Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

KỸ NĂNG THIẾT LẬP ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI. Phần 04: Thoả thuận về lựa chọn quy tắc tố tụng trọng tài

05/04/2022

KỸ NĂNG THIẾT LẬP ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI

Phần 04: Thoả thuận về lựa chọn quy tắc tố tụng trọng tài

 

Luật Trọng tài thương mại năm 2010 điều chỉnh cả những vấn đề cơ bản về tố tụng trọng tài[1]: chương V quy định các vấn đề đơn khởi kiện, chương VII về Hội đồng trọng tài, chương VII về các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chương VIII về Phiên họp giải quyết tranh chấp… Căn cứ theo quy định của Luật TTTM về những vấn đề tố tụng trên thì các trung tâm trọng tài ban hành các quy tắc tố tụng để giải quyết các vụ tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài của mình[2]. Khi các bên trong tranh chấp chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại một trung tâm trọng tài thì phải tuân thủ quy tắc tố tụng của trung tâm ấy và quy tắc tố tụng ấy sẽ mặc nhiên điều chỉnh quá trình giải quyết tranh chấp ấy, trừ khi các bên có thoả thuận khác.

Chúng ta sẽ tham khảo 3 mẫu thoả thuận trọng tài:

Mẫu tham khảo một: Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC).

Mẫu tham khảo hai: Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm này.

Mẫu tham khảo ba: Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm trọng tài A theo Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài B.

Mẫu tham khảo một và hai cơ bản giống nhau, vì như đã trình bày trên, việc thoả thuận Quy tắc tố tụng trọng tài có tính mặc định: Nếu có thoả thuận chọn hoặc không thoả thuận thì đương nhiên vụ tranh chấp ấy sẽ được điều chỉnh bởi quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài ấy.

Mẫu tham khảo ba được áp dụng trong trường hợp các bên xét thấy quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài B có nhiều điều kiện phù hợp nên sẽ chọn, mặc dù chọn sẽ khởi kiện tranh chấp tại Trung tâm trọng tài A, nhưng không áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm này.

Liệu việc lựa chọn mẫu tham khảo ba là có phù hợp, đáp ứng mong mỏi của các bên?

Việc xây dựng điều khoản trọng tài theo mẫu tham khảo ba đòi hỏi sự tìm hiểu rất kỹ về Điều lệ cũng như bản Quy tắc tố tụng trọng tài của những “Trung tâm trọng tài A” liệu có cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp tại “Trung tâm trọng tài A” không, nếu không cho phép và các bên không thoả thuận lại về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế thì thoả thuận trọng tài ấy sẽ rơi vào trường hợp thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được như quy định của Điều 4 Nghị quyết số 01/2014:

Các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài nhưng lại thỏa thuận áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác với Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài đã thỏa thuận và điều lệ của Trung tâm trọng tài do các bên lựa chọn để giải quyết tranh chấp không cho phép áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác và các bên không thỏa thuận được về việc lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thay thế

Trong thực tế hiện nay thì hầu hết các trung tâm trọng tài không cho phép, chỉ áp dụng Quy tắc quy tắc tố tụng do mình ban hành để giải quyết các tranh chấp mà trung tâm giải quyết, thể hiện với lời tuyên bố ngay trong Điều 1 của Quy tắc tố tụng Trọng tài của không ít các trung tâm trọng tài, ví dụ: “Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung được áp dụng để giải quyết các vụ tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung”

Như vậy, để Điều khoản trọng tài như mẫu tham khảo ba được thực hiện, không bị coi là thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được thì các bên phải xác định được trong Điều lệ, Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài sẽ giải quyết vụ tranh chấp có chấp nhận việc áp dụng Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài khác không, nếu không thì các bên phải thoả thuận lại, và chọn Quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài sẽ giải quyết.

Kiến nghị: Nếu như không có chủ ý gì về lựa chọn Quy tắc tố tụng trọng tài thì khi xây dựng điều khoản trọng tài, các bên nên cẩn trọng khi đưa thoả thuận về nội dung này, kẻo sự nhầm lẫn có thể chứa đựng những rủi ro, bất lợi và có khi khiến cho Điều khoản trọng tài có nguy cơ bị tuyên bố là không thể thực hiện được trong tương lai.

 

 

[1] Điều 1 Luật TTTM

[2] Khoản 1 Điều 1 Quy tắc Tố tụng trọng tài của MCAC.

 

Tin liên quan

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 11/2022/QĐ-PQTT NGÀY 20/9/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]
20 09/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 11/2022/QĐ-PQTT NGÀY 20/9/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]

Cùng MCAC tìm hiểu các vấn đề liên quan đến trọng tài thương mại trong vụ án giữa Công ty GMA Accessories và Công ty TNHH THB, được thể hiện qua Quyết định số 11/2022/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, bao gồm tranh chấp hợp đồng mua bán và thỏa thuận trọng tài giữa các bên.

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 1644/2022/QĐ-PQTT NGÀY 23/9/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH [1]
30 08/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 1644/2022/QĐ-PQTT NGÀY 23/9/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH [1]

Khám phá những điểm nổi bật về vụ tranh chấp giữa Công ty Cổ phần T và công ty TNHH N. Bài viết dưới đây MCAC sẽ phân tích chi tiết về các yếu tố chính trong vụ tranh chấp, lý do Bị đơn yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài và Tòa án có thẩm quyền nhận định về vụ việc trên đối với các bên có liên quan.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG