Điện thoại: 0935 925 068
22/11/2023
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM
Kiều Anh Vũ [1]
Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học
Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung MCAC
vu@kavlawyers.com
Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM) của Việt Nam hiện nay được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17-6-2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01-01-2011. Luật này thay thế cho Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 và tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của Trọng tài thương mại tại Việt Nam.
Với hành trình hơn một thập kỷ của Luật TTTM, Trọng tài thương mại tại Việt Nam đã có bước chuyển mình đáng kể và ngày càng trở thành một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án đáng được tin cậy. Các Trung tâm Trọng tài được thành lập ngày càng nhiều và ngày càng hoàn thiện về cơ cấu tổ chức. Theo thông tin trên website của Bộ Tư Pháp, hiện nay đã có hơn 30 Trung tâm Trọng tài Thương mại đang hoạt động [2].
Về số lượng các vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài, hiện nay chưa có thống kê chính thức nhưng số lượng vụ việc ngày càng có xu hướng tăng. Theo thống kê của riêng Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trong giai đoạn 2011-2019, VIAC đã giải quyết 1.259 vụ tranh chấp, tăng 336% so với giai đoạn 2003-2010; các bên tranh chấp đến từ trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới [3]. Đây là những con số ấn tượng minh chứng cho sự phát triển của Trọng tài Thương mại tại Việt Nam.
Với sự phát triển của các Trung tâm Trọng tài, sự gia tăng về số lượng vụ việc, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển của Trọng tài thương mại cũng cần được đặt ra. Yếu tố con người luôn là vấn đề then chốt cho sự phát triển của bất kỳ tổ chức, ngành nghề, lĩnh vực nào và lĩnh vực trọng tài thương mại cũng không ngoại lệ. Cần có nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực trọng tài thương mại để đáp ứng kỳ vọng của người dùng (các bên tranh chấp, doanh nghiệp). Sự phát triển của nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực trọng tài thương mại sẽ là nền tảng cho sự phát triển của trọng tài thương mại tại Việt Nam.
Tuy vậy, dường như các nghiên cứu về chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Trọng tài thương mại vẫn chưa thật sự được chú trọng. Bộ Tư pháp từng xây dựng Dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023 [4] nhưng đến nay Đề án này vẫn chưa được ban hành.
Với bối cảnh đó, bài viết này nghiên cứu về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Trọng tài thương mại và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Trọng tài thương mại, góp phần vào sự phát triển của Trọng tài thương mại tại Việt Nam.
Trong bài viết này, nguồn nhân lực được hiểu là nguồn lực con người, là yếu tố con người. Nguồn nhân lực trong lĩnh vực Trọng tài thương mại là nguồn lực con người hành nghề, làm việc trong lĩnh vực Trọng tài thương mại, bao gồm đội ngũ Trọng tài viên, nhân sự tại các Trung tâm Trọng tài, những người hành nghề khác trong lĩnh vực Trọng tài thương mại. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của Trọng tài thương mại, cần nâng cao chất lượng của đội ngũ Trọng tài viên, nhân sự tại các Trung tâm Trọng tài và chất lượng của những người hành nghề trong lĩnh vực Trọng tài thương mại.
“Trọng tài viên giữ vai trò then chốt trong chất lượng xét xử của mỗi tổ chức trọng tài cũng như quyết định đến sự phát triển của thị trường trọng tài mỗi quốc gia” [5]. Trong trọng tài quốc tế, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng chất lượng của Trọng tài là chất lượng của Trọng tài viên (“Arbitration is only as good as its arbitrators” [6]). Do vậy, muốn phát triển Trọng tài thương mại thì phải phát triển lực lượng nòng cốt là đội ngũ Trọng tài viên, nâng cao chất lượng đội ngũ Trọng tài viên.
Theo Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh được ban hành theo Quyết định số 3006/QĐ-UBND ngày 10-6-2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 31-3-2016, các tổ chức trọng tài thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh có 323 Trọng tài viên (bao gồm Trọng tài viên là người Việt Nam và người nước ngoài); tất cả các Trọng tài viên đều có trình độ cử nhân trở lên, gần 30% Trọng tài viên có trình độ tiến sĩ, trên 15% Trọng tài viên có trình độ thạc sĩ, trên 50% Trọng tài viên là Luật sư.
Theo số liệu được đề cập tại Dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023 của Bộ Tư pháp, tính đến 31-8-2017, tổng số Trọng tài viên của 21 Trung tâm Trọng tài thời điểm này là 480 Trọng tài viên.
Mặc dù hiện nay chưa có thống kê chính thức nhưng chắc chắn rằng số lượng Trọng tài viên đang ngày càng tăng trong những năm qua và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây bởi sự ra đời của các Trung tâm trọng tài mới và sự tăng cường kết nạp Trọng tài viên của các Trung tâm trọng tài. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo thống kê của Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến 31-12-2019, tại 17 Trung tâm Trọng tài và 03 Chi nhánh Trung tâm trọng tài trên địa bàn Thành phố, có 611 Trọng tài viên và hơn 50 nhân viên khác [7].
Mặc dù số lượng Trọng tài viên ngày càng tăng nhưng chất lượng Trọng tài viên có được nâng cao hay không cũng là vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo. Có thể chất lượng Trọng tài viên không được nâng cao tương ứng với sự gia tăng về số lượng của Trọng tài viên. Tờ trình Dự thảo Quyết định Đề án nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023 của Bộ Tư pháp cũng đánh giá rằng “chất lượng đội ngũ trọng tài viên vẫn còn hạn chế, bất cập. Một số trọng tài viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức thương mại quốc tế; yếu về kỹ năng nghề nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp, nhất là các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế; số trọng tài viên có trình độ ngoại ngữ để có thể tham gia tranh tụng tại các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế còn rất ít”.
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, nhiều Phán quyết trọng tài bị hủy vì sai sót của Trọng tài viên là các thành viên Hội đồng Trọng tài. Một số lý do Phán quyết trọng tài bị hủy do sai sót của Trọng tài viên như: “Hội đồng Trọng tài vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giải quyết vụ tranh chấp” [8]; “Hội đồng Trọng tài có sự không công bằng trong quá trình giải quyết vụ tranh chấp” [9]; Hội đồng Trọng tài vi phạm trong thu thập chứng cứ, “không viện dẫn bất kỳ một căn cứ nào, một điều luật nào, hay một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể” trong Phán quyết [10];… Mặc dù các căn cứ hủy Phán quyết trọng tài của Tòa án cũng cần phải xem xét thêm về sự thuyết phục nhưng thực tế các lý do mà Tòa án đã hủy các Phán quyết trọng tài là có sai sót của Trọng tài viên. Mặc dù tỷ lệ các Phán quyết trọng tài bị hủy chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số các Phán quyết trọng tài được ban hành nhưng cũng phản ánh chất lượng của các Trọng tài viên là không đồng đều, có Trọng tài viên không nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến những sai phạm đáng tiếc làm cho Phán quyết trọng tài bị hủy. Do vậy, cần nâng cao chất lượng đội ngũ Trọng tài viên hơn nữa để nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp của các Trung tâm trọng tài, hạn chế Phán quyết Trọng tài bị hủy, nâng cao chất lượng của Trọng tài và từ đó thúc đẩy Trọng tài thương mại phát triển hơn nữa.
Để nâng cao chất lượng của Trọng tài viên, trước tiên cần nâng cao điều kiện, tiêu chuẩn của Trọng tài viên. Có thể nói, đây là “chất lượng đầu vào” của Trọng tài viên. Mặc dù “nhiều hệ thống luật không đưa ra các tiêu chuẩn đối với trọng tài viên” [11] nhưng “các quyết định của Trọng tài viên là rất quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng trọng tài, do đó việc quy định tiêu chuẩn của Trọng tài viên trong Luật này là nhằm tăng thêm uy tín và độ tin cậy của khách hàng đối với Trọng tài viên và các Tổ chức Trọng tài” [12], “nhằm bảo đảm cho các Trung tâm trọng tài Việt Nam xây dựng được những tổ chức trọng tài viên có uy tín và chất lượng”.
Kế thừa quy định của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003, khoản 1 Điều 20 Luật TTTM quy định tiêu chuẩn Trọng tài viên gồm: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự; có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên; trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu về thâm niên công tác cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên. Khoản 3 Điều này cũng cho phép các Trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn.
