Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

VẤN ĐỀ BỒI HOÀN CHI PHÍ LUẬT SƯ KHI GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

05/07/2023

Việc tham gia của luật sư với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên trong các tranh chấp dân sự, thương mại... đã phổ biến ở Việt Nam, không chỉ ở tố tụng toà án mà cả tố tụng trọng tài thương mại.

Vậy chi phí luật sư có được yêu cầu bồi hoàn cho các bên trong vụ kiện tại trọng tài?

Trong một Phán quyết trọng tài, Hội đồng Trọng tài cho rằng: “Ngoài ra, Nguyên đơn còn đưa ra chứng cứ chứng minh đã phải thanh toán chi phí luật sư phục vụ cho việc giải quyết tranh chấp là 50.000.000 VND. Hội đồng Trọng tài nhận thấy khoản chi phí luật sư như trên gắn liền với việc vi phạm hợp đồng của Bị đơn và là hợp lý trên cơ sở tính chất của vụ việc nên là một loại thiệt hại được chấp nhận bồi thường”. (1)

Đây là yêu cầu chính đáng được nhiều Hội đồng trọng tài chấp thuận tương tự trong quá trình giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài.

Tuy nhiên, khi vụ kiện được giải quyết tại toà án thì hầu hết yêu cầu bồi hoàn phí luật sư của các bên, thậm chí là bên thắng kiện cũng không được chấp nhận (trừ trường hợp có thoả thuận), bởi khoản 3 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS 2015) quy định rất rõ: “Chi phí cho người phiên dịch, luật sư do người có yêu cầu chịu, trừ trường hợp các bên đương sự có thoả thuận khác”

Trong thực tiễn đã có Toà bác yêu cầu bồi hoàn phí luật sư của nguyên đơn với lý do: “chi phí luật sư là khoản tiền phải trả cho luật sư theo thỏa thuận của đương sự với luật sư trong phạm vi quy định của Văn phòng luật sư và theo quy định của pháp luật” (Bản án số 17/2014/DS-ST ngày 04/8/2014 của TAND quận X, TP HCM).

Dù BLTTDS 2015 có nhận diện về chi phí luật sư (“Chi phí cho luật sư là khoản tiền phải trả cho luật sư theo thỏa thuận của đương sự với luật sư trong phạm vi quy định của tổ chức hành nghề luật sư và theo quy định của pháp luật” (2)), nhưng trong hầu hết các luật chuyên ngành không thừa nhận quyền mặc định được đòi bồi hoàn chi phí luật sư của các bên trong tranh chấp.

Chỉ duy nhất có lĩnh vực sở hữu trí tuệ công nhận quyền mặc định trên tại khoản 3 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 như sau: “Ngoài khoản bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Toà án buộc tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư”. Và “chi phí hợp lý để thuê luật sư là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ phức tạp của vụ việc; kỹ năng, trình độ của luật sư và lượng thời gian cần thiết để nghiên cứu vụ việc. Mức chi phí bao gồm mức thù lao luật sư và chi phí đi lại, lưu trú cho luật sư, mức thù lao do luật sư thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý dựa trên các căn cứ và phương thức tính thù lao quy định tại Điều 55 của Luật Luật sư” (mục I.2.4 Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân).

Theo đó, căn cứ xác định mức thù lao của luật sư (khoản 1 Điều 55 Luật Luật sư) bao gồm: (i) Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; (ii) thời gian và công sức của luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý; (iii) kinh nghiệm và uy tín của luật sư. Các phương thức tính thù lao của luật sư (khoản 2 Điều 55 Luật Luật sư) sẽ được tính theo: (i) Giờ làm việc của luật sư; (ii) vụ, việc với mức thù lao trọn gói; (iii) vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án; (iv) hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định. 

Dựa trên những cơ sở pháp lý này mà không ít hội đồng xét xử đã ban hành bản án buộc một bên phải bồi hoàn “chi phí hợp lý để thuê luật sư”. Ví dụ như Bản án số 364/2014/KDTM-ST ngày 10/4/2014 của TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên: “Công ty cổ phần X có trách nhiệm thanh toán tiền thuê Luật sư cho Công ty cổ phần Y là 25.000.000 (hai mươi lăm triệu)”; bản án số 1549/2010/KDTM-ST ngày 27/9/2010 của TAND TP Hồ Chí Minh tuyên: “Về chi phí luật sư: Theo phía Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn bồi thường 9.360.000 đ, xét đây là chi phí thực tế cần thiết, phù hợp với tính chất, mức độ của vụ việc (căn cứ theo hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa Nguyên đơn và luật sư) nên được chấp nhận”.

Như vậy, ngoài những tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật quyền sở hữu trí tuệ thì khi các bên cần đến sự tương trợ tư pháp từ luật sư sẽ không được mặc nhiên đòi lại những chi phí mà mình đã bỏ ra trong suốt quá trình tố tụng tại toà án.

Vậy vụ tranh chấp được giải quyết tại các trung tâm trọng tài thương mại thì các bên có quyền yêu cầu bồi hoàn chi phí luật sư không? 

Người viết khẳng định rằng quyền yêu cầu bồi hoàn chi phí luật sư được coi là yêu cầu chính đáng và đã được nhiều Hội đồng trọng tài chấp thuận trong quá trình giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại, chứ không chỉ bó hẹp trong những tranh chấp chịu sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Một số căn cứ pháp lý mà Hội đồng trọng tài thuộc một số trung tâm trọng tài thương mại tại Việt Nam vận dụng để công nhận quyền được yêu cầu bồi hoàn chi phí luật sư của các bên như:

  • Điều 13 Bộ luật Dân sự năm 2015 về Bồi thường thiệt hại: “Cá nhân, pháp nhân có quyền dân sự bị xâm phạm được bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”;
  • Điều 302 Luật thương mại năm 2005 về Bồi thường thiệt hại: “1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. 2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm”;
  • Điểm h khoản 1 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 về Nội dung, hình thức và hiệu lực của phán quyết trọng tài liên quan việc: “phân bổ phí trọng tài và các chi phí khác có liên quan”, cũng như bản quy tắc Tố tụng trọng tài mà một số trung tâm quy định: “Hội đồng trọng tài có quyền quyết định một bên phải trả toàn bộ hoặc một phần chi phí pháp lý hoặc chi phí hợp lý khác của bên kia” (khoản 2 Điều 36 Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC)).

Chúng ta cùng tham khảo cách giải quyết của Hội đồng Trọng tài về yêu cầu bồi hoàn chi phí luật sư sau đây.

Quyết định số 05/13 HCM của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X cho rằng: “Trong tranh chấp về việc không thực hiện đúng hợp đồng, chi phí thuê luật sư là một thiệt hại phát sinh từ việc không thực hiện đúng hợp đồng nên bên không thực hiện đúng hợp đồng phải bồi thường. Trong vụ kiện này, Bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng và dẫn đến tranh chấp nên Nguyên đơn được yêu cầu Bị đơn thoanh toán chi phi thuê luật sư như một loại thiệt hại được bồi thường”. (3)

Một phán quyết trọng tài của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X nhận định: “Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn khoản chênh lệch giá 30.819,60 USD do phải ký các hợp đồng mua hàng tương tự từ đối tác khác và 2.690,95 USD chi phí dịch thuật, chi phí hợp pháp hóa giấy tờ và các chi phí khác liên quan đến việc kiện tụng mà Nguyên đơn đã có đủ bằng chứng, chứng từ chứng minh. Chi phí liên quan đến kiện tụng là “tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra” (khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại năm 2005), trong trường hợp cụ thể này, đây là những chi phí trực tiếp liên quan đến việc Nguyên đơn phải khởi kiện Bị đơn để đòi bồi thường thiệt hại”.

Các phán quyết trọng tài dẫn chứng trên đều cho rằng chính việc “không thực hiện đúng hợp đồng”, “vi phạm hợp đồng của Bị đơn” dẫn đến “chi phí thuê luật sư là một thiệt hại phát sinh” cho nguyên đơn, chi phí liên quan đến kiện tụng là “tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra” (4), nên phía bị đơn phải chịu trách nhiệm, chứ không buộc mặc định là có thoả thuận về bồi hoàn chi phí luật sư mới được Hội đồng trọng tài giải quyết, Hội đồng trọng tài không chấp nhận “chi phí cho người phiên dịch, luật sư do người có yêu cầu chịu,...” (5). Và như vậy bên nguyên được quyền yêu cầu bồi hoàn chi phí luật sư.

Tuy nhiên, việc chấp nhận hay không, cũng như chấp nhận yêu cầu bồi hoàn chi phí luật sư ở mức nào thì Hội đồng trọng tài còn xét trên tính “hợp lý trên cơ sở tính chất của vụ việc”, hợp đồng dịch vụ pháp lý, các quy định tại Điều 55 Luật Luật sư về căn cứ xác định và phương thức tính thù lao luật sư, cũng như xem xét hóa đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định của pháp luật,…

Trong một vụ kiện liên quan đến bồi hoàn phí luật sư, một bên đã cho rằng Hội đồng trọng tài chấp nhận mức phí luật sư là quá cao: “Ngày 14/11/2020, Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài quốc tế V lập tại Thành phố H đã ban hành Phán quyết Trọng tài số 13/20 HCM có nội dung như sau: 1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, tuyên Bị đơn – Công ty cổ phần tập đoàn F phải thanh toán cho Nguyên đơn Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng H số tiền 234.854.719.177 đồng, cụ thể gồm các khoản: a) Tiền nợ gốc còn thiếu là 163.589.275.527 đồng;… c) Chi phí luật sư là 2.200.000.000 đồng” (6). Việc xem xét, quyết định mức bồi hoàn phí luật sư của Hội đồng trọng tài căn cứ vào hồ sơ, tính chất của vụ kiện, thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, toà án nhận định như sau qua Quyết định số 300/2021/QĐ-PQTT ngày 09/3/2021 của TAND Thành phố Hồ Chí Minh: “Ngoài ra, phía Công ty cho rằng Hội đồng trọng tài đã ban hành phán quyết sai vì tính toán phần lãi vượt quá mức lãi trung bình quá hạn trên thị trường theo Điều 306 Luật Thương mại, phân bổ chi phí luật sư quá cao. Xét thấy tại Khoản 4 Điều 71 Luật Trọng tài cũng quy định rằng: “Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào các quy định tại Điều 68 của Luật này và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định; không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết”. Do đó, nội dung này của Công ty F, Hội đồng xét đơn không có thẩm quyền giải quyết”. (7)

Trong một phán quyết khác, Hội đồng trọng tài chỉ chấp nhận mức bồi hoàn phí luật sư theo một tỷ lệ nhất định, phù hợp: “Về phí luật sư và các chi phí khác liên quan đến quá trình giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài yêu cầu Bị đơn trả cho Nguyên đơn 56% của phí luật sư 11.000 USD và chi phí phát sinh là 6.980.900 đ, cụ thể 6.160 USD (Bằng chữ: Sáu nghìn một trăm sáu mươi đô la Mỹ) và 3.909.000 đ (Bằng chữ: Ba triệu chín trăm linh chín nghìn đồng) tương ứng với phí luật sư và chi phí phát sinh” (Quyết định trọng tài vụ kiện số 19/18 ngày 23/02/2019 của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X) (8).

Trong thực tiễn pháp lý có liên quan, một số bản án ở Toà lý giải mức chấp nhận bồi hoàn 50% phí luật sư cho nguyên đơn như sau: “Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý có các công việc: tư vấn hồ sơ chuẩn bị khởi kiện, thay mặt và đại diện theo ủy quyền nộp đơn khởi kiện, cử luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn sơ thẩm. Công việc thay mặt và đại diện nộp đơn, thay mặt Công ty tham gia tố tụng tại tòa là việc mà người khởi kiện phải thực hiện do đó không phải là chi phí hợp lý để thuê luật sư” (9). Bản án khác thì lý giải mức bồi hoàn phí luật sư ở mức ¾ theo góc nhìn: “Xét theo Hợp đồng dịch vụ pháp lý số B139/DVPL ngày 18/9/2008 giữa Nguyên đơn và Chi nhánh Văn phòng Luật sư X thì chi phí luật sư là 20 triệu đồng, được trả cho việc Chi nhánh Văn phòng Luật sư X cử luật sư bảo vệ cho toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn đối với bà Phan Thị Y và Công ty A, trong khi hành vi xâm phạm quyền tác giả chỉ do Công ty A thực hiện. Đối với bà Hạnh, ông Linh có 01 yêu cầu; đối với Công ty A, ông Linh có 03 yêu cầu nên mức phí luật sư hợp lý được chấp nhận là 3/4 của tổng giá trị hợp đồng bằng 15 triệu đồng” (10)

Căn cứ xác định mức bồi hoàn phí luật sư cho các bên dù theo tố tụng toà án hay tố tụng trọng tài cũng phù thuộc vào tình huống pháp lý cụ thể, và phải đảm bảo sự phù hợp theo quy định của pháp luật nói chung cũng như Luật Luật sư trong mối quan hệ giữa luật sư và khách hàng; năng lực, vai trò, phạm vi hoạt động của luật sư. Nên các bên khi thực thi quyền yêu cầu của mình cần căn nhắc, cũng như tham khảo cách giải quyết của Hội đồng xét xử hoặc Hội đồng trọng tài.

Nếu không đảm bảo tính hợp lý thì Hội đồng trọng tài sẽ khó chấp nhận yêu cầu bồi hoàn chi phí luật sư của một bên. Điều này thể hiện qua một Phán quyết trọng tài tham khảo như sau: “Về yêu cầu thanh toán thù lao luật sư, thù lao ủy quyền và chi phí khác: Với yêu cầu này, Hội đồng Trọng tài nhận thấy, đây là yêu cầu chính đáng của Nguyên đơn, nếu Nguyên đơn đưa ra được chứng cứ cụ thể làm cơ sở yêu cầu bồi thường các khoản chi phí pháp lý mà Nguyên đơn phải trả như: hợp đồng dịch vụ pháp lý giữa Nguyên đơn và Luật sư, hóa đơn (VAT) thanh toán tiền dịch vụ pháp lý,… Căn cứ vào Hồ sơ vụ tranh chấp, Hội đồng Trọng tài chưa tìm thấy các chứng cứ pháp lý để xem xét theo yêu cầu của Nguyên đơn”. (11)

Qua thực tiễn tham gia giải quyết tranh chấp, người viết thường thấy trong phần lớn hợp đồng kinh doanh, thương mại thì các bên ít khi thỏa thuận về chi phí luật sư hay chi phí kiện tụng khác. Vì thế khoản chi phí luật sư này sẽ không được tòa án chấp nhận khi có yêu cầu, các bên phải tự chịu chi phí luật sư, chi phí tố tụng có liên quan. Trường hợp vụ kiện được giải quyết tại trọng tài thì việc bồi hoàn chi phí luật sư khi được yêu cầu (dù trước đó các bên không có thoả thuận) và có tính hợp lý thì sẽ được nhiều Hội đồng trọng tài tuyên bên thua kiện có trách nhiệm bồi hoàn cho bên thắng kiện. Hướng giải quyết như trên của trọng tài sẽ phần nào giảm thiểu được chi phí mà bên thắng kiện phải gánh chịu khi giải quyết các tranh chấp kinh doanh thông qua trọng tài thương mại.

Nguyễn Vĩnh Phú

Tổng Thư ký Trung tâm

Trọng tài Thương mại Miền Trung

Đọc thêm: Một số vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa

Bài viết trên đã phân tích chi tiết về vấn đề bồi hoàn chi phí luật sư trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.

----------

Nguồn tham khảo:

(1) Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Giải quyết tranh chấp hợp đồng - Những điều doanh nhân cần biết, Nxb.Tri Thức, tr.178.

(2) Khoản 2 Điều 168 BL TTDS 2015.

(3) Đỗ Văn Đại, Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận án (sách chuyên khảo), Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam 2016, tập 2. Tr.532.

(4) Khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại năm 2005.

(5) Khoản 3 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

(6) https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta689801t1cvn/chi-tiet-ban-an

(7) https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta689801t1cvn/chi-tiet-ban-an

(8) https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta319973t1cvn/chi-tiet-ban-an

(9) Bản án số 364/2014/KDTM-ST ngày 10/4/2014 của TAND TP HCM.

(10) Bản án số 35/2019/DS-ST ngày 18/2/2019 của TAND Quận 1, TP HCM.

(11) Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Giải quyết tranh chấp hợp đồng - Những điều doanh nhân cần biết, Nxb.Tri Thức, tr.180.

Tin liên quan

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 786/2022/QĐ-PQTT NGÀY 07/6/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
19 10/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 786/2022/QĐ-PQTT NGÀY 07/6/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Cùng MCAC tìm hiểu Quyết định số 786/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày 07/06/2022 về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa Công ty C và Công ty F liên quan đến vi phạm thủ tục tố tụng và chứng cứ giả mạo.

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2022/QĐ-PQTT NGÀY 25/8/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]
08 10/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2022/QĐ-PQTT NGÀY 25/8/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]

Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG