Điện thoại: 0935 925 068
22/06/2023
Tóm tắt: Bài viết này đưa ra cách hiểu về hợp đồng mua bán hàng hóa và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, để từ đó phân tích một số vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa, nhằm giúp cho các chủ thể có liên quan đến quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa hiểu rõ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong loại hình hợp đồng này.
Khái niệm hợp đồng được ghi nhận tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015 rằng “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Theo đó, hợp đồng chính là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên với nhau, thông qua đó thể hiện rõ ý chí giao kết. Cụ thể là các bên hoàn toàn tự nguyện, không bị đe dọa hay cưỡng ép trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng. Bên cạnh đó, hậu quả pháp lý phát sinh khi hợp đồng có hiêu lực chính là quyền và nghĩa vụ của các bên sẽ được xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt.
Ví dụ: Công ty A và cá nhân B sau một thời gian dài đàm phán và thảo luận thì đã tiến hành ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa. Bên bán ở đây là công ty A và bên mua là cá nhân B. Kể từ khi hợp đồng có hiệu lực, nghĩa vụ cũng như quyền của các bên đã phát sinh như nghĩa vụ thanh toán đúng hạn của bên mua và nghĩa vụ giao hàng đúng hạn của bên bán.
Có thể hiệu rằng hợp đồng mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận giữa bên mua và bên bán về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của mình trong quá trình mua bán hàng hóa. Cụ thể là bên mua và bên bán phải thống nhất với nhau về các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán và bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo quy định của pháp luật. Các quy định về hoạt động mua bán hàng hóa như hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa hay quyền và nghĩa vụ của các bên được đề cập cụ thể tại chương II Luật Thương mại 2005.
Các quy định về hợp đồng mua bán hàng hóa được đề cập cụ thể trong Luật Thương mại 2005
Xuyên suốt quá trình giao kết hợp đồng, việc một hoặc các bên có hành vi vi phạm hợp đồng dẫn đến bên còn lại gặp thiệt hại là một trường hợp khá phổ biến. Vi phạm hợp đồng không chỉ dừng lại ở việc không thực hiện hợp đồng mà còn có thể là thực hiện hợp đồng một cách không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng với những gì mà các bên đã thỏa thuận. Dưới góc độ pháp lý, trong quá trình giao kết hợp đồng nếu một bên có hành vi vi phạm gây ra tổn thất cho bên còn lại thì có khả năng sẽ phải chịu trách nhiệm với những tổn thất mà mình gây ra. Tổn thất ở đây có thể là tổn thất về mặt vật chất hay tinh thần. Việc một bên có thể phải chịu trách nhiệm đối với những vi phạm của mình trong trường hợp trên được coi là trách nhiệm dân sự.
Xét về hoạt động thương mại, rõ hơn là về hoạt động mua bán hàng hóa. Với mục đích tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc để các chủ thể tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp một cách đầy đủ nhất, nhà nước ta đã quy định ra các phương thức để bảo về quyền dân sự tại Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015, chế tài áp dụng trong thương mại được quy định tại Điều 292 Luật Thương mại 2005, một trong số đó là “Buộc bồi thường thiệt hại”.
Bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 13 Bộ luật Dân sự 2015 rằng trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, cá nhân hay pháp nhân nào bị xâm phạm về quyền dân sự sẽ được bồi thường toàn bộ thiệt hại. Trên tinh thần đó, đối với trường hợp bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hay còn gọi là bồi thường thiệt hại trong hợp đồng, Điều 360 và Điều 361 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:
Thứ nhất, nếu có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra, bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Thứ hai, thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra được chia làm 02 nhóm: Thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Trong đó thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Mặt khác thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.
Bồi thường thiệt hại trong quá trình giao kết hợp đồng là một trường hợp khá phổ biến
Bên cạnh đó, Điều 303 Luật Thương mại 2005 cũng quy định rất rõ về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Thứ nhất, có hành vi vi phạm hợp đồng;
Thứ hai, có thiệt hại thực tế;
Thứ ba, hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.
Căn cứ theo quy định của Luật Thương mại 2005, trừ các trường hợp được miễn trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm tại Điều 294, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phát sinh trong hợp đồng mua bán hàng hóa khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:
Thứ nhất, có hành vi vi phạm hợp đồng.
Hành vi vi phạm hợp đồng ở đây là việc một hoặc các bên có hành vi thực hiện không đúng, không đủ hay không thực hiện những nghĩa vụ mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Đây chính là điều kiện cần để trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra.
Ví dụ như đối với hợp đồng mua bán hàng hóa, việc vi phạm có thể diễn ra dưới các hình thức sau: Từ chối giao hàng hoặc từ chối thanh toán, chậm giao hàng hoặc chậm thanh toán hoặc giao hàng nhưng không đúng với số lượng hay chủng loại đã thỏa thuận.
Thứ hai, có thiệt hại thực tế phát sinh.
Hành vi vi phạm được nêu trên phải gây ra tổn thất thực tế cho bên còn lại của hợp đồng. Những thiệt hại ở đây được quy định tại khoản 2 Điều 302 Luật Thương mại 2005 là giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Vì thế để yêu cầu bên vi phạm tiến hành bồi thường thiệt hại, bên bị vi phạm phải có đầy đủ những căn cứ thể hiện rằng những tổn thất thực tế đã xảy ra đối với bên bị vi phạm.
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra.
Những thiệt hại thực tế nếu ở mục trên phải có nguyên nhân trực tiếp là hành vi vi phạm của bên còn lại. Vì thế khi tính toán giá trị bồi thường, các thiệt hại phát sinh gián tiếp từ hành vi vi phạm sẽ không được ghi nhận.
Kết luận: Mua bán hàng hóa là một hoạt động diễn ra rất phổ biến trong đời sống hàng ngày, vì vậy việc hiểu rõ những quy định của pháp luật xoay quanh hợp đồng mua bán hàng hóa là một điều rất cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. Về nguyên tắc, bên vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại vật chất cho bên bị vi phạm bao gồm: Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra; khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm dựa vào các căn cứ sau: Có hành vi vi phạm hợp đồng, chứng minh được thiệt hại thực tế và chỉ ra được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại.
Đọc thêm: Vai trò của tòa án trong tố tụng trọng tài thương mại
Bài viết của MCAC đã phân tích và làm rõ một số vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng mua bán hàng hóa. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.
Cùng MCAC tìm hiểu Quyết định số 786/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày 07/06/2022 về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa Công ty C và Công ty F liên quan đến vi phạm thủ tục tố tụng và chứng cứ giả mạo.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.