Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/2019/QĐ-PQTT NGÀY 21/05/2019 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]

07/05/2025

1. Nội dung vụ việc có liên quan 

Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X đã giải quyết tranh chấp về kết Hợp đồng mua bán căn hộ số 08/SG2-BLFISH/2008 (sau đây gọi tắt là “Hợp Đồng 08”), giữa Nguyên đơn là Công ty BFL và Bị đơn là Công ty cổ phần khai thác Thủy điện SG (sau đây gọi là “Công ty SG”).

Sau đó, Bị đơn là Công ty SG khiếu nại đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài Vụ tranh chấp vì các lý do: Thứ nhất, Bị đơn cho rằng Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X không có thẩm quyền giải quyết Vụ tranh chấp. Thứ hai, Bị đơn cho rằng Hội đồng Trọng tài đã sử dụng chứng cứ giả mạo để xem xét giải quyết vụ án. Thứ ba, Bị đơn cho rằng Phán quyết của Hội đồng Trọng tài trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.

Bị đơn có ý kiến trình bày cụ thể như sau: Thứ nhất, Bị đơn cho rằng Trung tâm trọng tài X không có thẩm quyền giải quyết Vụ tranh chấp. Bị đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài vô hiệu và không rõ ràng nên Trung tâm trọng tài X không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Bị đơn trình bày Hội đồng Trọng tài đã không mở phiên họp xem xét giải quyết tranh chấp về thẩm quyền.

Thứ hai, Bị đơn cho rằng Hội đồng Trọng tài đã sử dụng chứng cứ giả mạo để xem xét giải quyết vụ án. Bị đơn nghi ngờ việc Công ty BFL có thực sự thể hiện ý chí khởi kiện hay không. Vì vậy, Bị đơn yêu cầu Công ty BFL cung cấp biên bản họp Hội đồng quản trị trong đó thể hiện rõ việc giao cho bà S thẩm quyền ký đơn khởi kiện và thực hiện việc ủy quyền. Tuy nhiên, Công ty BFL đã không cung cấp tài liệu này. Bị đơn còn nghi ngờ biên bản được xuất trình là tài liệu giả mạo vì nó không do người đại diện theo pháp luật của Công ty BFL ký, mà lại do một người giữ chức vụ Giám đốc thương mại ký - người này không có thẩm quyền đại diện cho Công ty BFL. Ngoài ra, Bị đơn nhận thấy tài liệu còn được đóng dấu khác lạ: chỉ có chữ "BFL" ở giữa, thay vì sử dụng con dấu thường được dùng trong các văn bản chính thức của Công ty BFL.

Thứ ba, Bị đơn cho rằng Phán quyết của Hội đồng Trọng tài trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Bị đơn trình bày căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự và khoản 2 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại, Hội đồng Trọng tài phải đảm bảo tính độc lập, khách quan và xem xét đầy đủ ý kiến của các bên. Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài đã không thực hiện đúng yêu cầu này khi chỉ căn cứ vào biên bản ngày 16/11/2012 để xác định thỏa thuận cuối cùng về việc thanh toán 10%, mặc dù Bị đơn đã phản đối và khẳng định biên bản này không liên quan đến thỏa thuận thanh toán 10% giá trị cuối cùng theo L/C. Việc Hội đồng Trọng tài bỏ qua ý kiến và chứng cứ do Bị đơn cung cấp cho thấy Phán quyết Trọng tài không đảm bảo tính vô tư, khách quan.

 

Hội đồng xét đơn thuộc Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội (Hội đồng xét đơn) nhận thấy: Một là, đối với ý kiến Bị đơn cho rằng Phán quyết Trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, theo điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP, thì các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam được giải thích là “các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam”. Do đó, các nguyên tắc cơ bản phải mang tính phổ quát, không phải là các quy định đơn lẻ hướng dẫn cụ thể cách ứng xử của các bên trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng hoặc giải quyết tranh chấp. Các lập luận của Bị đơn không chứng minh được rằng Phán quyết Trọng tài đã vi phạm bất kỳ nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, đây không phải là căn cứ để hủy Phán quyết Trọng tài theo quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại.

Hai là, đối với ý kiến Bị đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài không rõ ràng nên Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Hội đồng xét đơn nhận thấy tại Điều 22 của Hợp đồng, các Bên đã thỏa thuận rõ việc giải quyết tranh chấp "tại Trung tâm Trọng tài X, theo quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài X, Luật Trọng tài thương mại Việt Nam". Điều này thể hiện sự chỉ định rõ ràng Trung tâm Trọng tài X là cơ quan giải quyết tranh chấp. Hơn nữa, Hội đồng xét đơn nhận thấy Bị đơn đã mất quyền phản đối hiệu lực của thỏa thuận trọng tài theo khoản 1 Điều 9 Quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài X, do Bị đơn không nộp bản tự bảo vệ trong thời hạn 30 ngày, cũng không có yêu cầu gia hạn hay bất kỳ phản hồi nào.

Tại khoản 1 Điều 9 Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) cũng quy định như sau: “Trừ khi các bên có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, Đơn khởi kiện, Thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, Bị đơn phải gửi tới Trung tâm Bản tự bảo vệ. ... Trong trường hợp Bị đơn cho rằng Thỏa thuận trọng tài không tồn tại, Thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Bị đơn phải nêu rõ trong Bản tự bảo vệ. Nếu Bị đơn không nêu rõ điều đó trong Bản tự bảo vệ thì Bị đơn mất quyền phản đối...”[2].

Ba là, đối với ý kiến cho rằng Hi đồng Trọng tài căn cứ vào tài liệu giả mạo để ra Phán quyết. Hội đồng xét đơn nhận thấy theo điểm a khoản 3 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại, Bị đơn có nghĩa vụ chứng minh tài liệu đó bị làm giả. Tuy nhiên, các tài liệu và lập luận do Bị đơn cung cấp không đủ cơ sở để chứng minh các chứng cứ của Nguyên đơn là giả mạo. Do đó, Hội đồng xét đơn không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này của Bị đơn.

Căn cứ theo quy định pháp luật và tình hình thực tế Vụ tranh chấp, Hội đồng xét đơn nhận định: Các căn cứ đề nghị hủy Phán quyết Trọng tài chủ yếu là những nhận xét, đánh giá theo quan điểm của Bị đơn và không đưa ra được căn cứ pháp lý nào theo quy định tại Điều 68 Luật TTTM để Hội đồng xét đơn xem xét. Vì vậy, yêu cầu huỷ Phán quyết Trọng tài của Bị đơn là không có cơ sở để chấp nhận.

 

2. Trích dẫn nội dung Bản án, Quyết định có liên quan

TÒA ÁN NHÂN DÂN                       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

THÀNH PHỐ HÀ NỘI                                  Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                                      

Số: 04/2019/QĐ-PQTT                               Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC KHÔNG HỦY PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có:

Thẩm phán - Chủ tọa: Ông Hoàng Ngọc Thành

Các Thẩm phán:  Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy

                             Bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên họp: Bà Nguyễn Thị Hoa- Kiểm sát viên.   

Thư ký ghi biên bản phiên họp: Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Thư ký Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội  

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài nộp ngày 14/01/2019 của Công ty cổ phần khai thác thủy điện SG (sau đây gọi là Công ty SG) là Bị đơn trong Phán quyết Trọng tài vụ tranh chấp ngày 21/12/2018 của Trung tâm trọng tài X tại Hà Nội với nguyên đơn là Công ty BFL.

Các bên tham gia phiên họp xét đơn yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài gồm:

  • Bên yêu cầu: Công ty cổ phần khai thác thủy điện SG (sau đây gọi là Công ty SG)
  • Bên liên quan:  Công ty BFL.

Căn cứ vào các đơn yêu cầu, văn bản của các bên nộp cho Tòa án và trình bày tại phiên họp hôm nay.

NỘI DUNG VỤ TRANH CHẤP 

Ngày 29/9/2008, Công ty SG và Công ty BFL ký Hợp đồng số 08/SG2-BLFISH/2008 (sau đây gọi tắt là “Hợp Đồng 08”) và các phụ lục hợp đồng, theo đó phía Công ty BFL sẽ cung cấp cho Công ty SG các thiết bị cơ điện đồng bộ cho Nhà máy thủy điện SG 2 với tổng giá trị hợp đồng là 11.375.000 USD.

Quá trình thực hiện hợp đồng hai bên đã phát sinh tranh chấp nên ngày 17/01/2018, Công ty BFL đã có đơn khởi kiện Công ty SG tại Trung tâm trọng tài X yêu cầu thanh toán khoản nợ 1.206.388 USD tương ứng 10% giá trị hợp đồng và yêu cầu Công ty SG thanh toán tiền lãi chậm trả trên số tiền phải trả.

Phán quyết Trọng tài ngày 21/12/2018 của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X tại Thành phố Hà Nội có nội dung như sau:

- Công ty SG phải trả cho Công ty BFL khoản 5% đầu tiên của Hợp đồng là 656.194 USD;

- Công ty SG phải trả cho Công ty BFL 50% của khoản 5% còn lại của Hợp đồng là 314.097 USD

.……………….

Không đồng ý với Phán quyết của Trọng tài, ngày 14/01/2019 Công ty SG gửi đơn yêu cầu đến Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội khởi kiện yêu cầu xem xét huỷ Phán quyết Trọng tài ngày 14/01/2019 của Trung tâm trọng tài X với lý do như sau:

-Thỏa thuận trọng tài vô hiệu: thỏa thuận Trọng tài không rõ ràng nên Trung tâm trọng tài X không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp. Hội đồng Trọng tài không mở phiên họp xem xét giải quyết tranh chấp về thẩm quyền.

- Hội đồng Trọng tài đã sử dụng chứng cứ giả mạo để xem xét giải quyết vụ án, Công ty SG nghi ngờ liệu Công ty BFL có thể hiện ý chí có khởi kiện hay không, do đó Công ty SG yêu cầu Công ty BFL xuất trình biên bản họp của HĐQT (bản đầy đủ) với nội dung cho phép bà S có thẩm quyền ký đơn khởi kiện và thẩm quyền ký việc ủy quyền hay không, tuy nhiên Công ty SG không được cung cấp tài liệu này và Công ty SG nghi ngờ đây là tài liệu giả mạo do tài liệu này không được ký bởi người đại diện theo pháp luật của Công ty BFL mà được ký bởi một người là giám đốc thương mại chứ không phải người có thẩm quyền đại diện cho Công ty BFL và được đóng bằng dấu khác chỉ có chữ BFL ở giữa mà không phải là con dấu như thường lệ đóng trên các văn bản của Công ty BFL

- Phán quyết của Hội đồng Trọng tài trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, cụ thể khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự, khoản 2 Điều 4 LTTTM. Hội đồng Trọng tài không độc lập, không khách quan, không xem xét ý kiến cuối cùng của các bên, HĐTT dựa vào biên bản ngày 16/11/2012 và cho rằng đây là thỏa thuận cuối cùng của các bên về thỏa thuận thanh toán 10%, Công ty SG đã phản đối và đây không phải thỏa thuận cuối cùng, không liên quan đến thỏa thuận thanh toán ghi trong LC về thanh toán 10% giá trị cuối cùng, Công ty SG đã xuất trình cho HĐTT LC ghi rõ trong Phụ lục 08A cho HĐTT nhưng không được HĐTT xem xét. Phụ lục 08A đã quy định các bên quay về Điều 21 là điều khoản thanh toán trong hợp đồng để thanh toán và phù hợp với các điều khoản thỏa thuận trong LC. HĐTT đã bỏ qua ý kiến của Công ty SG , không dựa trên ý kiến thỏa thuận của các bên nên Phán quyết Trọng tài không vô tư khách quan.

.…………

 

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc, ý kiến của những người được Tòa án triệu tập đến phiên họp và quan điểm của Trung tâm trọng tài X; quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng xét đơn nhận định: 

1. Về tố tụng:  ………..

2. Về nội dung:

Xét các căn cứ mà bên yêu cầu đề nghị hủy Phán quyết Trọng tài, Hội đồng xét đơn nhận thấy:

-  Công ty  SG cho rằng Phán quyết Trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP, thì các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam được giải thích là “các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam”. Như vậy, các nguyên tắc cơ bản phải mang tính phổ quát và không phải là những quy định đơn lẻ, hướng dẫn cụ thể cách xử sự của các đương sự  trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp hay hướng dẫn cơ quan tài phán khi xử lý tranh chấp giữa các bên. 

Các lập luận của Công ty  SG  không chứng minh được Phán quyết Trọng tài đã vi phạm nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật Việt Nam. Do vậy, đây không phải là căn cứ để hủy Phán quyết trọng tài theo Điều 68 LTTTM.

-  Công ty  SG  cho rằng thỏa thuận trọng tài không rõ ràng nên Trung tâm trọng tài X không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, tại Điều 22 của Hợp đồng hai bên đã thỏa thuận về điều khoản giải quyết tranh chấp: “ ...tại Trung tâm trọng tài X, theo quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài X và LTTTM Việt Nam và theo Fidic”. Như vậy, tại Điều 22 Hợp đồng các bên là chỉ định Trung tâm trọng tài X là Trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp của hai bên. Hơn nữa, Công ty  SG  đã mất quyền phản đối hiệu lực của thỏa thuận Trọng tài theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài X. Công ty  SG  đã không nộp bản tự bảo vệ trong thời hạn 30 ngày theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài X, không có yêu cầu gia hạn để nộp bản tự bảo vệ hay đưa ra bất cứ phản hồi nào. 

-  Công ty  SG  cho rằng chứng cứ do các bên cung cấp mà Hội đồng Trọng tài căn cứ vào đó để đưa ra Phán quyết Trọng tài là tài liệu giả mạo, theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 68 LTTTM, Công ty  SG  phải chứng minh khi cho rằng Hội đồng Trọng tài đưa ra Phán quyết Trọng tài căn cứ vào các chứng cứ giả mạo. Tuy nhiên, các tài liệu cũng như lập luận của Công ty SG không chứng minh được các chứng cứ của Công ty BFL được làm giả mạo. Do vậy, Hội đồng xét đơn không có căn cứ chấp nhận yêu cầu này của Công ty  SG .

…………..

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét đơn thấy không có căn cứ hủy Phán quyết trọng tài của bên yêu cầu vì không thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Điều 68 LTTTM. 

Vì các lẽ trên!

  • Căn cứ Điều 31, Điều 414 và Điều 415 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
  • Căn cứ Điều 68, khoản 1 Điều 69, Điều 71 và Điều 72 Luật Trọng tài Thương mại 2010; 

…………..

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty SG về việc hủy Phán quyết Trọng tài vụ tranh chấp ngày 21/12/2018 tại Thành phố Hà Nội bởi Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X

2. …………

 

Bài viết trên MCAC đã nêu rõ các nội dung liên quan đến Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 04/2019/QĐ-PQTT ngày 21/05/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.

Xem thêm: Nguyên tắc tự do thoả thuận của các bên trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Tin liên quan

NGUYÊN TẮC TỰ DO THOẢ THUẬN CỦA CÁC BÊN  TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI
25 04/2025

NGUYÊN TẮC TỰ DO THOẢ THUẬN CỦA CÁC BÊN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI

Bài viết sau đây nêu rõ các vấn đề liên quan đến nguyên tắc tự do thoả thuận - nền tảng của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với các nội dung liên quan đến quyền lựa chọn trọng tài viên, ngôn ngữ, địa điểm và hệ thống pháp luật áp dụng.

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 2616/2023/QĐ-PQTT NGÀY 21/12/2023 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH [1]
22 04/2025

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 2616/2023/QĐ-PQTT NGÀY 21/12/2023 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH [1]

Quyết định số 2616/2023/QĐ-PQTT của TAND TP.HCM ngày 21/12/2023 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến việc xem xét yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài. Bài viết sau làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến thủ tục tố tụng trọng tài theo quy định pháp luật hiện hành.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG