Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Số điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

ÁP DỤNG ÁN LỆ SỐ 09/2016/AL TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG MẠI TẠI TÒA ÁN VÀ TRỌNG TÀI

15/12/2023

 

ThS. Luật sư Kiều Anh Vũ [1]
Công ty Luật TNHH KAV Lawyers
vu@kavlawyers.com

 

1. Dẫn nhập

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử [1].

Án lệ số 09/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn của án lệ này là Quyết định giám đốc thẩm số 07/2013/KDTM-GĐT ngày 15-3-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa” tại tỉnh Bắc Ninh giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần thép Việt Ý với bị đơn là Công ty cổ phần kim khí Hưng Yên; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị Ngọc Lan và ông Lê Văn Dũng.

Án lệ này đưa ra các giải pháp pháp lý áp dụng cho tình huống tính tiền lãi do chậm thanh toán được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường. Theo đó, tiền lãi do chậm thanh toán được tính theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường bằng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba Ngân hàng tại địa phương tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm), trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. 

Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại tòa án và trọng tài

 

Ngoài ra, án lệ cũng quy định rõ người có nghĩa vụ trả tiền phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại không phải trả lãi trên số tiền phạt vi phạm, tiền bồi thường thiệt hại đó.

Kể từ khi được ban hành, Án lệ số 09/2016/AL đã nhanh chóng được áp dụng trên thực tế. Nhiều Bản án của Tòa án các cấp trên khắp cả nước được công bố trên trang thông tin điện tử Công bố bản án của Tòa án nhân dân tối cao có viện dẫn đến án lệ này.

Bài viết này phân tích một số nội dung của Án lệ số 09/2016/AL và thực tiễn áp dụng án lệ này trong việc tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại Tòa án và Trọng tài. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật.

2. Thực tiễn áp dụng án lệ số 09/2016/AL trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Tòa án và Trọng tài

Án lệ 09/2016/AL liên quan đến nhiều quy định của Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2005, bao gồm: Điều 34, Điều 37, khoản 3 Điều 297, các điều 300, 301, 302, 306 và 307 Luật thương mại 2005; các điều 307, 422, 474 và 476 Bộ luật Dân sự năm 2005. 

Trong đó, Điều 306 Luật Thương mại 2005 quy định về lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường. Theo đó, trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Tuy vậy, nội dung của Án lệ số 09/2016/AL thực chất là quy định về tiền lãi chậm trả phát sinh từ việc đòi lại số tiền ứng trước (mà không nhận được hàng) chứ không phải xuất phát từ hành vi chậm thanh toán tiền hàng hay thù lao dịch vụ hay các chi phí hợp lý khác như quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005. Nội dung Án lệ này nêu rõ: “Đối với số tiền ứng trước mà không nhận được hàng của 4 hợp đồng kinh tế, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định chính xác số tiền và buộc Công ty Hưng Yên phải trả lại cho Công ty Việt Ý là đúng. Tuy nhiên, khi tính tiền lãi do chậm thanh toán số tiền nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm mặc dù áp dụng Điều 306 Luật thương mại năm 2005 nhưng không lấy mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm) để tính, mà lại áp dụng mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử sơ thẩm theo yêu cầu của nguyên đơn để áp dụng mức lãi quá hạn (là 10,5%/năm) là không đúng. Trong trường hợp này, Tòa án cần lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng tại địa phương (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam...) để tính lại tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, Án lệ là một bước phát triển so với quy định của Điều 306 Luật Thương mại và nhằm bổ sung vào đường lối xét xử của Tòa án một vấn đề chưa được pháp luật hiện hành quy định. “Đây có thể coi là điểm “bổ sung” phạm vi điều chỉnh của Điều 306 Luật Thương mại 2005” [2]. Tác giả cho rằng nội dung của Án lệ buộc tính lãi trên khoản tiền đã ứng trước được hoàn lại là hợp tình, hợp lý, đảm bảo lẽ công bằng.

Có thể nói rằng quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005 về lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường là một trong những quy định gây ra nhiều lúng túng cho việc áp dụng trong thời gian dài bởi lẽ không có quy định nào, hướng dẫn nào giải thích rõ “lãi suất nợ quá hạn trên thị trường” trong điều luật này được hiểu như thế nào. Do vậy, việc ban hành Án lệ 09/2016/AL có ý nghĩa rất to lớn trong việc áp dụng thống nhất quy định của Điều 306 Luật Thương mại 2005.

2.1. Thực tiễn áp dụng quy định về lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường trước thời điểm ban hành Án lệ số 09/2016/AL

Với cơ hội trực tiếp tham gia một số vụ án kinh doanh, thương mại tại Tòa án và Trọng tài, tác giả nhận thấy trước thời điểm ban hành và áp dụng Án lệ số 09/2016/AL, quy định về lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường đã được hiểu và áp dụng rất khác nhau trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Tòa án các cấp và kể cả tại Trọng tài. Việc đánh giá thực tiễn áp dụng quy định về lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường trước thời điểm án lệ số 09/2016/AL được ban hành nhằm làm nổi bật ý nghĩa của Án lệ số 09/2016/AL trong việc tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005.

Trong Bản án số 06/2014/KDTM-ST ngày 24-9-2014 của Tòa án nhân dân huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa [3], nguyên đơn yêu cầu tính lãi chậm thanh toán đối với bị đơn từ ngày 16-7-2012 (ngày bị đơn nhận được thư yêu cầu thanh toán) đến ngày xét xử sơ thẩm (24-9-2014), mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường nguyên đơn đưa ra là mức lãi suất 13,5%/năm. Nguồn gốc của con số 13,5%/năm này là bằng 150% của mức lãi suất cơ bản mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định là 9%/năm. Mức lãi suất cơ bản được tính theo Quyết định số 2868/QĐ-NHNN ngày 29-11-2010 của Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước về mức lãi suất cơ bản bằng Đồng Việt Nam. Con số 150% của lãi suất cơ bản được áp dụng tương tự theo Công văn số 6486/NHNN-CSTT ngày 16-7-2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định: “mức lãi suất áp dụng đối với khoản nợ gốc quá hạn do tổ chức tín dụng ấn định và thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng tín dụng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay áp dụng trong thời hạn cho vay đã được ký kết hoặc điều chỉnh trong hợp đồng tín dụng”. Ngoài ra, Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005, quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng. Đối với yêu cầu này, Hội đồng xét xử cho rằng “lãi suất nêu trên là có căn cứ và có lợi cho bị đơn” nên chấp nhận mức lãi suất mà nguyên đơn đã tính. Như vậy, lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường trong vụ tranh chấp này được tính bằng 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố.

Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại tòa án và trọng tài

Trong Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 24/14 HCM [4] ngày 05-12-2014 của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Hội đồng Trọng tài nhận định: “Lãi suất chậm thanh toán theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005 được xác định “theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả”. Hội đồng trọng tài nhận thấy, toàn bộ quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng, các Bên sử dụng đồng USD làm đồng tiền thanh toán, do đó việc xác định lãi suất cần phải căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường đối với cho vay bằng USD. Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất trung bình trên thị trường đối với cho vay bằng USD tại thời điểm giải quyết tranh chấp đối với khoản vay ngắn hạn là 5,5%/năm. Căn cứ Điều 476 Bộ luật Dân sự 2005, “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng. Do đó, mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường đối với cho vay bằng USD tối đa là 8,25% đối với khoản vay ngắn hạn. Như vậy, do yêu cầu của Nguyên đơn thấp hơn so với quy định của pháp luật nên Hội đồng trọng tài chấp nhận mức lãi suất chậm trả do Nguyên đơn đưa ra là 7.875%/năm, tương đương 0.656%/tháng, tương đương 0.022%/ngày”. Như vậy, cách tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường trong trường hợp này là dựa trên thông tin hoạt động cho vay được Ngân hàng Nhà nước công bố hàng tuần trên website của Ngân hàng Nhà nước [5]. Có thể thấy trường hợp này không tính theo cách tính 150% của lãi suất cơ bản được vì lãi suất cơ bản là áp dụng đối với Đồng Việt Nam. Do vậy, nguyên đơn và Hội đồng Trọng tài đã tham chiếu đến thông tin hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước công bố. Tuy nhiên, thông tin Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ là lãi suất cho vay nên cần tính tiếp lãi suất nợ quá hạn là không quá 150% lãi suất cho vay.

Trong một vụ tranh chấp khác, Hội đồng Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định: “do các bên thanh toán bằng USD, Hội đồng Trọng tài xét thấy cần lấy mức lãi nợ quá hạn đối với cho vay bằng USD tại thời điểm giải quyết tranh chấp của ba Ngân hàng là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải 11,25%/năm, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 8,25%/năm và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam 8.7%/năm. Như vậy, mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường là 9,4%/năm (0,78%/tháng, 0,025%/ngày) và thấp hơn yêu cầu của Nguyên đơn nên Hội đồng Trọng tài chỉ áp dụng mức lãi chậm trả là 0,78%/tháng (0,025%/ngày)” [6]. Như vậy, trong Phán quyết này, Hội đồng Trọng tài tiếp cận theo hướng của Quyết định Giám đốc thẩm số 07/2013/KDTM-GĐT ngày 15-3-2013 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, lấy mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất ba ngân hàng để tính lãi chậm thanh toán.

Qua các vụ việc trên có thể thấy trước thời điểm Án lệ số 09/2016/AL được ban hành, lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường đã được tính toán theo những cách rất khác nhau, tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể: không quá 150% lãi suất cơ bản; không quá 150% mức lãi suất cho vay được công bố trên website của Ngân hàng Nhà nước; hoặc tính bằng mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng [7].

2.2. Thực tiễn áp dụng Án lệ số 09/2016/AL tại Tòa án và Trọng tài

2.2.1. Thực tiễn áp dụng Án lệ số 09/2016/AL tại Tòa án

Sau khi được ban hành, Án lệ số 09/2016/AL đã tháo gỡ vướng mắc trong việc áp dụng lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường trong các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại có áp dụng Điều 306 Luật Thương mại 2005. Do đó, án lệ này nhanh chóng được Tòa án các cấp áp dụng trên thực tế. 

Trong Bản án số 109/2017/KDTM-PT ngày 01-12-2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa [8], Hội đồng xét xử đã viện dẫn và áp dụng Án lệ số 09/2016/AL như sau: “Về cách tính lãi suất theo Án lệ số 09/2016/AL của Tòa án nhân dân tối cao về xác định lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường, theo ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa thì Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng căn cứ để tính lãi suất đối với số tiền chậm trả là mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm của ba ngân hàng là Ngân hàng TMCP quân đội; Ngân hàng TMCP công thương Việt Nam; Ngân hàng TMCP đầu tư Việt Nam là chưa chính xác. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm sau khi kiểm tra đối chiếu với mức lãi suất của 03 ngân hàng theo Án lệ số 09/2016/AL và mức lãi suất mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng = 7,7%/năm là mức lãi suất thấp hơn và có lợi hơn cho bị đơn và nguyên đơn nhất trí về vấn đề này nên Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy không cần thiết phải sửa án về phần này”. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều đã áp dụng Án lệ số 09/2016/AL để xác định mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường theo mức lái suất nợ quá hạn của ba ngân hàng để làm cơ sở chấp nhận mức lãi suất mà nguyên đơn yêu cầu.

Tại Bản án số 04/2019/KDTM-PT ngày 30-01-2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hải Phòng về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm [9], Hội đồng xét xử đã áp dụng Án lệ số 09/2016/AL như sau: “Khi Bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chưa thi hành thì hàng tháng phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của 03 Ngân hàng Thương mại (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Ngoại thương) tại thời điểm thanh toán, tương ứng với thời gian chậm trả theo Án lệ số 09/2016/AL ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao”. Như vậy, việc áp dụng Án lệ số 09/2016/AL trong trường hợp này không phải để tính lãi do chậm thanh toán tiền hàng hay thù lao dịch vụ theo Điều 306 Luật Thương mại 2005 mà là để áp dụng tính lãi do chậm thi hành án. 

Trong Bản án số 04/2020/KDTM-ST ngày 28-12-2020 của Tòa án nhân dân quận Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng về việc tranh chấp hợp đồng cung cấp và vận chuyển đất đắp nền đường công trình [10], Hội đồng xét xử đã tính toán lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường như sau: “Đối với yêu cầu của Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại C về tính tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán từ ngày 01/8/2017 đến ngày 31/12/2019 với mức lãi suất là 7%/năm với số tiền là 157.622.000 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy, mặc dù trong hợp đồng cũng như biên bản đối chiếu công nợ không quy định về nghĩa vụ trả lãi do chậm thanh toán nhưng căn cứ Điều 306 Luật Thương mại quy định thì Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại C có quyền yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ A trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả (lãi suất nợ quá hạn của cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam là 12,75%/năm; lãi suất nợ quá hạn của cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam là 10,5%/năm; lãi suất nợ quá hạn của cho vay ngắn hạn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam là 14,25%/năm). Lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh  toán  là: (12,75%+  10,5%+  14,25%): 3 = 12,5%/năm nhưng do Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại C chỉ yêu cầu Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ A phải chịu tiền lãi theo mức lãi suất 7%/năm là thấp hơn lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm xét xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử thấy yêu cầu tính lãi của nguyên đơn là có cơ sở, phù hợp nên chấp nhận, cần buộc bị đơn phải thanh toán cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại c số tiền lãi là 157.622.000đồng (931.756.000 đồng x 7%/năm : 12 tháng x 29 tháng = 157.622.056 đồng)”. Như vậy, Hội đồng xét xử trong vụ án này vẫn tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường theo lãi suất nợ quá hạn của ít nhất ba ngân hàng và nêu rõ áp dụng lãi suất nợ quá hạn theo khoản vay ngắn hạn.

Tại Bản án số 03/2021/KDTM-PT ngày 01-4-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương về tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa [11], Hội đồng xét xử áp dụng án lệ số 09/2016/AL như sau: “công ty K tự nguyện tính ngày giao hàng để xác định thời điểm chậm thanh toán là ngày giao hàng cuối cùng 20/5/2017, đề nghị tính lãi chậm thanh toán kể từ ngày 20/6/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm với mức lãi suất 11,55%/năm tức là 0,0316%/ngày (phù hợp với mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường theo cách tính tại Án lệ 09/2016/AL là từ 11,55% đến 17,6%)”. Như vậy, Hội đồng xét xử đã viện dẫn đến Án lệ số 09/2016/AL để đánh giá sự phù hợp trong yêu cầu tính lãi của nguyên đơn, từ đó làm cơ sở chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm thanh toán của nguyên đơn.

Còn rất nhiều Bản án khác của Tòa án nhân dân các cấp có viện dẫn, áp dụng Án lệ số 09/2016/AL trong giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại được công bố trên trang Thông tin Công bố Bản án của Tòa án nhân dân tối cao. Các Bản án được trích dân trên đây chỉ là một phần nhỏ trong số các Bản án có áp dụng Án lệ số 09/2016/AL đã được công bố.

Qua các Bản án được trích dẫn trên đây, có thể thấy Án lệ số 09/2016/AL sau khi được ban hành từ ngày 17-10-2016 thì đã nhanh chóng được các Tòa án áp dụng liên tục từ sau khi án lệ này được ban hành cho đến nay.

Mặc dù Án lệ số 09/2016/AL xuất phát từ một vụ tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng thực tế các Tòa án đã áp dụng án lệ này trong nhiều vụ tranh chấp khác nhau, không chỉ giới hạn trong tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Như trên đã viện dẫn, trong tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm, tranh chấp hợp đồng cung cấp và vận chuyển đất đắp nền đường công trình, Án lệ số 09/2016/AL cũng đã được áp dụng.

Tuy vậy, tác giả cho rằng việc áp dụng án lệ phải đảm bảo tính tương tự của tình huống pháp lý được áp dụng án lệ. Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP quy định rõ khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. Trong các Bản án đã trích dẫn ở trên, trong Bản án số 04/2019/KDTM-PT ngày 30-01-2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hải Phòng, Hội đồng xét xử đã áp dụng Án lệ số 09/2016/AL không phải để tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của khoản tiền trả trước phải hoàn lại như nội dung Án lệ số 09/2016/AL hoặc do chậm thanh toán tiền hàng hay thù lao dịch vụ theo Điều 306 Luật Thương mại 2005 mà để tính lãi do chậm thi hành án sau khi Bản án đã có hiệu lực. Tác giả cho rằng việc áp dụng Án lệ 09/2016/AL để tính lãi chậm thi hành án trong Bản án này là không đúng với nội dung của Án lệ cũng như quy định của Điều 306 Luật Thương mại 2005.

Mặc dù Án lệ số 09/2016/AL đã giúp các Tòa án có định hướng cụ thể khi tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường nhưng hướng dẫn của Án lệ cũng chưa thật sự đầy đủ, rõ ràng. Án lệ này yêu cầu Tòa án phải lấy mức lãi suất nợ quá hạn của ít nhất ba ngân hàng để tính toán nhưng không nêu rõ đây là những mức lãi suất nợ quá hạn của những khoản vay nào. Mỗi ngân hàng có rất nhiều khoản vay khác nhau, tùy thuộc vào thời hạn vay (ngắn hạn hay trung hoặc dài hạn), mục đích vay (sản xuất kinh doanh, tiêu dùng,…). Vậy, phải thu thập mức lãi suất nợ quá hạn của khoản vay nào, ngắn hạn hay trung hoặc dài hạn? Trong Bản án số 04/2020/KDTM-ST ngày 28-12-2020 của Tòa án nhân dân quận Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng nêu trên, Hội đồng xét xử đã áp dụng theo mức lãi suất nợ quá hạn của khoản vay ngắn hạn nhưng hoàn toàn không giải thích rõ vì sao áp dụng của khoản vay ngắn hạn mà không phải trung hoặc dài hạn.  Đây cũng là một bất cập lớn của Án lệ số 09/2016/AL dẫn đến tình trạng không thống nhất trong việc áp dụng Án lệ này. Tùy theo Hội đồng xét xử, khi thu thập được bất kỳ mức lãi suất nợ quá hạn của bất kỳ khoản vay nào do ngân hàng cung cấp thì áp dụng theo các mức lãi đó mà không lý giải rõ đó là mức lãi suất nợ quá hạn của khoản vay nào và vì sao áp dụng như vậy. Sự không thống nhất này làm cho các Bản án của Tòa án có áp dụng Án lệ số 09/2016/AL cũng được trình bày rất khác nhau, có thể nói là nhiều Bản án được trình bày thiếu tính chuẩn mực, thuyết phục. Một số Bản án chỉ đơn thuần viện dẫn đến Án lệ số 09/2016/AL mà thiếu sự lập luận, phân tích cụ thể.

Hơn nữa, tác giả cho rằng việc đồng nhất thời điểm thanh toán với thời điểm xét xử sơ thẩm cũng là một điểm bất cập của Án lệ số 09/2016/AL. Điều này làm cho thời gian từ sau khi xét xử sơ thẩm đến giai đoạn phúc thẩm không được cập nhật để tiếp tục tính lãi. Trong khi đó, thời gian từ sau khi xét xử sơ thẩm đến khi phúc thẩm cũng là một khoảng thời gian đáng kể và thời gian thực sự là “tiền bạc”, nếu không cập nhật để tính lãi cho đương sự là không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

Ngoài Án lệ số 09/2016/AL, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11-01-2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã được ban hành và tiếp tục hướng dẫn về lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường theo Điều 11 của Nghị quyết này. Tuy vậy, Nghị quyết này vẫn tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường đến “thời điểm thanh toán” là thời điểm xét xử sơ thẩm; vẫn chỉ nói đến lãi suất nợ quá hạn của ít nhất của ba ngân hàng chứ không nêu rõ là lãi suất nợ quá hạn của khoản vay nào.

Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại tòa án và trọng tài

Một vấn đề nữa được đặt ra là mối tương quan giữa Án lệ số 09/2016/AL và Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP. Liệu rằng đã có Nghị quyết hướng dẫn Điều 306 Luật Thương mại thì Án lệ số 09/2016/AL có còn cần thiết nữa không, có còn được áp dụng hay không? Tác giả cho rằng Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP và Án lệ số 09/2016/AL có tính bổ sung cho nhau. Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP và Án lệ số 09/2016/AL đều không chỉ quy định duy nhất về một vấn đề cách tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường. Đây chỉ là điểm giao thoa giữa Án lệ và Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP và nội dung của Nghị quyết có phần giải thích rõ thêm một số vấn đề (chẳng hạn giải thích thời điểm xét xử sơ thẩm là như thế nào, mối tương quán về các trường hợp tính lãi theo Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, trường hợp của tổ chức tín dụng,…). Trong khi đó. Án lệ có những nội dung đặc thù của nó, chẳng hạn nội dung của Án lệ là quy định về việc tính lãi phát sinh từ khoản tiền đã ứng trước được hoàn lại chứ không phải từ chậm thanh toán tiền hàng hay thù lao dịch vụ như quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005 và Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP; Án lệ còn đưa ra giải pháp pháp lý cho việc không tính lãi trên khoản tiền phạt hay bồi thường,… Đó là những nội dung mà chỉ Án lệ số 09/2016/AL mới có và hoàn toàn khác biệt với Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP. Do vậy, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP không thay thế án lệ số 09/2016/AL và mặc dù đã có Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP thì vẫn cần phải tiếp tục duy trì và áp dụng Án lệ số 09/2016/AL.

2.2.2. Thực tiễn áp dụng Án lệ số 09/2016/AL tại Trọng tài

Áp dụng án lệ nói chung và Án lệ số 09/2016/AL nói riêng tại Trọng tài là một vấn đề khá thú vị và cũng gây ra nhiều ý kiến tranh luận. Liệu rằng Hội đồng Trọng tài có thể áp dụng Án lệ số 09/2016/AL để giải quyết một vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại được giải quyết tại Trọng tài có áp dụng lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường hay không? 

Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài cho thấy có trường hợp đại diện của một trong các bên tranh chấp, thông thường là bên bị yêu cầu tính lãi, có ý kiến phản đối về việc bên kia hoặc Hội đồng Trọng tài đề cập đến việc áp dụng Án lệ số 09/2016/AL để tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường. Lập luận phản đối việc áp dụng Án lệ này tại Trọng tài chủ yếu là dựa vào lý do “án lệ chỉ được áp dụng cho Tòa án”. Cơ sở pháp lý được đưa ra là Điều 1 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP quy định rằng án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để “các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” chứ không quy định để Trọng tài nghiên cứu, áp dụng. Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết này cũng quy định: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ”. Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP hoàn toàn không có quy định nào đề cập đến Trọng tài nên Trọng tài không có quyền áp dụng.

Người viết cho rằng lập luận phản bác thẩm quyền của Trọng tài trong việc áp dụng Án lệ nói chung và Án lệ số 09/2016/AL như nêu trên có phần khiên cưỡng, máy móc và phản đối chỉ vì có lợi ích bị ảnh hưởng mà thôi. 

Rõ ràng rằng các quy định của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP và kể cả Luật Trọng tài Thương mại 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này không nêu rõ Trọng tài có quyền hay bắt buộc phải áp dụng án lệ trong quá trình giải quyết tranh chấp nhưng đồng thời cũng không có quy định nào cấm đoán Trọng tài áp dụng án lệ cả. Không cấm thì Trọng tài được áp dụng miễn sao việc áp dụng đó là phù hợp, đúng với tinh thần của án lệ, hợp tình, hợp lý, đảm bảo tính thuyết phục của Phán quyết trọng tài.

Về mặt tính chất, Trọng tài vẫn là cơ quan tài phán, phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm và có hiệu lực thi hành (khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài Thương mại 2010). Căn cứ để ban hành Phán quyết Trọng tài, kể cả có áp dụng án lệ, là vấn đề nội dung của Phán quyết (điểm đ khoản 1 Điều 61 Luật Trọng tài Thương mại 2010) và đây là thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài vì Tòa án “không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết” khi Tòa án xem xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài (khoản 4 Điều 71 Luật Trọng tài Thương mại 2010).

Giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại tòa án và trọng tài

Tác giả cho rằng y nghĩa của án lệ không phải chỉ để cho Tòa án áp dụng riêng mà còn giúp bổ sung, làm rõ các quy định của pháp luật. Các chủ thể khác trong các quan hệ pháp luật đều có thể áp dụng án lệ chứ không riêng gì Tòa án với điều kiện là áp dụng trong tình huống pháp lý tương tự. Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về tiêu chí lựa chọn án lệ quy định như sau: có giá trị làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể; có tính chuẩn mực; có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Do vậy, khi Trọng tài cần làm rõ các căn cứ pháp lý cho Phán quyết của mình, cụ thể là làm rõ cơ sở tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường thì việc viện dẫn đến Án lệ số 09/2016/AL là hoàn toàn phù hợp bởi lẽ việc áp dụng Án lệ trong trường hợp này là nhằm làm rõ quy định của pháp luật, đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng. Như vậy, án lệ đã được quy định để áp dụng chung trong quan hệ dân sự chứ không phải chỉ để áp dụng riêng cho Tòa án, tại Tòa án. Khoản 1 Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc trọng tài. Như vậy, án lệ, Trọng tài đều đã được quy định trong Bộ luật Dân sự và Trọng tài áp dụng án lệ theo quy định của Bộ luật Dân sự là hoàn toàn có cơ sở.

Thực tiễn hiện nay do các phán quyết trọng tài là không công khai nên chưa có sự thống kê cụ thể việc áp dụng án lệ nói chung và Án lệ số 09/2016/AL nói riêng tại Trọng tài như thế nào. Tuy vậy, nhiều trọng tài viên trong các diễn đàn, tọa đàm có công khai quan điểm có áp dụng Án lệ số 09/2016/AL trong việc giải quyết tranh chấp tại Trọng tài. Cụ thể, ngày 01-7-2021, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đã tổ chức một Hội thảo trực tuyến về vấn đề lãi suất trong vụ kiện trọng tài [12] và các trọng tài viên, đại diện Ban thư ký của VIAC là các diễn giả trong Hội thảo này có thừa nhận đã áp dụng Án lệ số 09/2016/AL trong việc giải quyết tranh chấp tại Trọng tài.

Ngoài ra, theo thông tin tra cứu tại trang Công bố Bản án, cũng không có quyết định nào của Tòa án hủy phán quyết trọng tài nào với lý do là Trọng tài không được áp dụng án lệ cả. Tác giả cho rằng Tòa án cũng sẽ không thể nào hủy phán quyết trọng tài vì lý do như vậy vì các căn cứ hủy phán quyết trọng tài đã được quy định rõ tại khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 và vấn đề Trọng tài áp dụng hay không áp dụng án lệ không phải là lý do để hủy phán quyết trọng tài.

Nói tóm lại, Trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền áp dụng Án lệ số 09/2016 cũng như các án lệ khác trong giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Trọng tài nếu có các quan hệ pháp luật tranh chấp tương tự.

3. Kết luận

Qua những phân tích nêu trên, có thể thấy rằng vấn đề lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường theo quy định tại Điều 306 Luật Thương mại 2005 là một vấn đề rất phức tạp, gây ra sự lúng túng, mơ hồ trong một thời gian dài. Chính vì vậy, sự ra đời của Án lệ số 09/2016/AL có ý nghĩa rất to lớn trong việc phá tan sự mơ hồ đó, góp phần làm thống nhất trong việc áp dụng quy định của pháp luật.

Tuy vậy, nội tại Án lệ số 09/2016/AL vẫn còn những bất cập của nó khi chưa đủ sự hướng dẫn chi tiết về cách tính lãi suất nợ quá hạn trung bình của khoản vay nào cũng như thời gian tính lãi chỉ tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm là chưa thật sự hợp lý. Tác giả cho rằng, Tòa án nhân dân tối cao cần tiếp tục nghiên cứu, cần có những án lệ mới chuẩn mực hơn nữa về việc tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường để thay thế cho Án lệ số 09/2016/AL.

Về thực tiễn áp dụng Án lệ số 09/2016/AL tại Tòa án, điểm tích cực là các Tòa án các cấp đã không ngừng áp dụng án lệ trong xét xử. Tuy nhiên, mức độ, trình độ áp dụng còn khác nhau. Việc viện dẫn, phân tích, lập luận, áp dụng Án lệ trong Bản án có nhiều nơi còn sơ sài, qua loa, không đảm bảo sự thuyết phục, chuẩn mực. Có Bản án còn áp dụng án lệ vào quan hệ pháp luật không tương tự với quan hệ pháp luật trong Án lệ. Tác giả cho rằng Tòa án nhân dân tối cao cũng cần có hướng dẫn, tập huấn cho Tòa án các cấp trong việc viện dẫn, áp dụng Án lệ trong Bản án để đảm bảo tính chuẩn mực, thuyết phục.

Về áp dụng Án lệ số 09/2016 tại Trọng tài, thực tiễn cho thấy Trọng tài cũng đã áp dụng Án lệ này trong giải quyết các vụ tranh chấp kinh doanh, thương mại. Đây cũng là một điểm tích cực của án lệ này. Án lệ số 09/2016/AL đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo cộng đồng những nhà nghiên cứu và kể cả nhưng người làm thực tiễn, không chỉ ngành Tòa án ủng hộ án lệ mà Trọng tài, Luật sư hay các đương sự trong các bên tranh chấp cũng đồng tình, ủng hộ và áp dụng án lệ này. Điều đó cho thấy án lệ này đã thực sự đi vào đời sống, đi vào thực tiễn giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Tòa án và Trọng tài. Tuy vậy, như trên đã phân tích, do quy định của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP cũng như các quy định liên quan của pháp luật về trọng tài thương mại không nêu rõ quyền áp dụng án lệ của Trọng tài nên có lúc vẫn còn ý kiến khác nhau, phản đối quyền áp dụng án lệ của Trọng tài. Tác giả cho rằng cần có quy định cụ thể để minh thị vấn đề này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Dân sự năm 2015

  2. Luật Thương mại năm 2005

  3. Luật Trọng tài Thương mại 2010

  4. Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18-6-2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố, áp dụng án lệ

  5. Quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc công bố án lệ

  6. Lưu Tiến Dũng (2021), Án lệ Việt Nam – Phân tích và luận giải, Tập 1, Nxb. Tư pháp

  7. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (2015), Giải quyết tranh chấp hợp đồng – Những điều doanh nhân cần biết, Nxb. Tri thức, Hà Nội

  8. Bản án số 06/2014/KDTM-ST ngày 24-9-2014 của Tòa án nhân dân huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

  9. Bản án số 109/2017/KDTM-PT ngày 01-12-2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

  10. Bản án số 04/2019/KDTM-PT ngày 30-01-2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hải Phòng về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm

  11. Bản án số 04/2020/KDTM-ST ngày 28-12-2020 của Tòa án nhân dân quận Sơn Trà, Tp. Đà Nẵng về việc tranh chấp hợp đồng cung cấp và vận chuyển đất đắp nền đường công trình

  12. Bản án số 03/2021/KDTM-PT ngày 01-4-2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương về tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa

  13. Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 24/14 HCM ngày 05-12-2014 của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

  14. https://congbobanan.toaan.gov.vn 

  15. https://www.sbv.gov.vn

  16. https://www.viac.vn

 

Xem thêm: Chuyên đề: Ngôn ngữ trong tố tụng Trọng tài

Bài viết trên, tác giả đã đưa ra phân tích để áp dụng án lệ số 09/2016/AL trong giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tại tòa án và trọng tài. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn

Tin liên quan

TẠI SAO DOANH NGHIỆP KHU VỰC MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN NÊN CHỌN TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG
26 04/2024

TẠI SAO DOANH NGHIỆP KHU VỰC MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN NÊN CHỌN TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG

Bài viết này trình bày những lý do tại sao các doanh nghiệp tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên nên cân nhắc lựa chọn Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) làm đối tác chiến lược. Từ sự thuận tiện địa lý đến uy tín và chuyên nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, bài viết sẽ phân tích chi tiết những lợi ích mà MCAC mang lại cho các doanh nghiệp trong khu vực.

10 THUẬT NGỮ LATIN THÔNG DỤNG TRONG TRỌNG TÀI QUỐC TẾ
09 04/2024

10 THUẬT NGỮ LATIN THÔNG DỤNG TRONG TRỌNG TÀI QUỐC TẾ

Trong pháp luật quốc tế nói chung và trọng tài thương mại quốc tế nói riêng, thỉnh thoảng các thuật ngữ Latin được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, người hành nghề thực tiễn (trọng tài viên, Luật sư,…) đề cập đến.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG