Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 11/2022/QĐ-PQTT NGÀY 20/9/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]

20/09/2024

1. Nội dung vụ việc có liên quan 

Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X đã giải quyết tranh chấp về Hợp đồng mua bán số 001 ngày 10/07/2020, Hợp đồng mua bán số 002 ngày 17/07/2020, và Hợp đồng mua bán số 003 ngày 17/07/2022 (sau đây gọi chung là “Hợp đồng mua bán”).  giữa Nguyên đơn là Công ty GMA Accesories (gọi tắt là “Công ty GMA”) và Bị đơn là Công ty TNHH THB  (gọi tắt là “Công ty THB”).

Bị đơn là Công ty THB khiếu nại đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài Vụ tranh chấp vì cho rằng: Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp do các bên không có thỏa thuận trọng tài, các hợp đồng mua bán mà các bên đã ký kết đều không có điều khoản thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Vì vậy, Bị đơn cho rằng phán quyết phải bị hủy bỏ căn cứ theo điểm a khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội có thẩm quyền nhận định: Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X không thuộc một trong các trường hợp bị hủy quy định tại điểm a khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Do đó, yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài Vụ tranh chấp của Công ty THB không có cơ sở để Hội đồng xét đơn yêu cầu chấp nhận.

Cụ thể, Bị đơn trình bày ý kiến như sau: Hội đồng Trọng tài đã căn cứ vào văn bản đề ngày 18/01/2021 của Công ty THB gửi Công ty GMA về việc có nội dung: “Bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ hoặc liên quan đến thỏa thuận này, bao gồm bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sự tồn tại, hiệu lực hoặc chấm dứt của Thỏa thuận, sẽ được tham chiếu và giải quyết cuối cùng bằng trọng tài do Trung tâm trọng tài X theo quy định Quy tắc Trọng tài của Trung tâm trọng tài X  tại thời điểm có hiệu lực, quy tắc mà được coi là hợp nhất bằng cách tham chiếu trong điều khoản này…”. Theo đó, cụm từ “Thỏa thuận này” tại văn bản nêu trên không đề cập đến các hợp đồng mua bán mà các bên đã ký kết trong vụ việc này mà đây là đề nghị giao kết thỏa thuận giải quyết công nợ giữa Công ty THB với Công ty GMA và Công ty Nanjing Fanyong Enterprise Co., Ltd.

Nguyên đơn là Công ty GMA có ý kiến như sau: Thứ nhất, do THB không thể giao được hàng hóa theo đúng thỏa thuận, các bên đã ký kết các biên bản thanh lý hợp đồng. Ngoài các Hợp đồng mua bán kể trên, giữa Công ty THB và Công ty GMA không tồn tại bất kỳ giao dịch nào khác. Thứ hai, đối tượng tranh chấp theo Văn bản 18/01/2021 chính là đối tượng tranh chấp theo các Hợp đồng mua bán, do vậy, điều khoản trọng tài theo đề xuất của Công ty THB tại Văn bản 18/01/2021 chính là để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các Hợp đồng mua bán. Thứ ba, Văn bản 18/01/2021 của Công ty THB, và Văn bản 17/5/2021 của Công ty GMA không phải là các đề nghị giao kết mới giữa các bên. Bên cạnh đó, Công ty GMA khẳng định, việc Công ty THB cho rằng có sự tồn tại của bên thứ ba dẫn đến không tồn tại thỏa thuận trọng tài giữa Công ty THB và Công ty GMA là hoàn toàn vô căn cứ.

Căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12, thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập “thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên”. Tại văn bản 18/01/2021 và văn bản 17/5/2021, các bên đã hoàn toàn thống nhất về việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm trọng tài X. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 5 và Điều 16 Luật Trọng tài thương mại, thỏa thuận trọng tài có thể được lập sau khi xảy ra tranh chấp và có thể được lập thành thỏa thuận riêng tách biệt với hợp đồng về mặt hình thức.

