Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Số điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

KỸ NĂNG THIẾT LẬP ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI: Phần 03: Điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài vừa chọn toà án để giải quyết vụ tranh chấp.

21/03/2022

KỸ NĂNG THIẾT LẬP ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI

Phần 03: Điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài,

vừa chọn toà án để giải quyết vụ tranh chấp.

Nguyễn Vĩnh Phú

                                                                                                       Tổng Thư ký Trung tâm

Trọng tài Thương mại Miền Trung

 

Căn cứ theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM) và Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM (Nghị quyết số 01/2014) thì có 03 định hướng mà các bên có thể lựa chọn để xây dựng Điều khoản trọng tài:

1. Điều khoản trọng tài xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp.

2. Điều khoản trọng tài không xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp.

3. Điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài, vừa chọn toà án để giải quyết vụ tranh chấp.

Bài viết dưới đây sẽ đi vào trình bày lựa chọn xây dựng Điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài, vừa chọn toà án để giải quyết vụ tranh chấp.

Trong Hội thảo về chủ đề “Giải quyết tranh chấp Hợp đồng trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng bằng phương thức Trọng tài thương mại và Hoà giải thương mại” tại TP. Hồ Chí Minh do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Trung tâm Trọng tài Thương mại TP. Hồ Chí Minh (TRACENT) phối hợp tổ chức thì có một nội dung mà bên đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam rất quan tâm là: “Việc ngân hàng ghi tranh chấp chọn trọng tài hoặc tòa án do nguyên đơn lựa chọn có hợp lệ hay không? Nếu ngân hàng chọn kiện ra trọng tài và sau đó hoặc cùng lúc bên vay khởi kiện ra tòa án thì ai tiếp tục giải quyết? ..”[1]

Không ít tổ chức, cá nhân muốn xây dựng một điều khoản trọng tài mà không muốn định danh tổ chức trọng tài cụ thể, và cũng không muốn chỉ khoanh vùng trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, mà họ muốn xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp mà có thể đưa vụ tranh chấp ra Trọng tài hoặc Toà án khi phát sinh, tuỳ theo điều kiện thực tế.

Theo như hướng này thì phần nội dung thoả thuận thể hiện trong điều khoản giải quyết tranh chấp thể hiện như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài hoặc Toà án theo quy định của pháp luật”.

Hoặc có thể là tình huống trong điều khoản giải quyết tranh chấp của hợp đồng được các bên lựa chọn là Toà án có thẩm quyền, nhưng sau đó các bên lập phụ lục hoặc văn bản khác có liên quan, trong đó có lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài (mà không xác định thay thế điều khoản giải quyết tranh chấp theo Toà án). Tình huống có thể là ngược lại: chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài trước trong hợp đồng, sau lại chọn Toà án.

Hướng chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và Toà án là lời giải đáp cho nỗi băn khoăn giữa hai giải pháp, là một “tham vọng” muốn tất cả, nhưng rất là thực tế đối với không ít loại hình doanh nghiệp, là mối bận tâm của đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trong Hội thảo trên. Và đã được pháp luật thừa nhận và có văn bản pháp luật hướng dẫn xử lý cụ thể như sau:

 “Trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này mà phát sinh tranh chấp thì xử lý như sau:

  1. Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại Điều 6 Luật TTTM để từ chối thụ lý, giải quyết. Trong trường hợp này, khi nhận được đơn khởi kiện Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý vụ án thì căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
  2. Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa.
  3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà Tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
  4. Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện”[2].

Như vậy, khi phát sinh tranh chấp thực tế, bên khởi kiện căn cứ vào điều kiện thuận lợi mà có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tại hoặc Toà án để gửi đơn kiện.

Nếu bên khởi kiện đã yêu cầu trọng tài để giải quyết tranh chấp thì Toà án sẽ từ chối thụ lý, giải quyết.

Nếu bên khởi kiện chọn Toà án, mà trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Toà án nhận đơn kiện, hoặc khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định mà bên khởi kiện đổi ý, muốn chọn Trọng tài giải quyết thì gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến Trung tâm trọng tài thương mại (quả là tiện dụng).

Nếu đồng thời có yêu cầu chọn Trọng tài và chọn Toà án giải quyết thì yêu cầu chọn Trọng tài được ưu tiên giải quyết.

Một số ví dụ sau đây sẽ minh hoạ về hướng xử lý của Hội đồng trọng tài, của Hội đồng xét đơn thuộc Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh dựa trên những quy định pháp luật trên.

Ví dụ một: Sơ lược vụ việc như sau: Hai bên trong hợp đồng là Công ty Hoà Bình và Công ty Phú Khang có điều khoản giải quyết tranh chấp chọn trọng tài và Toà án. Khi phát sinh tranh chấp, Công ty Hoà Bình đề nghị VIAC giải quyết và Hội đồng trọng tài thuộc VIAC căn cứ vào thoả thuận trọng tài mà tài phán, ban hành Phán quyết trọng tài giải quyết vụ kiện.

Bị đơn yêu cầu huỷ Phán quyết trọng tài, trong đó có lý do: Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Và sau đây là nhận định và quyết định của Hội đồng xét đơn thuộc TAND TP HCM: “Hội đồng phiên họp nhận định: Căn cứ vào Điều 21 Hợp đồng thi công xây dựng công trình ngày 01/6/2013 các bên thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Còn tại phần II: Điều khoản chung của Phụ lục Hợp đồng số BL01/BK-HB/130601 ngày 20/6/2013 các bên thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng Toà án. Vấn đề mấu chốt ở đây là việc VIAC thụ lý, giải quyết và ban hành phán quyết của vụ kiện có vi phạm sự thoả thuận của hai bên hay không?

Hội đồng phiên họp xét thấy: ….Trong trường hợp, khi thụ lý yêu cầu của Công ty Hoà Bình thì VIAC đã xác minh Công ty Hoà Bình hoặc Công ty Phú Khang chưa làm thủ tục khởi kiện tại Toà án, do đó VIAC thụ lý và giải quyết của Công ty Hoà Bình là phù hợp với quy định, không vi phạm sự thoả thuận của hai bên. Do đó, việc Bị đơn cho rằng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết là không có căn cứ…”[3]

Căn cứ để Toà án quyết định trọng tài có thẩm quyền là: 1) Có tồn tại thoả thuận trọng tài; 2) Công ty Hoà Bình đã chọn trọng tài giải quyết tại VIAC; 3) chưa có bên nào khởi kiện tại Toà án.

Ví dụ hai: Đây là tình huống trong hợp đồng, về điều khoản giải quyết tranh chấp tồn tại 2 điều khoản “mâu thuẫn” vừa chọn Toà án, vừa chọn Trọng tài. Và cách giải quyết của Hội đồng trọng tài và cơ quan Toà án có thẩm quyền như sau: “Mặc dù Điều 9 của Hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất số 063-2011/HĐTD/NKT ngày 26/5/2011 giữa Vina và Kim Thành các bên thoả thuận phương thức giải quyết tranh chấp là:… một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu Toà án có thẩm quyền giải quyết”. Tuy nhiên, tại Điều 13 của Hợp đồng các bên lại thoả thuận: “Các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện trước hết phải được hai bên giải quyết qua con đường thương lượng, hoà giải. Trong trường hợp thương lượng, hoà giải không giải quyết được tranh chấp thì phải đưa vụ tranh chấp đó ra Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam để giải quyết. Việc phân xử sẽ theo pháp luật Việt Nam….

Xét thoả thuận trọng tài mà các bên đã ký kết tại Điều 13 của Hợp đồng đã được người đại diện theo pháp luật của hai bên ký kết, hình thức thoả thuận trọng tài phù hợp với Điều 16 Luật TTTM, không thuộc các trường hợp vô hiệu theo Điều 18 Luật TTTM, do đó việc Bị đơn Kim Thành cho rằng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp do Hợp đồng các bên vừa thoả thuận trọng tài vừa thoả thuận Toà án giải quyết tranh chấp là mâu thuẫn và chưa rõ ràng về thẩm quyền giải quyết tranh chấp là không có cơ sở vì căn cứ Điều 19 Luật TTTM thì thoả thuận Trọng tài của các bên tại Điều 13 của Hợp đồng hoàn toàn độc lập với Điều 9 của Hợp đồng, do đó theo Điều 6 Luật TTTM Toà án phải từ chối thụ lý trong trường hợp có thoả thuận Trọng tài trừ trường hợp thoả thuận Trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được[4].

Thoả thuận giải quyết tranh chấp vừa chọn Trọng tài vừa chọn Toà án phù hợp đối với các tổ chức mà trong quan hệ giao dịch của có liên quan đến đến nhiều bên, như các tổ chức tài chính, ngân hàng, bất động sản…Bởi với thoả thuận “nước đôi” trên thì việc thỏa thuận trọng tài không làm mất đi quyền khởi kiện ra Tòa án của các bên trong tranh chấp, và sẽ tạo thêm cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng (xưa nay thường chọn Toà án) một cơ hội để có quyền lựa chọn việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong những trường hợp mà họ xác định việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ thuận lợi hơn.

Tóm lại: Thoả thuận trọng tài là điều kiện để một tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài[5], là nội dung bắt buộc trong điều khoản trọng tài, nhưng cuộc sống thực tế vốn dĩ đa dạng, các tổ chức doanh nghiệp với nhiều loại hình, quy mô, nhiều bên trong mối quan hệ hợp tác... nên thoả thuận trọng tài trong điều khoản trọng tài cũng tồn tại dưới nhiều cách khác nhau, thể hiện ở 3 hướng như đã trình bày trên: có thoả thuận trọng tài chi tiết: xác định đích danh hình thức, tổ chức trọng tài; có thoả thuận trọng tài không rõ ràng: chỉ thoả thuận chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mà chưa xác định đích danh hình thức, tổ chức trọng tài; có thoả thuận trọng tài “nước đôi”: xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và cả toà án, khi phát sinh tranh chấp thực tế thì tuỳ điều kiện cụ thể, phù hợp… mà các bên xác định phương thức giải quyết trọng tài hay toà án.

Mỗi hướng lựa chọn trên hy vọng sẽ gợi ý cho mỗi tổ chức, cá nhân với đặc điểm, đặc thù của mình mà có sự lựa chọn phù hợp, để cho con đường đến với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một phương án trên bàn đàm phán.

 

 

[1] https://tracent.com.vn/giai-quyet-tranh-chap-hop-dong-trong-linh-vuc-tai-chinh-ngan-hang-bang-phuong-thuc-trong-tai-thuong-mai-va-hoa-giai-thuong-mai/

[2] Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 01/2014.

[3] Quyết định số 923/2017/QĐ-PQTT ngày 21/7/2017 của TAND TP HCM.

[4] Quyết định số 56/2014/QĐ-GQKN ngày 13/01/2014 của TAND TP HCM

[5] Khoản 1 Điều 5 Luật TTTM

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG