Điện thoại: 0935 925 068
16/08/2023
Kiều Anh Vũ *
Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC)
Chủ tịch Hội đồng Khoa học MCAC
Thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng (“multi-tiered dispute resolution clause”), còn được gọi là thỏa thuận giải quyết tranh chấp “leo thang” (escalation), thỏa thuận giải quyết tranh chấp “nhiều bước” (multi-step), hoặc thỏa thuận “giải quyết tranh chấp thay thế trước tiên” (ADR-first) (1). Đây là thỏa thuận giải quyết tranh chấp kết hợp nhiều phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau được tiến hành theo các bước, các giai đoạn giải quyết tranh chấp, bao gồm một số phương thức giải quyết tranh chấp như: thương lượng, hòa giải và trọng tài thương mại.
Trong thương mại quốc tế, thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng trong các hợp đồng thương mại thường là thỏa thuận kết hợp các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (alternative dispute resolution) như thương lượng, hòa giải, thẩm định chuyên gia, ban xử lý tranh chấp,… và trọng tài là phương thức giải quyết cuối cùng.
Mặc dù các thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng đã và đang tồn tại trong các hợp đồng thương mại, được áp dụng phổ biến trong trọng tài quốc tế nhưng pháp luật Việt Nam chưa đề cập cụ thể đến vấn đề này. Các nghiên cứu về điều khoản về giải quyết tranh chấp đa tầng vẫn còn khá ít ỏi và chỉ mới trở nên tương đối sôi động trong thời gian gần đây qua một số hội thảo của các trung tâm trọng tài tại Việt Nam, điển hình là Hội thảo trực tuyến “Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng – Các vấn đề thực tiễn và các phương án xử lý” do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 10-6-2021 (2).
Do vậy, việc nghiên cứu về điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng trong trọng tài thương mại trong thực tiễn áp dụng tại Việt Nam là rất cần thiết. Trên cơ sở đó, có thể đưa ra những khuyến nghị phù hợp để hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về việc tiếp cận và hướng xử lý đối với các điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng trong trọng tài thương mại.
Trong thực tiễn soạn thảo hợp đồng kinh doanh, thương mại, hiếm khi các điều khoản giải quyết tranh chấp chỉ được soạn thảo với một phương thức giải quyết tranh chấp duy nhất. Trái lại, các bên thường soạn thảo theo hướng kết hợp nhiều phương thức giải quyết tranh chấp với nhau, mà phổ biến là kết hợp thương lượng với một phương thức tài phán (Tòa án hoặc Trọng tài). Việc kết hợp giữa thương lượng với một phương thức giải quyết tranh chấp khác đã hình thành nên một dạng thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng.
“Thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp theo đó các bên tranh chấp tự thỏa thuận, bàn bạc với nhau nhằm chấm dứt tranh chấp đã phát sinh giữa họ với nhau” (3). Thương lượng là một phương thức giải quyết tranh chấp diễn ra rất tự nhiên, các bên tự dàn xếp, giải quyết tranh chấp với nhau mà không cần có sự tham gia của bên thứ ba. Ưu điểm nổi trội của phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng là các thủ tục hoàn toàn linh hoạt, các bên giữ được hòa khí và mối quan hệ hợp tác lâu dài. Thương lượng “thường được các bên áp dụng như là một bước đầu tiên trong quá trình giải quyết mọi bất đồng” (4).
Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng dưới dạng kết hợp thương lượng với trọng tài được áp dụng khá phổ biến trên thực tế. Chẳng hạn, trong một hợp đồng mua bán hàng hóa ngày 16-7-2008 giữa Công ty TNHH thương mại dịch vụ trang trí nội thất Titan với Công ty TNHH Thực phẩm Tốt Lành, các bên thỏa thuận như sau: “Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh mâu thuẫn hai bên sẽ gặp nhau để bàn bạc giải quyết trên tinh thần hợp tác. Mọi sự thay đổi, sửa đổi của hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản và có sự thỏa thuận của hai bên. Trong trường hợp không giải quyết được sẽ đưa sự việc ra Trung tâm Trọng tài Thương mại thành phố Hồ Chí Minh để phân định. Phán quyết của Trung tâm Trọng tài là phán quyết chung cuộc các bên phải thi hành” (5). Ý chí của các bên mong muốn giải quyết tranh chấp “trên tinh thần hợp tác” trước khi đưa tranh chấp ra Trọng tài chính là sự lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng trước khi đưa tranh chấp ra Trọng tài. Điều khoản này là một dạng giải quyết tranh chấp đa tầng gồm hai tầng, một tầng là thương lượng và một tầng là Trọng tài.
Trong một hợp đồng khác giữa Công ty TNHH Công nghiệp Chính xác Jackson và Công ty TNHH Cơ khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng, các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp như sau: “Trong trường hợp có tranh chấp, hai bên giải quyết thông qua đàm phán. Trong trường hợp không giải quyết được, tranh chấp sẽ đưa ra Trung tâm Trọng tài Thương mại thành phố Hồ Chí Minh xét xử. Quyết định của Trọng tài là sau cùng và hai bên có trách nhiệm thi hành” (6). Đây cũng là một dạng thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng, kết hợp thương lượng với Trọng tài. “Giải quyết thông qua đàm phán” mà các bên thỏa thuận trong điều khoản này chính là phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng. Theo điều khoản này, các bên mong muốn tranh chấp trước tiên phải được giải quyết bằng thương lượng, nếu thương lượng không giải quyết được thì mới đưa tranh chấp ra giải quyết tại Trọng tài.
Trong một hợp đồng khác giữa Công ty TNHH Salzgitter Trade Asia và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Phúc, điều khoản giải quyết tranh chấp giữa các bên được soạn thảo như sau: “Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh và nếu như các bên tham gia hợp đồng không thể giải quyết tranh chấp trên cơ sở thương lượng bất kỳ khiếu nại nào liên quan đến hợp đồng này trong vòng 45 ngày kể từ ngày phát sinh, vụ việc sẽ được chuyển đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Phòng Thương mại và công nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh theo quy tắc Trọng tài quốc tế để giải quyết cuối cùng” (7). Đây cũng là một điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng kết hợp thương lượng với Trọng tài, hình thành hai tầng giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, điều khoản giải quyết tranh chấp này có phần cụ thể hơn so với các điều khoản giải quyết tranh chấp được đề cập trước đó là các bên đã thỏa thuận rõ thời hạn để thực hiện giai đoạn thương lượng là 45 ngày kể từ ngày tranh chấp phát sinh. Việc thỏa thuận thời hạn của bước thương lượng giúp các bên khống chế thời gian thực hiện phương thức giải quyết tranh chấp này, tránh tranh chấp bị kéo dài.
Trong một vụ tranh chấp giữa Công ty Sheisido và Công ty Lộc Thủy, hợp đồng giữa các bên cũng có điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng như sau:
“Bất cứ vụ tranh chấp nào giữa các bên phát sinh từ hoặc có liên quan đến hợp đồng này, kể cả bất cứ sự việc vấn đề nào về cách giải thích, sự tồn tại, giá trị pháp lý hoặc việc chấm dứt hợp đồng này (“tranh chấp”) sẽ được tìm cách giải quyết thông qua thương lượng hữu nghị thiện chí giữa giám đốc các bên. Bên nêu ra sự tồn gtại của tranh chấp phải gửi thông báo bằng văn bản đến bên kia.
Bất cứ tranh chấp nào không giải quyết được căn cứ quy định vừa nêu trên trong vòng 15 ngày làm việc sau khi gửi thông báo, sẽ được đưa ra giải quyết chung thẩm bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam theo quy tắc tố tụng Trọng tài hiện hành trong từng thời kỳ của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam" (8).
Điều khoản này cũng là điều khoản giải quyết tranh chấp hai tầng, gồm tầng giải quyết tranh chấp bằng thương lượng và tầng giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Điều khoản này cũng được soạn thảo khá chi tiết với quy định rõ ràng về thời hạn thực hiện thương lượng, nếu không đạt được thương lượng trong một thời hạn nhất định (15 ngày làm việc) thì tranh chấp được đưa ra giải quyết tại Trọng tài.
Cũng là một dạng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng kết hợp thương lượng với Trọng tài, trong hợp đồng giữa Công ty Hoàng Long và Công ty Vietmindo, các bên thỏa thuận như sau:
“Hai bên thỏa thuận trình tự, thủ tục giải quyết khi có tranh chấp phát sinh như sau:
- Bước 1: Cả hai bên cùng nhau thảo luận trên tinh thần thiện chí và hợp tác để tìm ra phương án giải quyết có lợi cho cả hai bên.
- Bước 2: Nếu sau khi thảo luận mà hai bên vẫn không thể nhất trí về một phương án giải quyết có lợi nhất cho cả hai bên, hoặc các bên đưa ra hướng giải quyết mà vẫn không thống nhất được thì các bên nhất trí sẽ đưa tranh chấp đó ra giải quyết thông qua Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)” (9).
Trong điều khoản này, các bên thỏa thuận rõ trình tự các bước giải quyết tranh chấp tuần tuần tự theo “bước 1”, “bước 2”. Tuy nhiên, điều khoản này không xác định rõ thời hạn thực hiện bước thương lượng là bao lâu.
Một dạng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng khác cũng thường gặp trong các hợp đồng kinh doanh, thương mại là kết hợp hòa giải với Trọng tài.
Hiện nay, theo quy định của pháp luật Việt Nam, có nhiều cơ chế hòa giải như hòa giải ở cơ sở, hòa giải tranh chấp lao động, hòa giải thương mại (theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24-02-2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại), hòa giải trong tố tụng trọng tài (theo Luật Trọng tài Thương mại 2010) và hòa giải tại Tòa án (theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020). Hòa giải mà tác giả đề cập trong bài viết này như một tầng giải quyết tranh chấp trong điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng là phương thức hòa giải ngoài Tòa án, ngoài tố tụng trọng tài, được các bên thỏa thuận thực hiện trước khi tiến hành tố tụng trọng tài. “Hòa giải là một quy trình linh hoạt được được tiến hành bí mật trong đó một người thứ ba tích cực hỗ trợ các bên hợp tác để hướng tới một thoả thuận hoà giải về tranh chấp hoặc những khác biệt và các bên thực hiện kiểm soát cuối cùng đối với quyết định giải quyết và các điều khoản về giải quyết” (10).
Trong Hợp đồng bán hàng giữa Công ty cho thuê tài chính II – Nam Sài Gòn với Công ty xuất nhập khẩu Shanghai Zhong Jing và Công ty TNHH Thương mại sản xuất in bao bì nhựa Cường Thịnh Phát ngày 5-10-2005, các bên thỏa thuận giải quyết tranh chấp như sau: “Bất kỳ tranh chấp phát sinh theo hợp đồng này không thể giải quyết trên tinh thần hòa giải giữa hai bên thì sẽ được gửi đến Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (VIAC). Quyết định của VIAC là quyết định cuối cùng và ràng buộc bởi hai bên”. Trong điều khoản giải quyết tranh chấp này, các bên hướng đến phương thức giải quyết tranh chấp trước tiên là “tinh thần hòa giải”, sau đó mới đến phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Đây là một điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng kết hợp hòa giải và Trọng tài. Tuy vậy, trong điều khoản giải quyết tranh chấp này, các bên chưa thật sự nhấn mạnh, làm rõ về phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải.
Trong trọng tài quốc tế, một số trung tâm Trọng tài đã xây dựng các điều khoản mẫu kết hợp phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải và Trọng tài. Chẳng hạn như, Phòng Thương mại Công nghiệp Quốc tế (ICC) đưa ra nhiều điều khoản mẫu kết hợp hòa giải với Trọng tài, có thể áp dụgn hòa giải như một phương thức giải quyết tranh chấp tùy chọn hoặc bắt buộc. Theo đó, các bên có thể chọn điều khoản mẫu theo hướng đưa tranh chấp ra giải quyết bằng hòa giải và Trọng một cách song song hoặc có thể thỏa thuận theo hướng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau một thời hạn (45 ngày kể từ ngày yêu cầu hòa giải) không hòa giải thành thì mới đưa tranh chấp ra giải quyết bằng Trọng tài (11).
Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng đưa ra điều khoản mẫu kết hợp hòa giải với Trọng tài, theo hướng các bên sẽ giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước. Hết thời hạn hòa giải mà các bên thỏa thuận, chẳng hạn 60 ngày hoặc 90 ngày, tranh chấp sẽ tiếp tục đưa ra giải quyết tại Trọng tài WIPO (12).
Ngoài phương thức kết hợp hòa giải – trọng tài (med-arb) như trên, một số điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng còn kết hợp linh hoạt hơn nữa phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải với Trọng tài theo hình thức Trọng tài – hòa giải – Trọng tài (arb-med-arb). Chẳng hạn, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore đưa ra điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng kết hợp Trọng tài – hòa giải – Trọng tài như sau:
“Bất kỳ tranh chấp nào phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này, bao gồm bất kỳ vấn đề nào về sự tồn tại, hiệu lực hoặc chấm dứt của hợp đồng, sẽ được đưa ra giải quyết cuối cùng bởi trọng tài quy chế bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (“SIAC”) theo Quy tắc Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (“Quy tắc SIAC”) đang có hiệu lực, quy tắc được coi như hợp nhất bởi sự dẫn chiếu bởi điều khoản này.
[…]
Các bên đồng ý thêm rằng sau khi bắt đầu trọng tài, các bên cố gắng một cách thiện chí để giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải tại Trung tâm Hòa giải Quốc tế Singapore (“SIMC”), theo Quy định Trọng tài – Hòa giải – Trọng tài SIAC-SIMC đang có hiệu lực. Bất kỳ giải quyết nào đạt được trong tiến trình hòa giải sẽ được chuyển đến hội đồng trọng tài chỉ định bởi SIAC và có thể được lập một phán quyết đồng thuận về các điều khoản đã thống nhất" (13).
Như vậy, với điều khoản trên, các bên sẽ tiến hành tố tụng Trọng tài trước, sau đó mới hòa giải và kết quả hòa giải thành sẽ chuyển đến Trọng tài để công nhận sự hòa giải thành đó. Những vấn đề không hòa giải thành thì Hội đồng Trọng tài sẽ tiếp tục giải quyết và ra phán quyết cuối cùng để giải quyết toàn bộ tranh chấp.
Mặc dù trong điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng kết hợp giữa hòa giải với Trọng tài như nêu trên các bên không đề cập đến thương lượng nhưng thực chất, phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng vẫn có thể được tiến hành. Bởi lẽ các bên không cần phải có điều khoản giải quyết bằng thương lượng trong hợp đồng thì mới được thương lượng. Có thể nói rằng, tại bất kỳ thời điểm nào trong tiến trình giải quyết tranh chấp, một bên cũng có thể đề nghị thương lượng và các bên cũng có thể thương lượng với nhau để giải quyết tranh chấp. Do vậy, trong điều khoản về hòa giải – Trọng tài, các bên vẫn không mất quyền thương lượng với nhau để giải quyết tranh chấp.
Tuy vậy, trong nhiều hợp đồng khác nhau, các bên vẫn đề cập đầy đủ các phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải với Trọng tài. Chẳng hạn, trong Hợp đồng quản lý khách sạn ngày 24-4-2007 giữa Công ty Công Đầu tư và Công ty AAPC, các bên thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp như sau: “Bất kỳ tranh chấp nào không được giải quyết bằng thương lượng hòa giải trong vòng 1 tháng kể từ ngày tranh chấp đầu tiên nảy sinh, hoặc một thời hạn dài hơn nếu được các bên thỏa thuận trong thời gian thương lượng hòa giải, sẽ được giải quyết đầy đủ và cuối cùng bởi Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, tại Hà Nội, Việt Nam theo quy tắc Trọng tài của VIAC” (14). Trong điều khoản này, các bên không có sự tách bạch thương lượng với hòa giải mà dùng chung cụm từ “thương lượng hòa giải” (không có dấu phẩy ngăn cách). Có thể đây là lỗi đánh máy trong quá trình soạn thảo hoặc cũng có thể các bên cũng chưa phân biệt được sự khác nhau giữa hai phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng với hòa giải nên mới dùng chung một cụm từ “thương lượng hòa giải” như vậy. Dù vậy, đây vẫn là một điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng, có sự kết hợp thương lượng, hòa giải với Trọng tài.
Trong một thỏa thuận giải quyết tranh chấp khác trong Hợp đồng liên doanh được ký ngày 01-7-2002 giữa Công ty Trường Sanh với ông Sheng, các bên thỏa thuận như sau: “Tranh chấp giữa các bên liên quan, hoặc phát sinh từ hợp đồng, trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng và hòa giải. Trong trường hợp các bên tranh chấp vẫn không thỏa thuận với nhau thì vụ tranh chấp được đưa ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giải quyết. Quyết định của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam là quyết định cuối cùng mà các bên sẽ phải tuân theo” (15). Trong điều khoản này, các bên đã tách bạch thương lượng và hòa giải như là một tầng giải quyết tranh chấp; tầng giải quyết tranh chấp cuối cùng là Trọng tài. Tuy vậy, cụm từ “thương lượng và hòa giải” cũng chưa thật sự thể hiện rõ mong muốn của các bên là phải giải quyết tranh chấp đầy đủ theo các bước thương lượng và hòa giải hay không? Nếu các bên chỉ thương lượng hoặc hòa giải, sau đó đưa tranh chấp ra Trọng tài thì có được không? Hay các bên phải thương lượng trước, thương lượng không thành thì hòa giải, hòa giải không thành thì mới đưa tranh chấp ra Trọng tài? Thực tế, trong vụ tranh chấp này, các bên không đặt ra vấn đề về việc thực hiện các bước giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận mà Nguyên đơn đã khởi kiện ra Trọng tài để giải quyết tranh chấp.
Trong Hợp đồng ngày 01-9-2008 giữa Công ty Lợi Lợi và Công ty Wilson, các bên thỏa thuận: “bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến việc thực hiện hoặc giải thích hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng nỗ lực thương lượng, hòa giải giữa hai bên, nếu các bên không đạt được giải pháp hòa giải, tất cả tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bởi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bởi Quy tắc tố tụng của nó” (16).
Trong một hợp đồng mua bán căn hộ, các bên thỏa thuận như sau: “15.1 (17). Mọi tranh chấp phát sinh từ việc thực hiện Hợp đồng này trước hết được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải giữa các Bên trên tinh thần hợp tác, thiện chí. 15.2. Trong trường hợp thương lượng, hòa giải không đạt kết quả thì tranh chấp sẽ được các Bên đưa ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam theo qui tắc Trọng tài của Trung tâm này” (18).
Trong các điều khoản giải quyết tranh chấp này, thương lượng, hòa giải cũng được đề cập như các bước giải quyết tranh chấp trước khi tiến hành giải quyết bằng Trọng tài. Tuy nhiên, các điều khoản này cũng không thể hiện rõ “thương lượng hoặc hòa giải” hay “thương lượng và hòa giải” hay tiến hành tuần tự thương lượng trước, hòa giải sau, cuối cùng là Trọng tài?
Ngoài các điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng kết hợp các phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến như thương lượng, hòa giải, Trọng tài thì trong nhiều điều khoản, các bên còn thỏa thuận kết hợp với các phương thức giải quyết tranh chấp khác như: thẩm định chuyên gia, Ban xử lý tranh chấp,… Đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng “thẩm định chuyên gia” (Expert determination) thì chỉ xuất hiện trong thương mại quốc tế, chưa thấy xuất hiện và sử dụng tại Việt Nam. Đối với phương thức giải quyết tranh chấp bằng Ban xử lý tranh chấp (Dispute Board) thì xuất hiện phổ biến trong các hợp đồng xây dựng.
Pháp luật Việt Nam cũng đã đề cập đến phương thức giải quyết tranh chấp bằng Ban xử lý tranh chấp. Cụ thể, khoản 2 Điều 45 Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22-4-2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng quy định về Ban xử lý tranh chấp như một phương thức, một bước giải quyết tranh chấp như sau:
“Trường hợp các bên tham gia hợp đồng có thỏa thuận giải quyết tranh chấp hợp đồng thông qua hòa giải được thực hiện bởi cơ quan, tổ chức hoặc một, một số cá nhân chuyên gia (gọi chung là ban xử lý tranh chấp), khi đó việc xử lý tranh chấp hợp đồng thông qua ban xử lý tranh chấp được quy định như sau:
a) Ban xử lý tranh chấp có thể được nêu trong hợp đồng tại thời điểm ký kết hoặc thiết lập sau khi có tranh chấp xảy ra. Số lượng thành viên ban xử lý tranh chấp do các bên tự thỏa thuận. Thành viên ban xử lý tranh chấp phải là người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung tranh chấp, kinh nghiệm trong vấn đề giải quyết tranh chấp hợp đồng và hiểu biết về các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng xây dựng.
b) Trong thời hạn hai mươi tám (28) ngày kể từ ngày các bên nhận được kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp, nếu một bên không đồng ý kết luận hòa giải của ban xử lý tranh chấp thì có quyền phản đối và các tranh chấp này sẽ được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật; trường hợp quá thời hạn nêu trên không bên nào phản đối kết luận hòa giải thì coi như các bên đã thống nhất với kết luận hòa giải. Khi đó, các bên phải thực hiện theo kết luận hòa giải”.
Điều khoản giải quyết tranh chấp nêu trên là một dạng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng, kết hợp Ban xử lý tranh chấp với Tòa án hoặc Trọng tài. Tuy vậy, ngay trong chính quy định trên của Nghị định 37/2015/NĐ-CP cho rằng Ban xử lý tranh chấp thực hiện “hòa giải” cũng chưa thật sự chính xác, không phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo các mẫu Hợp đồng xây dựng của Hiệp hội Quốc tế các kỹ sư tư vấn (FIDIC), Ban xử lý tranh chấp là một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập với thương lượng, hòa giải và độc lập với Tòa án, Trọng tài chứ không phải Ban xử lý tranh chấp là hòa giải.
Như vậy, qua các dạng điều khoản giải quyết tranh chấp được đề cập ở trên, có thể thấy rằng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng là một dạng điều khoản giải quyết tranh chấp khá phổ biến và quan trọng trong các hợp đồng thương mại; đã và đang tồn tại trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại Việt Nam. Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng được thể hiện rất đa dạng, phong phú với sự kết hợp rất nhiều phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau. Tuy vậy, trong một số trường hợp, các điều khoản tranh chấp đa tầng cũng được soạn thảo chưa thật sự rõ ràng và có thể gây ra những bất cập, khó khăn trong việc áp dụng.
Sự tồn tại đa dạng của các điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý trong việc áp dụng trong thực tiễn. Liệu rằng các bước giải quyết tranh chấp đều bắt buộc phải thực hiện và thực hiện lần lượt hay không? Các bước giải quyết tranh chấp mà các bên thỏa thuận trước khi tiến hành tố tụng Trọng tài có phải là thủ tục tiền tố tụng bắt buộc đối với Trọng tài hay không? Nếu các bên không thực hiện đúng và đầy đủ các bước giải quyết tranh chấp như đã thỏa thuận thì hậu quả pháp lý như thế nào, liệu rằng phán quyết trọng tài trong trường hợp đó có thể bị hủy hay không?
Các vấn đề pháp lý này hiện nay được tiếp cận rất khác nhau từ các góc nhìn khác nhau bởi các bên tranh chấp, các chuyên gia, Trọng tài hay Tòa án. Nhìn chung, có thể khái quát thành hai quan điểm như sau: Quan điểm thứ nhất cho rằng các điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng là có tính ràng buộc đối với các bên, các bên phải tuân thủ và thực hiện đầy đủ, theo đúng thỏa thuận về các bước giải quyết tranh chấp và do vậy, thủ tục tiền tố tụng Trọng tài là bắt buộc; phán quyết trọng tài không đảm bảo thủ tục tiền tố tụng Trọng tài theo các bước giải quyết tranh chấp đa tầng sẽ bị hủy. Quan điểm thứ hai cho rằng các điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng là có tính ràng buộc đối với các bên nhưng không hình thành thủ tục tiền tố tụng bắt buộc đối với Trọng tài, các bước tranh chấp tiền tố tụng Trọng tài không cần phải thực hiện đầy đủ trước khi khởi kiện tại Trọng tài và do đó, phán quyết trọng tài trong trường hợp này không bị hủy.
Quan điểm thứ nhất xuất phát từ nguyên tắc tự do, tự nguyện thỏa thuận. Khoản 1 Điều 11 Luật Thương mại 2005 quy định rõ các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó. Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”. Khoản 1 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 cũng quy định Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội. Như vậy, một điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng là một điều khoản thỏa thuận tự nguyện, hợp pháp giữa các bên thì thỏa thuận đó phải được tôn trọng, tuân thủ tuyệt đối. Việc vi phạm các bước giải quyết tranh chấp trong điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng là vi phạm thỏa thuận của các bên, vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam và do vậy, phán quyết trọng tài trong trường hợp này sẽ bị hủy theo căn cứ tại điểm b (thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc trái với các quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010), điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010 (phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam).
Cách tiếp cận trên cũng đã được Tòa án chấp nhận. Tại Quyết định số 10/2014/QĐ-PQTT ngày 28-10-2014 của Tòa án nhân dân Hà Nội, trong việc xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa Công ty Vietmindo với Công ty Hoàng Long (19), Tòa án cho rằng các bên chưa tiến hành thương lượng như trong điều khoản giải quyết tranh chấp đã thỏa thuận mà đã khởi kiện ra Trọng tài là “chưa tuân thủ đúng thỏa thuận của các bên, trái với quy định tại điểm b khoản 2 điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Hội đồng trọng tài cho thụ lý vụ kiện khi chưa đầy đủ điều kiện tiền tố tụng, các điều kiện thụ lý chưa đầy đủ là không đúng quy định pháp luật Việt Nam”, “quyết định Trọng tài đã có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng Trọng tài theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại nên có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của Công ty Hoàng Long về việc đề nghị Tòa án hủy toàn bộ phán quyết của Hội đồng Trọng tài”. Như vậy, trong trường hợp này, Tòa án tiếp cận theo hướng thủ tục tiền tố tụng Trọng tài là bắt buộc, nếu các bên thỏa thuận thương lượng trước khi khởi kiện tại Trọng tài thì các bên phải tiến hành thương lượng theo đúng thỏa thuận đó. Vi phạm này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục thủ tục tố tụng Trọng tài và Tòa án đã hủy phán quyết trọng tài.
Quan điểm thứ hai cũng thống nhất rằng thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng là có tính ràng buộc đối với các bên vì đây là thỏa thuận tự nguyện giữa các bên nhưng các thỏa thuận này không hình thành thủ tục tiền tố tụng Trọng tài bắt buộc, không ràng buộc đối với Hội đồng Trọng tài. Quan điểm này xuất phát từ các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài Thương mại 2010 và Quy tắc tố tụng Trọng tài của các Trung tâm trọng tài trong trường hợp tranh chấp giải quyết bằng Trọng tài quy chế. Luật Trọng tài thương mại 2010 cũng như Quy tắc tố tụng của các Trung tâm Trọng tài không có bất kỳ quy định nào ràng buộc về thủ tục tiền tố tụng Trọng tài. Chỉ cần các bên có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực, tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết bởi Trọng tài thì các bên được khởi kiện tại Trọng tài để giải quyết tranh chấp, dù rằng có thương lượng hay hòa giải hay thực hiện một phương thức giải quyết tranh chấp nào khác trước đó hay không. Hơn nữa, sau khi khởi kiện và trong tiến trình tố tụng trọng tài, các bên vẫn không mất quyền thực hiện các phương thức giải quyết tranh chấp khác như thương lượng hay hòa giải. Điều 9 Luật Trọng tài Thương mại 2010 quy định rõ trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Quy định cụ thể về thương lượng trong tố tụng trọng tài được quy định tại Điều 38 và quy định về hòa giải, công nhận hòa giải thành trong tố tụng trọng tài được quy định cụ thể tại Điều 58 Luật Trọng tài thương mại 2010. Do vậy, quyền tự do thương lượng, thỏa thuận, hòa giải hay tiến hành các bước giải quyết tranh chấp khác của các bên là không bị ảnh hưởng, không bị mất đi trong tố tụng Trọng tài; quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong việc thực hiện các bước giải quyết tranh chấp vẫn được đảm bảo nên không bắt buộc phải tiến hành thủ tục tiền tố tụng Trọng tài theo điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng đã được xác lập.
Cách tiếp cận thứ hai này cũng đã được các Tòa án chấp nhận. Trong Quyết định số 526/2013/KDTM ngày 15-5-2013 của tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, trong việc xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp giữa Công ty Shesido với Công ty Lộc Thủy (20), Hội đồng xét đơn yêu cầu cho rằng “mặc dù Nguyên đơn đã làm không đúng như thỏa thuận” trong bước thương lượng nhưng “vi phạm này không làm cho thỏa thuận Trọng tài quy định tại Điều 13.3 của hợp đồng bị vô hiệu. Do đó, việc Bị đơn là Công ty Lộc Thủy cho rằng thỏa thuận Trọng tài đã không có hiệu lực là không có cơ sở”. Hội đồng xét đơn yêu cầu cũng phân tích: “đặt trường hợp các bên không thực hiện thỏa thuận tại Điều 13.3 trong Hợp đồng bán lẻ là các bên phải thương lượng trước khi gửi đơn đến cơ quan Trọng tài thì Luật Trọng tài thương mại cũng không có điều khoản nào quy định cơ quan Trọng tài được các bên chọn phải xem xét giai đoạn tiền tố tụng của hai bên. Cơ quan Trọng tài chỉ xem xét hiệu lực của thỏa thuận Trọng tài (khoản 1 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại). Nếu các bên thật sự có thiện chí thương lượng, hòa giải thì vẫn có thể tiến hành tại cơ quan Trọng tài theo Điều 38 Luật Trọng tài thương mại quy định về thương lượng trong tố tụng Trọng tài và Điều 58 Luật Trọng tài thương mại về Hòa giải, công nhận hòa giải thành. Như vậy, quyền hòa giải thành không bị mất đi trong quá trình tố tụng tại cơ quan Trọng tài nên căn cứ để yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài này của Công ty Lộc Thủy là không có cơ sở được chấp nhận”. Như vậy, Tòa án đã tiếp cận điều theo hướng các bước giải quyết tranh chấp tiền tố tụng Trọng tài là không bắt buộc và không hủy phán quyết trọng tài vì lý do các bước giải quyết tranh chấp tiền tố tụng Trọng tài chưa được thực hiện.
Trong vụ tranh chấp số 62/18 về Hợp đồng tổng thầu (Hợp đồng EPC) tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Bị đơn có khiếu nại về thẩm quyền do các bên chưa thực hiện các bước giải quyết tranh chấp về “hòa giải hữu hảo” và “Ban xử lý tranh chấp” như thỏa thuận tại Hợp đồng EPC. Hội đồng Trọng tài đã ra quyết định về thẩm quyền theo hướng Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp. Sau đó, Bị đơn tiếp tục khiếu nại về thẩm quyền của Trọng tài ra Tòa án. Tại Quyết định số 02/2020/QĐ-PQTT ngày 23-4-2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (21) về giải quyết khiếu nại, Tòa án nhận định: “Bị đơn cho rằng Hội đồng trọng tài vụ tranh chấp số 62/18 không đủ điều kiện về thẩm quyền để giải quyết vụ tranh chấp do việc tranh chấp của các bên chưa được giải quyết tại Ban xử lý tranh chấp và Hòa giải; việc lựa chọn Trung tâm trọng tài giải quyết tranh chấp chưa được các bên thỏa thuận lựa chọn tổ chức Trọng tài cụ thể nào nên Hội đồng trọng tài của VIAC không có thẩm quyền thụ lý giải quyết vụ kiện trên. Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội nhận thấy theo quy định tại các điều 43, 44 Luật Trọng tài thương mại, thì Tòa án chỉ thụ lý và giải quyết khiếu nại của Hội đồng trọng tài trong các trường hợp là đương sự không có thỏa thuận Trọng tài, thỏa thuận Trọng tài bị vô hiệu, thỏa thuận Trọng tài không thể thực hiện được, trong trường hợp cụ thể này thì các bên đương sự có thỏa thuận Trọng tài là cơ quan giải quyết vụ tranh chấp và thỏa thuận này không bị vô hiệu”; “Việc bị đơn cho rằng trước khi nguyên đơn khởi kiện ra VIAC thì giữa nguyên đơn và bị đơn phải giải quyết vụ kiện tại Ban xử lý tranh chấp và hòa giải. Ý kiến này của bị đơn đưa ra là không khả thi bởi giữa các đồng nguyên đơn và bị đơn đã có rất nhiều thư trao đổi qua lại trong thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 01/2019, nội dung tranh chấp giữa các bên đều không thống nhất được. Do đó, các đồng nguyên đơn khởi kiện vụ tranh chấp Hợp đồng EPC ra VIAC mà bỏ qua các bước nêu tại các khoản 20.2, 20.3, 20.4 và 20.5 là giải quyết vụ kiện tại Ban xử lý tranh chấp và hòa giải là không trái với thỏa thuận của các bên ký kết trong Hợp đồng EPC”. Trên cơ sở đó, Tòa án không chấp nhận khiếu nại về thẩm quyền của Bị đơn trong vụ tranh chấp và công nhận thẩm quyền của Trọng tài dù các bên chưa tiến hành thủ tục tiền tố tụng là hòa giải hay Ban xử lý tranh chấp. Như vậy, Tòa án đã nhận định theo hướng Nguyên đơn bỏ qua bước hòa giải và Ban xử lý tranh chấp là không trái với thỏa thuận và không ảnh hưởng đến thủ tục tố tụng Trọng tài. Có thể hiểu rằng trong trường hợp này, điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng giữa các bên thỏa thuận nhiều phương thức giải quyết tranh chấp gồm thương lượng, hòa giải, Ban xử lý tranh chấp và cuối cùng là Trọng tài nhưng Tòa án cho rằng các bước giải quyết tranh chấp không cần phải tiến hành đầy đủ và tuần tự mà có thể bỏ qua (hòa giải và Ban xử lý tranh chấp) để tiến hành khởi kiện tại Trọng tài.
Các vụ việc trên cho thấy cả hai quan điểm đối với hệ quả pháp lý của thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng đều được thừa nhận trên thực tế bởi các Tòa án. Tuy nhiên, hai quan điểm trên là hai quan điểm đối lập và cách tiếp cận không thống nhất như nêu trên của các Tòa án sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho việc áp dụng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng. Thực tiễn nêu trên gây ra cảm giác thiếu an toàn pháp lý cho các điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng, không biết trường hợp nào Tòa án sẽ hủy phán quyết trọng tài với lý do các bên không tuân thủ thủ tục tiền tố tụng trước khi tiến hành khởi kiện tại Trọng tài.
Theo nhìn nhận của tác giả, quan điểm thứ hai có xu hướng được chấp nhận rộng rãi hơn so với quan điểm thứ nhất. Chỉ trong một số ít vụ tranh chấp, bên bị đơn hoặc bên thua kiện trong vụ tranh chấp tại Trọng tài mới phản đối thẩm quyền của Trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với lý do các bước giải quyết tranh chấp trong điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng chưa được thực hiện đầy đủ, thủ tục tiền tố tụng Trọng tài chưa được đảm bảo. Mặc dù các điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng rất đa dạng và phổ biến như trình bày tại mục 2.1 nêu trên nhưng không phải trong tất cả các vụ tranh chấp, vấn đề thủ tục tiền tố tụng Trọng tài đều được đặt ra. Với các vụ tranh chấp đã được nêu tại mục 2.1, mặc dù có điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng nhưng khi nguyên đơn khởi kiện tại Trọng tài thì Bị đơn vẫn tham gia và không phản đối về thủ tục tiền tố tụng Trọng tài, chỉ có vụ tranh chấp giữa Công ty Shesido với Công ty Lộc Thủy và tranh chấp giữa Công ty Hoàng Long với Công ty Vietmindo thì vấn đề thủ tục tiền tố tụng Trọng tài mới được đặt ra và Tòa án đã giải quyết theo những cách thức khác nhau. Việc các bên có thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng nhưng các bên không phản đối vi phạm về thủ tục tiền tố tụng Trọng tài phải chăng các bên cũng ngầm hiểu và chấp nhận rằng các thủ tục tiền tố tụng Trọng tài trong các điều khoản giải quyết tranh chấp mà các bên đã thỏa thuận là không bắt buộc?
Tác giả cho rằng với thực tiễn giải quyết nêu trên của Tòa án, pháp luật cần có quy định hướng dẫn, thống nhất cách tiếp cận đối với điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng để tạo ra một môi trường pháp lý an toàn, lành mạnh, minh bạch cũng như thống nhất đường lối xét xử của Tòa án. Tác giả cho rằng nên tiếp cận điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng theo hướng đây là thỏa thuận tự nguyện, hợp pháp, có tính ràng buộc đối với các bên và phải được tôn trọng vì đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Tuy nhiên, thỏa thuận về các bước giải quyết tranh chấp có phải là thủ tục tiền tố tụng Trọng tài mang tính bắt buộc hay không thì cần xem xét ý chí của các bên trong từng hoàn cảnh, thỏa thuận cụ thể. Nếu thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng giữa các bên thể hiện rõ ràng tính bắt buộc của thủ tục tiền tố tụng, phải thực hiện các bước giải quyết tranh chấp một cách tuần tự, chẳng hạn như nêu rõ trình tự, thủ tục tiến hành các bước giải quyết tranh chấp, thời hạn giải quyết tranh chấp thì các bước giải quyết tranh chấp đó phải được thực hiện theo đúng thỏa thuận. Trường hợp thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng không thể hiện rõ ràng ý định của các bên về việc hình thành thủ tục tiền tố tụng Trọng tài bắt buộc thì các bước giải quyết tranh chấp tiền tố tụng Trọng tài trong trường hợp đó là sự tùy chọn, các bên có thể thực hiện tuần tự hoặc không hoặc bỏ qua các bước giải quyết tranh chấp tiền tố tụng Trọng tài để thực hiện khởi kiện tại Trọng tài. Cách tiếp cận này cũng đã được các Trung tâm trọng tài trên thế giới (như ICC, WIPO đã nêu trên) áp dụng trong việc xây dựng các điều khoản mẫu về giải quyết tranh chấp đa tầng, có trường hợp các bước giải quyết tranh chấp tiền tố tụng Trọng tài, chẳng hạn như hòa giải, là tùy chọn, có trường hợp là bắt buộc tùy theo lựa chọn và thỏa thuận của các bên.
Việc xem xét tính bắt buộc của thủ tục tiền tố tụng Trọng tài sẽ do Hội đồng Trọng tài đánh giá theo hướng quy định của khoản 1 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại: Trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Tác giả cho rằng cần bổ sung vào khoản 1 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại về việc Hội đồng Trọng tài xem xét thủ tục tiền tố tụng Trọng tài mà các bên đã thỏa thuận trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp. Nếu các bên đã thỏa thuận thủ tục tiền tố tụng Trọng tài là bắt buộc mà chưa thực hiện thì Hội đồng Trọng tài tiến hành hoãn hoặc tạm ngừng hoặc tạm đình chỉ giải quyết tranh chấp để tạo điều kiện cho các bên thực hiện các thủ tục tiền tố tụng đó. Hiện tại, Luật Trọng tài thương mại chưa có quy định về tạm ngừng hay tạm đình chỉ giải quyết tranh chấp nên cần bổ sung các quy định này. Tuy vậy, việc hoãn hay tạm ngừng, tạm đình chỉ giải quyết tranh chấp để các bên thực hiện thủ tục tiền tố tụng, thực hiện các bước giải quyết tranh chấp tiền tố tụng có thể kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp tại Trọng tài. Dù vậy, việc kéo dài thời gian này là cần thiết vì đó là thỏa thuận của các bên và phải được tôn trọng, thực hiện đầy đủ.
Việc trao quyền cho Hội đồng Trọng tài đánh giá tính bắt buộc của thủ tục tiền tố tụng Trọng tài là phù hợp bởi lẽ Hội đồng Trọng tài mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và đánh giá các vấn đề pháp lý của vụ tranh chấp, kể cả vấn đề thủ tục tiền tố tụng Trọng tài. Trung tâm trọng tài chỉ nhận Đơn khởi kiện và hỗ trợ về mặt hành chính, vật chất cho Hội đồng Trọng tài nên không thể để Trung tâm hay Chủ tịch Trung tâm đánh giá việc thực hiện thủ tục tiền tố tụng giữa các bên tranh chấp ngay từ khi nộp Đơn khởi kiện. Do vậy, cũng giống như trường hợp có tồn tại thỏa thuận trọng tài hay không, thỏa thuận trọng tài có vô hiệu hay không, dù có thủ tục tiền tố tụng bắt buộc hay không và các bên có tiền hành thủ tục tiền tố tụng hay chưa thì khi nguyên đơn nộp khởi kiện tại Trọng tài thì thủ tục tố tụng trọng tài cũng được bắt đầu và tiến hành cho đến khi Hội đồng Trọng tài được thành lập và chính Hội đồng Trọng tài sẽ xem xét, đánh giá các vấn đề này.
Trên cơ sở đó, Tòa án cũng tiếp cận tương tự khi xem xét khiếu nại về thẩm quyền của Trọng tài, xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp các bên có vi phạm về thủ tục tiền tố tụng Trọng tài. Nếu các bên có vi phạm về thủ tục tiền tố tụng nhưng Hội đồng Trọng tài đã xem xét, đã tạo điều kiện cho các bên khắc phục trong tố tụng trọng tài thì Tòa án công nhận thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không hủy Phán quyết trọng tài. Ngược lại, nếu có vi phạm về thủ tục tiền tố tụng Trọng tài, vi phạm về các bước giải quyết tranh chấp đa tầng mà các bên đã thỏa thuận, Hội đồng Trọng tài không xem xét, không tạo điều kiện cho các bên khắc phục, thực hiện thủ tục tiền tố tụng thì đó là vi phạm điểm b, điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài Thương mại 2010 và phán quyết trọng tài trong trường hợp đó sẽ bị hủy. Từ thực tiễn giải quyết của Tòa án, cũng cần xây dựng và ban hành Án lệ về vấn đề này.
Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng là một điều khoản phổ biến trong hợp đồng kinh doanh, thương mại; đã và đang được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, Tòa án. Điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng kết hợp đa dạng các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án như thương lượng, hòa giải, Trọng tài,… nhằm giúp các bên vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau.
Điều khoản giải quyết tranh chấp đặt ra nhiều vấn đề pháp lý trong thực tiễn áp dụng, đặc biệt là vấn đề thủ tục tiền tố tụng Trọng tài, tính bắt buộc của các bước giải quyết tranh chấp tiền tố tụng Trọng tài và vấn đề hủy phán quyết trọng tài do vi phạm thủ tục tiền tố tụng Trọng tài mà điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng đã xác lập. Tòa án Việt Nam đã có nhiều quyết định về vấn đề này với các cách tiếp cận không nhất quán, gây ra nhiều khó khăn trong việc soạn thảo, áp dụng điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng.
Với thực tế tồn tại của các thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng và bất cập của việc áp dụng trên thực tiễn, pháp luật về trọng tài thương mại Việt Nam cần bổ sung các quy định để thống nhất cách tiếp cận về vấn đề này. Tác giả cho rằng các thỏa thuận giải quyết tranh chấp đa tầng hợp pháp phải được công nhận, tôn trọng. Việc đánh giá tính bắt buộc của các thủ tục tiền tố tụng Trọng tài cần do Hội đồng trọng tài xem xét, phụ thuộc vào ý chí của các bên trong từng trường hợp và cần bổ sung các quy định của Luật Trọng tài thương mại về việc xem xét thủ tục tiền tố tụng Trọng tài của Hội đồng Trọng tài; xây dựng cơ chế hoãn hoặc tạm đình chỉ giải quyết tranh chấp tại Trọng tài để các bên có hướng khắc phục vi phạm thủ tục tiền tố tụng Trọng tài. Tòa án cần có hướng dẫn thống nhất cách tiếp cận của Tòa án trong việc xem xét khiếu nại về thẩm quyền, hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp có vi phạm về thủ tục tiền tố tụng trọng tài; xây dựng Án lệ về vấn đề này.
Trong thời gian pháp luật về trọng tài chưa được sửa đổi, hoàn thiện, các điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng với các bước giải quyết tranh chấp tiền tố tụng Trọng tài phải được soạn thảo thận trọng, rõ ràng, mạch lạc, tránh những thỏa thuận khiếm khuyết gây khó khăn trong thực tiễn áp dụng, thực hiện và thậm chí dẫn đến nguy cơ hủy phán quyết trọng tài.
(*) Thạc sĩ, Luật sư, Trọng tài viên MCAC, AIAC, THAC, TAI, SHAC, MCIArb; Công ty Luật TNHH KAV Lawyers, Đại diện ICC YAAF. Email: vu@kavlawyers.com, điện thoại: 0949761861.
(1) Didiem Kayali (2010), Enforceability of multi-tiered dispute resolution clauses, Journal of International Arbitration, số 27(6), tr. 552.
(2) https://www.viac.vn/tin-tuc-su-kien/2021-viac39;s-arbitration-series-chu-de-02-dieu-khoan-giai-quyet-tranh-chap-da-tang-multitiered-dispute-resolution-clause-cac-van-de-thuc-tien-va-cac-phuong-an-xu-ly-n1121.html, truy cập ngày 26-8-2021.
(3) Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2012), Giáo trình Pháp luật về cạnh tranh và giải quyết tranh chấp thương mại, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 320.
(4) Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2012), Giáo trình Pháp luật về cạnh tranh và giải quyết tranh chấp thương mại, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 321.
(5) Đỗ Văn Đại – Trần Hoàng Hải (2010), Tuyển tập các Bản án, Quyết định của Tòa án Việt Nam về Trọng tài thương mại, Nxb. Lao động, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 156.
(6) Đỗ Văn Đại – Trần Hoàng Hải (2010), Tuyển tập các Bản án, Quyết định của Tòa án Việt Nam về Trọng tài thương mại, Nxb. Lao động, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 179.
(7) Đỗ Văn Đại – Trần Hoàng Hải (2010), Tuyển tập các Bản án, Quyết định của Tòa án Việt Nam về Trọng tài thương mại, Nxb. Lao động, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 120.
(8) Đỗ Văn Đại (2017), Pháp luật Trọng tài Thương mại Việt Nam – Bản án và Bình luận Bản án Tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 262 – 263.
(9) Đỗ Văn Đại (2017), Pháp luật Trọng tài Thương mại Việt Nam – Bản án và Bình luận Bản án Tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 266.
(10) IFC (2017), Sổ tay Hòa giải viên, https://www.ifc.org/wps/wcm/connect/1a180cd4-f1f7-4438-89cd-f8632f038ebd/Handbook_Mediator+Training_March+2020.pdf?MOD=AJPERES&CVID=n3yG6.I , truy cập ngày 26-8-2021, tr. 153.
(11) https://iccwbo.org/dispute-resolution-services/mediation/mediation-clauses/, truy cập ngày 26-8-2021.
(12) https://www.wipo.int/amc/en/clauses/med_arb/, truy cập ngày 26-8-2021.
(13) https://www.siac.org.sg/model-clauses/the-singapore-arb-med-arb-clause, truy cập ngày 26-8-2021.
(14) Đỗ Văn Đại (2017), Pháp luật Trọng tài Thương mại Việt Nam – Bản án và Bình luận Bản án Tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 65.
(15) Đỗ Văn Đại (2017), Pháp luật Trọng tài Thương mại Việt Nam – Bản án và Bình luận Bản án Tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 69.
(16) Đỗ Văn Đại (2017), Pháp luật Trọng tài Thương mại Việt Nam – Bản án và Bình luận Bản án Tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 401.
(17) Khoản 1 Điều 15 trong Hợp đồng.
(18) Đỗ Văn Đại (2017), Pháp luật Trọng tài Thương mại Việt Nam – Bản án và Bình luận Bản án Tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 246.
(19) Thỏa thuận trọng tài của vụ tranh chấp này đã được trích dẫn tại chú thích 9.
(20) Thỏa thuận trọng tài của vụ tranh chấp này đã được trích dẫn tại chú thích 8.
(21) https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta485230t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 26-8-2021.
Bộ luật Dân sự 2015
1. Quyết định số 526/2013/KDTM-ST ngày 15-5-2013 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
Quyết định số 10/2014/QĐ-PQTT ngày 28-10-2014 của Tòa án nhân dân Hà Nội
Quyết định số 02/2020/QĐ-PQTT ngày 23-4-2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
1. Didiem Kayali (2010), Enforceability of multi-tiered dispute resolution clauses, Journal of International Arbitration, số 27(6)
Đỗ Văn Đại (2017), Pháp luật Trọng tài Thương mại Việt Nam – Bản án và Bình luận Bản án Tập 1, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh
Đỗ Văn Đại – Trần Hoàng Hải (2010), Tuyển tập các Bản án, Quyết định của Tòa án Việt Nam về Trọng tài thương mại, Nxb. Lao động, Tp. Hồ Chí Minh
IFC (2017), Sổ tay Hòa giải viên
Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2012), Giáo trình Pháp luật về cạnh tranh và giải quyết tranh chấp thương mại, Nxb. Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh
Bài viết trên đã làm rõ về Những điều khoản giải quyết tranh chấp đa tầng trong Trọng tài Thương mại Việt Nam. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết định số 272/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Vụ tranh chấp giữa Công ty H và Công ty M đặt ra những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như quá trình giải quyết của Hội đồng Trọng tài.