Mặc dù tiêu chuẩn của Trọng tài viên được quy định trong Luật TTTM đã “tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước” [13] nhưng nhìn chung các tiêu chuẩn của Trọng tài viên vẫn còn khá đơn giản. Luật hoàn toàn không quy định bất kỳ tiêu chuẩn nào về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ của người được chọn Trọng tài viên mà để cho các Trung tâm Trọng tài tự quy định, nếu có. Trong quá trình xây dựng Luật TTTM, đã có các ý kiến “đề nghị bổ sung thêm điều kiện Trọng tài viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài; phải qua lớp bồi dưỡng đào tạo Trọng tài viên; trường hợp Trọng tài viên không có bằng đại học Luật thì phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài; tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật và thương mại đối với Trọng tài viên; tiêu chuẩn đạo đức của Trọng tài viên” [14] nhưng Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy “Luật chỉ nên quy định những tiêu chuẩn cơ bản để một người có thể trở thành Trọng tài viên. Đối với những tiêu chuẩn khác thì nên để các Trung tâm trọng tài quy định để bảo đảm tính cạnh tranh và linh hoạt của mỗi Trung tâm trọng tài” [15] nên đã không đưa các tiêu chuẩn này vào Luật.
Qua thực tiễn hơn 10 năm của Luật TTTM, với thực trạng các Phán quyết trọng tài bị hủy vì sai sót của Trọng tài viên, vi phạm về thủ tục tố tụng, tác giả cho rằng tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật, về nghiệp vụ trọng tài của Trọng tài viên là những tiêu chuẩn quan trọng và cần được nâng cao để đảm bảo chất lượng hoạt động của Trọng tài viên.
Trọng tài thương mại là một phương thức giải quyết tranh chấp. Trọng tài viên được chọn là “người phân xử” đối với vụ tranh chấp của các bên, ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các bên tranh chấp. Trọng tài thương mại cũng là một lĩnh vực pháp luật. Do vậy, Trọng tài viên phải am hiểu về pháp luật, phải có kiến thức về pháp luật, trước tiên là pháp luật về trọng tài thương mại và các quy định pháp luật có liên quan. Các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp hiện nay đều đặt ra tiêu chuẩn cao về kiến thức pháp luật, hầu như đều phải có bằng cử nhân Luật trong khi Trọng tài viên cũng được xem là hoạt động trong lĩnh vực này nhưng lại không có tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật. Tác giả cho rằng cần bổ sung tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật đối với Trọng tài viên, đặc biệt là Trọng tài viên của các Trung tâm trọng tài. Đã đến lúc phải chuẩn hóa về tiêu chuẩn kiến thức pháp luật của Trọng tài viên. Các Trung tâm Trọng tài trước khi kết nạp, công nhận Trọng tài viên của Trung tâm mà không có bằng cử nhân Luật thì phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật về trọng tài thương mại, nghiệp vụ Trọng tài cho Trọng tài viên đó. Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho Trọng tài viên không có bằng cử nhân Luật có thể do các Trung tâm trọng tài và các cơ sở đào tạo luật thực hiện.
Luật Trọng tài thương mại cũng cần phân biệt tiêu chuẩn của Trọng tài viên vụ việc và Trọng tài viên quy chế thuộc các Trung tâm trọng tài. Tiêu chuẩn của các Trọng tài viên vụ việc do các bên thỏa thuận và thủ tục tố tụng cũng do các bên thỏa thuận nên nhìn chung có thể đơn giản, linh hoạt và do vậy Luật chỉ cần quy định các tiêu chuẩn cơ bản, tối thiểu như hiện nay. Tuy nhiên, đối với Trọng tài viên của các Trung tâm trọng tài thì việc giải quyết tranh chấp cần tuân theo trình tự, thủ tục chặt chẽ hơn được quy định bởi Luật TTTM, Quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài nên cần quy định tiêu chuẩn cơ bản cao hơn, cần phải có tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật.
Về nguồn của đội ngũ Trọng tài viên hiện nay, theo một vài số liệu nêu trên trong các Báo cáo của Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp cũng như quan sát từ danh sách Trọng tài viên của các Trung tâm trọng tài hiện nay, đội ngũ Trọng tài viên đa phần là các luật sư. Đây là những người hành nghề chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, có kiến thức pháp luật tốt. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng lĩnh vực Trọng tài thương mại là một lĩnh vực chuyên biệt, chuyên sâu, đặc biệt là trọng tài quốc tế. Không phải luật sư nào cũng đã được đào tạo về Trọng tài hay có kinh nghiệm trong lĩnh vực Trọng tài. Do vậy, trong trường hợp luật sư chưa có kinh nghiệm về Trọng tài thương mại gia nhập các Trung tâm trọng tài, được kết nạp vào các Trung tâm trọng tài thì các Trọng tài viên này cũng cần phải được trang bị, đào tạo, nâng cao thêm về nghiệp vụ trọng tài. Hiện nay, tại Việt Nam, các Trọng tài viên được xem là tiêu biểu, nổi bật trong cộng đồng Trọng tài thương mại Việt Nam cũng như được quốc tế thừa nhận là không nhiều. Tuy nhiên, họ cũng đều là các luật sư, Trọng tài viên được đào tạo bài bản, chuyên sâu về Trọng tài do các tổ chức quốc tế tổ chức cũng như đã trải qua kinh nghiệm thực tiễn từ rất nhiều vụ tranh chấp tại Trọng tài trong nước và quốc tế với những vai trò khác nhau. Do vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho Trọng tài viên là rất quan trọng, rất cần thiết để nâng cao chất lượng Trọng tài viên.
Không chỉ Trọng tài viên là các luật sư mà Trọng tài viên từ các nguồn khác như giảng viên Luật, các chuyên gia trong các lĩnh vực chưa có kinh nghiệm về Trọng tài, chưa được đào tạo về Trọng tài trước đó cũng cần phải được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ của Trọng tài viên.
Bên cạnh việc nâng cao tiêu chuẩn của Trọng tài viên, các tổ chức Trọng tài, các Cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này (Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp) cần xúc tiến thành lập Hiệp hội về Trọng tài Thương mại tại Việt Nam. Cơ sở pháp lý cho việc này đã được quy định tại Điều 22 Luật TTTM. Hiệp hội trọng tài là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Trọng tài viên và Trung tâm trọng tài trong phạm vi cả nước. Vai trò của Hiệp hội là sẽ là nơi quy tụ, tập hợp, chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho Trọng tài viên; là nơi xây dựng các hướng dẫn, quy chuẩn (luật mềm – “soft law”) cho lĩnh vực Trọng tài thương mại, góp phần vào sự phát triển của Trọng tài viên và Trọng tài thương mại tại Việt Nam. Hiện nay, chỉ mới có Hội Trọng tài Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (HCCAA) được thành lập theo Quyết định số 5994/QĐ-UBND ngày 13-11-2017 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mà chưa có Hiệp hội Trọng tài viên trên phạm vi cả nước.
Như vậy, để nâng cao chất lượng nguồn lực cho sự phát triển Trọng tài thương mại thì trước tiên phải nâng cao chất lượng của đội ngũ Trọng tài viên; phải nâng cao tiêu chuẩn của Trọng tài viên, tiêu chuẩn về kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho Trọng tài viên; xúc tiến thành lập Hiệp hội về Trọng tài để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Trọng tài viên.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại tại Việt Nam cho thấy Trọng tài quy chế đang chiếm ưu thế nổi trội hơn so với Trọng tài vụ việc. Hầu như các vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc còn rất hiếm và ít khi được đề cập đến. Trong khi đó, các vụ tranh chấp thường được giải quyết bằng Trọng tài quy chế tại các Trung tâm trọng tài. Do vậy, để Trọng tài phát triển thì ngoài việc các Trung tâm trọng tài cần nâng cao chất lượng của đội ngũ Trọng tài viên tại Trung tâm như đã nêu trên thì cũng cần nâng cao chất lượng hoạt động của các nhân sự khác tại Trung tâm.
Tại các Trung tâm trọng tài, ngoài đội ngũ Trọng tài viên thì nguồn nhân lực khác được kể đến là đội ngũ sáng lập (sáng lập viên), Ban Thư ký, các nhân viên hành chính và các nhân sự khác như nhân sự phụ trách mảng xúc tiến – đào tạo,…
Về đội ngũ sáng lập, đây là lực lượng nòng cốt ban đầu của mỗi Trung tâm trọng tài và là “cơ quan đầu não” của Trung tâm trọng tài. Do vậy, muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm trọng tài thì chất lượng của đội ngũ sáng lập viên cũng vô cùng quan trọng. Để thành lập Trung tâm trọng tài, khoản 1 Điều 24 Luật TTTM chỉ quy định điều kiện có ít nhất năm sáng lập viên là công dân Việt Nam có đủ điều kiện là Trọng tài viên quy định tại Điều 20 của Luật này đề nghị thành lập và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập. Như vậy, Luật TTTM không có quy định điều kiện, tiêu chuẩn gì đặc biệt của sáng lập viên mà chỉ yêu cầu các tiêu chuẩn cơ bản như tiêu chuẩn của Trọng tài viên được Luật quy định. Tác giả cho rằng Luật cần quy định rõ hơn, nâng cao hơn nữa điều kiện, tiêu chuẩn của các sáng lập viên. Ít nhất một trong các sáng lập viên hoặc đa số sáng lập viên phải có điều kiện về kinh nghiệm, thực tiễn về Trọng tài của sáng lập viên. Chỉ những người thật sự có am hiểu về lĩnh vực này, tâm huyết với lĩnh vực này thì mới có thể đảm bảo chất lượng và đóng góp vào sự phát triển chung. Điều kiện của sáng lập viên nói riêng và điều kiện thành lập các Trung tâm trọng tài hiện nay cũng khá đơn giản, dẫn đến việc các Trung tâm trọng tài được thành lập ngày càng nhiều nhưng chỉ gia tăng về số lượng mà không tương xứng về chất lượng, các Trung tâm phát triển không đồng đều, thậm chí có Trung tâm còn không có vụ việc.
Về các nhân sự Thư ký, Ban Thư ký tại các Trung tâm trọng tài, đây là lực lượng vô cùng quan trọng, tham gia đáng kể vào tiến trình tố tụng trọng tài. Thành viên Ban Thư ký là những người tiếp xúc trước tiên với các bên tranh chấp, hỗ trợ đắc lực cho Hội đồng Trọng tài trong việc giải quyết các vụ tranh chấp. Nhiều trường hợp, các Thông báo, văn bản của Trung tâm Trọng tài gửi cho các bên cũng do thành viên Ban Thư ký của Trung tâm ký, gửi trên cơ sở được ủy quyền của Chủ tịch Trung tâm hoặc theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài. Tuy nhiên, hiện nay Luật TTTM không có bất kỳ quy định nào về vị trí Thư ký, Ban Thư ký của các Trung tâm trọng tài hoặc Thư ký của Hội đồng Trọng tài. Hoàn toàn chưa có bất kỳ quy định nào phân biệt rõ Thư ký, Ban Thư ký của Trung tâm với Thư ký của Hội đồng Trọng tài, Thư ký phiên họp giải quyết tranh chấp và càng không có quy định nào về điều kiện, tiêu chuẩn của thành viên Thư ký của Trung tâm hoặc Thư ký phiên họp giải quyết tranh chấp, Thư ký của Hội đồng Trọng tài. Trong thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế, vị trí Thư ký của Hội đồng Trọng tài cũng là một vị trí khá quan trọng, có quan điểm cho rằng là “Trọng tài viên thứ tư” [16]. Nhiều tổ chức Trọng tài đã có các hướng dẫn riêng về vị trí Thư ký của Hội đồng Trọng tài, chẳng hạn như: Hướng dẫn của Hội đồng Trọng tài Thương mại Quốc tế Trẻ (Young ICCA) về Thư ký Trọng tài [17], Hướng dẫn cho các bên và Hội đồng Trọng tài về tiến hành Trọng tài theo Quy tắc Trọng tài của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) cũng có hướng dẫn riêng về Thư ký hành chính [18], Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông (KHIAC) cũng ban hành Hướng dẫn về việc sử dụng Thư ký của Hội đồng Trọng tài,… Như vậy, Luật TTTM cần bổ sung quy định về Thư ký của Hội đồng Trọng tài [19]. Các Trung tâm Trọng tài cũng cần có các quy định, hướng dẫn về Thư ký trong Tố tụng Trọng tài như các tổ chức Trọng tài quốc tế đã và đang thực hiện.
Về nhân sự khác của các Trung tâm Trọng tài, chẳng hạn như nhân sự phụ trách mảng xúc tiến – đào tạo thì các vị trí này hầu như không tham gia vào tố tụng Trọng tài. Do vậy, chỉ là người lao động theo quan hệ lao động nên các Trung tâm Trọng tài có thể tuyển dụng, ký kết hợp đồng lao động theo tiêu chí tuyển dụng riêng của từng Trung tâmn để đảm bảo chất lượng hoạt động của Trung tâm.
Để Trọng tài thương mại phát triển không thể không nói đến vai trò của các luật sư hành nghề trong lĩnh vực Trọng tài thương mại. Luật sư cũng chính là nguồn nhân lực quan trọng cho sự phát triển của Trọng tài thương mại. Các luật sư không chỉ tham gia với vai trò là Trọng tài viên trong Trọng tài thương mại mà vai trò chính của các Luật sư là cố vấn pháp lý, nhà tư vấn cho các bên tranh chấp trong Tố tụng Trọng tài. Các Luật sư cũng chính là những người “gieo mầm” cho Trọng tài thương mại, tức là cố vấn cho các bên soạn thảo, áp dụng thỏa thuận trọng tài – điều kiện tiên quyết để đưa tranh chấp ra giải quyết tại Trọng tài.
Tính đến cuối năm 2020, số lượng luật sư của Việt Nam là 15.107 luật sư [20]. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 11-2020 có 6.293 luật sư thành viên, có 890 văn phòng luật sư và 738 công ty luật [21]. Tuy vậy, vẫn chưa có sự thống kê về hoạt động chuyên môn hóa của luật sư trong lĩnh vực Trọng tài Thương mại. Dù vậy, có thể thấy rằng số lượng luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có mảng hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực Trọng tài thương mại là chưa đáng kể so với lực lượng luật sư hiện có. Điều đó cũng có thể được minh chứng qua số lượng vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài. Số lượng vụ việc được giải quyết bằng trọng tài không nhiều thì nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý cũng không nhiều và do vậy, cũng sẽ không có nhiều luật sư và tổ chức hành nghề luật sư hoạt động chuyên sâu trong lĩnh vực trọng tài thương mại.
Một trong mười nguyên tắc thế kỷ mà Viện Trọng tài Luân Đôn (Chartered Institute of Arbitrators – CIArb) đã đưa ra cho một địa điểm trọng tài quốc tế hiệu quả, hấp dẫn là chuyên môn pháp lý (tiêu chí thứ 3), có các chuyên gia pháp lý hành nghề độc lập với chuyên môn trong lĩnh vực Trọng tài quốc tế [22]. Trên cơ sở đó, muốn phát triển Trọng tài Thương mại ở Việt Nam và thúc đẩy thúc đẩy Trọng tài thương mại Việt Nam hội nhập quốc tế, đòi hỏi cần có nguồn luật sư chuyên môn hóa trong lĩnh vực này. Các tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư, tùy theo điều kiện của mình có thể tìm hiểu, nghiên cứu và chọn hành nghề trong lĩnh vực này khi thấy rõ tiềm năng của mảng dịch vụ pháp lý này. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, các cơ quan quản lý về hoạt động của luật sư cũng cần chú trọng tạo điều kiện, thúc đẩy cho các luật sư tham gia vào lĩnh vực này; tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao số lượng, chất lượng của luật sư hoạt động trong lĩnh vực Trọng tài thương mại.
Thực tế cho thấy các hoạt động nhằm thu hút luật sư tham gia vào hoạt động Trọng tài thương mại cũng đã được tổ chức. Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh và Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh và Đoàn Luật sư một số tỉnh, thành cũng đã tổ chức một vài buổi tập huấn về Trọng tài thương mại cho các luật sư. Tuy nhiên, số lượng các buổi tập huấn như vậy là chưa nhiều, chưa đủ tạo ra sự hấp dẫn cũng như chưa thật sự nâng cao được chất lượng của luật sư trong hoạt động Trọng tài thương mại.
Ngoài ra, để các luật sư tham gia sâu vào lĩnh vực Trọng tài thương mại một cách có chất lượng thì ngoài hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho luật sư thì hoạt động đào tạo luật sư cũng cần định hướng cho các luật sư tương lai về hoạt động của Trọng tài thương mại. Chương trình đào tạo luật sư cần có các học phần, chuyên đề chuyên sâu về Trọng tài thương mại. Tín hiệu tích cực từ hoạt động của Học viện Tư pháp trong những năm gần đây là chuyên đề về Trọng tài thương mại đã được đưa vào đào tạo. Học viện Tư pháp cũng đã xây dựng Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án của Luật sư, trong đó có Chuyên đề về kỹ năng tham gia giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài [23].
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần chú ý đến nguồn nhân lực trẻ, đội ngũ kế thừa. Để Trọng tài thương mại tại Việt Nam tiếp tục phát triển, cần có đội ngũ Trọng tài viên trẻ, những người hành nghề trẻ trong lĩnh vực pháp lý yêu thích và hoạt động trong lĩnh vực này.
Các tổ chức trọng tài lớn trên thế giới, các quốc gia có nền Trọng tài thương mại phát triển đều có các tổ chức xây dựng, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ cho lĩnh vực Trọng tài. Có thể kể đến các tổ chức phát triển đội ngũ Trọng tài viên trẻ, những người hành nghề trẻ trong lĩnh vực Trọng tài thương mại và giải quyết tranh chấp thay thế như: Diễn đàn Trọng tài trẻ Phòng Thương mại Quốc tế (ICC YAF) với hơn 10.000 thành viên trên khắp thế giới [24], kế đến là Hội đồng Trọng tài Thương mại Quốc tế Trẻ (Young ICCA [25]), Nhóm các thành viên trẻ Viện Trọng tài Luân Đôn (CIArb Young Members Group [26]),…
Nhiều Trung tâm Trọng tài trên thế giới thành lập nhóm Trọng tài viên trẻ như: SIAC (YSIAC), HKIAC (HK45), THAC (YTHAC), AIAC (AIAC YPG), ASA (ASA Below 40),…
Học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức về Trọng tài trên thế giới, để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ cho lĩnh vực Trọng tài thương mại tại Việt Nam, cần thiết phải có các tổ chức giành cho những người hành nghề trẻ, Trọng tài viên trẻ. Cần có sự kết nối, hướng dẫn từ các Trọng tài viên kỳ cựu thông các chương trình giao lưu, hướng dẫn (mentorship programme).
Ngoài ra, chương trình đào tạo cử nhân Luật hiện nay cũng cần chú trọng đào tạo học phần về Trọng tài thương mại hoặc các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (ADR) như là một học phần độc lập. Hiện nay, theo quan sát của tác giả, chưa có nhiều cơ sở đào tạo luật phân bổ nội dung này như là một học phần độc lập mà thường là được lồng ghép chung với các học phần khác. Dù vậy, một số tín hiệu tích cực là một vài cơ sở đào tạo Luật đã bắt đầu xây dựng và triển khai đào tạo học phần về Trọng tài Thương mại. Một số cơ sở đào tạo luật đã tổ chức các hoạt động thực tập, các cuộc thi cho sinh viên dưới hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài để sinh viên làm quen và trải nghiệm (các cuộc thi “phiên tòa giả định” [27], “FDI Moot” [28],…).
Việc đào tạo về Trọng tài Thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế cho sinh viên luật là một bước quan trọng trong việc xây dựng, chuẩn bị nguồn nhân lực trẻ, chuẩn bị các chuyên gia pháp lý trong tương lai sẵn sàng và đủ điều kiện tham gia vào thị trường, vào lĩnh vực Trọng tài Thương mại và giải quyết tranh chấp thay thế, góp phần phát triển Trọng tài thương mại Việt Nam trong tương lai và hội nhập quốc tế. Chỉ khi được đào tạo bài bản, biết, hiểu về Trọng tài Thương mại thì mới có thể hành nghề trong lĩnh vực này và thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.
Nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển của Trọng tài thương mại tại Việt Nam là một đề tài lớn và mang tầm vĩ mô. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này, tác giả chỉ phần nào làm rõ thực trạng chất lượng nguồn nhân lực hiện nay trong lĩnh vực Trọng tài thương mại tại Việt Nam và kiến nghị một số giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này nhằm phát triển Trọng tài thương mại tại Việt Nam.
Nguồn nhân lực trong lĩnh vực Trọng tài thương mại tập trung ở các nguồn lực chủ yếu là Trọng tài viên, nhân sự của các Trung tâm Trọng tài, luật sư hành nghề trong lĩnh vực Trọng tài thương mại và nguồn nhân lực trẻ. Để nâng cao chất lượng của các nguồn lực, cần các giải pháp đồng bộ từ khung pháp lý đến các giải pháp thực tiễn từ các Trung tâm Trọng tài, các tổ chức về trọng tài và cả các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.
Về khung pháp lý, cần sửa đổi Luật Trọng tài Thương mại theo hướng nâng cao điều kiện, tiru chuẩn của Trọng tài viên, sáng lập viên của Trung tâm Trọng tài Thương mại; cần luật hóa vai trò của Thư ký trong tố tụng Trọng tài.
Ngoài ra, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực Trọng tài Thương mại. Việc đào tạo, bồi dưỡng áp dụng đối với Trọng tài viên, luật sư hành nghề trong lĩnh vực này và cả nguồn nhân lực trẻ, kể cả các sinh viên luật. Để làm được việc này, đòi hỏi sự chủ động từ chính các Trọng tài viên, luật sư, người hành nghề và của các tổ chức về Trọng tài; sự tích cực, quan tâm từ các cơ quan quản lý Nhà nước về Trọng tài. Bên cạnh đó, sự tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế về Trọng tài thương mại cũng giúp bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm của nguồn nhân lực Trọng tài thương mại Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Luật Trọng tài Thương mại 2010
Báo cáo số 320/BC-UBTVQH12 ngày 12-5-2010 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Trọng tài Thương mại.
Dự thảo Đề án nâng cao năng lực đội ngũ trọng tài viên, Trung tâm trọng tài và định hướng một hoặc một số Trung tâm trọng tài điểm có khả năng cạnh tranh quốc tế giai đoạn 2018-2023 của Bộ Tư pháp
Quyết định số 3006/QĐ-UBND ngày 10-6-2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh
CIArb (2015), CIArb London Centenary Principles
David Zaslowsky, Grant Hanessian (2013), The fourth arbitrator: contrasting guidelines on use of law secretaries
Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (2020), Báo cáo về tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư năm 2020
Đỗ Văn Đại – Trần Hoàng Hải (2011), Pháp luật Việt Nam về Trọng tài thương mại, Nxb Chính trị Quốc gia
Học viện Tư pháp (2018), Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật và tham gia giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án của Luật sư, Nxb. Tư pháp
Hương Bằng (2017), Nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài viên, Báo Pháp luật Việt Nam
Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh (2020), Báo cáo Tổng kết việc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực và và hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại đến năm 2020 tại Thành phố Hồ Chí Minh”, Tài liệu Tổng kết Đề án Trọng tài Thương mại: Quá trình phát triển và định hướng tương lai
Thẩm phán Hacking (2011), Arbitration is only as good as its arbitrators
Trần Minh Ngọc (2019), Pháp luật về Trọng tài thương mại, Nxb Lao động, Hà Nội
VIAC (2020), Hội thảo Hành trình 10 năm của Luật Trọng tài thương mại: Cơ hội và thách thức
Quyết định số 974/2019/QĐ-PQTT ngày 13-8-2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
Quyết định số 08/2019/QĐ-PQTT ngày 25-7-2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội
Quyết định số 04/2020/QĐ-PQTT ngày 29-5-2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội
Bài viết trên nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực trọng tài thương mại để góp phần vào sự phát triển của trọng tài thương mại tại Việt Nam. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.
Xem thêm: Thủ tục Trọng tài rút gọn - Kinh nghiệm Quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam
Cùng MCAC tìm hiểu các vấn đề liên quan đến trọng tài thương mại trong vụ án giữa Công ty GMA Accessories và Công ty TNHH THB, được thể hiện qua Quyết định số 11/2022/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, bao gồm tranh chấp hợp đồng mua bán và thỏa thuận trọng tài giữa các bên.
Khám phá những điểm nổi bật về vụ tranh chấp giữa Công ty Cổ phần T và công ty TNHH N. Bài viết dưới đây MCAC sẽ phân tích chi tiết về các yếu tố chính trong vụ tranh chấp, lý do Bị đơn yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài và Tòa án có thẩm quyền nhận định về vụ việc trên đối với các bên có liên quan.