Điện thoại: 0935 925 068
10/08/2021
ƯU ĐIỂM NỔI BẬT CỦA PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG
TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI TRONG SỰ SO SÁNH VỚI TOÀ ÁN
Nguyễn Vĩnh Phú
Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài
Thương mại Miền Trung
Trọng tài thương mại ngày nay đã trở thành một lựa chọn phổ biến trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại trên phạm vi thế giới, phán quyết của các trung tâm trọng tài có giá trị thi hành không chỉ ở nước sở tại mà còn có thể được công nhận và thi hành tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên Công ước New York 1958, điều mà hệ thống toà án Nhà nước không dễ làm được.
Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM 2010) và hệ thống văn bản pháp luật khác có liên quan đã tạo điều kiện cho sự phát triển các trung tâm trọng tài thương mại ở Việt Nam cũng như sự gia nhập của các tổ chức trọng tài quốc tế vào Việt Nam, góp phần vào việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại, có liên quan thương mại... nhanh chóng, hiệu quả.
Như chúng ta biết, Tòa án và Trọng tài cũng đều là những hình thức giải quyết tranh chấp, giữ vai trò là một bên trung lập đối với các bên trong quan hệ tranh chấp. Nên về cơ bản thì kết quả của việc giải quyết tranh chấp của Trọng tài hay Toà án đều có những giá trị pháp lý như nhau. Thể hiện một số điểm cơ bản như sau:
Phán quyết Trọng tài hay bản án của Toà án đều mang hiệu lực pháp luật, ràng buộc các bên đương sự về mặt pháp lý và các bên có nghĩa vụ phải thi hành. Quyền lợi hoặc nghĩa vụ các bên khi được tài phán thì được pháp luật Nhà nước bảo vệ.
Phán quyết Trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (Điều 67 Luật TTTM 2010). Theo như quy định tại Điều 1, Điều 2 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 và Điều 67 Luật TTTM 2010 thì phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và thẩm quyền thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại thuộc về cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước Việt Nam.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp thì Hội đồng trọng tài cũng như thẩm phán đều có quyền ban hành các quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như: cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp,…( khoản 2 Điều 49 Luật TTTM 2010)
Vậy, nên lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Toà án hay Trọng tài để đưa vào điều khoản trong hợp đồng hay khi phát sinh tranh chấp?
Điều gì đã tạo sự khác biệt đáng kể của phương thức giải quyết tranh chấp Trọng tài mà được cộng đồng thế giới xây dựng, phát triển bao thế kỷ nay và được Việt Nam đón nhận như là một xu thế trong những thập niên gần đây?
VẤN ĐỀ SO SÁNH
|
TỐ TỤNG TOÀ ÁN |
TỐ TỤNG TRỌNG TÀI |
Địa điểm giải quyết tranh chấp |
Quy định của pháp luật: BLTTDS 2015 quy định địa điểm giải quyết tranh chấp là Tòa án nơi Bị đơn cư trú, làm việc nếu Bị đơn là cá nhân, nơi đặt trụ sở nếu Bị đơn là cơ quan, tổ chức; nơi cư trú, làm việc của Nguyên đơn, đặt trụ sở của Nguyên đơn nếu các bên có thỏa thuận. Nếu tranh chấp bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền. Quy định: Điều 39 BLTTDS 2015 Thực tiễn áp dụng: Nguyên đơn ở địa điểm khác, xa với Bị đơn thì sẽ phát sinh nhiều chi phí, thời gian… Khi Bị đơn không có ở nơi cư trú, nơi làm việc rõ ràng thì Tòa án khó xác định địa điểm giải quyết cũng như tống đạt, dẫn đến vụ việc bị ảnh hưởng đến thời gian, quy trình tố tụng. |
Luật định và Quy tắc Tố tụng: Xét xử tại trụ sở Trung tâm Trọng tài, địa điểm nào phù hợp hoặc bất kì nơi nào theo sự thỏa thuận của các bên. Quy định: Khoản 1 Điều 11 Luật TTTM 2010, Điều 22 Quy tắc Tố tụng của MCAC Thực tiễn áp dụng: Hội đồng trọng tài căn cứ vào sự thoả thuận của các bên hoặc căn cứ vào điều kiện thuận lợi để tổ chức phiên họp xét xử, đạt hiệu quả về mặt thời gian, chi phí hợp lý cho các bên. Địa điểm xét xử có thể thay đổi theo điều kiện phát sinh. |
Người có thẩm quyền xét xử |
Quy định của pháp luật: Là thẩm phán, Hội thẩm nhân dân do Chánh án Tòa án chỉ định, phân công. Quy định: Khoản 1 Điều 47 BLTTDS 2015 Thực tiễn áp dụng: Một thẩm phán TAND cấp quận huyện có thể được phân công giải quyết đa dạng lĩnh vực từ hợp đồng dân sự đến xây dựng, giao dịch bất động sản hay kinh doanh thương mại (Điều 35, 36 BLTTDS 2015). Điều này ảnh hưởng không ít đến hiệu quả xét xử của các thẩm phán về mặt chuyên môn cũng như thời gian… Hội thẩm nhân dân khi tham gia Hội đồng xét xử có nhiều ý nghĩa tích cực nhưng cũng có khi xuất hiện vài hạn chế như thời gian, trình độ nghiên cứu hồ sơ vụ kiện, trong quá trình xét xử còn nặng về giải thích pháp luật mà chưa tập trung đi sâu vào tình tiết vụ án. |
Luật định và Quy tắc Tố tụng: Là các Trọng tài viên, do các bên chọn; nếu các bên không chọn thì yêu cầu Trung tâm Trọng tài chỉ định Quy định: Điều 40 Luật TTTM 2010, Điều 12 Quy tắc Tố tụng của MCAC Thực tiễn áp dụng: Trọng tài viên được đương sự lựa chọn dựa trên kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực như: tài chính ngân hàng, Kinh doanh thương mại, ngoại thương, kiến trúc xây dựng… Đây cũng là cơ sở để bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho đương sự cũng như tham gia giải quyết vụ kiện hiệu quả, đúng đắn… |
Thời gian giải quyết một vụ tranh chấp |
Quy định của pháp luật: Giai đoạn sơ thẩm, quá trình thụ lý và xét xử: 04 đến 06 tháng (Điều 203 BLTTDS 2015) Giai đoạn phúc thẩm: 04 đến 05 tháng (Điều 286 BLTTDS 2015). Ngoài ra, Tòa án có thể ra quyết định tạm đình chỉ không thời hạn giải quyết vụ kiện (Điều 214, 288 BLTTDS 2015) Bản án còn có thể bị xem xét theo các thủ tục giám đốc thẩm trong 04 tháng (Điều 339 BLTTDS 2015) hoặc tái thẩm trong 04 tháng (Điều 357 BLTTDS 2015) Thực tiễn áp dụng: Thời gian giải quyết thực tế dài hơn quy định, các tranh chấp kinh doanh thương mại có thể kéo dài qua nhiều năm. |
Luật định và Quy tắc Tố tụng: Thông thường là 03 đến 04 tháng, từ thời điểm bắt đầu tố tụng Trọng tài đến khi có phán quyết của Trọng tài Quy định: Điều 32 đến Điều 61 Luật TTTM 2010, Điều 10, 12, 13, 25, 26, 32 Quy tắc Tố tụng của MCAC Thực tiễn áp dụng: Các Trung tâm trọng tài luôn xem thời gian giải quyết tranh chấp là một ưu tiên hàng đầu, linh hoạt trong thủ tục để vụ kiện được giải quyết với thời gian tối đa 03 tháng. |
Áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn |
Quy định của pháp luật: Toà án chỉ áp dụng thủ tục rút gọn khi vụ kiện có các điều kiện theo luật định. Thời gian giải quyết có thể rút ngắn như sau: Giai đoạn sơ thẩm: 03 tháng Giai đoạn phúc thẩm: 03 tháng Quy định: Điều 191, 203, 286, 317, 318, 322, 323 BLTTDS 2015. Thực tiễn áp dụng: Thực tế tố tụng Toà án ít khi đảm bảo thời gian rút gọn như được quy định trên. Chưa có hướng dẫn cụ thể về các tình huống, tình tiết thoả mãn điều kiện rút gọn. Không ít bản án đã bị huỷ do có sự không thống nhất về cách đánh giá các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian, tài chính của người khởi kiện. |
Luật định và Quy tắc Tố tụng: Luật TTTM 2010 hoặc Quy tắc Tố tụng của các trung tâm trọng tài thương mại cho phép các bên có thể thoả thuận về việc áp dụng việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn để rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp Quy định: Khoản 6, Điều 3 Luật TTTM 2010, Điều 37 Quy tắc Tố tụng của MCAC. Hiện nay đa số các tranh chấp đơn giản tại Trung tâm Trọng tài xét xử theo thủ tục rút gọn chỉ còn kéo dài 30 ngày |
Ngôn ngữ xét xử |
Quy định của pháp luật: Tiếng Việt (Điều 20 BLTTDS 2015) là ngôn ngữ xét xử duy nhất Thực tiễn áp dụng: Trong các tranh chấp có yếu tố nước ngoài, đương sự là người nước ngoài thì việc giải quyết tranh chấp diễn ra rất khó khăn cho cả Tòa án lẫn các bên đương sự. Những hồ sơ tài liệu sử dụng ngoại ngữ thực tế đã gây nhiều tình huống pháp lý bất lợi cho các bên trong quá trình giải quyết tại Toà án. |
Luật định và Quy tắc Tố tụng: Ngôn ngữ tiếng Việt. Nếu có yếu tố nước ngoài các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn ngôn ngữ (khoản 2 Điều 10 Luật TTTM 2010, Điều 23 Quy tắc Tố tụng của MCAC ) Thực tiễn áp dụng: Các Trung tâm trọng tài đều có Trọng tài viên thành thạo nhiều ngôn ngữ, thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp. |
Các cấp xét xử vụ tranh chấp |
Quy định của pháp luật: Có nhiều cấp xét xử: từ sơ thẩm đến phúc thẩm, bản án của Tòa có thể xem xét lại theo giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Thực tiễn áp dụng: Không ít các vụ tranh chấp đều có yêu cầu xét xử sơ thẩm đến phúc thẩm. Do tố tụng Tòa án với nhiều giai đoạn xét xử khác nên dẫn tới tình trạng kéo dài thời gian, đây là lý do mà các nhiều tổ chức, cá nhân, các tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh thương mại không muốn lựa chọn. |
Luật định và Quy tắc Tố tụng: Vụ kiện chỉ xét xử một lần. Phán quyết của trọng tài có tính chung thẩm, có hiệu lực thi hành, không bị kháng cáo, kháng nghị. Thực tiễn áp dụng: Phán quyết của Trọng tài có giá trị chung thẩm nên không gây thiệt hại về chi phí cũng như thời gian cho các bên. |
Tính bảo mật trong quá trình giải quyết tranh chấp |
Quy định của pháp luật: Công khai (Công chúng được tham dự, truyền thông đưa tin…) là nguyên tắc xét xử của Tòa án. Quy định: Điều 15 BLTTDS 2015. Thực tiễn áp dụng: Tòa án công khai bản án trên website: https://congbobanan.toaan.gov.vn/ Việc công khai thông tin tranh chấp đôi khi có thể làm lộ bí mật kinh doanh hay làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của doanh nghiệp, nhất là những công ty có tên trên sàn chứng khoán. |
Luật định và Quy tắc Tố tụng: Không công khai. Quy định: Khoản 4 Điều 4 Luật TTTM 2010, Điều 25 Quy tắc Tố tụng của MCAC. Thực tiễn áp dụng: Tố tụng trọng tài luôn bảo mật các hồ sơ tài liệu vụ kiện, các thông tin trong quá trình giải quyết tranh chấp. Phán quyết Trọng tài không được công bố hay để truyền thông tiếp cận. |
Án phí/ phí trọng tài |
Quy định của pháp luật: Án phí giải quyết tranh chấp tại Toà án được pháp luật quy định cụ thể, thống nhất tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mức án phí của Tòa án thấp hơn so với mức phí Trọng tài. Tuy nhiên nếu việc xét xử kéo dài, nhiều cấp và khác nhau về địa điểm xét xử... thì sẽ làm tổng chi phí sẽ cao hơn nhiều. |
Quy định của Trọng tài: Được quy định trong Biểu phí trọng tài mà các trung tâm trọng tài thương mại công bố công khai. Mỗi Trung tâm trọng tài có quy định mức phí Trọng tài khác nhau. Cao hơn mức phí của Tòa án nhưng có hạch toán rõ ràng, giảm thiểu những chi phí khác. |
Hoàn án phí/ Phí trọng tài trong trường hợp Nguyên đơn thắng kiện |
Quy định của pháp luật: Khi Nguyên đơn thắng kiện và không có thoả thuận gì khác về phân chia án phí thì toàn bộ tiền tạm ứng án phí sẽ được cơ quan Thi hành án Dân sự hoàn trả cho Nguyên đơn theo trình tự thủ tục quy định.
Quy định: Điều 144 BLTTDS 2015, Điều 126 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014. Nhận xét: Nguyên đơn sẽ được hoàn trả trực tiếp từ cơ quan Thi hành án trong khoản thời gian luật định. Tuy nhiên trình tự thủ tục để Nguyên đơn nhận lại tiền tạm ứng án phí đã nộp từ hệ thống tư pháp cũng phát sinh nhiều khó khăn trong thực tế.
|
Quy định của Trọng tài: Trung tâm Trọng tài không hoàn trả tiền tạm ứng phí Trọng tài cho Nguyên đơn, mà Bị đơn sẽ có nghĩa vụ thanh toán lại cho Nguyên đơn. Quy định: Khoản 3 Điều 34 Luật TTTM 2010 Nhận xét: - Phí Trọng tài này Nguyên đơn sẽ nhận được trong phần nghĩa vụ của Bị đơn. - Với việc Nguyên đơn được tham gia trong một hình thức tố tụng chuyên nghiệp, hiệu quả, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí đi lại, chi phí luật sư... thì thiết nghĩ sự khác biệt này cũng là điều phù hợp. |
Vấn đề huỷ án |
Quy định của pháp luật: Bản án sơ thẩm có thể bị huỷ để xét xử lại bởi cấp phúc thẩm. Án phúc thẩm có thể bị hủy bằng các thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm với thời gian dài khó mà xác định được. Thậm chí Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Người yêu cầu huỷ án, xem xét lại bản án: Nguyên đơn, Bị đơn, người có thẩm quyền của Viện kiểm sát, Toà án nhân dân… Quy định: Điều 308, 310, 311, 326, 271, 331, 343, 345, 356… BLTTDS 2015 Nhận thấy: Khả năng bản án của Toà có thể bị huỷ bởi: - Lý do: vi phạm thủ tục tố tụng, không đúng nội dung, áp dụng sai pháp luật… - Bị huỷ ở cấp xét xử khác nhau: bị hủy ở cấp phúc thẩm, bị hủy theo thủ tục giám đốc thẩm hay tái thẩm. - Có thể bị hủy nhiều lần cùng cấp: Án sơ thẩm bị huỷ, khi xử lại cũng có thể bị huỷ.. - Chủ thể có quyền yêu cầu huỷ, xem xét Bản án không chỉ là Bị đơn mà còn là Nguyên đơn, người có thẩm quyền của Viện kiểm sát, Toà án nhân dân…. Sự kiểm soát chặc chẽ của hệ thống Toà án có những ưu điểm đáng kể, tuy nhiên cũng ảnh hưởng không ít đến quá trình đi tìm công lý, quyền lợi chính đáng của các đương sự. |
Quy định của Trọng tài: Phán quyết trọng tài có thể bị xen xét hủy bởi Tòa án cấp tỉnh. Căn cứ xem xét là vi phạm các vấn đề về thủ tục tố tụng như vi phạm tố tụng, thoả thuận trọng tài, thành lập Hội đồng trọng tài,… Toà án không có thẩm quyền xem xét về nội dung pháp luật của Phán quyết trọng tài, trừ trường hợp có vi phạm trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Thời hạn Toà án giải quyết: 40 ngày bởi một Hội đồng xét đơn là 03 thẩm phán có kinh nghiệm của toà chuyên trách cấp Tỉnh. Quy định: Khoản 4 Điều 4 Luật TTTM 2010, khoản 3 Điều 414 BLTTDS 2015 Nhận thấy: Yêu cầu huỷ Phán quyết chỉ là một bên trong tranh chấp và chỉ bởi 01 toà án cấp Tỉnh. Phần lớn việc xem xét huỷ Phán quyết ở khía cạnh liên quan đến thủ tục tố tụng. Các Trung tâm trọng tài cùng với Ban Thư ký của mình hỗ trợ Hội đồng Trọng tài trong các vấn đề về tố tụng nên việc sai sót là hiếm khi xảy ra. |
