Điện thoại: 0935 925 068
17/06/2022
KỶ NĂNG THIẾT LẬP ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI
Phần 07: Vấn đề lựa chọn Trọng tài viên khi xây dựng điều khoản trọng tài
Nguyễn Vĩnh Phú
Tổng Thư ký Trung tâm
Trọng tài Thương mại Miền Trung
Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này[1], các trọng tài viên sẽ tạo thành Hội đồng trọng tài để giải quyết tranh chấp của các bên. Nên theo quy định của Quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài hay Luật TTTM thì trong Đơn khởi kiện phải có nội dung: “Tên, địa chỉ của người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên”[2], cũng như trách nhiệm chọn Trọng tài viên của bị đơn trong bản tự bảo vệ[3].
Quyền được lựa chọn Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp với số lượng, tiêu chuẩn trọng tài viên là một nét khác biệt của tố tụng trọng tài so với tố tụng Toà án trong giai đoạn hiện nay. Nên việc chọn Trọng tài viên ngay trong điều khoản trọng tài hay trong giai đoạn phát sinh tranh chấp cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các bên.
Các bên có thể chọn Trọng tài viên trong danh sách trọng tài viên của trung tâm trọng tài mà mình muốn đưa ra giải quyết hoặc cũng có thể chọn Trọng tài viên ngoài danh sách ấy (nếu như Quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài giải quyết vụ tranh chấp cho phép).
Khi lựa chọn trọng tài viên các bên cần xem xét các tiêu chuẩn về kinh nghiệm, kiến thức lĩnh vực chuyên môn, ngôn ngữ, cũng căn nhắc đến yếu tố quốc tịch, cư trú… để phù hợp với quan hệ hợp đồng mà các bên xác lập cũng như các chi phí phát sinh.
Ví dụ như khi lựa chọn Trọng tài viên có địa chỉ cư trú không cùng địa điểm giải quyết tranh chấp thì các bên phải chịu thêm về khoản chi phí đi lại, ở của Trọng tài viên ấy hoặc ví dụ địa điểm giải quyết tranh chấp ngoài trụ sở của trung tâm trọng tài thì sẽ tăng thêm mức thu phí trọng tài về vấn đề đi lại, ở của các trọng tài viên, thư ký… Nên trong nhiều trường hợp vấn đề phát sinh chi phí liên quan đến sự lựa chọn Trọng tài viên cũng bị ảnh hưởng các yếu tố như địa điểm giải quyết tranh chấp, trụ sở của trung tâm trọng tài.
Ở Việt Nam thì trong nhiều điều khoản trọng trọng tài mẫu của các trung tâm trọng tài chỉ đề cập đến sự lựa chọn “số lượng trọng tài viên”. Vì vậy, trường hợp nếu các bên muốn thoả thuận chi tiết thêm về tiêu chuẩn Trọng tài viên hoặc các yêu cầu phù hợp khác thì nên xác lập các tiêu chí theo mong muốn của mình. Nếu không thì khi phát sinh tranh chấp thì các bên sẽ lựa chọn Trọng tài viên theo các tiêu chí mà mình mong đợi để thể đảm bảo được việc giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Luật TTTM quy định số lượng Trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài có thể là 1, 2, 5.. hoặc 3, phụ thuộc theo thoả thuận của các bên[4]. “Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên”[5].
Tuy nhiên, Quy tắc Tố tụng của một số trung tâm trọng tài quy định số lượng Trọng tài viên các bên có thể lựa chọn là 3 hoặc 1, ví dụ: “Vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất”[6]. và “Các bên có quyền chọn Hội đồng Trọng tài gồm ba trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất. Trường hợp các bên không thỏa thuận thì vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng Trọng tài gồm ba Trọng tài viên”[7]
Với Hội đồng trọng tài có 3 Trọng tài viên thì theo quy định của hầu hết các trung tâm trọng tài là bên nguyên đơn có quyền chọn một, bên bị đơn chọn một, như vậy sẽ là công bằng, mỗi bên có một Trọng tài viên do chính mình chọn. Sau đó hai Trọng tài viên này sẽ bầu chọn một Trọng tài viên thứ ba làm chủ tịch Hội đồng trọng tài. Trong trường hợp vì lý do gì mà các bên không chọn hoặc yêu cầu chỉ định Trọng tài viên thì việc chỉ định được thực hiện theo quy định của quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm hoặc theo luật định[8].
Thoả thuận về trọng tài viên là thoả thuận tuỳ nghi, nên trường hợp các bên không chọn thì tuỳ vào tình hình cụ thể mà việc chỉ định trọng tài viên “được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định” với số lượng là ba Trọng tài viên; là một Trọng tài viên (nếu các bên thoả thuận tố tụng trọng tài theo Thủ tục rút gọn).
[1] Khoản 5 Điều 3 Luật TTTM, điểm f khoản 2 Điều 7 quy tắc Tố tụng của MCAC.
[2] Điểm e khoản 1 Điều 30 Luật TTTM
[3] Điểm d khoản 1 Điều 35 Luật TTTM
[4] Khoản 1 Điều 39 Luật TTTM
[5] Khoản 2 Điều 39 Luật TTTM
[6] Khoản 1 Điều 11 Quy tắc Tố tụng trọng tài MCAC.
[7] Khoản 2 Điều 11 Quy tắc Tố tụng trọng tài MCAC.
[8] Khoản 1, 2, 3 Điều 40 Luật TTTM; Điều 13 Quy tắc Tố tụng trọng tài MCAC.
Cùng MCAC tìm hiểu Quyết định số 786/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày 07/06/2022 về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa Công ty C và Công ty F liên quan đến vi phạm thủ tục tố tụng và chứng cứ giả mạo.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.