Điện thoại: 0935 925 068
22/03/2023
Trọng tài thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn hiện nay. Để phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại trở thành một phương thức được giới doanh nhân lựa chọn, phương thức này cần đảm bảo được tính nhanh chóng, linh hoạt, công bằng, hiệu quả, đặc biệt là có tính ràng buộc cao đối với các bên tranh chấp. Để làm được điều đó, vai trò của Tòa án trong tố tụng trọng tài thương mại là vô cùng quan trọng.
Vai trò hỗ trợ, giám sát của Tòa án đối với hoạt động trọng tài được quy định trong Luật Trọng tài thương mại 2010. Theo đó, vai trò hỗ trợ, giám sát của Tòa án đối với trọng tài thương mại được thể hiện qua những vấn đề sau:
Tòa án thực hiện vai trò hỗ trợ của mình thông qua quy định về việc chỉ định trọng tài viên trong thành lập hội đồng trọng tài vụ việc tại Điều 41 Luật Trọng tài thương mại. Cụ thể, trong trường hợp không chọn được trọng tài viên, một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định: chỉ định trọng tài viên cho Bị đơn/ các Bị đơn, chủ tịch Hội đồng trọng tài, trọng tài viên duy nhất.
Theo khoản 5 Điều 41 Luật Trọng tài thương mại: “Chánh án Tòa án có thẩm quyền phải phân công một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên và thông báo cho các bên.”
Ngoài ra, đối với trường hợp cần phải thay đổi Trọng tài viên theo quy định của pháp luật, Tòa án (nơi Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp) chỉ hỗ trợ việc thay đổi trọng tài viên trong trường hợp trọng tài vụ việc giải quyết trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết tranh chấp theo khoản 4 Điều 42 Luật Trọng tài thương mại.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 46 Luật Trọng tài thương mại: “Trong trường hợp Hội đồng trọng tài, một hoặc các bên đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị Toà án có thẩm quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến vụ tranh chấp. Văn bản đề nghị phải nêu rõ nội dung vụ việc đang giải quyết tại Trọng tài, chứng cứ cần thu thập, lý do không thu thập được, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cần thu thập đó.”
Tòa án có thể hỗ trợ Trọng tài thu thập chứng cứ và triệu tập người làm chứng
Tương tự, Tòa án cũng có sự hỗ trợ trong vấn đề triệu tập người làm chứng. Cụ thể theo khoản 2, 3 Điều 47 Luật Trọng tài thương mại:
“2. Trường hợp người làm chứng đã được Hội đồng trọng tài triệu tập hợp lệ mà không đến phiên họp nhưng không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây cản trở cho việc giải quyết tranh chấp, thì Hội đồng trọng tài gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định triệu tập người làm chứng đến phiên họp của Hội đồng trọng tài. Văn bản phải nêu rõ nội dung vụ việc đang được giải quyết tại Trọng tài; họ, tên, địa chỉ của người làm chứng; lý do cần triệu tập người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng cần phải có mặt.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị triệu tập người làm chứng của Hội đồng trọng tài, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết yêu cầu triệu tập người làm chứng. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải ra quyết định triệu tập người làm chứng.
Quyết định triệu tập người làm chứng phải ghi rõ tên Hội đồng trọng tài yêu cầu triệu tập người làm chứng; nội dung vụ tranh chấp; họ, tên, địa chỉ của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt theo yêu cầu của Hội đồng trọng tài.
Tòa án phải gửi ngay quyết định này cho Hội đồng trọng tài, người làm chứng đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Người làm chứng có nghĩa vụ nghiêm chỉnh thi hành quyết định của Tòa án.
Chi phí cho người làm chứng được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.”
Theo khoản 1 Điều 48 Luật Trọng tài thương mại: “Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Việc yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không bị coi là sự bác bỏ thỏa thuận trọng tài hoặc khước từ quyền giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài.
Các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài và Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Việc Tòa án trợ giúp hoạt động trọng tài thông qua áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời còn được thể hiện chi tiết tại Điều 53 Luật Trọng tài thương mại quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của Tòa án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời như sau:
“1. Sau khi nộp đơn khởi kiện, nếu quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại hoặc có nguy cơ trực tiếp bị xâm hại, một bên có quyền làm đơn gửi đến Toà án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phân công một Thẩm phán xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét, quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Thẩm phán phải ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngay sau khi người yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm. Trường hợp không chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người yêu cầu biết.
3. Một bên có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Việc phân công Thẩm phán xem xét giải quyết đơn yêu cầu thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trình tự, thủ tục áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
5. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, nếu một trong các bên đã yêu cầu Hội đồng trọng tài áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời mà lại có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án phải từ chối và trả lại đơn yêu cầu, trừ trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài.”
Xem thêm: Thẩm quyền và thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Hội đồng trọng tài
Theo khoản 1 Điều 62 Luật Trọng tài thương mại: “Theo yêu cầu của một hoặc các bên tranh chấp, phán quyết của Trọng tài vụ việc được đăng ký tại Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã ra phán quyết trước khi yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành phán quyết trọng tài đó. Việc đăng ký hoặc không đăng ký phán quyết trọng tài không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài.”
Khoản 1 Điều 44 Luật trọng tài thương mại năm 2010, quy định:
“Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài. Bên khiếu nại phải đồng thời thông báo việc khiếu nại cho Hội đồng trọng tài. Trong khi Tòa án giải quyết đơn khiếu nại, Hội đồng trọng tài vẫn có thể tiếp tục giải quyết tranh chấp.”
Khi nhận đơn yêu cầu hủy quyết định trọng tài của một bên, Tòa án không xét xử lại mà chỉ đối chiếu vào các căn cứ phán quyết trọng tài bị hủy; nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật trọng tài thương mại năm 2010.
Việc quy định các căn cứ mà bên yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài phải chứng minh giúp cho các bên phải tự chịu trách nhiệm với yêu cầu của chính mình.
Trên đây là những quy định về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại và vai trò của tòa án trong các trường hợp đó. Bài viết do MCAC tổng hợp và biên tập. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết định số 272/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Vụ tranh chấp giữa Công ty H và Công ty M đặt ra những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như quá trình giải quyết của Hội đồng Trọng tài.