Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 923/2023/QĐ-PQTT NGÀY 13/6/2023 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

02/08/2024

1. Nội dung vụ việc có liên quan 

Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài Y đã giải quyết tranh chấp về Hợp đồng Hợp tác Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài số 01/2017 – BCC giữa Công ty TNHH B “Công ty B” (Nguyên đơn) và Công ty Cổ phần Thực phẩm G “Công ty G” (Bị đơn).

Bị đơn là Công ty G khiếu nại đối với Phán quyết của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài Y đến Tòa án có thẩm quyền. Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thụ lý đơn yêu cầu và thành lập Hội đồng xét đơn để giải quyết yêu cầu của Bị đơn.

Bị đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài Vụ tranh chấp vì lý do Phán quyết trọng tài không xem xét các nội dung phản bác Đơn khởi kiện trong Bản tự bảo vệ ngày của Công ty G. Bị đơn cho rằng điều này đã vi phạm nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài; Phán quyết trọng tài không phù hợp thực tế và không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền nhận định: Phán quyết trọng tài của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài Y không thuộc trường hợp để hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Do đó, yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp của Công ty G không có cơ sở để Hội đồng xét đơn yêu cầu chấp nhận.

Theo diễn biến vụ tranh chấp, Bị đơn là Công ty G đã nhận được Thông báo số 1794/HCM ngày 24/12/2021 của Trung tâm trọng tài Y cùng với đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo và Quy tắc Tố tụng trọng tài. Ngày 03/11/2022 Bị đơn gửi Bản tự bảo vệ.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại: “nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ”.

Tại Quy tắc Tố tụng của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC): cũng quy định: “Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, Thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, Bị đơn phải gửi tới Trung tâm Bản tự bảo vệ”.[2]

Theo đó, việc Bị đơn đã nộp Bản tự bảo vệ vào ngày 03/11/2022 là quá thời hạn quy định.

Đối chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Quy tắc Tố tụng của  MCAC: “Trung tâm có thể gia hạn thời hạn gửi Bản tự bảo vệ khi có yêu cầu gia hạn của Bị đơn. Yêu cầu gia hạn phải được lập bằng văn bản và phải gửi để Trung tâm nhận được trước khi hết thời hạn gửi Bản tự bảo vệ hoặc trước khi hết thời hạn gia hạn gửi Bản tự bảo vệ”.[3]

Hội đồng xét đơn nhận định: Công ty G nộp bản tự bảo vệ quá thời hạn và Nguyên đơn là Công ty B phản đối, tuy nhiên tại phán quyết trọng tài vẫn ghi nhận ý kiến của Công ty G tại mục E “Quan điểm của Bị đơn” và tại mục F4 Phần F thể hiện: “Hội đồng Trọng tài nhận thấy rằng Bản tự bảo vệ được nộp sau hơn 11 tháng sau kể từ khi nhận được Thông báo của Trung tâm trọng tài Y ngày 26/12/2021 nhưng vẫn trong thời gian quy định tại của Trung tâm trọng tài Y ngày 25/10/2022.

Điều này cho thấy, Hội đồng trọng tài không chấp nhận những luận điểm trong Bản tự bảo vệ về các ý kiến đối với đơn khởi kiện, nhưng sẽ chấp nhận ý kiến của Bị đơn về các yêu cầu được sửa đổi, bổ sung của Nguyên đơn. Hội đồng trọng tài cũng chấp nhận rằng Bị đơn vẫn có quyền trình bày những luận điểm của mình bằng lời nói tại Phiên họp giải quyết tranh chấp”.

Đồng thời, tại phiên họp giải quyết tranh chấp, Công ty G cũng thừa nhận rằng: Bị đơn vẫn được trình bày ý kiến, quan điểm và lập luận để bảo vệ quyền lợi của mình. Ngoài ra, Phán quyết trọng tài thể hiện Hội đồng Trọng tài đã phân tích, đánh giá các ý kiến, lập luận của Bị đơn để đưa ra phán quyết. Như vậy, Hội đồng trọng tài đã tạo điều kiện cho Công ty G thực hiện quyền bình đẳng trong trình bày các quan điểm của mình trong quá trình tố tụng trọng tài. 

Căn cứ theo quy định pháp luật và tình hình thực tế Vụ tranh chấp, Hội đồng xét đơn yêu cầu nhận thấy, lý do yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty G không thuộc các căn cứ để hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại, nên không có cơ sở để Hội đồng xét đơn yêu cầu chấp nhận.

 

2. Bản án, quyết định

Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có:

Thẩm phán - Chủ tọa: Bà Vũ Thị Hường

Các Thẩm phán: Ông Đỗ Quốc Đạt

                            Ông Lê Công Toại

Thư ký phiên họp: Ông Nguyễn Hiệp Định – Thư ký Tòa án của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên họp: Bà Huỳnh Thị Kim Tuyến – Kiểm sát viên.

Căn cứ vào Điều 71 Luật Trọng tài thương mại;

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài như sau: Bản sao Phán quyết trọng tài ngày 14/12/2022 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài Y (sau đây gọi tắt là Phán quyết trọng tài), đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty Cổ phần Thực phẩm G (sau đây gọi tắt là Công ty G), Hợp đồng số BVIE052PR19-RS giữa Công ty G với Công ty TNHH B (sau đây gọi tắt là Công ty B), Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty G; 

Sau khi xem xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty G;

………………….

Phán quyết trọng tài giữa:

  • Nguyên đơn: Công ty TNHH B
  • Bị đơn: Công ty Cổ phần Thực phẩm G

Tranh chấp về Hợp đồng số BVIE-052PR19-RS ký ngày 20/12/2019 giữa hai bên về cung cấp dây chuyền xay xát 14TPH bao gồm việc cung cấp thiết bị, dịch vụ kỹ thuật, giám sát lắp đặt và đưa dây chuyền vào sử dụng (sau đây gọi tắt là Hợp đồng số BVIE-052PR19-RS), trong đó, Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là 7.206.921.844 đồng.

Phán quyết trọng tài đã quyết định như sau:

  1. Bị đơn vi phạm Điều 5.1 Hợp đồng, tức là nghĩa vụ thanh toán 10% Giá mua và nghĩa vụ cung cấp Bảo lãnh thanh toán;
  2. …………………………;
  3. ………………………….;
  4. Mọi khoản thanh toán trong mục G.2 và G.3 nêu trên phải được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày của Phán quyết này. Trong trường hợp Bị đơn không thanh toán cho Nguyên đơn trong khoảng thời gian nói trên, Bị đơn có nghĩa vụ trả tiền lãi cho Nguyên đơn với mức lãi suất là 10%/năm đối với số tiền chưa thanh toán theo Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Phán quyết trọng tài này được lập vào ngày 14 tháng 12 năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Phán quyết trọng tài này là chung thẩm và ràng buộc đối với các bên, và có hiệu lực kể từ ngày được lập.

Nội dung yêu cầu và căn cứ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài: Công ty G không đồng ý với Phán quyết trọng tài vì không phù hợp thực tế, không phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam, gây thiệt hại cho Công ty G, cụ thể:

 - Ngày 03/11/2022 Công ty G gửi đến Hội đồng trọng tài Bản tự bảo vệ phản bác toàn bộ yêu cầu của Đơn khởi kiện ngày 17/12/2021 và Bản sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 05/10/2022 của Công ty B. Tuy nhiên, Phán quyết trọng tài không xem xét các nội dung phản bác Đơn khởi kiện ngày 17/12/2021 trong Bản tự bảo vệ ngày 03/11/2022 của Công ty G.

- Việc Phán quyết trọng tài không xem xét các nội dung phản bác Đơn khởi kiện ngày 17/12/2021 trong Bản tự bảo vệ ngày 03/11/2022 của Công ty G đã vi phạm nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại.

XÉT THẤY:

Sau khi xem xét đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, nghe ý kiến của người yêu cầu là Công ty G, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty B, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét đơn yêu cầu nhận định như sau:

  1. Về thẩm quyền giải quyết: Đây là việc dân sự về yêu cầu kinh doanh thương mại liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp, nơi Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết trọng tài là Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 3 Điều 38, điểm o khoản 2 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và khoản 2, khoản 3 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại, yêu cầu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. 
  2. Về thời hiệu nộp đơn yêu cầu: Ngày 14/12/2022 là ngày công bố Phán quyết trọng tài. Ngày 09/01/2023 Công ty G nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hủy phán quyết trọng tài là còn trong thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Trọng tài thương mại. 
  3. Về nội dung:

Xét tại Phán quyết trọng tài thể hiện: Ngày 26/12/2021 Bị đơn là Công ty G đã nhận được Thông báo số 1794/HCM ngày 24/12//2021 của Trung tâm trọng tài Y cùng với đơn khởi kiện, các tài liệu kèm theo và Quy tắc Tố tụng trọng tài. Ngày 03/11/2022 Bị đơn gửi Bản tự bảo vệ. Theo khoản 2 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại thì “nếu các bên không có thỏa thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ’. Như vậy, Bị đơn đã nộp Bản tự bảo vệ vào ngày 03/11/2022 là quá thời hạn quy định. Hội đồng xét đơn nhận thấy mặc dù Công ty G nộp bản tự bảo vệ quá thời hạn và Nguyên đơn là Công ty B phản đối nhưng tại phán quyết trọng tài vẫn ghi nhận ý kiến của Công ty G tại mục E “Quan điểm của Bị đơn” các đoạn từ 62 đến 72 của Phán quyết trọng tài và tại đoạn 89 mục F4 Phần F thể hiện: “Hội đồng Trọng tài nhận thấy rằng Bản tự bảo vệ được nộp sau hơn 11 tháng sau kể từ khi được Thông báo của Trung tâm trọng tài Y ngày 26/12/2021 nhưng vẫn trong thời gian quy định tại Thư của Trung tâm trọng tài Y ngày 25/10/2022. Vì vậy, Hội đồng trọng tài không chấp nhận những luận điểm trong Bản tự bảo vệ về các ý kiến đối với đơn khởi kiện, nhưng sẽ chấp nhận ý kiến của Bị đơn về các yêu cầu được sửa đổi, bổ sung của Nguyên đơn. Hội đồng trọng tài cũng chấp nhận rằng Bị đơn vẫn có quyền trình bày những luận điểm của mình bằng lời nói tại Phiên họp giải quyết tranh chấp”. Tại phiên họp, Công ty G cũng thừa nhận tại phiên họp giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, Công ty G vẫn được trình bày ý kiến, quan điểm và lập luận để bảo vệ quyền lợi của mình; ngoài ra tại mục F5 của Phán quyết trọng tài thể hiện Hội đồng Trọng tài đã phân tích, đánh giá các ý kiến, lập luận của Bị đơn để đưa ra phán quyết. Như vậy, Hội đồng trọng tài đã tạo điều kiện cho Công ty G thực hiện quyền bình đẳng trong trình bày các quan điểm của mình trong quá trình tố tụng trọng tài. 

Từ phân tích trên, Hội đồng xét đơn yêu cầu nhận thấy, lý do yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty G không thuộc các căn cứ để hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại, nên không có cơ sở để Hội đồng xét đơn yêu cầu chấp nhận.

Xét, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là phù hợp với nhận định nêu trên, nên chấp nhận.

Vì các lẽ trên, 

…………………; 

Căn cứ khoản 1 Điều 5, điểm g khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 16, khoản 2

Điều 68, khoản 1 Điều 69, Điều 71, Điều 72 Luật Trọng tài thương mại năm 2010;  

Căn cứ Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại. 

QUYẾT ĐỊNH:

1. Không hủy Phán quyết trọng tài của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài Y lập ngày 14 tháng 12 năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh giữa:

  • Nguyên đơn: Công ty TNHH B 
  • Bị đơn: Công ty Cổ phần Thực phẩm G

2. Quyết định này là quyết định cuối cùng và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; các bên, Hội đồng trọng tài không có quyền khiếu nại, kháng cáo; Viện kiểm sát không có quyền kháng nghị./.

CHÚ THÍCH:


[2] Khoản 1 Điều 9 quy tắc tố tụng trọng tài MCAC, https://mcac.vn/quy-tac-to-tung

[3] https://mcac.vn/quy-tac-to-tung

 Bài viết trên MCAC đã nêu ra Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 923/2023/QĐ-PQTT ngày 13/6/2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.

Xem thêm: Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 02/2023/QĐ-PQTT ngày 07/8/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Tin liên quan

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 1644/2022/QĐ-PQTT NGÀY 23/9/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH [1]
30 08/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 1644/2022/QĐ-PQTT NGÀY 23/9/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH [1]

Khám phá những điểm nổi bật về vụ tranh chấp giữa Công ty Cổ phần T và công ty TNHH N. Bài viết dưới đây MCAC sẽ phân tích chi tiết về các yếu tố chính trong vụ tranh chấp, lý do Bị đơn yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài và Tòa án có thẩm quyền nhận định về vụ việc trên đối với các bên có liên quan.

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/2023/QĐ-PQTT NGÀY 05/4/2023 CỦA TÒA ÁN NH N D N THÀNH PHỐ HÀ NỘI
15 08/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/2023/QĐ-PQTT NGÀY 05/4/2023 CỦA TÒA ÁN NH N D N THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Khám phá những điểm nổi bật về tranh chấp hợp đồng thương mại giữa Công ty D và Công ty A liên quan đến phán quyết trọng tài. Bài viết dưới đây MCAC sẽ phân tích chi tiết Quyết định số 04/2023/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, từ nguyên nhân tranh chấp đến lý do Tòa án hủy phán quyết trọng tài, và những bài học pháp lý rút ra từ vụ việc này.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG