trọng tài viên, nộp bản tự bảo vệ và quyền gửi đơn kiện lại, từ đó làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ tranh chấp”.
- “Căn cứ theo khoản 1 Điều 178 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục tống đạt thì người đại diện theo pháp luật của bị đơn chưa được Trung tâm Trọng tài tống đạt hợp lệ các thông báo, đơn khởi kiện và các tài liệu đính kèm của Công ty X”.
Như vậy, vấn đề chính mà Bị đơn khiếu nại là việc Hội đồng Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại A không tống đạt các thông báo, đơn khởi kiện… đến người đại diện theo pháp luật của Bị đơn (Công ty TNHH H), là vi phạm khoản 1 Điều 178 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Đối chiếu khoản 1 Điều 178 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thủ tục tống đạt cho người đại diện theo pháp luật như sau: “Trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản tố tụng phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trường hợp cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo có người đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì những người này ký nhận văn bản tố tụng đó. Ngày ký nhận là ngày được cấp, tống đạt, thông báo”.
Như vậy, cách thức tống đạt văn bản của BLTTDS 2015 phải là: Tài liệu phải được giao trực tiếp đến người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức hoặc người chịu trách nhận văn bản và phải được họ ký nhận vào văn bản.
Vậy việc Bị đơn khiếu nại về cách thức gửi thông báo của Hội đồng Trọng tài trong trường hợp này có phù hợp hay không?
Hội đồng xét đơn khiếu nại của Toà án xem xét vụ việc trên 03 yếu tố chính:
- “Công ty TNHH H có trụ sở tại Đường S, phường B, Thị xã T, Tỉnh Bình Dương”.
- “Vận đơn và phiếu báo phát ngày 26/4/2017”.
- “Trung tâm Trọng tài ban hành Quy tắc tố tụng Trọng tài ngày 01/3/2017, đồng thời áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên là phù hợp quy định pháp luật”.
Từ đó Toà án thấy rằng Hội đồng Trọng tài đã gửi hồ sơ, văn bản tố tụng cho Bị đơn theo “Quy tắc tố tụng Trọng tài ngày 01/3/2017” là gửi tới địa chỉ “Đường S, phường B, Thị xã T, Tỉnh Bình Dương”, không giao trực tiếp, không ký nhận mà thông qua “vận đơn và phiếu báo phát ngày 26/4/2017 của Công ty Cổ phần chuyển phát nhanh Bưu Điện”.
Và Toà án cũng đồng thuận với quy trình gửi của Hội đồng Trọng tài, còn “việc người đại diện Công ty TNHH H căn cứ theo quy định về thủ tục tống đạt văn bản tố tụng do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định là không đúng trong trường hợp này”.
Sau cùng Toà án kết luận: “Khiếu nại của Công ty TNHH H …. là không có cơ sở chấp nhận”.
Vậy quy định về cách thức gửi thông báo, tống đạt văn bản của tố tụng trọng tài có sự khác biệt với tố tụng toà án như thế nào?
Khoản 2, 3, 4 Điều 12 Luật TTTM 2010 quy định về vấn đề các vấn đề liên quan đến việc gửi văn bản như sau:”2. Các thông báo, tài liệu mà Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài gửi cho các bên được gửi đến địa chỉ của các bên hoặc gửi cho đại diện của các bên theo đúng địa chỉ do các bên thông báo; 3.Các thông báo, tài liệu có thể được Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài gửi bằng phương thức giao trực tiếp, thư bảo đảm, thư thường, fax, telex, telegram, thư điện tử hoặc bằng phương thức khác có ghi nhận việc gửi này; 4.Các thông báo, tài liệu do Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài gửi được coi là đã nhận được vào ngày mà các bên hoặc đại diện của các bên đã nhận hoặc được coi là đã nhận nếu thông báo, tài liệu đó đã được gửi phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều này".
Các quy định trên đã thể hiện 2 nội dung quan trọng:
Vấn đề xác định địa chỉ của bị đơn: Được xác định là “địa chỉ do các bên thông báo” (địa chỉ được ghi trong hợp đồng, giao dịch giữa các bên hoặc địa chỉ mà các bên cung cấp cho Trung tâm trọng tài, Hội đồng trọng tài (nếu có))
Vấn đề gửi văn bản tố tụng: Việc gửi “được coi là đã nhận được” có thể là khi “các bên hoặc đại diện của các bên đã nhận”; có thể hoặc là “được gửi đến địa chỉ của các bên hoặc gửi cho đại diện của các bên theo đúng địa chỉ do các bên thông báo”, miễn là gửi bằng phương thức giao trực tiếp, thư bảo đảm, thư thường, fax, telex, telegram, thư điện tử hoặc bằng phương thức khác có ghi nhận việc gửi này. Nói ngắn gọn là Tố tụng trọng tài yêu cầu chỉ cần gửi cho bị đơn nhận được hoặc gửi qua các đơn vị thứ 3 (ví dụ bưu điện,..) và có chứng cứ việc gửi này mà không cần “giao trực tiếp”.
Vụ tranh chấp trên đã thể hiện quy định và cách thức gửi, tống đạt văn bản của tố tụng trọng tài chỉ cần gửi đúng địa chỉ được cung cấp là đảm bảo quy định. Quy định trên cũng được thể hiện trong khoản 2 Điều Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC): “Thông báo, tài liệu được Trung tâm gửi tới các bên theo đúng địa chỉ do các bên cung cấp”.
Bị đơn nếu viện dẫn theo quy định của tố tụng Toà án - khoản 1 Điều 178 BLTTDS (tức là tống đạt phải được người đại diện pháp luật, người có thẩm quyền ký nhận trực tiếp mới hợp lệ) nên đã mất đi nhiều quyền trong tố tụng trọng tài, đó là quyền phản biện trong bản tự bảo vệ, làm đơn kiện lại và mất đi quyền được chọn một Trọng tài viên.
Hướng giải quyết của Toà án trong vụ việc trên là phù hợp với các quy định của Luật TTTM, đã thể hiện rõ nhận định về cách thức gửi thông báo, tống đạt văn bản tố tụng có sự khác nhau giữa tố tụng toà án và tố tụng trọng tài.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp theo tố tụng trọng tài không hiếm trường hợp Trung tâm trọng tài gửi nhiều lần các loại tài liệu vụ tranh chấp: hồ sơ khởi kiện, thông báo mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp... mà bị đơn không phản hồi, các phiếu báo phát của dịch vụ vận chuyển không có ký nhận…và bị đơn không đến tham dự phiên họp giải quyết vụ tranh chấp.Với những trường hợp này thì các Trung tâm trọng tài căn cứ vào Luật TTTM 2010, quy tắc tố tụng của mình để giải quyết vụ kiện một cách kịp thời, hiệu quả.
Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Sổ tay pháp luật về trọng tài và hoà giải để hướng dẫn cách xử lý của các thẩm phán khi thực hiện hoạt động pháp lý có liên quan đến trọng tài thương mại về vấn đề tống đạt, gửi thông báo như sau: “Khi xem xét yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài liên quan đến việc gửi thông báo, Thẩm phán cần lưu ý việc gửi thông báo tại trọng tài được coi là hợp lệ khi đã thực hiện đúng quy định tại Điều 12(2) LTTTM. Quy định tại Điều 12(2) và Điều 12(4) LTTTM có thể hiểu là địa chỉ mà các bên đã giao dịch trong quá trình ký kết, thực hiện hợp đồng. Do vậy, nếu trọng tài đã gửi thông báo tới đúng địa chỉ này được coi là hợp lệ”
Kết luận: Qua việc phân tích, bình luận Quyết định số 605/2018/QĐST-KDTM ngày 16/5/2018 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh dưới góc độ của tố tụng trọng tài về cách thức gửi, tống đạt văn bản tố tụng, chúng ta đã thấy được sự khác biệt với tố tụng toà án. Nhận biết rõ được sự khác biệt này, từ đó khi tham gia vào phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, thì mỗi bên cần có cách thức ứng xử, hành vi pháp lý phù hợp, đảm bảo được tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình./.
Cùng MCAC tìm hiểu Quyết định số 786/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày 07/06/2022 về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa Công ty C và Công ty F liên quan đến vi phạm thủ tục tố tụng và chứng cứ giả mạo.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.