Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 1644/2022/QĐ-PQTT NGÀY 23/9/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH [1]

30/08/2024

1. Nội dung vụ việc có liên quan 

Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X đã giải quyết tranh chấp về Hợp đồng số 013-2019/TCO-NPĐ/BDV ngày 09/5/2019 giữa Nguyên đơn là Công ty Cổ phần T (gọi tắt là “Công ty T”) và Bị đơn là Công ty TNHH N (gọi tắt là “Công ty N”).

Bị đơn là Công ty N khiếu nại đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài Vụ tranh chấp với lý do: Phán quyết trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam khi sử dụng ngôn ngữ không phù hợp. Vì vậy, Bị đơn cho rằng phán quyết phải bị hủy bỏ căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền nhận định: Phán quyết của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Do đó, yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài Vụ tranh chấp của Công ty N không có cơ sở để Hội đồng xét đơn yêu cầu chấp nhận.

Nguyên đơn là Công ty T có ý kiến như sau: Về ngôn ngữ trọng tài, các bên thỏa thuận và thực tế diễn biến quá trình tố tụng trọng tài đều bằng tiếng Việt, không vi phạm thỏa thuận tại hợp đồng. Tuy tài liệu chứng cứ do công ty T cung cấp là Hợp đồng bản tiếng Anh nhưng Hội đồng Trọng tài đã không yêu cầu công ty T cung cấp bản dịch là phù hợp quy định nêu trên. Ngoài ra, trong quá trình tố tụng trọng tài giải quyết Vụ tranh chấp, Công ty N đã thống nhất các nội dung bao gồm ngôn ngữ trọng tài và trình tự, thủ tục tố tụng trọng tài tại Biên bản phiên họp cũng đã ký xác nhận tại Biên bản này.

Hội đồng xét đơn nhận thấy: Việc cung cấp bản dịch là tùy theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài. Do đó, Hội đồng Trọng tài chấp nhận chứng cứ do phía công ty T cung cấp bản tiếng Anh là phù hợp với các quy định của Quy tắc trọng tài.

Ngoài ra, trong một số trường hợp thì tài liệu, chứng cứ trong quá trình tố tụng có ngôn ngữ khác với ngôn ngữ trọng tài. Tại quy tắc tố tụng trọng tài của MCAC có quy định chi tiết về việc xử lý ngôn ngữ của tài liệu, chứng cứ khác với ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài. Cụ thể, khoản 3 Điều 23 Quy tắc tố tụng của MCAC quy định: “Nếu một tài liệu được lập bằng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ trọng tài thì Hội đồng Trọng tài hoặc Trung tâm, có thể yêu cầu một bên hoặc các bên cung cấp bản dịch, trong trường hợp Hội đồng Trọng tài chưa được thành lập.”[2]

 

Tại Phiên họp cuối cùng giải quyết vụ tranh chấp, Bị đơn là Công ty N đã thống nhất nội dung: “Các Bên xác nhận đã nhận đầy đủ các tài liệu do Bên còn lại cung cấp. Các Bên thống nhất không phản đối về tính xác thực của các tài liệu được các Bên nộp trong quá trình tố tụng trọng tài; các Bên đề nghị Hội đồng Trọng tài xem xét là chứng cứ để giải quyết tranh chấp.”

Như vậy, trong quá trình tố tụng Trọng tài, Bị đơn không có ý kiến nào về bản dịch hợp đồng. Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 quy định: “Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án”. Theo đó, Công ty N không thể hiện sự phản đối mà vẫn tiếp tục thực hiện quá trình tố tụng thì đã mất quyền phản đối những quy định đó tại Trọng tài.

Căn cứ theo quy định pháp luật và tình hình thực tế Vụ tranh chấp, Hội đồng xét đơn nhận định: Phán quyết của Hội đồng Trọng tài giải quyết Vụ tranh chấp trên không vi phạm các nguyên tắc cơ bản quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, Bị đơn là Công ty N không cung cấp thêm được tài liệu chứng cứ nào chứng minh cho yêu cầu của mình. Do đó, yêu cầu huỷ Phán quyết trọng tài của Công ty N là không có cơ sở để chấp nhận.

2. Trích dẫn nội dung Bản án, Quyết định có liên quan

TÒA ÁN NHÂN DÂN                                          CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                                           Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 Số: 1644/2022/QĐ-PQTT                           Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH 

VỀ VIỆC HỦY PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có:

Thẩm phán, Chủ tọa phiên họp: Bà Phùng Thị Như Mai

Các Thẩm phán: Ông Đào Quốc Thịnh

                            Bà Lưu Thị Đoan Trang       

Thư ký phiên họp: Bà Phan Thị Thu Hiền

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên họp: Bà Lê Thị Kim Thủy, Kiểm sát viên.     

Vào các ngày 14 và 23 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đã tiến hành phiên họp giải quyết việc dân sự thụ lý số 115/2022/KDTM-ST ngày 04 tháng 8 năm 2022 về việc: “Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài” theo Quyết định mở phiên họp số 4424/2022/QĐ-MPH ngày 15 tháng 8 năm 2022.

Người yêu cầu: Công ty TNHH N

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần T  Địa chỉ: 722 đường Đ, phường WW, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.

 

NHẬN THẤY:

Theo đơn yêu cầu ngày 07 tháng 7 năm 2022 của Công ty TNHH N (sau đây gọi tắt là công ty N) trình bày như sau:

Công ty Cổ phần T (sau đây gọi tắt là công ty T) đã khởi kiện Công ty TNHH N tại Trung tâm trọng tài X theo vụ tranh chấp số 145/X. Ngày 06/7/2022, công ty N nhận được văn bản số 1230/X đính kèm Phán quyết Trọng tài Vụ tranh chấp số 145/X do Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X giải quyết lập ngày 05/7/2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty N cho rằng phán quyết phải bị hủy bỏ căn cứ theo điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Cụ thể Phán quyết vi phạm về sử dụng ngôn ngữ không phù hợp và giải quyết không đúng giá trị tranh chấp được thông báo. Tài liệu chứng cứ do công ty T cung cấp là Hợp đồng số 013-2019/TCO-NPĐ/BDV ngày 09/5/2019 bản tiếng Anh đã không được dịch ra tiếng Việt dù các bên đã thỏa thuận ngôn ngữ giải quyết tranh chấp là tiếng Việt tại Điều 40 Phần I Hợp đồng 013-2019/TCO-NPĐ/BDV.

…………………..

Căn cứ Khoản 1, điểm b, khoản 3 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Công ty N đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy phán quyết Trọng tài vụ tranh chấp số 145/X ngày 05/7/2022 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty Cổ phần T có đại diện ủy quyền trình bày:

Về ngôn ngữ trọng tài các bên thỏa thuận và thực tế diễn biến quá trình tố tụng trọng tài đều bằng tiếng Việt, không vi phạm thỏa thuận tại hợp đồng. Tuy tài liệu chứng cứ do công ty T cung cấp là Hợp đồng bản tiếng Anh nhưng căn cứ quy định tại khoản 1 và 3 Điều 23 Quy tắc trọng tài thì Hội đồng trọng tài “có thể yêu cầu”. Hội đồng trọng tài đã không yêu cầu công ty T cung cấp bản dịch là phù hợp quy định nêu trên. 

…………………………

Ngoài ra, trong quá trình tố tụng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp, Công ty N đã thống nhất các nội dung bao gồm ngôn ngữ trọng tài và trình tự, thủ tục tố tụng trọng tài tại Biên bản phiên họp vụ tranh chấp số 145/21 HCM ngày 20/6/2022 và ký xác nhận tại Biên bản này. Như vậy, căn cứ Điều 13 Luật Trọng tài thương mại và khoản 4 Điều 38 Quy tắc Trọng tài thì Công ty N đã mất quyền phản đối với các nội dung nêu trong đơn. 

Công ty N cho rằng Phán quyết trọng tài vi phạm nguyên tắc cơ bản của Pháp luật Việt Nam nhưng cũng không chỉ ra được nguyên tắc vi phạm là nguyên tắc nào. 

Do đó, Công ty T không đồng ý với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của công ty N.  Tại phiên họp hôm nay, người yêu cầu và người có quyền, nghĩa vụ liên quan giữ nguyên các ý kiến nêu trên.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến: Qua kiểm sát vụ việc từ khi thụ lý đến thời điểm này thấy rằng Thẩm phán đã chấp hành đúng quy định về thẩm quyền giải quyết vụ việc, Tòa án có quyết định mở phiên họp và gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu đúng thời hạn, cấp và tống đạt các văn bản tố tụng cho người tham gia tố tụng và Viện kiểm sát theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. 

Việc tuân theo pháp luật của Hội đồng mở phiên họp: Tại phiên họp hôm nay, phiên họp tiến hành đúng trình tự pháp luật Tố tụng dân sự.

Việc chấp hành pháp luật của các đương sự đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về nội dung: Yêu cầu của công ty N là không có cơ sở. Căn cứ Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010, đề nghị Hội đồng xét đơn không chấp nhận yêu cầu của công ty N.

 

XÉT THẤY:

1. Về thẩm quyền giải quyết: Đây là việc dân sự về yêu cầu kinh doanh thương mại liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết tranh chấp, nơi Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết trọng tài là Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 31, Điểm b Khoản 1 Điều 37, Điểm o Khoản 2 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 7 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, yêu cầu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Về thời hiệu: Ngày 05 tháng 7 năm 2022 là ngày công bố Phán quyết Trọng tài vụ tranh chấp số 145/21 HCM, ngày 11 tháng 7 năm 2022 Công ty N nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hủy phán quyết trọng tài là còn trong thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều 69 Luật Trọng tài Thương mại.

3. Về nội dung: Người yêu cầu là Công ty TNHH N yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài số 145/21 HCM do Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X lập ngày 05/7/2022. Công ty N cho rằng Phán quyết trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam khi sử dụng ngôn ngữ không phù hợp và giải quyết giá trị tranh chấp vượt quá nội dung ghi nhận trên giấy triệu tập. Hội đồng xét đơn xem xét ý kiến này như sau:

[3.1] Công ty N trình bày chứng cứ việc Phán quyết sử dụng ngôn ngữ không phù hợp khi Hội đồng trọng tài chấp nhận chứng cứ do phía công ty T cung cấp là bản Hợp đồng số 013-2019/TCO-NPĐ/BDV ngày 09/5/2019 bản tiếng Anh không được dịch ra tiếng Việt là ngôn ngữ các bên đã thỏa thuận trong tố tụng trọng tài. Khoản 3 Điều 23 Quy tắc Trọng tài quy định “nếu một tài liệu được lập bằng ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ Trọng tài thì Hội đồng trọng tài... có thể  yêu cầu một bên hoặc các bên cung cấp bản dịch”. Như vậy, theo Quy tắc trọng tài không bắt buộc tài liệu chứng cứ phải được dịch. Việc cung cấp bản dịch là tùy theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài. Do đó, Hội đồng trọng tài chấp nhận chứng cứ do phía công ty T cung cấp bản tiếng Anh là phù hợp với các quy định của Quy tắc trọng tài.

[3.2] Ngày 16/12/2021, công ty T nộp đơn khởi kiện đối với công ty N tại Trung tâm trọng tài X trong đó xác định giá trị tranh chấp theo Hợp đồng tạm tính là 1.513.400.000 (một tỷ năm trăm mười ba triệu bốn trăm nghìn) đồng. Ngày 06/6/2022, công ty T đã có đơn khởi kiện bổ sung yêu cầu công ty N thanh toán lãi chậm trả 378.082.575 (ba trăm bảy mươi tám triệu không trăm tám mươi hai nghìn năm trăm bảy mươi lăm) đồng và bồi hoàn phí thuê luật sư 180.000.000 (một trăm tám mươi triệu) đồng. ……………………………. 

[3.3] Tại Phiên họp cuối cùng ngày 20/6/2022, công ty N đã thống nhất các nội dung:

“...2….(iii) trình tự, thủ tục tố tụng trọng tài của Vụ tranh chấp từ khi thụ lý cho đến lúc mở phiên họp giải quyết;…  

3….Các Bên xác nhận đã nhận đầy đủ các tài liệu do Bên còn lại cung cấp. Các Bên thống nhất không phản đối về tính xác thực của các tài liệu được các Bên nộp trong quá trình tố tụng trọng tài; các Bên đề nghị Hội đồng Trọng tài xem xét là chứng cứ để giải quyết tranh chấp.”

Như vậy, trong quá trình tố tụng Trọng tài, phía công ty N không có ý kiến nào về bản dịch hợp đồng hay giá trị tranh chấp như đã nêu nên công ty N mất quyền phản đối theo quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài Thương mại năm 2010 và Khoản 4 Điều 38 Quy tắc Trọng tài.

[3.4] Tại phiên họp hôm nay, công ty N không cung cấp thêm được tài liệu chứng cứ nào chứng minh cho yêu cầu của mình đồng thời cũng không xác định được Phán quyết 145/21 HCM ngày 05/7/2022 của Hội đồng Trọng tài đã vi phạm nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật Việt Nam mà chỉ yêu cầu Hội đồng xét đơn căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại để hủy bỏ Phán quyết là không có căn cứ. 

[3.5] Từ những lập luận ở trên, yêu cầu hủy Phán quyết số 145/21 HCM ngày 05/7/2022 của công ty N là không có căn cứ nên Hội đồng xét đơn không chấp nhận.

…………………….

Bởi các lẽ trên,

Căn cứ Khoản 2 Điều 31, Điểm a Khoản 3 Điều 38, Khoản 3 Điều 414 và

Điều 415 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015;

Căn cứ  Điều 68, Điều 71 và Điều 72 Luật Trọng tài thương mại 2010; 

Căn cứ Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại.

QUYẾT ĐỊNH:

  1. Không hủy Phán quyết Trọng tài vụ tranh chấp số 145/21 HCM ngày 05 tháng 7 năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh bởi Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X
  2. ………….

CHÚ THÍCH:
[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1288245t1cvn/chi-tiet-ban-an

[2] https://mcac.vn/quy-tac-to-tung

Bài viết trên MCAC đã nêu ra Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 1644/2022/QĐ-PQTT ngày 23/9/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.

Xem thêm: Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 04/2023/QĐ-PQTT ngày 05/4/2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội

 

Tin liên quan

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/2023/QĐ-PQTT NGÀY 05/4/2023 CỦA TÒA ÁN NH N D N THÀNH PHỐ HÀ NỘI
15 08/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 04/2023/QĐ-PQTT NGÀY 05/4/2023 CỦA TÒA ÁN NH N D N THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Khám phá những điểm nổi bật về tranh chấp hợp đồng thương mại giữa Công ty D và Công ty A liên quan đến phán quyết trọng tài. Bài viết dưới đây MCAC sẽ phân tích chi tiết Quyết định số 04/2023/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, từ nguyên nhân tranh chấp đến lý do Tòa án hủy phán quyết trọng tài, và những bài học pháp lý rút ra từ vụ việc này.

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRỌNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 54/2023/QĐ-PQTT NGÀY 10/01/2023 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
10 08/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRỌNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 54/2023/QĐ-PQTT NGÀY 10/01/2023 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Cùng MCAC phân tích chi tiết những vấn đề về trọng tài thương mại trong Quyết định số 54/2023/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến việc giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa Công ty H và Công ty V. Cập nhật các điểm quan trọng về quyền lợi, nghĩa vụ pháp lý và quá trình tố tụng

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG