Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 10/2021/QĐ-PQTT NGÀY 15/10/2021 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]

23/05/2025

1. Nội dung vụ việc có liên quan 

Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X đã giải quyết tranh chấp về Thỏa thuận hợp tác và Hợp đồng kinh doanh giữa Nguyên đơn là Công ty Cổ phần bến du thuyền BV (sau đây gọi là “Công ty B”) và Bị đơn là Công ty TNHH The Q C (sau đây gọi là “Công ty C”).

Sau đó, Bị đơn là Công ty C khiếu nại đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài Vụ tranh chấp vì lý do: Thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các Bên, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Bị đơn cho rằng Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X đã tự quyết định ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài. Tại Điều 11 Thỏa thuận hợp tác giữa các Bên ngày 07/9/2018 quy định rõ “thủ tục trọng tài được thực hiện bằng tiếng Anh”. Tuy nhiên, tại Phán quyết Trọng tài của Vụ tranh chấp trên, Hội đồng Trọng tài lại cho rằng Vụ tranh chấp không có yếu tố nước ngoài và không có Bên nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nên Hội đồng Trọng tài đã quyết định ngôn ngữ trọng tài là tiếng Việt.

Bị đơn cho rằng tranh chấp giữa các Bên là tranh chấp có yếu tố nước ngoài và ngôn ngữ trong tố tụng trọng tài đáng lẽ phải được sử dụng bằng tiếng Anh như quy định tại Điều 11 Thỏa thuận hợp tác. Do đó, Bị đơn cho rằng Hội đồng Trọng tài đưa ra nhận định và quyết định không chính xác về ngôn ngữ tố tụng trọng tài, điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của Bị đơn.

Thứ hai, Bị đơn cho rằng Hội đồng Trọng tài đã vi phạm thỏa thuận giữa các Bên khi tự ý chỉ định Trọng tài viên thay cho các Bên. Theo Điều 11 Thỏa thuận hợp tác, nếu các Bên không thống nhất được việc chọn Trọng tài viên thì Trung tâm Trọng tài X mới có quyền chỉ định. Tuy nhiên, Bị đơn và Nguyên đơn chưa từng thỏa thuận lựa chọn Trọng tài viên, sau đó Nguyên đơn đã khởi kiện và đề nghị Trung tâm Trọng tài X chỉ định.

Trên thực tế, các Bên chưa từng tiến hành thỏa thuận để lựa chọn Trọng tài viên giải quyết Vụ tranh chấp, Bị đơn cho rằng Nguyên đơn đã tự ý gửi Đơn khởi kiện Bị đơn đến Trung tâm trọng tài X, trong đó Nguyên đơn đề nghị Trung tâm chỉ định một Trọng tài viên duy nhất để giải quyết Vụ tranh chấp. Theo đúng thỏa thuận của các Bên, Trung tâm trọng tài X phải từ chối đề nghị này của bên Nguyên đơn và yêu cầu các Bên tự thỏa thuận với nhau trước khi yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên. Tuy nhiên, ngay sau khi Bị đơn nhận được đơn khởi kiện từ Nguyên đơn, Trung tâm đã ban hành Thông báo số 988/X ngày 17/9/2020, ấn định trong thời hạn 30 ngày để Bị đơn đưa ra ý kiến đồng ý hay từ chối thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài X, qua đó bỏ qua quyền thỏa thuận của Bị đơn. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Bị đơn.

 

Hội đồng xét đơn thuộc Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội (Hội đồng xét đơn) nhận thấy: Căn cứ các tài liệu chứng cứ đính kèm tại đơn yêu cầu và lời trình bày của các Bên tại phiên họp, yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài của Công ty C vì lý do thủ tục trọng tài trái với các quy định của pháp luật Việt Nam, không phù hợp với thỏa thuận của các bên là không có căn cứ.

Một là, đối với ý kiến Bị đơn cho rằng Phán quyết Trọng tài trái với nguyên tắc pháp luật Việt Nam vì Vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài nhưng Hội đồng Trọng tài lại dùng tiếng Việt, Hội đồng Trọng tài xét rằng: Căn cứ theo khoản 1 Điều 10 Luật Trọng tài thương mại, Điều 23 Quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài X và hồ sơ Vụ tranh chấp xác định rằng Vụ tranh chấp trên không có yếu tố nước ngoài.

Tại khoản 1 Điều 23 Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) cũng quy định như sau: “Đối với vụ tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong Tố tụng trọng tài là tiếng Việt[2].

Theo Hồ sơ Vụ tranh chấp, Hội đồng xét đơn nhận thấy cả hai Công ty đều là pháp nhân Việt Nam, hoạt động và ký kết hợp tác tại Việt Nam, không Bên nào có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, người đại diện theo pháp luật của Bị đơn cũng là người Việt Nam, sử dụng tiếng Việt trong toàn bộ quá trình làm việc và tố tụng trọng tài. Hơn nữa, Bị đơn đã nhận toàn bộ các văn bản tố tụng bằng tiếng Việt mà không có văn bản phản đối chính thức. Do đó, việc Hội đồng Trọng tài xác định ngôn ngữ trọng tài là tiếng Việt là đúng quy định pháp luật.

Hai là, đối với ý kiến Công ty C cho rằng Hội đồng Trọng tài tự ý chỉ định Trọng tài viên, vi phạm thủ tục tố tụng, Hội đồng xét đơn nhận thấy: Căn cứ theo Điều 11 Thỏa thuận hợp tác, nếu các Bên không thống nhất được Trọng tài viên thì Trung tâm Trọng tài X sẽ chỉ định. Theo Điều 13 Quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài X quy định rằng “trừ khi các bên có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày bị đơn nhận được thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, các bên phải thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất và phải thông báo cho Trung tâm. Trong trường hợp tên của người được chọn làm Trọng tài viên duy nhất không có trong danh sách Trọng tài viên thì các bên phải thông báo cho Trung tâm địa chỉ liên lạc của Trọng tài viên này. Trong trường hợp Trung tâm không nhận được thông báo này, trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn 30 ngày nêu trên, Chủ tịch  Trung tâm ra quyết định chỉ định Trọng tài viên duy nhất nếu trong vòng 30 ngày kể từ ngày bị đơn nhận được thông báo, các bên không thống nhất hoặc không yêu cầu Trung tâm chỉ định, thì Chủ tịch Trung tâm có quyền chỉ định Trọng tài viên”.

Tại Điều 13 Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) cũng quy định như sau: “Trừ khi các bên có thoả thuận khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày Bị đơn nhận được Thông báo, Đơn kiện lại, thoả thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, các bên phải thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất và phải thông báo cho Trung tâm. Trong trường hợp tên của người được chọn Trọng tài viên duy nhất không có trong Danh sách Trọng tài viên thì các bên phải thông báo cho Trung tâm địa chỉ liên hệ của Trọng tài viên này”[3].

 

Thực tế, Trung tâm trọng tài X đã gửi Thông báo số 988/X ngày 17/9/2020, theo thông báo có nội dung đề nghị Bị đơn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được thông báo này, Bị đơn phải gửi tới Trung tâm trọng tài X văn bản ý kiến đồng ý hay từ chối yêu cầu của Trung tâm trọng tài X về việc chỉ định Trọng tài viên duy nhất giải quyết Vụ tranh chấp giữa các Bên. Trong trường hợp Bị đơn không đồng ý, đề nghị Bị đơn thống nhất với Nguyên đơn về việc chọn Trọng tài viên duy nhất và phải thông báo cho Trung tâm trọng tài X trong thời hạn 30 ngày nêu trên... Trong trường hợp Trung tâm trọng tài X không nhận được thông báo này trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày hết thời hạn 30 ngày nêu trên, Chủ tịch Trung tâm ra quyết định chỉ định Trọng tài viên duy nhất. Do đó, Hội đồng xét đơn không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu này của Bị đơn.

Căn cứ theo quy định pháp luật và tình hình thực tế Vụ tranh chấp, Hội đồng xét đơn nhận định: Hội đồng Trọng tài đã giải quyết Vụ tranh chấp trên theo đúng quy định, Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X được ban hành theo đúng quy định pháp luật, quy tắc tố tụng trọng tài. Các căn cứ đề nghị hủy Phán quyết Trọng tài của Bị đơn chủ yếu là những nhận xét, đánh giá theo quan điểm của Bị đơn và không đưa ra được căn cứ pháp lý nào theo quy định tại Điều 68 Luật TTTM để Hội đồng xét đơn xem xét. Vì vậy, yêu cầu huỷ Phán quyết Trọng tài của Bị đơn là không có cơ sở để chấp nhận.

2. Trích dẫn nội dung Bản án, Quyết định có liên quan

TÒA ÁN NHÂN DÂN                       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

THÀNH PHỐ HÀ NỘI                                  Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                                      

Số: 10/2021/QĐ-PQTT                                          Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC KHÔNG HỦY PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có:

Thẩm phán - Chủ tọa: Ông Hoàng Ngọc Thành

Các Thẩm phán:  Bà  Đỗ Nguyễn Thị Hồng Hạnh

                             Ông Nguyễn Xuân Tuấn

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội tham gia phiên họp: Bà Trương Thị Kim Thanh- Kiểm sát viên.   

Thư ký ghi biên bản phiên họp: bà Nguyễn Thị Thu Huyền- Thư ký Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội.  

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài nộp ngày 10/5/2021 của Công ty TNHH The Q C (sau đây gọi là Công ty C) là Bị đơn trong Phán quyết Trọng tài vụ tranh chấp ngày 08/4/2021 của Trung tâm trọng tài X tại Hà Nội với nguyên đơn là đơn Công ty cổ phần bến du thuyền BV (sau đây gọi là Công ty B).

Các bên tham gia phiên họp xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài gồm:

  • Bên yêu cầu: Công ty TNHH The Q C (sau đây gọi là Công ty C)
  • Bên liên quan: Công ty cổ phần bến du thuyền BV (sau đây gọi là Công ty B).

Căn cứ vào các đơn yêu cầu, văn bản của các bên nộp cho Tòa án và trình bày tại phiên họp hôm nay.

 

NỘI DUNG VỤ TRANH CHẤP 

Ngày 07/9/2018, Công ty cổ phần Bến du thuyền BV (say đây gọi tắt là Công ty B) và Công ty TNHH The Q C (sau đây gọi tắt là Công ty C) ký Thỏa thuận hợp tác để bước đầu sở hữu và kinh doanh mô hình quán Bar - Cafe nước ngoài theo thỏa thuận, các bên sẽ tiếp tục ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh cụ thể - hợp đồng BCC sau khi có đủ các điều kiện cụ thể. 

Quá trình thực hiện thỏa thuận hợp tác nêu trên hai bên phát sinh tranh chấp nên bên liên quan đã khởi kiện bên yêu cầu đến Trung tâm Trọng tài X để giải quyết các tranh chấp phát sinh. 

Phán quyết Trọng tài ngày 08/4/2021 của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X tại Thành phố Hà Nội có nội dung như sau: chấp nhận một phần khởi kiện của bên liên quan, buộc bên yêu cầu thanh toán cho bên liên quan tổng số tiền là 2.310.000.000 đồng. 

 Không đồng ý với Phán quyết Trọng tài nêu trên, ngày 10/5/2021 bên yêu cầu nộp đơn yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài và đề nghị Tòa án nhân dân TP Hà Nội hủy Phán quyết trọng tài ngày 08/4/2021 với các lý do sau:

1. Thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên:

Thứ nhất, Hội đồng Trọng tài tự quyết định ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài. Điều 11 Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty C và Công ty B ngày 07/9/2018 quy định rõ “thủ tục trọng tài được thực hiện bằng tiếng Anh”.

Tại Mục III.C.35 Phán quyết trọng tài, Hội đồng Trọng tài cho rằng vụ tranh chấp này không có yếu tố nước ngoài và không có bên nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên đã quyết định ngôn ngữ trọng tài là tiếng Việt. Tuy nhiên, đây là nhận định không chính xác, khiến cho quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty C bị xâm phạm nghiêm trọng, bởi vụ tranh chấp này là tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

.…………

Do đó, tranh chấp giữa Công ty C và Công ty B là tranh chấp có yếu tố nước ngoài và tố tụng trọng tài đáng lẽ phải được tiến hành bằng tiếng Anh như quy định tại Điều 11 Thỏa thuận hợp tác. Việc Hội đồng Trọng tài đưa ra nhận định và quyết định không chính xác về ngôn ngữ tố tụng trọng tài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích của Công ty C.

Bà Betty Pallard, giám đốc là người đại diện theo pháp luật và chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của Công ty C, là công dân Cộng hòa Pháp và không thông thạo tiếng Việt. Việc Hội đồng Trọng tài quyết định ngôn ngữ trọng tài là tiếng Việt, tống đạt tất cả giấy tờ, tài liệu, thông báo bằng tiếng Việt đã cản trở quyền tham gia tố tụng của Công ty C.

Thứ hai, Hội đồng Trọng tài tự chỉ định trọng tài viên: Điều 11 Thỏa thuận hợp tác quy định rằng nếu các bên không thống nhất được trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài X sẽ chỉ định trọng tài viên.

Điều 13 Quy tắc của Trung tâm Trọng tài X quy định rằng trừ khi các bên có thỏa thuận khác, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày bị đơn nhận được thông báo, Đơn khởi kiện, thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác có liên quan, các bên phải thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định Trọng tài viên duy nhất và phải thông báo cho Trung tâm...

Thực tế, Công ty C và Công ty B chưa từng tiến hành thỏa thuận để lựa chọn Trọng tài viên giải quyết tranh chấp. Công ty B đã tự ý gửi đơn khởi kiện tới Trung tâm Trọng tài X, trong đó đề nghị Trung tâm Trọng tài X chỉ định một Trọng tài viên.

Theo đúng thỏa thuận và quy tắc, Trung tâm Trọng tài X đáng lẽ phải từ chối đề nghị này và yêu cầu các bên tự thỏa thuận. Tuy nhiên, Trung tâm Trọng tài X đã ban hành Công văn số 988/X ngày 17/9/2020, tự ấn định thời hạn 30 ngày để Công ty C đưa ra ý kiến đồng ý hay từ chối thẩm quyền chỉ định trọng tài viên, bỏ qua quyền thỏa thuận của Công ty C. Hành vi này đã tước đi quyền thỏa thuận của Công ty C, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

.……………….

 

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc, ý kiến của những người được Tòa án triệu tập đến phiên họp và quan điểm của Trung tâm trọng tài X; quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng xét đơn nhận định: 

1. Về tố tụng:  ………..

2. Về nội dung:

Xét các căn cứ mà Công ty C đưa ra là Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại , Hội đồng xét đơn nhận thấy:

- Công ty C cho rằng Phán quyết Trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam vì đây là vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, các bên đã thỏa thuận chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ tố tụng trọng tài nhưng Hội đồng Trọng tài lại chọn tiếng Việt để giải quyết tranh chấp. Hội đồng xét thấy, theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật TTTM, đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài là tiếng Việt, trừ trường hợp tranh chấp mà ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều 23 Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài X cũng quy định, đối với vụ tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ trọng tài là tiếng Việt.

………..

Theo các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc, đây không phải là vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài vì không tồn tại bất kỳ yếu tố nước ngoài nào trong mối quan hệ thỏa thuận hợp tác giữa hai công ty. Hai doanh nghiệp đều là pháp nhân Việt Nam, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và không bên nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối tượng của thỏa thuận hợp tác là dự án kinh doanh tại Việt Nam và việc ký kết thỏa thuận cũng được thực hiện tại Việt Nam. Người đại diện pháp luật của Công ty C là người có quốc tịch Việt Nam, sử dụng thành thạo tiếng Việt trong suốt quá trình đàm phán, ký kết và tham gia tố tụng tại Trung tâm Trọng tài X.

Như vậy, trong toàn bộ quá trình tố tụng tại Trung tâm Trọng tài X, Công ty C đều nhận được các văn bản tố tụng bằng tiếng Việt và không có văn bản nào thể hiện việc phản đối việc sử dụng tiếng Việt, mà chỉ trình bày tại buổi làm việc. Do đó, Hội đồng Trọng tài quyết định sử dụng tiếng Việt để giải quyết tranh chấp là phù hợp với quy định pháp luật.

- Công ty C cho rằng HĐTT tự chỉ định Trọng tài viên là vi phạm tố tụng trọng tài. Tuy nhiên, Điều 11 Thỏa thuận hợp tác quy định rằng nếu các bên không thống nhất được Trọng tài viên thì Trung tâm Trọng tài X sẽ chỉ định Trọng tài viên. Điều 13 Quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng tài X quy định rằng, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, trong vòng 30 ngày kể từ ngày bị đơn nhận được thông báo và tài liệu liên quan, các bên phải thống nhất chọn Trọng tài viên duy nhất hoặc yêu cầu Trung tâm chỉ định. Nếu Trung tâm không nhận được thông báo trong thời hạn này, trong vòng 07 ngày tiếp theo, Chủ tịch Trung tâm có quyền chỉ định Trọng tài viên.

Theo Thông báo số 988/X ngày 17/9/2020, tại mục 2.2, Trung tâm đã yêu cầu Công ty C trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo phải nêu ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý việc Trung tâm chỉ định Trọng tài viên. Trong trường hợp không đồng ý, các bên phải thống nhất với nhau và thông báo cho Trung tâm. Do Trung tâm không nhận được bất kỳ thông báo nào từ các bên trong thời hạn quy định, việc Chủ tịch Trung tâm chỉ định Trọng tài viên là đúng với Điều 13 Quy tắc tố tụng trọng tài, nên việc Công ty C cho rằng HĐTT tự ý chỉ định là không có căn cứ.

………

Vì các lẽ trên!

  • Căn cứ Điều 31, Điều 38, Điều 414 và Điều 415 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;
  • Căn cứ Điều 68, khoản 1 Điều 69, Điều 71 và Điều 72 Luật Trọng tài Thương mại 2010; 

…………..

QUYẾT ĐỊNH

1. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty C về việc hủy Phán quyết Trọng tài vụ tranh chấp ngày 08/4/2021 tại Thành phố Hà Nội bởi Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X

2. …………

Bài viết trên MCAC đã nêu rõ các nội dung liên quan đến Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 10/2021/QĐ-PQTT ngày 15/10/2021 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.

Xem thêm: Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 04/2019/QĐ-PQTT ngày 21/05/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội

 

Tin liên quan

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/2019/QĐ-PQTT NGÀY 21/05/2019 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]
07 05/2025

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/2019/QĐ-PQTT NGÀY 21/05/2019 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]

Phân tích Quyết định số 04/2019/QĐ-PQTT ngày 21/5/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ, với các lập luận về thẩm quyền trọng tài và nguyên tắc pháp lý cơ bản.

NGUYÊN TẮC TỰ DO THOẢ THUẬN CỦA CÁC BÊN  TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI
25 04/2025

NGUYÊN TẮC TỰ DO THOẢ THUẬN CỦA CÁC BÊN TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI

Bài viết sau đây nêu rõ các vấn đề liên quan đến nguyên tắc tự do thoả thuận - nền tảng của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với các nội dung liên quan đến quyền lựa chọn trọng tài viên, ngôn ngữ, địa điểm và hệ thống pháp luật áp dụng.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG