Điện thoại: 0935 925 068
07/02/2025
Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X đã giải quyết tranh chấp về Hợp đồng bảo hiểm số 122114254/55 ngày 08 tháng 10 năm 2021 giữa Nguyên đơn - Bên mua bảo hiểm là Công ty cổ phần Thương mại và Vận tải T (gọi tắt là “Công ty T”) và Bị đơn - Bên nhận bảo hiểm là Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm B (gọi tắt là “Công ty B”).
Nguyên đơn là Công ty T khiếu nại đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài Vụ tranh chấp vì lý do: Thứ nhất, thủ tục trọng tài trái với các quy định của pháp luật Việt Nam. Thứ hai, Nguyên đơn cho rằng Phán quyết Trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Nguyên đơn có ý kiến trình bày cụ thể như sau: Thứ nhất, đối với yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vì lý do thủ tục trọng tài trái với các quy định của pháp luật Việt Nam: Trong Phán quyết Trọng tài, tại phần chữ ký của Trọng tài viên Trương Thanh T không có chữ ký của Trọng tài viên nhưng không được Chủ tịch Hội đồng Trọng tài ghi việc này trong phán quyết và giải thích rõ lý do. Nguyên đơn cho rằng điều này vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trọng tài, làm cho Phán quyết Trọng tài chưa rõ có hiệu lực hay không, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nguyên đơn.
Thứ hai, Nguyên đơn cho rằng Phán quyết Trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam với những lý do sau đây:
Một là, việc Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X cho rằng Công ty C không phải bồi thường bảo hiểm ngay cả trường hợp có lỗi quá cẩu thả là đã vượt quá phạm vi thỏa thuận của các Bên, trái với nguyên tắc cơ bản tự do, tự nguyện cam kết quy định trong các quy định pháp luật dân sự, nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong Luật Trọng tài thương mại, nguyên tắc tự do thỏa thuận trong hoạt động thương mại trong Luật Thương mại.
Hai là, Nguyên đơn cho rằng hành vi không cập nhật hải đồ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất của tàu. Theo đó, nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất thể hiện ở trong Báo cáo giám định của Công ty TNHH Giám định BĐ: “Với kết quả điều tra, xác minh đến hiện tại đã nêu trên, chúng tôi cho rằng Thuyền trưởng đã lập tuyến hành trình sát bờ nhưng không thường xuyên kiểm tra vị trí tàu trong điều kiện thời tiết sóng gió có xu hướng đánh dạt tàu sát thềm vào gần bờ dẫn đến tàu mắc cạn trên bãi đá ngầm”. Nguyên đơn cho rằng bằng cách đưa ra nguyên nhân gián tiếp nêu trên, Hội đồng Trọng tài đã vi phạm Quy tắc tố tụng trọng tài: “Trong mọi trường hợp, Hội đồng Trọng tài phải xem xét các điều khoản của Hợp đồng, nếu có, để giải quyết vụ tranh chấp”.
Hội đồng xét đơn nhận thấy: Đối với yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài vì lý do thủ tục trọng tài trái với các quy định của pháp luật Việt Nam, Công ty T cho rằng phần chữ ký của Trọng tài viên Trương Thanh T để trống, chưa được giải thích rõ là có căn cứ. Tuy nhiên, về thực tế lý do Trọng tài viên Trương Thanh T không ký tên vào Phán quyết Trọng tài là do có quan điểm và ý kiến trình bày không thống nhất với các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài và không thực hiện ký vào Phán quyết Trọng tài.
Tại phiên họp, Trọng tài viên Trương Thanh T vẫn được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên. Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Trọng tài thương mại (gọi tắt là “Luật TTTM’’): “Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số”. Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 61 LTTM quy định: “Khi có Trọng tài viên không ký tên vào phán quyết trọng tài, Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải ghi việc này trong phán quyết trọng tài và nêu rõ lý do. Trong trường hợp này, phán quyết trọng tài vẫn có hiệu lực”.
Tại khoản 2 Điều 32 Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) cũng quy định như sau: “Khi có Trọng tài viên không ký tên vào Phán quyết trọng tài, Chủ tịch Hội đồng Trọng tài phải ghi việc này trong Phán quyết trọng tài và nêu rõ lý do. Trong trường hợp này, Phán quyết trọng tài vẫn có hiệu lực”[2] .
Do đó, căn cứ theo các quy định trên, việc Trọng tài viên không thực hiện ký vào Phán quyết thì Phán quyết Trọng tài Vụ tranh chấp trên vẫn có hiệu lực pháp luật.
Đối với ý kiến của Nguyên đơn cho rằng Phán quyết Trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam: Theo Báo cáo giám định của Công ty TNHH Giám định C và Công ty Cổ phần Giám định H, thuyền trưởng tàu TH 19 đã lập trình hành trình sát bờ, đi vào khu vực có bãi cạn/đá ngầm dựa trên hải đồ IA-100-23 chưa được cập nhật. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến Tàu TH bị mắc cạn. Tuy nhiên, các Bên đến thời điểm hiện nay đều thừa nhận và không có ý kiến phản đối. Do đó, việc Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X căn cứ vào các báo cáo giám định để xác định lỗi do không cập nhật hải đồ là trên cơ sở xem xét các tài liệu, chứng cứ do các đương sự cung cấp, đảm bảo đúng thủ tục tố tụng theo Quy tắc trọng tài thương mại.
Đối với trường hợp của tàu TH 19, Chủ tàu và thuyền trưởng hoàn toàn nhận thức được việc phải cập nhật hải đồ, hiểu được tầm quan trọng của hải đồ đối với việc đi biển của tàu, nhận thức được hành vi không cập nhật hải đồ có thể dẫn đến việc gây thiệt hại cho tàu và có thể không biết nhưng buộc phải biết về thông tin cập nhật hải đồ, nhưng thực tế chủ tàu và thuyền trưởng đã không thực hiện. Hội đồng Trọng tài xác định: “Việc không cập nhật hải đồ ít nhất cũng phải bị coi là hành vi quá cẩu thả của chủ tàu và thuyền trưởng” là có căn cứ. Vì vậy, Công ty B không phải chịu trách nhiệm bảo hiểm đối với tổn thất xảy ra do hành động quá cẩu thả của Chủ tàu và thuyền trưởng tàu TH 19 theo quy định tại Điều 323 Bộ luật Hàng hải là đúng pháp luật và tôn trọng thỏa thuận của các Bên.
Căn cứ theo quy định pháp luật và tình hình thực tế Vụ tranh chấp, Hội đồng xét đơn nhận định: Hội đồng Trọng tài đã giải quyết Vụ tranh chấp trên theo đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tự do thỏa thuận theo quy định pháp luật. Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X được ban hành theo đúng quy định pháp luật, quy tắc tố tụng trọng tài và Phán quyết không thuộc trường hợp vi phạm theo điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Do đó, yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài của Công ty T không có cơ sở chấp nhận.
TÒA ÁN NHÂN DÂN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THÀNH PHỐ HÀ NỘI Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số: 13/2023/QĐ-PQTT Hà Nội, ngày 24 tháng 8 năm 2023
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC KHÔNG HỦY PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI
TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có:
Thẩm phán - Chủ tọa: Ông Bùi Đức Bằng
Các Thẩm phán: Ông Nguyễn Xuân Tuấn
Bà Nguyễn Thị Thúy Hạnh
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên họp: Bà Hoàng Thị Hồng Chiêm - Kiểm sát viên.
Thư ký ghi biên bản phiên họp: Ông Nguyễn Trung Kiên- Thư ký Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài nộp ngày 18/4/2023 của Công ty cổ phần Thương mại và Vận tải T là nguyên đơn trong Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 63/22 ngày 29/3/2023 của Trung tâm trọng tài X tại Hà Nội với bị đơn Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm B.
Các bên tham gia phiên họp xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài gồm:
Căn cứ vào các đơn yêu cầu, văn bản của các bên nộp cho Tòa án và trình bày tại phiên họp hôm nay.
NỘI DUNG VỤ TRANH CHẤP
Qua hồ sơ, tài liệu, chứng cứ và lời trình bày của các bên cung cấp liên quan đến vụ việc, nội dung vụ tranh chấp được tóm tắt như sau:
Ngày 08/01/2021, Công ty cổ phần Thương mại và Vận tải T (từ đây viết tắt là Công ty T) và Công ty Bảo hiểm D (là Công ty con của Tổng Công ty Cổ phần bảo hiểm B) ký Hợp đồng bảo hiểm tàu thủy nội địa số 122114254/55 với các thông tin chính sau:
1. Đối tượng bảo hiểm: Tàu TH 19 – Loại tàu: Tàu pha sông biển (VR-SB).
2. Thời hạn bảo hiểm: 12 tháng, từ 00h00 ngày 12/10/2021 đến 00h00 ngày 12/10/2022.
3. Phạm vi bảo hiểm, điều kiện, điều khoản bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm:
- Đối với bảo hiểm thân tàu: Điều kiện A (mọi rủi ro) của Quy tắc bảo hiểm thân tàu thủy nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 0226/QĐ-HH ngày 06/02/2012 của Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm B (“Quy tắc bảo hiểm thân tàu”)
- Đối với bảo hiểm TNDS chủ tàu (‘TNDS”) (mở rộng TNDS đối với hàng hóa trên tàu): Quy tắc bảo hiểm TNDS chủ tàu nội địa ban hành kèm theo Quyết định số 2508/QĐ-HH ngày 01/11/2010 của Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm B (“Quy tắc Bảo hiểm Trách nhiệm dân sự”).
4. ………..
5. Điều 9.2 Hợp đồng bảo hiểm quy định: “… Trường hợp các bên không giải quyết được bằng thương lượng, mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được đưa ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.
Ngày 25/10/2021, tàu TH 19 chở 3.060,92 tấn đá vôi, trị giá hàng hóa 336.701.200 VND từ Nghi Sơn, Thanh Hóa đi thành phố Hồ Chí Minh. Đến 17 giờ 30 phút ngày 29/10/2021, tàu TH 9 gặp nạn và nằm hoàn toàn trên bãi cạn tại tọa độ 10.21.220N và 107.16.500E khu vực ngang mũi Kỳ Vân thuộc vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Hầm hàng số 01, 02; Két ballast số 02, 03 và 04 bị rách, có nước từ ngoài xâm nhập vào bên trong.
Ngay sau khi nhận được thông báo tổn thất từ Công ty T - Người được bảo hiểm, Công ty B đã chỉ định 03 Công ty giám định là Công ty TNHH giám định C, Công ty Cổ phần giám định kỹ thuật V và Công ty Cổ phần giám định H để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất của tàu TH 19.
Căn cứ Chứng thư giám định của Công ty giám định, căn cứ các quy định của pháp luật về điều kiện hoạt động của tàu thủy nội địa, xét thấy sự kiện tổn thất thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, ngày 07/6/2022, Công ty B đã gửi Công văn từ chối bồi thường số 124/CV-GĐBT. Không đồng ý với phương án bồi thường của Công ty B, Công ty T đã gửi Đơn khởi kiện đến Trung tâm trọng tài X tại Hà Nội để yêu cầu Công ty B bồi thường cho tổn thất tàu TH 19.
Ngày 29/3/2023, Hội đồng Trọng tài đã ra Phán quyết trọng tài số 63/22 giải quyết vụ tranh chấp giữa Công ty T và Công ty B, với nội dung: “Bác yêu cầu của nguyên đơn tại Đơn khởi kiện đề ngày 22/8/2022”.
Không đồng ý với phán quyết trọng tài nêu trên, Công ty T có đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đề ngày 08/4/2023 gửi Toà án nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị hủy Phán quyết Trọng tài số 63/22 giải quyết vụ tranh chấp giữa Công ty T và công ty B.
…………….
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:
Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết Trọng tài và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc, ý kiến của những người được Tòa án triệu tập đến phiên họp và quan điểm của Trung tâm trọng tài X; quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, Hội đồng xét đơn nhận định:
1. Về tố tụng: ………..
2. Về nội dung:
Xét yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Công ty T Hội đồng xét đơn thấy:
2.1. Đối với việc chữ ký của Trọng tài viên Trương Thanh T để trống
………
Về thực tế lý do Trọng tài viên Trương Thanh T không ký tên vào phán quyết trọng tài là do có quan điểm và ý kiến trình bày không thống nhất với các thành viên còn lại của Hội đồng Trọng tài và không thực hiện ký vào phán quyết trọng tài. Tại phiên họp, Trọng tài viên Trương Thanh T vẫn được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên. Việc Trọng tài viên không thực hiện ký vào phán quyết trọng tài là tình huống đã được điều chỉnh tại khoản 1 Điều 60 và khoản 2 Điều 61 Luật Trọng tài Thương mại. Do đó, Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 63/22 vẫn có hiệu lực pháp luật.
2.2. Đối với ý kiến cho rằng Phán quyết Trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam
………
Theo kết luận tại Báo cáo giám định của Công ty TNHH Giám định C và Công ty Cổ phần Giám định H tại thời điểm tổn thất, Thuyền trưởng tàu TH 19 đã lập trình tuyến hành trình sát bờ và đi vào khu vực có bãi cạn/đá ngầm. Tuyến hành trình trên được Thuyền trưởng lập trên cơ sở sử dụng hải đồ IA-100-23, đây là hải đồ chưa được hiệu chỉnh (cập nhật) vị trí bãi cạn/ đá ngầm. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến Tàu TH bị mắc cạn. Các bên đến thời điểm hiện nay đều thừa nhận và không có ý kiến phản đối. Do đó, việc Trung tâm trọng tài X căn cứ vào các Báo cáo giám định trên để xác định việc chủ tàu và Thuyền trường TH 19 đã không cập nhật hải đồ dẫn đến Tàu TH bị mắc cạn là trên cơ sở xem xét các tài liệu, chứng cứ do các đương sự cung cấp, đảm bảo đúng thủ tục tố tụng theo Quy tắc trọng tài thương mại.
Công ty T – Bên yêu cầu cho rằng việc không cập nhật hải đồ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn thất của tàu (tàu bị mắc cạn), không thuộc trường hợp BIC được loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Các bên đã tự nguyện thỏa thuận rằng chỉ khi người được bảo hiểm có hành động cố ý, thì Công ty B mới không phải chịu trách nhiệm bồi thường bảo hiểm. Việc Trung tâm trọng tài X cho rằng Công ty B không phải bồi thường bảo hiểm ngay cả trường hợp có lỗi quá cẩu thả (lỗi vô ý) là đã vượt quá phạm vi thỏa thuận của các bên, trái với nguyên tắc cơ bản tự do, tự nguyện cam kết; không xem xét, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ, vi phạm nguyên tắc trọng tài.
Đối với trường hợp của tàu TH, pháp luật đã có những quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ tàu và thuyền trưởng liên quan đến việc trang bị hải đồ được cập nhật. Tổng Công ty bảo đảm hàng hải đã phát hành hải đồ mới là hải đồ IA200 thay cho hải đồ cũ IA-100-23. Thông tin này đã được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng từ tháng 5/2021 tức là trước khi xảy ra tai nạn là 5 tháng. Tuy nhiên trong suốt thời gian này, Chủ tàu và thuyền trưởng tàu TH 19 đã không thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật là cập nhật thường xuyên thông tin của đảm bảo hàng hải trong thời gian dài. Hội đồng Trọng tài đã căn cứ các quy định pháp luật về hàng hải, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Công ước quốc tế về An toàn sinh mạng con người trên biển và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa xác định việc cập nhật hải đồ là “nghĩa vụ bắt buộc của người vận chuyển” là có căn cứ.
……..
Vì vậy, Hợp đồng bảo hiểm có thể được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Hàng hải đối với các nội dung về hợp đồng bảo hiểm hàng hải. Các quy định về miễn trách nhiệm đối với Công ty bảo hiểm tại Điều 323 Bộ luật Hàng hải được các bên tự nguyện thỏa thuận và áp dụng. Do đó, Hội đồng Trọng tài áp dụng quy định trong Điều 323 Bộ luật Hàng hải để giải quyết vụ án liên quan đến tàu TH 19 là tôn trọng quyền tự nguyện thỏa thuận của các Bên trong Hợp đồng bảo hiểm, chứ không phải là tự mở rộng thỏa thuận của các bên như ý kiến của Công ty T.
Từ những nhận định trên thấy rằng, Hội đồng Trọng tài đã tiến hành thụ lý, giải quyết vụ án đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, tự do, tự nguyện thỏa thuận của các bên trong Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải, Luật Kinh doanh bảo hiểm và trên cơ sở xem xét toàn bộ hồ sơ vụ việc, các điều khoản của Hợp đồng bảo hiểm. Hội đồng Trọng tài đã ra Phán quyết Trọng tài Vụ tranh chấp số 63/22 là đúng theo quy định của pháp luật và đảm bảo Quy tắc tố tụng trọng tài. Các căn cứ đề nghị hủy Phán quyết trọng tài số 63/22 chủ yếu những nhận xét, đánh giá theo quan điểm của nguyên đơn, thuộc nội dung giải quyết tranh chấp, không đưa ra được các tài liệu, chứng cứ là Hội đồng Trọng tài đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và tố tụng trọng tài. Do đó, việc Công ty T yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài với lý do theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là không có căn cứ để chấp nhận. Vì vậy, không chấp nhận yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài Vụ tranh chấp số 63/22 ngày 29/3/2023 của Công ty T.
Vì các lẽ trên!
…………..
QUYẾT ĐỊNH
1. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty cổ phần Thương mại và Vận tải T về việc huỷ Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 63/22 ngày 29/3/2023 của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X
2. …………
CHÚ THÍCH:
[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1346850t1cvn/chi-tiet-ban-an
[2] https://mcac.vn/quy-tac-to-tung
Bài viết trên MCAC đã nêu ra Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 13/2023/QĐ-PQTT ngày 24/8/2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.
Phân tích quyết định số 1212/2023/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP.HCM về việc không hủy Phán quyết Trọng tài trong tranh chấp hợp đồng giữa Công ty M và Công ty A. Bài viết sau sẽ làm rõ các luận điểm pháp lý và quan điểm của Hội đồng xét đơn.
Quyết định số 2515/2023/QĐ-PQTT ngày 29/11/2023 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh nêu rõ việc hủy phán quyết trọng tài do vi phạm quy định về thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn. Quyết định này thể hiện sự chặt chẽ trong việc đảm bảo tính công bằng và tuân thủ quy định pháp luật về trọng tài thương mại.