Phạm vi hiệu lực quốc tế của bản án/ Phán quyết |
Các bản án dân sự, thương mại của Toà án được áp dụng ở nước ngoài khi giữa Nhà nước Việt Nam có ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương với các nước ấy. Theo như Công văn số Số: 33/TANDTC-HTQT ngày 17/3/2021 của Toà án nhân dân tối cao về việc công tác tương trợ tư pháp, tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài (dẫn nguồn từ: https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/35001/file-60-hiep-dinh-tuong-tro-tu-phap-tinh-den-ngay-17-3-2021) thì Việt Nam có ký kết một số hiệp định về lĩnh vực dân sự, thương mại với một số quốc gia như sau: Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa An-giê-ri dân chủ và nhân dân Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Pháp Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hung-ga-ri. ……… |
Việt Nam đã tham gia Công ước về Công nhận và Thi hành các Quyết định Trọng tài nước ngoài của Liên Hợp Quốc, hay được gọi tắt là Công ước New York 1958 với khoảng 150 nước thành viên vào năm 1995. Chính vì thế nên Phán quyết của Trọng tài thương mại Việt Nam có hiệu lực được công nhận và thi hành ngay trong các nước thành viên ấy, như các quốc gia: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapo… Ý nghĩa quan trọng của hiệu lực lãnh thổ quốc tế rộng lớn của Phán quyết sẽ có nhiều thuận lợi cho tranh chấp có yếu tố nước ngoài, thi hành các quyền lợi, tài sản mà đương sự được hưởng ở một quốc gia khác. Như vậy, Phán quyết trọng tài có phạm vi hiệu lực quốc tế hơn so với bản án của Toà, những Phán quyết trọng tài ấy góp phần đưa những quyết định của Hội đồng trọng tài lập tại Việt Nam vươn tầm ảnh hưởng đến với cộng đồng quốc tế. |
Phán quyết trọng tài thương mại Việt Nam khi được ban hành không chỉ những có hiệu lực như một bản án của Toà án mà còn có hiệu lực trên cộng đồng thế giới rộng lớn; Tố tụng Trọng tài không chỉ tuân thủ các quy trình tố tụng luật định để đảm bảo tính nghiêm minh, nghiêm trang của chốn pháp đình mà còn được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, rút ngắn thời gian tố tụng hợp lý, lựa chọn địa điểm giải quyết.. trên cơ sở tôn trọng tối đa sự thoả thuận, hợp tác của các bên trong tranh chấp.
Trọng tài thương mại với những giá trị được trình bày, so sánh trên (theo góc nhìn của người viết) hy vọng là sự lựa chọn hợp lý cho các đối tác trong hoạt động kinh doanh thương mại, giao dịch dân sự, hoá giải sự đối kháng trong những tình huống đối kháng để hướng đến một mục tiêu cùng phát triển.
Thành phố Đà Nẵng, ngày 10/8/2021
Cùng MCAC tìm hiểu Quyết định số 786/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày 07/06/2022 về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa Công ty C và Công ty F liên quan đến vi phạm thủ tục tố tụng và chứng cứ giả mạo.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.