Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Số điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

KỸ NĂNG THIẾT LẬP ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI: Phần 01: Điều khoản trọng tài xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể giải quyết tranh chấp.

21/03/2022

KỸ NĂNG THIẾT LẬP ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI

Phần 01: Điều khoản trọng tài xác định đích danh

tổ chức trọng tài cụ thể giải quyết tranh chấp.

Nguyễn Vĩnh Phú

                                                                                                       Tổng Thư ký Trung tâm

Trọng tài Thương mại Miền Trung

 

Căn cứ theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM) và Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật TTTM (Nghị quyết số 01/2014) thì có 03 định hướng mà các bên có thể lựa chọn để xây dựng Điều khoản trọng tài:

1. Điều khoản trọng tài xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp.

2. Điều khoản trọng tài không xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp.

3. Điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài, vừa chọn toà án để giải quyết vụ tranh chấp.

Bài viết dưới đây sẽ đi vào trình bày lựa chọn xây dựng Điều khoản trọng tài xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp.

Điều khoản trọng tài mẫu được thể hiện như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm trọng tài thương mại A theo Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm này”.

Đánh giá:

Thoả thuận trọng tài trên bao gồm 2 nội dung quan trọng: Thống nhất về việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài[1] và đã xác định được tổ chức trọng tài cụ thể.

Đây là kiểu lựa chọn thuận lợi và hiệu quả nhất cho các bên trong hợp đồng, bởi khi đã xác định được tổ chức trọng tài cụ thể mà khi phát sinh tranh chấp thì bên khởi kiện có quyền gửi Đơn kiện đến trung tâm trọng tài đã chọn mà không cần phải thoả thuận lại hay cần sự đồng ý của bị đơn.

Một số vấn đề cần căn nhắc:

Thứ nhất: Việc xây dựng điều khoản trọng tài này cũng có thể rơi vào những tình huống “nan giải” mà pháp luật Trọng tài đã dự liệu: “Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp”[2], Và thực tế điều này đã có xảy ra trong quá trình giải quyết bằng trọng tài và trung tâm trọng tài cũng có thể chấm dứt hoạt động trong những trường hợp luật định[3].

Và như vậy, nếu hai bên không có sự thoả thuận lại về tổ chức trọng tài (mà khi đã phát sinh tranh chấp thì hai bên khó có thể có tiếng nói chung) thì trường hợp này Luật TTTM gọi là Thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, và tất nhiên vụ tranh chấp sẽ không được giải quyết bằng trọng tài, lúc ấy chỉ có thể khởi kiện ra toà án giải quyết[4]. Chi tiết quá lại hoá ra dở dang.

Thứ hai: Còn một vấn đề cũng rất quan trọng khi xây dựng điều khoản trọng tài với việc xác định đích danh tổ chức trọng tài mà các bên cần thấy rõ để tránh tình trạng “lỡ ký” “điều khoản lúc nữa đêm”, khi mà chưa có sự căn nhắc kỹ về trung tâm trọng tài mà mình lựa chọn, nên khi xảy ra tranh chấp thì phát sinh rất nhiều vấn đề thiệt hại.

Đây là một ví dụ: “Trường hợp của Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (Viseri) là một kinh nghiệm tham khảo. Công ty bị trọng tài Thụy Sĩ buộc thanh toán gần nửa triệu USD cho Công ty Kyunggi Silk - Hàn Quốc, trong một vụ tranh chấp kéo dài suốt 3 năm. Riêng phí trọng tài, Viseri phải trả gần 40.000 USD. Một trong những nguyên nhân dẫn đến con số thiệt hại trên là do các bên chọn trọng tài Thụy Sĩ để giải quyết tranh chấp mà tại thời điểm ký hợp đồng, Viseri chưa lường hết mọi khó khăn. Không chỉ mất thời gian, tiền bạc, mà Viseri còn không có đủ điều kiện trình bày, cung cấp chứng cứ vì không hiểu pháp luật, không thể cung cấp những gì mà trọng tài Geneva yêu cầu khi giải quyết vụ kiện. Do đó, tùy vào thực tế doanh nghiệp và quan hệ giữa hai bên mà doanh nghiệp cần cân nhắc điều này”[5].

Việc xác định tổ chức trọng tài để giải quyết mà các bên đôi khi chưa có sự xem xét nghiêm túc đến điều kiện khoảng cách từ trụ sở của doanh nghiệp mình đến nơi tổ chức trọng tài giải quyết tranh chấp thì sẽ đối diện nhiều khó khăn khi tranh chấp phát sinh thực tế.

Chọn điều khoản trọng tài mẫu với việc xác định chính xác tổ chức trọng tài luôn là lựa chọn tốt, nếu như các bên đã căn nhắc đến các yếu tố liên quan, ví dụ trên cũng là một lý do để các bên căn nhắc. Phải chăng các nhà làm luật khi xây dựng khoản 5 Điều 43 trong Luật TTTM đã có xem xét phần nào các thực trạng như kiểu ví dụ tương tự trên.

Việt Nam hiện nay có khoảng 30 trung tâm trọng tài, chủ yếu tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài có thể xảy ra ở phạm vi cả nước, và các công ty, tập đoàn lớn có trụ sở phần lớn ở Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng hệ thống đối tác, khách hàng… bao phủ các tỉnh thành.

Những vấn đề phát sinh liên quan cho tình huống ấy về chi phí, thời gian, di chuyển.. của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp là khó tránh khỏi và khó tính được bằng tiền… Điều này thì quả là chẳng bên nào muốn cả. Những vấn đề ấy còn ảnh hưởng lớn đến quá trình thi hành phán quyết trọng tài, yêu cầu thi hành án… nếu ví dụ một bên yêu cầu có trụ sở ở thành phố Huế mà quá trình giải quyết tranh chấp tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện nay, đã có một số trung tâm trọng tài ở một số khu vực khác đã góp phần vào việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại, khắc phục phần nào những vấn đề trên, như khu vực miền Tây Nam Bộ có Trung tâm Trọng tài Thương mại Cần Thơ, hay khu vực miền Trung Việt Nam có Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC).

Những vấn đề cần căn nhắc của hướng xây dựng điều khoản trọng tài có sự xác định tổ chức trọng tài cụ thể giải quyết tranh chấp được trình bày trên để giúp mọi người tiến đến những lựa chọn phù hợp cho bản thân mình.

Trong phạm vi hướng xây dựng điều khoản nảy thì chúng ta có thể tiến thêm bước nữa bằng cách thoả thuận rõ thêm trong điều khoản trọng tài về địa điểm giải quyết tranh chấp[6] cho phù hợp điều kiện của mình, của đối tác và có thể phù hợp cho cả các bên trong tranh chấp.

Quyền được thoả thuận địa điểm giải quyết tranh chấp là một điều thể hiện tính linh hoạt, ưu việt của tố tụng trọng tài so với tố tụng toà án. “Hội đồng trọng tài căn cứ vào sự thoả thuận của các bên hoặc căn cứ vào điều kiện thuận lợi để tổ chức phiên họp xét xử, đạt hiệu quả về mặt thời gian, chi phí hợp lý cho các bên”[7].

Tuy nhiên, bản chất Điều khoản trọng tài là thoả thuận để giải quyết vấn đề trong tương lai, nhưng đôi khi tương lai là một cái gì khó đoán định, dự kiện, nên việc xác định trước địa điểm giải quyết tranh chấp đôi khi cũng có nhiều bất cập, khi mà bản thân trụ sở các bên có sự thay đổi, những yếu tố thuận lợi cho thoả thuận địa điểm trọng tài đã thay đổi… Hạn chế về địa điểm giải quyết tranh chấp dễ phát sinh đối với trường hợp các bên có địa chỉ ở những vùng xa xôi khác nhau.

Thông qua Án lệ số 42/2021/AL[8] đã thể hiện một phần ví dụ, có thoả thuận trọng tài nhưng lại chọn Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), trong đó một bên trong hợp đồng là hai người dân thường trú tại thành phố Nha Trang, Việt Nam. Trong Án lệ số 42/2021/AL không thấy thể hiện ý chí chủ quan của hai nguyên đơn sao không chọn Trọng tài để giải quyết, nhưng có lẻ lựa chọn Toà án gần nơi sinh sống là một điều dễ hiểu và pháp luật cho phép (trường hợp quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng [9]).

 

 

[1] Khoản 1 Điều 5 Luật TTTM: “Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp”.

[2] Khoản 1 Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại (Nghị quyết số 01/2014).

[3] Tham khảo khoản 1 Điều 29 Luật TTTM, khoản 1 Điều 15 Nghị định số 63/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại.

[4] Khoản 3 Điều 43 Luật TTTM.

[5] Dẫn nguồn từ báo Saigon Giải Phóng online; https://www.sggp.org.vn/rui-ro-ky-ket-hop-dong-sai-mot-li-di-bac-ty-614796.html

[6] Khoản 8 Điều 3 Luật TTTM: “là nơi Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thỏa thuận.

[7] https://mcac.vn/nghien-cu-phap-ly

[8] Án lệ số 42 năm 2021 được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 23 tháng 02 năm 2021 và ban hành theo Quyết định số 42 / QĐ-CA của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ngày 12 tháng 3 năm 2021. 

[9] Điều 17 Luật TTTM.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG