Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Số điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI THAM KHẢO VÀ LỰA CHỌN CHO CÁC DOANH NGHIỆP MIỀN TRUNG

13/03/2024

                                                                                                                                Nguyễn Vĩnh Phú

                                                                                                       Tổng Thư ký Trung tâm

Trọng tài Thương mại Miền Trung

 

Trọng tài thương mại ngày nay đã trở thành một lựa chọn phổ biến trong việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại trên phạm vi thế giới, phán quyết của các trung tâm trọng tài có giá trị thi hành không chỉ ở nước sở tại mà còn có thể được công nhận và thi hành tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên Công ước New York 1958.

Tòa án và Trọng tài cũng đều là những hình thức giải quyết tranh chấp, giữ vai trò là một bên trung lập đối với các bên trong quan hệ tranh chấp. Nên về cơ bản thì kết quả của việc giải quyết tranh chấp của Trọng tài hay Toà án đều có những giá trị pháp lý như nhau. Thể hiện một số điểm cơ bản như sau:

1. Phán quyết Trọng tài hay bản án của Toà án đều mang hiệu lực pháp luật, ràng buộc các bên về mặt pháp lý và các bên có nghĩa vụ phải thi hành. Quyền lợi hoặc nghĩa vụ các bên khi được tài phán được pháp luật bảo vệ.

2. Phán quyết Trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự (Điều 67 Luật TTTM 2010).

Theo như quy định tại Điều 1, Điều 2 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 và Điều 67 Luật TTTM 2010 thì phán quyết trọng tài được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và thẩm quyền thi hành phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại thuộc về cơ quan thi hành án dân sự của Nhà nước Việt Nam.

3. Trong quá trình giải quyết tranh chấp thì Hội đồng trọng tài cũng như thẩm phán đều có quyền ban hành các quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như: cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp, kê biên tài sản đang tranh chấp, cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp,…( khoản 2 Điều 49 Luật TTTM 2010).

Các quốc gia khu vực Châu Á, Đông Nam Á đã hình thành các tổ chức trọng tài mang tầm quốc tế như: Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC), Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kong (HKIAC), Trung tâm trọng tài Kualalumpur (nay là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Châu Á – AIAC), Viện Trọng tài thuộc Phòng thương mại Thái Lan (TAI), …

Việt Nam hiện nay có khoảng 40 trung tâm trọng tài thương mại, phân bổ chủ yếu ở hai trung tâm tài chính là thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Riêng Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng đã góp phần đẩy mạnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam.

Trong những năm qua, hoạt động trọng tài thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực tại khu vực Miền Trung – Đà Nẵng, các hội thảo về trọng tài thương mại đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức luật sư và các hiệp hội, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng cùng tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và các tổ chức khác đã triển khai nhiều toạ đàm, hội thảo về chuyên đề trọng tài, như hội thảo “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải – Phương án khả thi cho doanh nghiệp”, “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hoà giải bằng hình thức trực tuyến trên thế giới và Việt Nam hiện nay”.

Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010, một trong các điều kiện tiên quyết để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là “nếu các bên có thoả thuận trọng tài" (1). Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng (2).

Thoả thuận trọng tài có thể là điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc thỏa thuận riêng biệt với hợp đồng, có thể xác lập khi chưa phát sinh tranh chấp hoặc sau khi đã phát sinh tranh chấp.

Không ít trường hợp thoả thuận trọng tài được các bên thiết lập nhưng lại rơi vào tình trạng là thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc là thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được, nên dẫn đến mong muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của các bên bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, điều khoản trọng tài cần có sự phù hợp với quy mô, phạm vi hoạt động… của từng loại hình doanh nghiệp, thương nhân. Nên việc xây dựng điều khoản trọng tài vừa đúng với quy định của pháp luật và thoả thuận phù hợp với đặc thù của mỗi loại hình doanh nghiệp là rất quan trọng.

Tác giả với những kinh nghiệm trong lĩnh vực trọng tài thương mại và dựa trên Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM) và Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM (Nghị quyết số 01/2014) thì có 03 dạng điều khoản trọng tài mà các bên có thể lựa chọn để xây dựng điều khoản trọng tài:

1. Điều khoản trọng tài xác định tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp.

2. Điều khoản trọng tài không xác định tổ chức trọng tài cụ thể.

3. Điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài, vừa chọn toà án để giải quyết vụ tranh chấp.

Mỗi loại hình lựa chọn có những nội dung cụ thể, những thuận lợi như sau:

 

1. Điều khoản trọng tài xác định tổ chức trọng tài cụ thể giải quyết tranh chấp.

Đây là lựa chọn phổ biến và được các trung tâm trọng tài khuyến nghị trong Điều khoản trọng tài mẫu của mình, ví dụ như: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.

Thỏa thuận trọng tài trên bao gồm 2 nội dung quan trọng: Thống nhất về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và đã xác định được tổ chức trọng tài cụ thể.

Đây là kiểu lựa chọn thuận lợi và hiệu quả nhất cho các bên trong hợp đồng, bởi khi đã xác định được tổ chức trọng tài cụ thể mà khi phát sinh tranh chấp thì bên khởi kiện có quyền gửi Đơn kiện đến trung tâm trọng tài đã chọn mà không cần phải thỏa thuận lại hay cần sự đồng ý của bị đơn.

Chọn điều khoản trọng tài mẫu với việc xác định chính xác tổ chức trọng tài luôn là lựa chọn tốt, nếu như các bên đã căn nhắc đến các yếu tố liên quan như: Phí trọng tài, khoảng cách địa lý, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của tổ chức trọng tài đó,….

 

2. Điều khoản trọng tài không xác định tổ chức trọng tài cụ thể.

Theo như hướng này thì nội dung thoả thuận trọng tài thể hiện trong Điều khoản trọng tài như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài”.

Đây chính là điều khoản trọng tài mở, các bên chỉ xác định phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mà chưa vội lựa chọn tổ chức trọng tài cụ thể. Bởi ngay trong điều khoản hợp đồng xác định tổ chức trọng tài ngay từ đầu và những vấn đề khác trong thoả thuận trọng tài nếu không có sự tìm hiểu, chuẩn bị sẽ tiềm ẩn nhiều bất lợi trong tương lai đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, đối tác có trụ sở khắp cả nước. Cố định một trung tâm trọng tài giữa khoảng 40 trung tâm trọng tài thương mại với phần lớn trụ sở ở 2 thành phố lớn và hệ thống đối tác rộng lớn trong một điều khoản trọng tài khuôn mẫu quả là sự lựa chọn không dễ và đôi khi lại là sự trói buộc cho chính các công ty, tập đoàn thương mại.

Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp các bên phải thoả thuận lại về việc chọn tổ chức trọng tài cụ thể. Trường hợp không thoả thuận được tổ chức trọng tài cụ thể thì nguyên đơn có quyền chọn một trung tâm trọng tài cụ thể để đề nghị giải quyết. Việc thoả thuận lại là bắt buộc, nhưng nguyên đơn cũng không cần phải có sự đồng ý của bị đơn mới được đưa vụ kiện ra giải quyết bằng trọng tài.

Tính hợp pháp trên được thể hiện qua hướng xử lý của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong một quyết định liên quan đến thoả thuận trọng tài: “Do thoả thuận trọng tài sau cùng (ghi trong Phụ lục 1) không xác định được tổ chức Trọng tài cụ thể và các bên cũng không thoả thuận bổ sung về tổ chức Trọng tài nên Nguyên đơn có quyền lựa chọn Trung tâm Trọng tài H để giải quyết tranh chấp theo quy định tại khoản 5 Điều 43 Luật TTTM".

 

3. Điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài, vừa chọn toà án để giải quyết vụ tranh chấp.

Điều khoản giải quyết tranh chấp có nội dung như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài hoặc Toà án”.

Khi phát sinh tranh chấp mà không thể giải quyết bằng thương lượng, hoà giải, thì một bên căn nhắc có quyền lựa chọn vụ việc sẽ được giải quyết bằng trọng tại hoặc Toà án.

Trường hợp một bên đã khởi kiện ra trọng tài thì Toà án sẽ từ chối thụ lý, giải quyết.

Ví dụ sơ lược vụ việc như sau: Hai bên trong hợp đồng là Công ty A và Công ty B có điều khoản giải quyết tranh chấp chọn trọng tài và Toà án. Khi phát sinh tranh chấp, Công ty A đề nghị Trung tâm Trọng tài M giải quyết và Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài M căn cứ vào thoả thuận trọng tài mà tài phán, ban hành Phán quyết trọng tài giải quyết vụ kiện.

Bị đơn yêu cầu huỷ Phán quyết trọng tài, trong đó có lý do: Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Và sau đây là nhận định và quyết định của Hội đồng xét đơn thuộc TAND TP HCM: “Hội đồng phiên họp nhận định: Căn cứ vào Điều 21 Hợp đồng thi công xây dựng công trình ngày 01/6/2013 các bên thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Còn tại phần II: Điều khoản chung của Phụ lục Hợp đồng số BL01/BK-HB/130601 ngày 20/6/2013 các bên thoả thuận giải quyết tranh chấp bằng Toà án. Vấn đề mấu chốt ở đây là việc Trung tâm Trọng tài M thụ lý, giải quyết và ban hành phán quyết của vụ kiện có vi phạm sự thoả thuận của hai bên hay không?

Hội đồng phiên họp xét thấy: ….Trong trường hợp, khi thụ lý yêu cầu của Công ty A thì Trung tâm Trọng tài M đã xác minh Công ty A hoặc Công ty B chưa làm thủ tục khởi kiện tại Toà án, do đó Trung tâm Trọng tài M thụ lý và giải quyết của Công ty A là phù hợp với quy định, không vi phạm sự thoả thuận của hai bên. Do đó, việc Bị đơn cho rằng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết là không có căn cứ…" (4).

Căn cứ để Toà án quyết định trọng tài có thẩm quyền là: 1) Có tồn tại thoả thuận trọng tài; 2) Công ty A đã chọn trọng tài giải quyết tại Trung tâm Trọng tài M; 3) chưa có bên nào khởi kiện tại Toà án.

Điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn Trọng tài vừa chọn Toà án giúp cho việc xử lý tranh chấp giữa các bên đa dạng hơn, đảm bảo được quyền lợi các bên trong điều kiện tình hình thực tế có sự thay đổi mà không phải cố định trong một phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống như trước đây.

 

Tóm lại: Thoả thuận trọng tài tồn tại dưới nhiều cách khác nhau, thể hiện ở 3 dạng như đã trình bày trên: có thoả thuận trọng tài chi tiết: xác định hình thức, tổ chức trọng tài; có thoả thuận trọng tài không rõ ràng: chỉ thoả thuận chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mà chưa xác định đích danh hình thức, tổ chức trọng tài; có thoả thuận trọng tài “nước đôi”: xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và cả toà án, khi phát sinh tranh chấp thực tế thì tuỳ điều kiện cụ thể, phù hợp… mà các bên xác định phương thức giải quyết trọng tài hay toà án.

Mỗi hướng lựa chọn trên hy vọng sẽ gợi ý cho mỗi tổ chức, cá nhân với đặc điểm, đặc thù của mình mà có sự lựa chọn phù hợp, để cho con đường đến với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một phương án trên bàn đàm phán.

Bài viết trên đã đưa ra những điều khoản trọng tài tham khảo và lựa chọn cho các doanh nghiệp miền Trung. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1) Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

(2) Khoản 1 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

(3) Quyết định số 1240/2013/QĐ-GQKN ngày 10/10/2013 của TAND TP HCM.

(4) Quyết định số 923/2017/QĐ-PQTT ngày 21/7/2017 của TAND TP HCM.

 

Đọc thêm: Áp dụng án lệ số 09/2016/AL trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại tòa án và trọng tài.

 

Tin liên quan

TẠI SAO DOANH NGHIỆP KHU VỰC MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN NÊN CHỌN TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG
26 04/2024

TẠI SAO DOANH NGHIỆP KHU VỰC MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN NÊN CHỌN TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG

Bài viết này trình bày những lý do tại sao các doanh nghiệp tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên nên cân nhắc lựa chọn Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) làm đối tác chiến lược. Từ sự thuận tiện địa lý đến uy tín và chuyên nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, bài viết sẽ phân tích chi tiết những lợi ích mà MCAC mang lại cho các doanh nghiệp trong khu vực.

10 THUẬT NGỮ LATIN THÔNG DỤNG TRONG TRỌNG TÀI QUỐC TẾ
09 04/2024

10 THUẬT NGỮ LATIN THÔNG DỤNG TRONG TRỌNG TÀI QUỐC TẾ

Trong pháp luật quốc tế nói chung và trọng tài thương mại quốc tế nói riêng, thỉnh thoảng các thuật ngữ Latin được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, người hành nghề thực tiễn (trọng tài viên, Luật sư,…) đề cập đến.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG