Điện thoại: 0935 925 068
06/11/2023
ThS - Luật sư Kiều Anh Vũ*
Trọng tài thương mại là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án hiệu quả với nhiều ưu điểm như tính trung lập, tính bảo mật, sự linh hoạt, tính chung thẩm của phán quyết trọng tài và thời gian giải quyết tranh chấp thường nhanh chóng hơn so với Tòa án. Tuy vậy, trọng tài thương mại vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định và “điều các bên không hài lòng nhất về trọng tài là sự trì hoãn, đặc biệt là ở giai đoạn mở đầu và kết thúc của quá trình trọng tài” [1] . Theo Khảo sát về trọng tài quốc tế năm 2015 của trường Queen Mary - Đại học Luân Đôn, chi phí và sự thiếu nhanh chóng là hai trong những hạn chế nổi bật của trọng tài quốc tế được người khảo sát đánh giá [2].
Nhận thấy được hạn chế này, nhiều trung tâm trọng tài trên thế giới đã và đang thực hiện cải tiến thủ tục tố tụng trọng tài theo hướng nhanh chóng hơn nữa, rút gọn hơn nữa trình tự, thủ tục trong tiến trình tố tụng trọng tài. Các trung tâm trọng tài quốc tế đã ban hành các quy định về thủ tục trọng tài rút gọn trong các Quy tắc tố tụng trọng tài nhằm mục đích rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, tiết kiệm chi phí, nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại.
Do vậy, bài viết này nghiên cứu, phân tích các quy định về thủ tục trọng tài rút gọn theo Quy tắc tố tụng trọng tài của một số trung tâm trọng tài nước ngoài. Từ đó, đề xuất khả năng áp dụng tại Việt Nam.
1. Khái quát về thủ tục trọng tài rút gọn
Thủ tục trọng tài rút gọn còn được gọi là thủ tục trọng tài “nhanh”. Trong trọng tài quốc tế, thủ tục này được gọi bằng tiếng Anh là “expedited procedures”, “fast-track arbitration” và thường được quy định trong các Quy tắc tố tụng trọng tài của một số trung tâm trọng tài.
Theo ghi chú của Ban Thư ký phiên họp lần thứ năm mươi mốt của nhóm nghiên cứu Working Group II của UNCITRAL diễn ra từ ngày 25 tháng 6 đến ngày 13 tháng 7 năm 2018 tại New York, “thủ tục trọng tài rút gọn là một hình thức trọng tài được thực hiện trong một khung thời gian rút ngắn và chi phí được giảm”[3] . Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cũng có giải thích tương tự [4].
Như vậy, bản chất của thủ tục trọng tài rút gọn là một thủ tục trọng tài có thời gian giải quyết tranh chấp nhanh chóng, rút ngắn hơn so với thời gian giải quyết một vụ tranh chấp thông thường. Đồng thời với việc rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, chi phí giải quyết tranh chấp, cụ thể là phí trọng tài và các khoản phí khác có liên quan, cũng sẽ được cắt giảm.
Mặc dù định nghĩa của Working Group II – UNCITRAL về thủ tục trọng tài rút gọn có đề cập đây là một hình thức trọng tài (“form of arbitration”) nhưng đây hoàn toàn không phải là một hình thức trọng tài (kind of arbitration) mới với nghĩa là “hình thức giải quyết tranh chấp” mà chỉ là là hình thức về thủ tục tố tụng trọng tài. Hình thức về trọng tài với nghĩa về hình thức giải quyết tranh chấp vẫn chỉ có hai hình thức là trọng tài vụ việc (ad-hoc arbitration) và trọng tài quy chế hay trọng tài thường trực (institutional arbitration). “Thủ tục trọng tài rút gọn có thể xuất hiện trong trọng tài vụ việc cũng như trong trọng tài quy chế”[5] .
Đối với trọng tài vụ việc, trình tự, thủ tục tố tụng trọng tài do các bên thỏa thuận. Do vậy, nếu các bên muốn thỏa thuận thủ tục nhanh hay thủ tục rút gọn thì vẫn hoàn toàn khả thi. Đối với trọng tài quy chế, các trung tâm trọng tài sẽ đều có quy tắc tố tụng riêng nên việc áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn cần được quy định trong quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài.
2. Quy định về thủ tục trọng tài rút gọn tại một số trung tâm trọng tài nước ngoài
“Quy trình giải quyết tranh chấp rút gọn không phải là một ý tưởng mới được phát triển trong thời gian gần đây. Thủ tục rút gọn đã được biết đến ở Venice vào khoảng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 16, ở đó các quyết định được đưa ra trong một khoảng thời gian rất ngắn” [6]. Tuy vậy, hiện nay, theo khảo sát của tác giả, không có quy định cụ thể về thủ tục trọng tài rút gọn trong các đạo luật về trọng tài thương mại của các quốc gia. Kể cả Luật Mẫu (Model Law) về trọng tài thương mại quốc tế của Ủy ban Liên Hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) cũng không có quy định về thủ tục trọng tài rút gọn. Các quy định về thủ tục trọng tài rút gọn hiện nay chủ yếu do các trung tâm trọng tài quy định theo quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài.
2.1. Quy định về thủ tục trọng tài rút gọn tại một số trung tâm trọng tài của Thụy Sĩ, Thụy Điển
Thụy Sĩ là một trong những quốc gia có sự phát triển trọng tài thương mại tại Châu Âu và có nhiều trung tâm trọng tài có các quy định về thủ tục trọng tài rút gọn và nơi đầu tiên trên thế giới có trung tâm trọng tài quy định về thủ tục trọng tài rút gọn trong Quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm.
Thủ tục trọng tài rút gọn lần đầu tiên xuất hiện trong quy tắc của một trung tâm trọng tài là Quy tắc tố tụng trọng tài của Phòng Thương mại và công nghiệp Geneva (CCIG) có hiệu lực từ ngày 01/01/1992 [7]. Theo Quy tắc này, thủ tục trọng tài rút gọn được quy định tại phần G, mục 31 về điều khoản đặc biệt. Theo đó, nếu các bên có thỏa thuận, trọng tài sẽ được tiến hành theo thủ tục rút gọn. Cụ thể, CCIG có thể rút ngắn thời gian chỉ định trọng tài viên; nếu các bên không yêu cầu về việc phán quyết dựa trên chứng cứ tài liệu, Hội đồng trọng tài sẽ chỉ tổ chức một phiên họp riêng cho việc thẩm vấn của các bên, nhân chứng và nhân chứng chuyên gia cũng như phiên họp giải quyết tranh chấp bằng lời nói; phán quyết trọng tài phải được ban hành trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hồ sơ vụ tranh chấp được giao cho trọng tài viên; phán quyết trọng tài chỉ được lập tóm tắt dựa trên các lý do được đưa ra.
Ngoài CCIG, Viện Trọng tài của các Phòng Thương mại Thụy Sĩ (SCAI) cũng đã quy định về thủ tục trọng tài rút gọn trong Quy tắc tố tụng trọng tài quốc tế Thụy Sĩ năm 2012[8] . Thủ tục trọng tài rút gọn được quy định tại Điều 42 Quy tắc này. Theo khoản 2 Điều 42 của Quy tắc này, nếu giá trị tranh chấp, kể cả yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu kiện lại của bị đơn, không quá một triệu francs Thụy Sĩ thì bắt buộc được tiến hành theo thủ tục trọng tài rút gọn. Trường hợp đối với các tranh chấp khác, theo khoản 1 Điều 41, nếu các bên muốn áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn thì phải có thỏa thuận. Theo Quy tắc này, sau khi trả lời Thông báo trọng tài, các bên chỉ nộp duy nhất một bản đơn khởi kiện và một bản tự bảo vệ; một bản đơn kiện lại (nếu có) và một bản tự bảo vệ đối với đơn kiện lại; trừ khi các bên thỏa thuận tố tụng trọng tài tiến hành hoàn toàn bằng văn bản, hội đồng trọng tài chỉ tiến hành một phiên họp giải quyết tranh chấp để đánh giá ý kiến của nhân chứng, chuyên gia và tranh luận; và phán quyết trọng tài phải được ban hành trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hồ sơ vụ tranh chấp được Ban Thư ký chuyển giao cho Hội đồng trọng tài, phán quyết được ban hành dưới dạng tóm tắt các giải thích của trọng tài viên, trừ khi các bên đồng ý không cần nêu ra lý do trong phán quyết.
Thụy Điển
Phòng Thương mại Stockholm (SCC) cũng đã ban hành Bộ Quy tắc riêng về Thủ tục trọng tài rút gọn năm 2017 (Rules for expedited arbitration 2017)[9] . Bộ Quy tắc có 52 Điều và 03 Phụ lục. Theo đó, trong suốt tiến trình tố tụng trọng tài rút gọn, SCC, Hội đồng trọng tài và các bên sẽ ứng xử chung trên cơ sở hành động nhanh chóng và hiệu quả [10]. Theo Điều 17 Quy tắc, thủ tục trọng tài sẽ được tiến hành bởi một trọng tài viên. Theo Điều 43 Quy tắc này, phán quyết trọng tài phải được lập trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày vụ tranh chấp được chuyển đến trọng tài viên; thời hạn này cũng có thể được gia hạn nếu có lý do hợp lý từ trọng tài viên. Tuy nhiên, Quy tắc thủ tục trọng tài rút gọn của SCC không đưa ra điều kiện về giá trị tranh chấp để áp dụng bắt buộc thủ tục trọng tài rút gọn mà chỉ áp dụng khi các bên có thỏa thuận.
Như vậy, các trung tâm trọng tài tại Thụy Sĩ và Thụy Điển nêu trên có các quy định khác nhau về thủ tục trọng tài rút gọn. Có trung tâm quy định về điều kiện áp dụng bắt buộc theo giá trị tranh chấp (SCAI), có trung tâm chỉ áp dụng theo trường hợp các bên có thỏa thuận (CCIG, SCC). Việc rút gọn các thủ tục trọng tài được thể hiện ở một số bước trong thủ tục trọng tài như thành lập Hội đồng trọng tài chỉ gồm một trọng tài viên duy nhất; rút ngắn thủ tục đệ trình chứng cứ, tài liệu; giới hạn thời hạn ban hành phán quyết trọng tài.
2.2. Quy định về thủ tục trọng tài rút gọn của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC)
Tòa Trọng tài Quốc tế ICC là một trong những trung tâm trọng tài hàng đầu thế giới được thành lập từ năm 1923 [11]. Tòa Trọng tài Quốc tế ICC là một tổ chức độc lập của ICC, thực hiện việc việc quản lý các vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài theo Quy tắc Trọng tài ICC mà Quy tắc hiện hành là Quy tắc Trọng tài ICC năm 2017 [12].
Điểm sửa đổi nổi bật của Quy tắc năm 2017 so với Quy tắc trước đó (ban hành năm 2012) là quy định về thủ tục trọng tài rút gọn. Thủ tục trọng tài rút gọn được quy định tại Điều 30 của Quy tắc và Phụ lục VI kèm theo Quy tắc với năm điều về thủ tục trọng tài rút gọn. Hiện nay, ICC cũng đã ban hành Quy tắc trọng tài mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và vẫn duy trì các quy định về thủ tục trọng tài rút gọn tại Điều 30 của Quy tắc và Phụ lục VI.
Theo khoản 1 Điều 30 của Quy tắc năm 2017, nếu các bên chọn áp dụng Quy tắc trọng tài ICC thì quy định về thủ tục trọng tài rút gọn sẽ được ưu tiên áp dụng so với thỏa thuận trọng tài. Theo khoản 2 Điều 30 của Quy tắc và Điều 1 Phụ lục VI, thủ tục trọng tài rút gọn được áp dụng trong trường hợp giá trị tranh chấp không vượt quá 2.000.000 USD hoặc trong trường các bên có thỏa thuận (không phụ vào giá trị tranh chấp). Theo Quy tắc năm 2021, kể từ ngày 01/01/2021, ngưỡng giá trị tranh chấp được áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn được mở rộng đến dưới 3.000.000 USD [13].
Tuy vậy, Quy tắc trọng tài của ICC cũng quy định quyền không tiếp tục áp dụng thủ tục tố tụng trọng tài rút gọn. Cụ thể, khoản 4 Điều 1 Phụ lục VI của Quy tắc năm 2017 và Quy tắc trọng tài năm 2021 của ICC đều quy định vào bất kỳ thời điểm nào trong tiến trình tố tụng trọng tài, Tòa Trọng tài ICC theo quyết định của mình hoặc theo yêu cầu của một bên, và sau khi tham vấn Hội đồng trọng tài và các bên, Tòa Trọng tài ICC sẽ quyết định không tiếp tục áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn. Khi đó, Hội đồng trọng tài đã được thành lập vẫn tiếp tục được duy trì, trừ trường hợp Tòa Trọng tài ICC thấy rằng phải thay đổi hoặc thành lập lại Hội đồng trọng tài cho phù hợp.
Theo Điều 2 của Phụ lục VI của Quy tắc năm 2017 và kể cả Quy tắc năm 2021, vụ tranh chấp được giải quyết bằng thủ tục trọng tài rút gọn sẽ chỉ được giải quyết bằng một trọng tài viên duy nhất, không phụ thuộc và thỏa thuận trọng tài. Các bên sẽ chỉ định trọng tài viên duy nhất giải quyết vụ tranh chấp trong thời hạn do Ban thư ký chỉ định. Nếu các bên không chỉ định được thì Tòa Trọng tài ICC sẽ thực hiện việc chỉ định trong một khoảng thời gian ngắn nhất có thể.
Theo Điều 3 của Phụ lục VI của Quy tắc năm 2017, sau khi Hội đồng trọng tài đã được thành lập, các bên không được đưa ra yêu cầu mới, trừ trường hợp Hội đồng trọng tài cho phép, trên cơ sở cân nhắc tính chất của yêu cầu mới này, giai đoạn tố tụng trọng tài, chi phí và các yếu tố khác liên quan. Hội đồng trọng tài, có thể, sau khi tham vấn ý kiến của các bên, quyết định tranh chấp chỉ được giải quyết dựa trên tài liệu đã nộp của các bên mà không cần phải tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp và kiểm tra nhân chứng hoặc chuyên gia.
Theo Điều 4 của Phụ lục VI Quy tắc trọng tài ICC, phán quyết trọng tài trong thủ tục trọng tài rút gọn phải được ban hành trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày tổ chức phiên họp quản lý vụ kiện. Phiên họp quản lý vụ kiện được tổ chức không muộn hơn 15 ngày kể từ ngày hồ sơ vụ tranh chấp được chuyển cho Hội đồng trọng tài [14].
Như vậy, mặc dù là một tổ chức lâu đời về trọng tài thương mại nhưng ICC chỉ mới quy định rõ về thủ tục trọng tài rút gọn từ năm 2017. Quy tắc này vẫn quy định điều kiện áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn theo giá trị vụ tranh chấp hoặc khi các bên có thỏa thuận. Đồng thời, quy định việc chấm dứt thủ tục tố tụng trọng tài rút gọn ngay cả khi thủ tục này đang diễn ra. Thủ tục trọng tài rút gọn của ICC cũng rút ngắn việc thành lập Hội đồng trọng tài bằng việc chỉ có một trong tài viên duy nhất và giới hạn về thời gian tối đa phải ban hành phán quyết trọng tài.
2.3. Quy định về thủ tục trọng tài rút gọn tại Hiệp hội Trọng tài Hoa Kỳ (AAA)
Hiệp hội Trọng tài Hoa Kỳ (American Arbitration Association – AAA) là một trong những tổ chức trọng tài được thành lập khá sớm tại Hoa Kỳ và trên thế giới. AAA được thành lập từ năm 1926 và tính đến năm 2020, tổ chức này đã thụ lý giải quyết 6.396.199 vụ tranh chấp [15]. Đối với trọng tài trong nước, AAA áp dụng Bộ Quy tắc Trọng tài và thủ tục hòa giải thương mại được sửa đổi và có hiệu từ ngày 01/10/2013 [16]. Bộ Quy tắc này cũng đã có các quy định về thủ tục trọng tài rút gọn trong Quy tắc và một phần quy định riêng về thủ tục trọng tài rút gọn kèm theo Quy tắc với 10 điều (từ Điều E-1 đến Điều E-10).
Theo Quy tắc R-1(b), trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, thủ tục trọng tài rút gọn được áp dụng cho các vụ tranh chấp không quá 75.000 USD (không bao gồm tiền lãi, phí luật sư, phí và lệ phí trọng tài). Các vụ tranh chấp có giá trị lớn hơn vẫn có thể được tiến hành theo thủ tục trọng tài rút gọn nếu các bên có thỏa thuận. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, thủ tục trọng tài rút gọn chỉ được áp dụng đối với tranh chấp liên quan đến hai bên tranh chấp.
Điều E-1 của Quy tắc này giới hạn về thời gian gia hạn trả lời yêu cầu của trọng tài hoặc đơn kiện lại một lần và không quá 07 ngày.
Theo Điều E-2 của Quy tắc, sau khi trọng tài viên được chỉ định, các bên không được bổ sung yêu cầu khởi kiện hay yêu cầu kiện lại hoặc đưa ra yêu cầu khởi kiện hoặc đơn kiện lại khác với ban đầu, trừ khi trọng tài viên đồng ý.
Theo Điều E-3 của Quy tắc, thủ tục thông báo bằng điện thoại được áp dụng cho thủ tục trọng tài rút gọn và thủ tục thông báo này vẫn có giá trị pháp lý nếu được các bên xác nhận lại bằng văn bản hoặc chứng minh đã thực tế thông báo bằng điện thoại.
Theo Điều E-4, vụ tranh chấp sẽ được giải quyết bằng một trọng tài viên duy nhất. AAA sẽ đưa ra danh sách gồm năm trọng tài viên cho mỗi bên lựa chọn. AAA khuyến khích các bên lựa chọn một trọng tài viên từ danh sách. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì mỗi bên sẽ gạch tên hai trọng tài viên có trong danh sách và gửi lại AAA trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày AAA gửi danh sách cho các bên. AAA có thẩm quyền chỉ định trọng tài viên. Nếu vì bất kỳ lý do gì mà AAA không thể chỉ định trọng tài viên từ một trong các trọng tài viên có tên trong danh sách đã đưa ra trước đó, AAA có quyền chỉ định bất kỳ một trọng tài viên nào khác (Điều E-4(b)).
Về hình thức tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp, Điều E-6 quy định nếu không có bên nào đưa ra yêu cầu vượt quá 25.000 USD thì vụ tranh chấp sẽ chỉ được giải quyết thông qua văn bản được đệ trình mà không cần tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp để tranh luận bằng lời nói, trừ khi các bên yêu cầu hoặc trọng tài viên thấy cần thiết. Các vụ tranh chấp khác vẫn có thể được tiến hành theo thủ tục này nếu các bên có thỏa thuận. Trong trường hợp phiên họp giải quyết tranh chấp sẽ được tổ chức, trọng tài viên phải ấn định ngày, thời gian, địa điểm mở phiên họp giải quyết tranh chấp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày xác nhận chỉ định trọng tài viên; AAA sẽ thông báo trước cho các bên về ngày tổ chức phiên họp (Điều E-7). Phiên họp giải quyết tranh chấp diễn ra không quá một ngày (Điều E-8).
Về thời gian ban hành phán quyết trọng tài, Điều E-9 của Quy tắc quy định trừ khi các bên có thỏa thuận khác, phán quyết phải được ban hành không muộn hơn 14 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp; trường hợp không phải tổ chức phiên họp thì kể từ ngày nhận các bản ý kiến và chứng cứ cuối cùng đã được ấn định.
Ngoài Bộ Quy tắc Trọng tài và thủ tục hòa giải thương mại nêu trên, đối với trọng tài quốc tế, Trung tâm Quốc tế về Giải quyết tranh chấp (International Centre for Dispute Resolution – ICDR) thuộc AAA cũng đã ban hành và áp dụng Bộ Quy tắc Thủ tục giải quyết tranh chấp quốc tế, được sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 01/6/2014 [17], bao gồm Quy tắc Trọng tài Quốc tế. Bộ Quy tắc này cũng quy định một phần riêng cho thủ tục trọng tài rút gọn gồm 10 điều.
Theo khoản 4 Điều 1 của Quy tắc Trọng tài Quốc tế của ICDR, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc ICDR có quyết định khác, thủ tục trọng tài rút gọn sẽ được áp dụng cho bất kỳ tranh chấp nào không có yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu kiện lại vượt quá 250.000 USD, không bao gồm lãi và phí trọng tài. Các bên có thể thỏa thuận áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn đối với các tranh chấp khác. Trường hợp không có yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu kiện lại vượt quá 100.000 USD, không bao gồm lãi, phí luật sư và phí trọng tài, tranh chấp sẽ chỉ được giải quyết thông qua việc đệ trình tài liệu, trừ trường hợp trọng tài viên xét thấy cần thiết tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp.
Theo Điều E-6, vụ tranh chấp sẽ được giải quyết bởi một trọng tài viên duy nhất. Tương tự thủ tục trọng tài rút gọn đối với tranh chấp trong nước, ICDR sẽ gửi cho mỗi bên tranh chấp cùng một danh sách của năm trọng tài viên để các bên lựa chọn một trọng tài viên duy nhất. Nếu các bên không thỏa thuận được thì mỗi bên sẽ gạch bỏ tên của hai trọng tài viên có trong danh sách và gửi danh sách lại ICDR trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được danh sách. Các bên không cần phải trao đổi danh sách lựa chọn cho nhau. Nếu các bên không thể thỏa thuận được việc lựa chọn trọng tài viên hoặc trọng tài viên được chọn không thể hoặc không đủ điều kiện giải quyết vụ tranh chấp hoặc vì bất kỳ lý do nào mà việc chỉ định trọng tài viên không thể được chọn từ danh sách trọng tài viên đã được các bên nộp lại, ICDR được quyền chỉ định trọng tài viên mà không cần phát hành danh sách bổ sung.
Theo Điều E-10, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, hoặc pháp luật có quy định khác hoặc ICDR có quy định khác, phán quyết phải được ban hành không muộn hơn 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp nếu phiên họp giải quyết tranh chấp được tổ chức hoặc từ ngày nộp văn bản cuối cùng đã được ấn định.
Như vậy, AAA duy trì các Quy tắc tố tụng trọng tài khác nhau cho trọng tài trong nước và trọng tài quốc tế. Các Bộ Quy tắc trọng tài của AAA đều có các quy định về thủ tục trọng tài rút gọn. Trong đó, có quy định về giá trị tranh chấp tối thiểu bắt buộc phải đực giải quyết bằng thủ tục trọng tài rút gọn hoặc do các bên thỏa thuận. Các thủ tục được rút gọn bao gồm thủ tục thành lập Hội đồng trọng tài gồm một trọng tài viên duy nhất; thủ tục giải quyết tranh chấp mà không cần tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp nếu giá trị tranh chấp nhỏ.
2.4. Quy định về thủ tục trọng tài rút gọn tại một số trung tâm trọng tài tại Châu Á
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore
Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Singapore (Singapore International Arbitration Centre - SIAC) là một trong các trung tâm trọng tài uy tín tại Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung. Từ Bộ Quy tắc tố tụng trọng tài năm 2010, SIAC bắt đầu quy định về thủ tục trọng tài rút gọn [18] và tiếp tục duy trì trong Quy tắc tố tụng trọng tài tiếp theo được ban hành năm 2013 [19] và hiện hành là Quy tắc tố tụng trọng tài năm 2016 [20].
Theo Điều 5 của Quy tắc tố tụng trọng tài năm 2016 của SIAC, trước khi thành lập Hội đồng trọng tài, một bên có quyền yêu cầu áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn nếu đáp ứng một trong các điều kiện: giá trị tranh chấp không quá 6.000.000 đô Singapore (so với Quy tắc năm 2010 và năm 2013, ngưỡng giá trị tranh chấp là 5.000.000 đô Singapore), bao gồm cả yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kiện lại hoặc các bên có thỏa thuận hoặc trong trường hợp khẩn cấp đặc biệt. Khi tiến hành theo thủ tục trọng tài rút gọn, vụ tranh chấp sẽ được được giải quyết bởi một trọng tài viên duy nhất, trừ khi Chủ tịch Trung tâm trọng tài quyết định khác; nếu các bên không có thỏa thuận về việc tranh chấp chỉ được giải quyết dựa trên chứng cứ tài liệu, Hội đồng trọng tài sẽ tổ chức một phiên họp giải quyết tranh chấp để kiểm tra nhân chứng, nhân chứng chuyên gia cũng như cho việc tranh luận. Phán quyết trọng tài phải được ban hành trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Hội đồng trọng tài được thành lập, trừ trường hợp ngoại lệ được gia hạn; phán quyết sẽ nêu ra các lý do ban hành phán quyết theo hình thức tóm tắt, trừ trường hợp các bên đồng ý rằng không cần nêu rõ lý do trong phán quyết.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông (Hong Kong International Arbitration Centre - HKIAC)
HKIAC bắt đầu quy định về thủ tục trọng tài rút gọn từ năm 2008 [21] và vẫn tiếp tục duy trì trong các phiên bản Quy tắc tố tụng trọng tài tiếp theo, kể cả Quy tắc tố tụng trọng tài hiện hành được ban hành năm 2018 [22].
Theo Điều 42 của Quy tắc tố tụng trọng tài năm 2018 [23], trước khi Hội đồng trọng tài được thành lập, một trong các bên có thể yêu cầu HKIAC áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn nếu đáp ứng một trong các điều kiện: giá trị tranh chấp không vượt quá ngưỡng giá trị của vụ tranh chấp được HKIAC quy định trên website vào ngày Thông báo Trọng tài được đệ trình hoặc các bên có thỏa thuận về thủ tục trọng tài rút gọn hoặc trong trường hợp khẩn cấp đặc biệt. Theo công bố trên website của HKIAC, hiện nay, ngưỡng giá trị tranh chấp, bao gồm cả yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kiện lại được áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn là không quá hai mươi lăm triệu đô Hồng Kông [24].
Thủ tục tố tụng trọng tài rút gọn sẽ được tiến hành bởi một trọng tài viên duy nhất, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận gồm ba trọng tài viên. Nếu các bên có thỏa thuận ba trọng tài viên thì HKIAC sẽ mời các bên thỏa thuận lại một trọng tài viên, nếu các bên không đồng ý thì Hội đồng trọng tài vẫn gồm ba trọng tài viên. HKIAC có quyền rút ngắn bất kỳ thời hạn nào trong Quy tắc của HKIAC. Sau khi có bản trả lời về thông báo trọng tài, mỗi bên chỉ nộp một bản ý kiến về việc khởi kiện và một bản tự bảo vệ. Hội đồng trọng tài sẽ quyết định giải quyết tranh chấp chỉ dựa trên chứng cứ tài liệu được đệ trình hoặc tổ chức một hoặc nhiều phiên họp giải quyết tranh chấp nếu xét thấy phù hợp. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hồ sơ vụ tranh chấp được chuyển đến Hội đồng trọng tài, phán quyết trọng tài phải được ban hành, trừ trường hợp đặc biệt, HKIAC có thể gia hạn thời hạn này. Phán quyết sẽ được lập dưới dạng nêu tóm tắt các lý do ban hành phán quyết, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận không nêu lý do.
Theo khoản 3 Điều 42 Quy tắc tố tụng trọng tài HKIAC năm 2018, theo yêu cầu của bất kỳ bên nào và sau khi tham khảo ý kiến của các bên và bất kỳ trọng tài viên nào đã được xác nhận hoặc chỉ định, HKIAC có thể, đối với bất kỳ tình huống mới nào phát sinh, quyết định rằng thủ tục rút gọn sẽ không còn áp dụng cho vụ tranh chấp. Hội đồng trọng tài đã được thành lập vẫn được tiếp tục duy trì, trừ khi HKIAC xét thấy cần thiết phải thu hồi việc xác nhận hoặc chỉ định trọng tài viên trước đó.
Ủy Ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (Korean Commercial Arbitration Board - KCAB)
KCAB ban hành và áp dụng song song hai Bộ Quy tắc trọng tài áp dụng cho trọng tài nội địa và trọng tài quốc tế. Cả hai bộ Quy tắc này đều có quy định về thủ tục trọng tài rút gọn tại Chương VI của mỗi bộ quy tắc.
Đối với Quy tắc trọng tài năm 2016 áp dụng cho việc giải quyết các tranh chấp bằng trọng tài trong nước [25], thủ tục trọng tài rút gọn được quy định tại Chương VI, bao gồm 07 điều từ Điều 45 đến Điều 51. Theo đó, thủ tục trọng tài rút gọn được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận hoặc giá trị của yêu cầu khởi kiện không quá một trăm triệu won. Trong thủ tục trọng tài rút gọn, Ban thư ký sẽ chỉ định một trọng tài viên duy nhất để giải quyết vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Hội đồng trọng tài sẽ chỉ mở phiên họp giải quyết tranh chấp một lần. Tuy nhiên, Hội đồng trọng tài có thể mở lại vụ tranh chấp khi xét thấy cần thiết hoặc yêu cầu các bên nộp tóm tắt luận cứ bổ sung sau khi kết thúc phiên họp. Hội đồng trọng tài phải ban hành phán quyết trọng tài trong thời hạn 100 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thành lập Hội đồng trọng tài của Ban Thư ký. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, phán quyết trọng tài sẽ đưa ra các lý do của phán quyết dưới dạng tóm tắt.
Đối với trọng tài quốc tế, Quy tắc tố tụng năm 2016 của KCAB áp dụng cho trọng tài quốc tế cũng quy định thủ tục trọng tài rút gọn tại Chương VI, bao gồm 07 điều từ Điều 43 đến Điều 49. Theo đó, thủ tục trọng tài rút gọn được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận hoặc giá trị của yêu cầu khởi kiện không quá năm trăm triệu won. Ban thư ký sẽ chỉ định một trọng tài viên duy nhất để giải quyết vụ tranh chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; nếu thỏa thuận trọng tài thỏa thuận ba trọng tài viên, Ban thư ký sẽ khuyến khích các bên chọn một trọng tài viên duy nhất. Trừ khi có thỏa thuận khác của các bên, trường hợp yêu cầu của cả hai bên đều không vượt quá 500.000.000 won, tranh chấp sẽ được giải quyết trên cơ sở chỉ xem xét tài liệu chứng cứ, tuy nhiên, với điều kiện là Hội đồng trọng tài có thể tổ chức phiên họp giải quyết theo yêu cầu của một bên hoặc theo ý chí chủ quan của mình; Hội đồng trọng tài sẽ thiết lập những thủ tục phù hợp để định ra thời hạn và phương thức nộp văn bản. Phán quyết trọng tài sẽ được ban hành trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày thành lập Hội đồng Trọng tài, tuy nhiên, Ban Thư ký, theo yêu cầu của Hội đồng Trọng tài hoặc theo ý chí chủ quan của mình, có thể quyết định gia hạn nếu thấy cần thiết. Hội đồng Trọng tài sẽ nêu rõ những lý do làm căn cứ của Phán quyết trọng tài theo hình thức tóm tắt, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, SIAC, HKIAC và KCAB đều có các quy định về thủ tục trọng tài rút gọn trong Quy tắc tố tụng trọng tài. Cả ba trung tâm trọng tài đều chỉ quy định các điều khoản về thủ tục trọng tài rút gọn trong chính Quy tắc tố tụng trọng tài mà không quy định thành Phụ lục kèm theo Quy tắc hay một bộ Quy tắc riêng. Các Quy tắc tố tụng trọng tài của các trung tâm này đều quy định điều kiện áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn theo ngưỡng giá trị tranh chấp hoặc theo thỏa thuận. Quy tắc của SIAC theo hướng Hội đồng trọng tài chỉ có một trọng tài viên duy nhất, trong khi HKIAC và KCAB quy định theo hướng chấp nhận trường hợp Hội đồng trọng tài gồm một trọng tài viên duy nhất hoặc gồm ba trọng tài viên. Nhìn chung, các Quy tắc tố tụng trọng tài nêu trên đều quy định về thời hạn phải ban hành phán quyết đối với vụ tranh chấp là trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày Hội đồng trọng tài được thành lập hoặc hồ sơ vụ tranh chấp được chuyển đến Hội đồng trọng tài.
Qua việc khảo sát một số quy định về thủ tục trọng tài rút gọn trong Quy tắc tố tụng trọng tài của một số trung tâm trọng tài nước ngoài như đã nêu trên, có thể thấy rằng thủ tục trọng tài rút gọn ngày càng được thừa nhận rộng rãi và được nhiều trung tâm trọng tài quốc tế quy định trong Quy tắc tố tụng trọng tài của mình. Hiện nay, nhóm nghiên cứu Working Group II – UNCITRAL cũng đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo các quy định về thủ tục trọng tài rút gọn để ban hành bổ sung vào Quy tắc trọng tài của UNCITRAL [26].
Về hình thức, thủ tục trọng tài rút gọn có thể được quy định dưới dạng một điều duy nhất trong Quy tắc tố tụng trọng tài hoặc một số điều đươc ban hành dưới dạng Phụ lục kèm theo Quy tắc tố tụng trọng tài hoặc dưới dạng bộ Quy tắc riêng đầy đủ các điều khoản như Quy tắc tố tụng trọng tài thông thường.
Về mặt nội dung, các quy định về thủ tục trọng tài rút gọn đều quy định về điều kiện áp dụng thủ tục này, cụ thể là quy định về ngưỡng giá trị tranh chấp để tự động áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn hoặc áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận. Tùy trường hợp, có thể có thêm các điều kiện khác như thủ tục này chỉ áp dụng trong trường hợp có hai bên tranh chấp. Dù điều kiện có khác nhau nhưng thủ tục trọng tài rút gọn đều có thể áp dụng cho trọng tài nội địa hoặc trọng tài quốc tế.
Các quy định về thủ tục trọng tài rút gọn đều hướng đến việc đơn giản hóa thủ tục và cắt giảm chi phí, rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp. Đa số các thủ tục trọng tài rút gọn được khảo sát nêu trên giới hạn thời gian ban hành phán quyết trọng tài, giải quyết vụ tranh chấp là trong thời hạn 06 tháng kể từ một thời điểm nào đó, thường là thời điểm thành lập Hội đồng trọng tài hoặc thời điểm hồ sơ vụ tranh chấp được chuyển đến Hội đồng trọng tài; một số trung tâm có quy định cho phép gia hạn thời hạn này. Thủ tục trọng tài rút gọn của một số trung tâm trọng tài còn giới hạn số lượng bản ý kiến về yêu cầu khởi kiện và bản tự bảo vệ được nộp là một bản; chỉ tiến hành một phiên họp giải quyết tranh chấp hoặc chỉ tiến hành giải quyết tranh chấp dựa trên hồ sơ được nộp. Phán quyết trọng tài trong thủ tục trọng tài rút gọn thường được quy định sẽ được lập dưới dạng tóm tắt.
3. Khuyến nghị xây dựng, hoàn thiện quy định về thủ tục trọng tài rút gọn tại Việt Nam
Cũng tương tự Luật Trọng tài thương mại của các quốc gia khác trên thế giới, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cũng không có quy định cụ thể về thủ tục trọng tài rút gọn. Tuy vậy, nhận thấy xu hướng về thủ tục trọng tài rút gọn trên thế giới, một số trung tâm trọng tài tại Việt Nam cũng đã bắt đầu quy định về thủ tục trọng tài rút gọn trong Quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm mình.
Có thể nói rằng, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) là trung tâm trọng tài đầu tiên xây dựng và quy định về thủ tục trọng tài rút gọn tại Việt Nam khi ban hành Quy tắc tố tụng trọng tài năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/3/2017. Theo Quy tắc tố tụng trọng tài năm 2017 của VIAC, thủ tục trọng tài rút gọn được quy định tại Điều 37. Theo đó, điều kiện duy nhất để áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn là các bên có thỏa thuận. Khi tiến hành thủ tục trọng tài rút gọn, Hội đồng Trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất, trừ khi các bên có thỏa thuận khác; Trung tâm hoặc Hội đồng Trọng tài có thể rút ngắn bất kỳ thời hạn nào được quy định trong Quy tắc này; Hội đồng Trọng tài căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên, trừ khi có sự phản đối của một bên. Hội đồng Trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp bằng hình thức teleconference, video-conference hoặc các hình thức thích hợp khác, trừ khi có sự phản đối của một bên [27].
Tương tự VIAC, Quy tắc tố tụng trọng tài năm 2017 của Trung tâm Trọng tài Thương mại phía Nam (STAC) cũng có quy định về thủ tục trọng tài rút gọn tài Điều 36 [28]. Hiện nay, nhiều trung tâm trọng tài thương mại tại Việt Nam vẫn chưa có quy định về thủ tục trọng tài rút gọn như: Trung tâm Trọng tài Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (TRACENT) [29], Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Thái Bình Dương (PIAC) [30],…
Các thủ tục về trọng tài rút gọn cũng đã được áp dụng trên thực tế tại Việt Nam. Tại VIAC, theo thông tin của thành viên Ban thư ký VIAC cho biết trong buổi Tọa đàm trực tuyến về thủ tục trọng tài rút gọn ngày 03/9/2020 [31], tính đến năm 2020, đã có khoảng 40 vụ tranh chấp được giải quyết theo thủ tục này. Riêng tại Trung tâm Trọng tài Thương mại phía Nam (STAC), đã có một vụ việc được giải quyết theo thủ tục rút gọn với thời gian giải quyết tranh chấp thực tế là khoảng 02 tháng.
Trên cơ sở nghiên cứu các quy định về thủ tục trọng tài rút rọn nêu trên, từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, tác giả cho rằng quy định về thủ tục trọng tài rút gọn tại Việt Nam vẫn còn khá đơn giản, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Tác giả cho rằng, Luật Trọng tài thương mại nếu được sửa đổi trong thời gian tới, cần có các quy định chung về thủ tục trọng tài rút gọn để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các trung tâm trọng tài xây dựng các quy định về thủ tục trọng tài rút gọn trong Quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài. Mặc dù có thể thấy rằng luật trọng tài thương mại của nhiều quốc gia chưa quy định về thủ tục trọng tài rút gọn nhưng để hạn chế những nguy cơ, rủi ro phán quyết trọng tài có thể bị hủy hoặc không được công nhận do có sự khác biệt giữa quy định của thủ tục trọng tài rút gọn được quy định trong Quy tắc tố tụng trọng tài của các trung tâm trọng tài với quy định về tố tụng trọng tài của Luật Trọng tài thương mại.
Luật Trọng tài thương mại cần quy định về điều kiện áp dụng bắt buộc thủ tục trọng tài rút gọn theo ngưỡng giá trị tranh chấp, bên cạnh điều kiện tùy chọn theo các bên thỏa thuận. Ngưỡng giá trị tranh chấp này có thể quy định một khoảng giá trị tranh chấp hoặc/ và quy định trao quyền quyết định cuối cùng cho các trung tâm trọng tài. Việc quy định về ngưỡng giá trị tranh chấp để áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn có thể phân loại theo tranh chấp có yếu tố nước ngoài hay không có yếu tố nước ngoài, trọng tài quốc tế hay trọng tài Việt Nam. Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ các vụ tranh chấp được giải quyết bằng thủ tục trọng tài rút gọn, giúp nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp bằng trọng tài về thời gian và chi phí. Trong bối cảnh hiện nay, khi Luật Trọng tài thương mại chưa được sửa đổi, chưa quy định về vấn đề này, tác giả cho rằng các Trung tâm trọng tài chỉ quy định điều kiện áp dụng thủ tục trọng tài rút gọn khi các bên có thỏa thuận là một quy định phù hợp và an toàn cho việc ban hành phán quyết trọng tài.
Về thành phần của Hội đồng trọng tài trong thủ tục rút gọn, Điều 39 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định rõ: Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên; trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên. Theo tác giả, quy định của Luật ưu tiên quyền lựa chọn của các bên về số lượng trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài, nếu các bên không có thỏa thuận sẽ áp dụng Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên mà không có quy định cho các trung tâm trọng tài có quy định khác. Do đó, chưa có cơ sở pháp lý phù hợp để áp dụng bắt buộc cho thủ tục trọng tài rút gọn chỉ được tiến hành bởi một trọng tài viên duy nhất mà vẫn phải ưu tiên thỏa thuận của các bên, nếu các bên không có thỏa thuận sẽ phải áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là Hội đồng trọng tài gồm ba trọng tài viên, kể cả trong thủ tục trọng tài rút gọn.
Ngoài ra, Luật Trọng tài thương mại hoặc / và Quy tắc tố tụng trọng tài của các Trung tâm trọng tài cần quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn trong việc thành lập Hội đồng trọng tài trong thủ tục trọng tài rút gọn.
Về các thời hạn trong các bước của tiến tình tố tụng trọng tài, mặc dù các quy định về trọng tài rút gọn trong các Quy tắc tố tụng trọng tài của các Trung tâm trọng tài tại Việt Nam hiện nay có quy định theo hướng Trung tâm hoặc Hội đồng Trọng tài có thể rút ngắn bất kỳ thời hạn nào được quy định trong Quy tắc. Tuy vậy, việc rút ngắn bất kỳ thời hạn tố tụng nào cũng phải phù hợp với quy định của Luật Trọng tài thương mại. Chỉ được rút ngắn đối với các thời hạn mà Luật cho phép các Trung tâm trọng tài có quy định khác trong quy tắc tố tụng trọng tài. Ví dụ quy định tại Điều 40 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định rõ các bước và thời hạn thành lập Hội đồng trong tài và có quy định “trừ trường hợp các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không quy định khác”. Do đó, các trung tâm trọng tài hoàn toàn có thể quy định khác về thời hạn thành lập Hội đồng trọng tài và do vậy, có thể rút ngắn thời hạn thành lập Hội đồng trọng tài trong thủ tục rút gọn. Tương tự khoản 2 Điều 54 Luật Trọng tài thương mại cũng cho phép quy tắc tố tụng của trung tâm trọng tài có quy định khác về thời hạn gửi giấy triệu tập cho các bên về phiên họp giải quyết tranh chấp, do vậy có thể rút ngắn thời hạn này.
Đối với thời hạn nộp bản tự bảo vệ của bị đơn, khoản 2 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ và quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài được quy định khác nên thời hạn này có thể rút ngắn. Tuy vậy, trong trường hợp có đơn kiện lại của bị đơn thì khoản 3 Điều 36 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 lại quy định “cứng” là: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kiện lại, nguyên đơn phải gửi bản tự bảo vệ cho Trung tâm trọng tài”. Thời hạn này không có quy định quy tắc của Trung tâm trọng tài được quy định khác nên thời hạn này là thời hạn không thể rút ngắn. Nếu rút ngắn thời hạn này có thể thì có rủi ro phán quyết trọng tài có thể bị hủy theo trường hợp tại điểm b khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại về thủ tục tố tụng trọng tài trái với quy định của Luật Trọng tài thương mại.
Về sự có mặt của các bên trong phiên họp giải quyết tranh chấp, quy định về thủ tục trọng tài rút gọn của các Trung tâm trọng tài thương mại quy định theo hướng “Hội đồng Trọng tài căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên, trừ khi có sự phản đối của một bên”. Tức là Hội đồng trọng tài tự quyết định về việc không cần sự có mặt của các bên, trừ khi có ít nhất một bên phản đối. Tuy vậy, khoản 3 Điều 56 Luật Trọng tài thương mại lại quy định: “Theo yêu cầu của các bên, Hội đồng trọng tài có thể căn cứ vào hồ sơ để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên”. Như vậy, Hội đồng trọng tài chỉ được tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp không cần sự có mặt của các bên khi các bên có yêu cầu. Việc các bên không phản đối không có nghĩa là các bên có yêu cầu giải quyết tranh chấp vắng mặt các bên. Do đó, quy định này trong thủ tục trọng tài của các Trung tâm trọng tài hiện nay cần được quy định rõ hơn và Luật Trọng tài thương mại khi được sửa đổi, cũng cần sửa đổi quy định này trong trường hợp tiến hành thủ tục trọng tài rút gọn.
Về việc ban hành phán quyết dưới dạng tóm tắt, Luật Trọng tài thương mại Việt Nam và Quy tắc tố tụng trọng tài của các trung tâm trọng tài hiện nay đều không có quy định này. Do đó, vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.
Tóm lại, với những nghiên cứu và phân tích nêu trên, có thể thấy rằng quy định về thủ tục trọng tài rút gọn đã được quy định tương đối phổ biến trên thế giới và là một xu thế trong tố tụng trọng tài hướng đến sự nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả. Tại Việt Nam, thủ tục trọng tài rút gọn cũng đã được bắt đầu hình thành các quy định đầu tiên trong Quy tắc tố tụng của một số trung tâm trọng tài nhưng chỉ tồn tại dưới dạng một điều khoản cơ bản và cần được tiếp tục hoàn thiện, quy định cụ thể, chi tiết hơn về thủ tục trọng tài rút gọn trong Quy tắc của Trung tâm trọng tài hoặc một Phụ lục kèm theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài. Đồng thời, trong tương lai, việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại cũng cần quy định rõ về thủ tục trọng tài rút gọn trong Luật để tạo cơ sở pháp lý cho các Trung tâm trọng tài quy định về thủ tục này trong Quy tắc tố tụng trọng tài của các Trung tâm trọng tài.
Bạn có thể đọc thêm: Hỏi đáp về thủ tục rút gọn tại Trung tâm Trọng Tài Thương Mại Miền Trung
Trên đây là bài viết về thủ tục trọng tài rút gọn – kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật Trọng tài Thương mại năm 2010.
2. Redfern & Hunter, Trọng tài Quốc tế (Ấn bản lần thứ sáu), NXB. Thanh Niên, 2018.
3. Irene Welser, Christian Klausegger, Fast Track Arbitration: Just fast or something different?.
4. http://www.arbitration.qmul.ac.uk
5. https://undocs.org
6. https://www.wipo.int
7. https://www.swissarbitration.org
8. https://sccinstitute.com
9. https://iccwbo.org
10. https://adr.org
11. https://www.siac.org.sg
12. https://www.hkiac.org
13. http://www.kcabinternational.or.kr
14. https://www.viac.vn
15. https://stac.com.vn
16. https://tracent.com.vn
17. https://vi.piac.vn
*Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trung tâm email: vu@kavlawyers.com, điện thoại: 0949761861
[1] Redfern & Hunter, Trọng tài Quốc tế (Ấn bản lần thứ sáu), NXB. Thanh Niên, 2018, tr. 51.
[2] http://www.arbitration.qmul.ac.uk/media/arbitration/docs/2015_International_Arbitration_Survey.pdf, truy cập ngày 27/11/2020.
[3] https://undocs.org/A/CN.9/959, mục 28, truy cập ngày 27/11/2020.
[4] https://www.wipo.int/amc/en/arbitration/what-is-exp-arb.html, truy cập ngày 27/11/2020.
[5] Irene Welser, Christian Klausegger, Fast Track Arbitration: Just fast or something different?, https://www.cerhahempel.com/fileadmin/docs/publications/Welser/Beitrag_Welser_2009.pdf, truy cập ngày 27/11/2020.
[6] Redfern & Hunter, tlđd, tr. 488.
[7] https://www.swissarbitration.org/FileDownload/Download/261, truy cập ngày 27/11/2020.
[8] https://www.swissarbitration.org/files/837/Swiss%20Rules%202019/Web%20versions%202019/Arbitration%20Web%202019/Arbitration/SwissRules2012_English_2019.pdf, truy cập ngày 27/11/2020.
[9] https://sccinstitute.com/media/1407445/expeditedarbitrationrules_eng_2020.pdf, truy cập ngày 27/11/2020.
[10] Khoản 1 Điều 2 Quy tắc Thủ tục trọng tài rút gọn SCC năm 2017.
[11] https://iccwbo.org/dispute-resolution-services/icc-international-court-arbitration/, truy cập ngày 28/11/2020.
[12] https://iccwbo.org/dispute-resolution-services/arbitration/rules-of-arbitration/, truy cập ngày 28/11/2020.
[13] Khoản (ii) Điều 1 Phụ lục VI Quy tắc trọng tài năm 2021 của ICC.
[14] Khoản 4 Điều 3 Phụ lục VI Quy tắc trọng tài năm 2017 của ICC.
[15] https://adr.org, truy cập ngày 30/11/2020.
[16] https://adr.org/sites/default/files/CommercialRules_Web.pdf , truy cập ngày 30/11/2020.
[17] https://adr.org/sites/default/files/ICDR_Rules.pdf, truy cập ngày 30/11/2020.
[18] Điều 5 của Quy tắc trọng tài SIAC năm 2010, https://www.siac.org.sg/our-rules/rules/siac-rules-2010#siac_rule5, truy cập ngày 28/11/2020.
[19] https://www.siac.org.sg/our-rules/rules/siac-rules-2013#siac_rule5, truy cập ngày 29/11/2020.
[20] Điều 5 của Quy tắc trọng tài SIAC năm 2016, https://www.siac.org.sg/our-rules/rules/siac-rules-2016#siac_rule5, truy cập ngày 29/11/2020.
[21] https://www.hkiac.org/arbitration/process/expedited-hkiac-arbitration, truy cập ngày 29/10/2020.
[22] https://www.hkiac.org/arbitration/rules-practice-notes/administered-arbitration-rules/hkiac-administered-2018-2#42, truy cập ngày 29/11/2020.
[23] https://www.hkiac.org/arbitration/rules-practice-notes/administered-arbitration-rules/hkiac-administered-2018-2#42, truy cập ngày 29/11/2020.
[24] https://www.hkiac.org/arbitration/why-choose-hkiac/hkiac-administered-arbitration-faqs#016, truy cập ngày 29/11/2020.
[25] http://www.kcabinternational.or.kr/common/index.do?jpath=/contents/sub0202&CURRENT_MENU_CODE=MENU0009&TOP_MENU_CODE=MENU0007, truy cập ngày 30/10/2020.
[26] https://undocs.org/en/A/CN.9/WG.II/WP.214, truy cập ngày 30/11/2020.
[27] https://www.viac.vn/quy-tac-trong-tai.html#post-52, truy cập ngày 30/11/2020.
[28] https://stac.com.vn/quy-tac-tung-trong-tai/, truy cập ngày 30/11/2020.
[29] https://tracent.com.vn/quy-tac-to-tung-trong-tai, truy cập ngày 30/11/2020.
[30] https://vi.piac.vn/Default.aspx?tabid=75, truy cập ngày 30/11/2020.
[31] https://www.youtube.com/watch?v=sCNroLI23jQ&ab_channel=Trungt%C3%A2mTr%E1%BB%8Dngt%C3%A0iQu%E1%BB%91ct%E1%BA%BFVi%E1%BB%87tNam, truy cập ngày 30/11/2020.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết định số 272/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Vụ tranh chấp giữa Công ty H và Công ty M đặt ra những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như quá trình giải quyết của Hội đồng Trọng tài.