Hội đồng xét đơn nhận thấy: Tại các hợp đồng mua bán số 001 ngày 10/7/2020 và Hợp đồng số 002 ngày 17/7/2020 được xác lập giữa Nguyên đơn và Bị đơn, các bên chỉ thỏa thuận về sản phẩm mua bán, điều khoản thương mại, điều khoản thanh toán, chứng từ xuất khẩu mà các bên không thỏa thuận điều khoản nào về giải quyết tranh chấp.

Theo quy định tại khoản 4 điều 71 Luật Trọng tài thương mại, Hội đồng xét đơn không giải quyết về nội dung vụ kiện. Tuy nhiên, Hội đồng xét đơn xem xét việc ký kết các hợp đồng mua bán làm căn cứ xác định việc bên yêu cầu cho rằng Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

Tại công văn đề ngày 18/01/2021, Bị đơn cũng đề xuất cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm Trọng tài X, cụ thể: “Bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ hoặc liên quan đến thỏa thuận này, bao gồm bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sự tồn tại, hiệu lực hoặc chấm dứt của Thỏa thuận, sẽ được tham chiếu và giải quyết cuối cùng bằng trọng tài do Trung tâm trọng tài X…”. 

Ngoài ra, tại văn bản ngày 17/5/2021 của Công ty GMA gửi Công ty THB với nội dung: đồng ý với đề xuất của Công ty THB liên quan đến điều khoản giải quyết tranh chấp. Như vậy, đề xuất lựa chọn trọng tài giải quyết vụ việc của Công ty THB đã được Công ty GMA đồng ý nên coi đây là thỏa thuận trọng tài giữa hai bên và Hội đồng xét đơn xác định Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định. Trong quá trình tố tụng tại trọng tài, Công ty THB cũng có nhiều ý kiến về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài như văn bản ngày 17/5/2021 không được đóng dấu, không được hợp pháp hóa lãnh sự.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 điều 43 Luật Trọng tài thương mại: Quá trình tham gia tố tụng tại Trung tâm trọng tài X nếu không đồng ý với thẩm quyền trọng tài thì Bị đơn có quyền khiếu nại với Hội đồng Trọng tài, trên cơ sở đó, Hội đồng Trọng tài sẽ có quyết định về thẩm quyền trọng tài. Nếu không đồng ý với Quyết định về thẩm quyền trọng tài của Hội đồng Trọng tài, Bị đơn có quyền yêu cầu xem xét lại quyết định này của Hội đồng Trọng tài tại Tòa án theo quy định tại Điều 44 Luật Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, Bị đơn đã không thực hiện việc này mà chỉ có ý kiến khi Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ việc là mất quyền phản đối theo Điều 13 Luật Trọng tài thương mại.

Tại khoản 4 Điều 38 Quy tắc Tố tụng của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) cũng quy định: “Trong trường hợp một bên phát hiện có sự vi phạm quy định của Pháp luật về Trọng tài, của Quy tắc Tố tụng này hoặc của Thỏa thuận trọng tài mà không phản đối trong thời hạn quy định của Quy tắc Tố tụng này thì mất quyền phản đối về những vi phạm đó. ..”.[1] Theo đó, Bị đơn không thể hiện sự phản đối với Quyết định về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong thời hạn mà vẫn tiếp tục thực hiện quá trình tố tụng thì mất quyền phản đối những quy định đó tại Trọng tài.

 Căn cứ theo quy định pháp luật và tình hình thực tế Vụ tranh chấp, Hội đồng xét đơn nhận định: Phán quyết của Hội đồng Trọng tài giải quyết Vụ tranh chấp trên không thuộc một trong các trường hợp bị hủy quy định theo Luật Trọng tài thương mại. Đồng thời, việc lựa chọn trọng tài tại văn bản ngày 18/01/2021 của Công ty THB chính là lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp về khoản nợ liên quan đến các hợp đồng mua bán đã ký với Công ty GMA và việc thỏa thuận trọng tài nêu trên chính là thỏa thuận cơ quan giải quyết tranh chấp liên quan đến khoản nợ của các hợp đồng mua bán. Do đó, yêu cầu huỷ Phán quyết trọng tài của Công ty THB là không có cơ sở để chấp nhận.

2. Trích dẫn nội dung Bản án, Quyết định có liên quan

 

TÒA ÁN NHÂN DÂN                                          CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 

THÀNH PHỐ HÀ NỘI                                          Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 Số: 11/2022/QĐ-PQTT                                   Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC YÊU CẦU HỦY PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI

 

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có:

 

Thẩm phán - Chủ tọa: ông Hoàng Minh Thành

Các Thẩm phán: Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Bà Ngô Tuyết Băng

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên họp: Ông Nguyễn Trần Thắng - Kiểm sát viên.   

Thư ký ghi biên bản phiên họp: bà Dương Thị Huệ - Thư ký Tòa án.

Căn cứ vào Điều 71 của Luật trọng tài thương mại;

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ kèm theo và Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 70/21 ngày 19/5/2022 của Trung tâm trọng tài X. 

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Bên yêu cầu là Công ty TNHH THB  là bị đơn trong Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 70/21 ngày 19/5/2022 với nguyên đơn là Công ty GMA Accesories

Các bên tham gia phiên họp xét đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài gồm có: 

- Bên yêu cầu: Công ty TNHH THB 

- Bên liên quan: Công ty GMA 

 

NỘI DUNG VỤ VIỆC NHƯ SAU

Trong các ngày 10/7/2020 và ngày 17/7/2022 nguyên đơn là GMA  Inc (Sau đây gọi tắt là nguyên đơn hay Công ty GMA) và bị đơn là Công ty TNHH THB NVN (Sau đây gọi tắt là bị đơn hoặc Công ty THB) lần lượt ký các hợp đồng mua bán găng tay sau:

Hợp đồng mua bán số THB/GMA/001 ngày 10/7/2020 với trị giá là 219.000 USD (Hợp đồng số 001)

Hợp đồng mua bán số THB/GMA/002 ngày 17/7/2021 với trị giá là

201.000 USD ( Hợp đồng số 002)

Tổng trị giá 02 hợp đồng là 420.000 USD

Theo đó, bị đơn bán cho nguyên đơn găng tay y tế với số lượng, chủng loại và giá cả được thỏa thuận trong từng hợp đồng.

Do bị đơn không thể giao được hàng hóa theo đúng thỏa thuận nên THB có nghĩa vụ hoàn trả lại GMA các khoản tiền mà GMA đã thanh toán và các bên ký 03 biên bản thanh lý là:

-Biên bản thanh lý ngày 04/8/2020 để thanh lý hợp đồng mua bán số 003 với số tiền là 607.500 USD

-Biên bản thanh lý ngày 12/8/2020 để thanh lý hợp đồng mua bán số 001 với số tiền là 219.000 USD

-Biên bản thanh lý ngày 12/8/2020 để thanh lý hợp đồng mua bán số 002 với số tiền là 201.000 USD

Với tổng giá trị theo 03 biên bản thanh lý là 1.027.500 USD

Tại bản tự bảo vệ gửi Hội đồng trọng tài, bị đơn thừa nhận nguyên đơn đã chuyển cho bị đơn số tiền là 1.027.500 USD, trong đó 420.000 USD là giá trị của hai hợp đồng nêu trên. Số tiền còn lại là 607.500 USD nguyên đơn cho rằng nguyên đơn chuyển cho bị đơn theo hợp đồng mua bán số 003 ngày 17/7/2020, bị đơn không thừa nhận có hợp đồng này. 

Tuy nhiên, từ khi các bên ký hợp đồng (tháng 7/2020) đến tháng 8/2020 là thời điểm thanh lý hợp đồng thì bị đơn mới trả cho nguyên đơn một phần tiền mà nguyên đơn đã chuyển cho bị đơn. 

…………………

 Tại phán quyết trọng tài vụ trạnh chấp số 70/21 ngày 19/5/2022 của Trung tâm trọng tài X đã quyết định:

 1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn các khoản sau:

……………

 3. Bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền phí trọng tài là 3.480,85 USD Ngoài ra, phán quyết còn quyết định một số vấn đề khác về 

Không đồng ý với phán quyết trọng tài của Trung tâm trọng tài X, ngày 18/6/2022, bị đơn là Công ty THB có đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 70/21 ngày 19/5/2021 của Trung tâm trọng tài X tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.

Tại đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và bản ý kiến gửi Tòa án, bên yêu cầu (bị đơn) trình bày căn cứ yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài như sau:

Bên yêu cầu cho rằng giữa hai bên không có thỏa thuận trọng tài , các hợp đồng mua bán mà các bên đã ký kết đều có không điều khoản thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nên Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp đối với vụ việc này, cụ thể:

Hội đồng Trọng tài đã căn cứ vào văn bản đề ngày 18/01/2021/2021 của THB gửi GMA về việc có nội dung “Bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ hoặc liên quan đến thỏa thuận này, bao gồm bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sự tồn tại, hiệu lực hoặc chấm dứt của Thỏa thuận, sẽ được tham chiếu và giải quyết cuối cùng bằng trọng tài do Trung tâm trọng tài X theo quy định Quy tắc Trọng tài của Trung tâm trọng tài X tại thời điểm có hiệu lực, quy tắc mà được coi là hợp nhất bằng cách tham chiếu trong điều khoản này…”

……………………

Tại Bản ý kiến ngày 12/9/2022, Công ty GMA trình bày:

Giữa THB và GMA chỉ tồn tại giao dịch mua bán găng tay y tế theo các Hợp đồng mua bán số 001 ngày 10/07/2020, Hợp đồng mua bán số 002 ngày 17/07/2020, và Hợp đồng mua bán số 003 ngày 17/07/2022 (sau đây gọi chung là “Hợp đồng mua bán”).  Do THB không thể giao được hàng hóa theo đúng thỏa thuận, các bên đã ký kết các biên bản thanh lý hợp đồng, theo đó, THB có nghĩa vụ hoàn trả lại GMA các khoản tiền mà GMA đã thanh toán. Ngoài các Hợp đồng mua bán kể trên, giữa THB và GMA không tồn tại bất kỳ giao dịch nào khác. Nghĩa vụ thanh toán của THB cũng chỉ phát sinh dựa trên các Hợp đồng mua bán găng tay y tế này. 

………………..

Để trả lời lại văn bản nhắc nợ của GMA, THB đã gửi Văn bản 18/01/2021 với tiêu đề rất rõ ràng “Trả lời công văn nhắc nợ ngày 11/01/2021 của Công ty GMA  Inc. về vấn đề thu hồi công nợ đang tranh chấp”. Trong toàn bộ nội dung của Văn bản 18/01/20212021, THB giải thích về quá trình nhận đơn đặt hàng từ GMA, quá trình thực hiện các Hợp đồng mua bán cũng như đề xuất phương án giải quyết tranh chấp. Vấn đề cần giải quyết, hay vấn đề tranh chấp theo Văn bản 18/01/2021 của THB chính là việc “thu hồi công nợ đang tranh chấp” phát sinh từ các Hợp đồng mua bán. Nếu không có tranh chấp về công nợ theo các Hợp đồng mua bán thì sẽ không có tranh chấp được đề cập tại Văn bản 18/01/2021/2021. Việc THB cho rằng tranh chấp mà THB nhắc đến không phải các Hợp đồng mua bán kể trên thì sẽ không tồn tại bất kỳ tranh chấp nào cần giải quyết giữa THB và GMA. Điều này mâu thuẫn với chính tiêu đề của Văn bản 18/01/2021/2021 

………………….

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 16 Luật Trọng tài Thương mại số 54/2010/QH12, thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập “thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên”. Bằng Văn bản 18/01/2021 và Văn bản 17/05/2021 , các bên đã hoàn toàn thống nhất về việc lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm trọng tài X. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 5 và Điểu 16 Luật Trọng tài Thương mại, thỏa thuận trọng tài có thể được lập sau khi xảy ra tranh chấp và có thể được lập thành thỏa thuận riêng tách biệt với hợp đồng về mặt hình thức.

Từ những căn cứ nêu trên, GMA một lần nữa khẳng định rằng:

Thứ nhất, giữa THB và GMA không tồn tại bất kỳ giao dịch mua bán nào khác ngoài các Hợp đồng mua bán đã được THB nộp cho Quý Tòa; 

Thứ hai, đối tượng tranh chấp theo Văn bản 18/01/2021 chính là đối tượng tranh chấp theo các Hợp đồng mua bán, do vậy, điều khoản trọng tài theo đề xuất của THB tại Văn bản 18/01/2021 chính là để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các Hợp đồng mua bán.

Văn bản 18/01/2021 của THB, và Văn bản 17/05/2021  của GMA không phải là các đề nghị giao kết mới giữa các bên.

………………………..

Hồ sơ Vụ tranh chấp do cả hai Bên cung cấp cho thấy rõ các Hợp đồng mua bán, các Biên bản thanh lý hợp đồng được ký kết giữa Nguyên đơn và Bị đơn; các văn thư trao đổi trong quá trình giải quyết công nợ cũng được gửi trực tiếp từ Bị đơn đến Nguyên đơn và ngược lại mà không có bất kỳ bên thứ ba nào. ………………………….

Từ những lập luận trên đây, Công ty GMA khẳng định, việc THB cho rằng có sự tồn tại của bên thứ ba dẫn đến không tồn tại thỏa thuận trọng tài giữa THB và GMA là hoàn toàn vô căn cứ. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét đơn không chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của THB.

Tại phiên họp xét đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài: 

Bên yêu cầu trình bày: Bên yêu cầu giữ nguyên yêu cầu đề nghị Hội đồng xét đơn hủy Phán quyết trọng tài theo các chứng cứ, tài liệu đã cung cấp và trình bày trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc. Xác nhận các tài liệu, chứng cứ về việc tranh chấp đã nộp đầy đủ tại Trung tâm trọng tài X.

Bên liên quan trình bày: Bên liên quan giữ nguyên các ý kiến đã trình bày tại Tòa và đề nghị Hội đồng xét đơn không chấp nhận Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vì các lý do Bên yêu cầu đưa ra không có căn cứ pháp lý. HĐTT  đã xét xử vụ kiện đúng theo quy định của pháp luật và Quy tắc trọng tài vụ tranh chấp 70/21 ngày 19/5/2022 của Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên họp phát biểu quan điểm:

…………………………….

Nội dung Phán quyết không trái với những nguyên tắc cơ bản pháp luật Việt Nam. Lý do xin hủy Phán quyết trọng tài là không có căn cứ. Phán quyết trọng tài không vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Điều 68 LTTTM, đề nghị Hội đồng xét đơn ra Quyết định không hủy Phán quyết trọng tài.

XÉT THẤY

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 70/21 của Trung tâm trọng tài X ban hành ngày 19/5/2022 và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc, ý kiến của những người được triệu tập đến phiên họp và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, Hội đồng xét đơn nhận thấy: 

Về tố tụng: 

Ngày 19/5/2022, Trung tâm trọng tài X ban hành Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 70/21, ngày 20/6/2022 Công ty THB nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự, điểm g khoản 2, khoản 3 Điều 7, Điều 69 luật Trọng tài thương mại thì Bên yêu cầu nộp đơn trong thời hạn luật định và Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiến hành thụ lý và giải quyết vụ việc là đúng thẩm quyền.

Về nội dung: Xét các căn cứ mà bên yêu cầu đưa ra để đề nghị Tòa án hủy phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn thấy:

Bên yêu cầu đưa ra căn cứ pháp lý hủy Phán quyết là điểm a khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010: Các bên không có thỏa thuận trọng tài. Xét căn cứ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Bên yêu cầu, thấy:

…………………

Theo quy định tại khoản 4 điều 71 Luật trọng tài thương mại, Hội đồng xét đơn không giải quyết về nội dung vụ kiện, tuy nhiên, Hội đồng xét đơn xem xét việc ký kết các hợp đồng mua bán làm căn cứ xác định việc bên yêu cầu cho rằng Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Quá trình tố tụng tại trọng tài, THB chỉ thừa nhận ký 02 hợp đồng mua bán số 001 ngày 10/7/2020 và số 002 ngày 17/7/2020. Ngoài ra THB không thừa nhận giao dịch nào khác với GMA. Tuy nhiên, giá trị của 02 hợp đồng nêu trên lại chỉ có 420.000USD nhưng THB xác nhận là GMA đã chuyển cho THB tổng số tiền là 1.027.500 USD. Do bị đơn vi phạm nghĩa vụ giao hàng nên các bên ký 03 biên bản thanh lý. Theo đó

…………………………

Tại mục 3 phần B của công văn này, THB cũng đề xuất cơ quan giải quyết tranh chấp là Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cụ thể: “Bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ hoặc liên quan đến thỏa thuận này, bao gồm bất kỳ vấn đề nào liên quan đến sự tồn tại, hiệu lực hoặc chấm dứt của Thỏa thuận, sẽ được tham chiếu và giải quyết cuối cùng bằng trọng tài do Trung tâm trọng tài X theo quy định Quy tắc Trọng tài của Trung tâm trọng tài X, tại thời điểm có hiệu lực, quy tắc mà được coi là hợp nhất bằng cách tham chiếu trong điều khoản này. Địa điểm trọng tài sẽ là thành phố Hà Nội… tiếng Việt sẽ là ngôn ngữ điều chỉnh các thủ tục trọng tài”. 

…………………………..

Tại văn bản ngày 17/5/2021 của GMA gửi THB với nội dung: đồng ý với đề xuất của THB liên quan đến điều khoản giải quyết tranh chấp, cụ thể là: Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến giao dịch thương mại giữa hai bên cho việc đặt mua găng tay y tế sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm trọng tài X theo quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này. Địa điểm trọng tài là thành phố Hà Nội. Luật áp dụng là pháp luật Việt Nam. Ngôn ngữ trọng tài là Tiếng Việt

Như vậy, đề xuất lựa chọn trọng tài giải quyết vụ việc của THB đã được GMA đồng ý nên coi đây là thỏa thuận trọng tài giữa hai bên và Hội đồng xét đơn xác định Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định. 

……………………….

Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 điều 43 Luật trọng tài thương mại thấy: Quá trình tham gia tố tụng tại Trung tâm trọng tài X nếu không đồng ý với thẩm quyền trọng tài thì THB có quyền khiếu nại với Hội đồng trọng tài, trên cơ sở đó, Hội đồng Trọng tài sẽ có quyết định về thẩm quyền trọng tài. Nếu không đồng ý với Quyết định về thẩm quyền trọng tài của Hội đồng trọng tài, THB có quyền yêu cầu xem xét lại quyết định này của Hội đồng Trọng tài (về thẩm quyền) tại Tòa án theo quy định tại điều 44 Luật trọng tài thương mại nhưng THB đã không thực hiện việc này mà chỉ có ý kiến khi Hội đồng Trọng tài giải quyết vụ việc là mất quyền phản đối theo Điều 13 Luật Trọng tài thương mại

Từ những phân tích trên, thấy rằng căn cứ của bên yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 70/21 ngày 19/5/2021 của Trung tâm trọng tài X vì lý do Hội đồng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ việc do các bên không có thỏa thuận trọng tài là không có căn cứ nên không chấp nhận

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với tài liệu có trong hồ sơ vụ việc và phù hợp quy định của pháp luật

Từ những phân tích trên, thấy: Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 70/21 ngày 19/5/2021 của Trung tâm trọng tài X không thuộc một trong các trường hợp bị hủy quy định tại điểm a khoản 2 điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Do vậy, yêu cầu của THB về việc đề nghị hủy phán quyết trọng tài không được chấp nhận.

 ………………………….

QUYẾT ĐỊNH

1.Không chấp nhận yêu cầu của Công ty TNHH THB về việc đề nghị hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 70/21 ngày 19/5/2022 của Trung tâm trọng tài X.

………………..

Bài viết trên MCAC đã nêu ra Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 11/2022/QĐ-PQTT ngày 20/9/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.

Xem thêm: Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 1644/2022/QĐ-PQTT ngày 23/9/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin liên quan

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2022/QĐ-PQTT NGÀY 25/8/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]
08 10/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2022/QĐ-PQTT NGÀY 25/8/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]

Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 272/2022/QĐ-PQTT NGÀY 14/3/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH [1]
28 09/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 272/2022/QĐ-PQTT NGÀY 14/3/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH [1]

Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết định số 272/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Vụ tranh chấp giữa Công ty H và Công ty M đặt ra những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như quá trình giải quyết của Hội đồng Trọng tài.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG