Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

THỰC TIỄN PHÁP LÝ VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KHI NGUYÊN ĐƠN KHỞI KIỆN CHƯA CÓ THOẢ THUẬN TRỌNG TÀI

14/07/2023

Nguyễn Vĩnh Phú

                                                                                                     Tổng Thư ký Trung tâm

Trọng tài Thương mại Miền Trung

Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM) thì “tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài” [1], thoả thuận trọng tài là điều kiện để các bên trao quyền cho trọng tài giải quyết vụ tranh chấp của mình. Và “thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp” .[2]

Khoản 3 Điều 30 Luật TTTM quy định: “Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan”. Hoặc tại khoản 3 Điều 7 Quy tắc Tố tụng Trọng tài của Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) xác định rõ: “Kèm theo Đơn khởi kiện phải có thỏa thuận trọng tài và các tài liệu khác (bản chính hoặc bản sao) có liên quan”.

Với những quy định trên thì chúng ta sẽ hiểu là khi khởi kiện, nguyên đơn bên cạnh Đơn kiện, các tài liệu có liên quan, đồng thời “phải có thỏa thuận trọng tài”.

Vậy, trong trường hợp khi phát sinh tranh chấp, các bên không thương lượng giải quyết được với nhau mà không có thoả thuận trọng tài, lúc này nếu một bên nhận thấy phương thức giải quyết bằng trọng tài có nhiều ưu điểm, hiệu quả cho việc giải quyết tranh chấp nên muốn khởi kiện đến trọng tài. Mong muốn này của một bên liệu có được trung tâm trọng tài thương mại chấp nhận giải quyết không? 

Cụ thể, các câu hỏi đặt ra sẽ là:
Không có thoả thuận trọng tài, một bên có thể nộp đơn khởi kiện ra trung tâm trọng tài được không?
Trung tâm trọng tài có quyền từ chối nhận đơn khởi kiện khi không có thoả thuận trọng tài không?
Thông thường, nếu căn cứ vào những quy định dẫn chiếu trên thì không ít người sẽ cho là Trung tâm trọng tài sẽ không nhận, thụ lý đơn kiện.
Một số quan điểm cho rằng: “Muốn khởi kiện ra trung tâm trọng tài bạn phải có thoả thuận trước hoặc sau, trường hợp này bạn đã không có thoả thuận trước khi phát sinh tranh chấp thì sau khi xảy ra tranh chấp bạn phải có thoả thuận với công ty đối tác về khởi kiện ra trung tâm trọng tài thì mới được khởi kiện” .[3]

Tính đến thời điểm hiện tại, không ít phán quyết trọng tài bị yêu cầu huỷ với lý do: Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp khi không có thoả thuận trọng tài. 

Năm 2019 Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ đã huỷ một Phán quyết trọng tài của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Thương mại Cần Thơ với nhận định: “Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp. Trong khi đó, Điều 12 của Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai công ty lại ghi “hai bên thống nhất chọn toà án nơi có bất động sản để giải quyết tranh chấp nếu việc thương lượng hoà giải không thành giữa các bên”. Như vậy, theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh, hai bên không có thoả thuận trọng tài nhưng Hội đồng trọng tài thương mại Cần Thơ ra phán quyết vụ tranh chấp khi không đủ điều kiện quy định tại Điều 5 Luật TTTM là không đúng pháp luật”, “Hội đồng trọng tài thương mại Cần Thơ nhận đơn khởi kiện và ra phán quyết là không đúng quy định pháp luật” .[4]

Ngoài ra điểm a khoản 1 Điều 68 Luật TTTM còn nhấn mạnh phán quyết trọng tài có thể bị yêu cầu hủy khi rơi vào trường hợp: Không có thoả thuận trọng tài.

Vậy, với những quy định và thực tế trên, liệu rằng các cá nhân, tổ chức có còn “dám” xách đơn kiện đến với các trung tâm trọng tài thương mại không?

Căn cứ theo quy định của pháp luật Trọng tài thương mại và thực tiễn giải quyết tranh chấp, chúng tôi thấy rằng, mặc dù nguyên đơn khi khởi kiện không có kèm theo thoả thuận trọng tài, chỉ là đề xuất thoả thuận trọng tài đơn phương vẫn có thể được Hội đồng Trọng tài giải quyết, ban hành phán quyết trọng tài để giải quyết yêu cầu khởi kiện.

Tuỳ theo tình hình thực tế, hành vi pháp lý của bị đơn mà yêu cầu khởi kiện và đề xuất thoả thuận trọng tài của nguyên đơn được giải quyết theo hai tình huống pháp lý khác nhau. Đó là nguyên đơn có thể đạt được thoả thuận trọng tài mới trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài thương mại hoặc vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài khi bên bị đơn mất quyền phản đối.

Nội dung dưới đây, tác giả sẽ đi vào trình bày những vấn đề lý luận, thực tiễn, phân tích pháp lý của việc giải quyết trong thực tế về hai tình huống pháp lý trên.

1. Thoả thuận trọng tài được xác lập trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài thương mại.

Như chúng ta đã biết, “thỏa thuận trọng tài có thể được lập … sau khi xảy ra tranh chấp” , vậy có thể hiểu là quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên tại trung tâm trọng tài cũng được coi là thời điểm “sau khi xảy ra tranh chấp”, và trong quá trình này cũng có thể xác lập được thoả thuận trọng tài giữa các bên. 

Quy định của pháp luật Trọng tài thương mại tại điểm đ khoản 2 Điều 16 Luật TTTM đã minh chứng cho vấn đề trên như sau: “Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận”.

Nghĩa là là hành vi “không phủ nhận” của bên bị kiện trong quá trình: “Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận” thì cũng được coi là thoả thuận trọng tài được xác lập dưới dạng văn bản .[6]

Quy định trên có thể diễn ra theo quy trình tố tụng Trọng tài như sau: 

Nguyên đơn khởi kiện vụ tranh chấp ra Trung tâm trọng tài, hồ sơ gồm: Đơn kiện, các tài liệu liên quan đến nội dung tranh chấp, và văn bản về thoả thuận trọng tài. Theo đó nguyên đơn đề xuất vụ tranh chấp với bị đơn được giải quyết bằng trọng tài tại một trung tâm trọng tài cụ thể. Trung tâm trọng tài tiếp nhận Đơn kiện theo quy tắc tố tụng của mình. Trung tâm trọng tài thực hiện việc gửi Đơn kiện với bản đề xuất thoả thuận trọng tài của nguyên đơn, kèm theo các tài liệu liên quan cho Bị đơn theo thời hạn quy định. Sau đó bị đơn gửi Bản tự bảo vệ đến với Trung tâm trọng tài, nếu trong Bản tự bảo vệ ấy bị đơn “không phủ nhận" thoả thuận trọng tài mà nguyên đơn đề xuất trong Đơn kiện , không thể hiện quan điểm pháp lý là vụ tranh chấp này không có thoả thuận trọng tài thì có thể xem sự “không phủ nhận" là: “im lặng là đồng ý”. Như vậy các bên đã xác lập một thoả thuận trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài, mà không cần trực tiếp ký kết bằng văn bản. Như vậy các bên đã xác lập một thoả thuận trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài, mà không cần trực tiếp ký kết bằng văn bản.

Lập luận nêu trên chứng minh rằng, không nhất thiết phải có thoả thuận trọng tài mới có thể khởi kiện ra trung tâm trọng tài và thoả thuận trọng tài cũng có thể được xác lập trong quá trình tố tụng trọng tài giữa các bên trong tranh chấp.

Cách giải quyết trên cũng được Toà án nhân dân Tối cao đồng thuận và hướng dẫn các thẩm phán khi thực hiện hoạt động pháp lý có liên quan đến trọng tài thương mại như sau: “Trường hợp không có thoả thuận trọng tài nhưng một bên đã khởi kiện ra trọng tài mà bên kia vẫn tham gia tố tụng và đồng ý với thẩm quyền của trọng tài, thì được coi là các bên có thoả thuận trọng tài mới” .[8]

Và Toà án nhân dân Tối cao cũng đưa ra ví dụ minh hoạ như sau: “Toà án thụ lý vụ việc đã nhận định rằng: “Khi có tranh chấp về chi phí đổ bỏ chất thải, Công ty H đã làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài thương mại A. Tại biên bản làm việc, đại diện Tổng công ty M cũng đồng ý chọn Trung tâm trọng tài thương mại A và đồng ý chọn Hội đồng Trọng tài giống như Công ty H. Thoả thuận chọn trọng tài này là phù hợp với Điều 5(1) và Điều 16(2) LTTTM. Do đó, việc Tổng công ty M cho rằng Trung tâm trọng tài thương mại A không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp để yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài là không có căn cứ” .[9]

Vậy trường hợp bị đơn không đồng ý thì sao? 

Chúng ta tham khảo tình huống dưới đây:
“Ở vụ việc này, có văn bản (được National Rubber cho là hợp đồng) số 18/SVC-NRF/2010 và trong văn bản này thể hiện mong muốn giải quyết tranh chấp tại Trọng tài. Thực tế National Rubber đã viện dẫn văn bản này nên National Rubber đã thể hiện mong muốn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Còn bên Công ty Hà Nội thì sao? Có mong muốn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài không?” .[10]

“Khi nhận được Thông báo đơn kiện của VIAC, tại đơn trình bày ngày 07/10/2010 Bị đơn là Công ty Hà Nội đã phản đối thẩm quyền giải quyết của HĐTT thuộc VIAC nhưng HĐTT không xem xét hiệu lực của thoả thuận trọng tài, thoả thuận Trọng tài có thể thực hiện được hay không trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp là vi phạm khoản 1 Điều 43 Luật TTTM, vi phạm Điều 21 Quy tắc tố tụng Trọng tài của VIAC.

...

Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 68 Luật TTTM Hội đồng xét đơn chấp nhận đơn yêu cầu, quyết định huỷ Quyết định Trọng tài vụ kiện số 17/11 của VIAC công bố ngày 03/3/2012” .[11]

Như vậy: “Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia” phủ nhận, phản đối thì coi như một bên đã không đồng ý xác lập thoả thuận trọng tài. Trong trường hợp này thì Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp. Nếu Hội đồng trọng tài tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp là không phù hợp với qui định tại Điều 5 của Luật TTTM quy định về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.

Điều này cũng tương tự với nhận định của TAND TP Cần Thơ trong việc huỷ một Phán quyết trọng tài với lập luận cho rằng vụ tranh chấp giải quyết bằng trọng tài khi không có thoả thuận trọng tài: “Phán quyết trọng tài nhận định bị đơn phải phủ nhận ý kiến của nguyên đơn đưa ra, nếu không phủ nhận thì đã có thỏa thuận trọng tài. TAND TP Cần Thơ cho rằng nhận định như vậy là không đúng tinh thần điểm đ Khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại. Bởi lẽ, điều luật trên nói rõ về đơn khởi kiện và bản tự bảo vệ là trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận. Nhưng, thực tế, đơn khởi kiện của nguyên đơn và bản tự bảo vệ của bị đơn vẫn phản đối, không đồng ý việc đưa tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh ra Trung tâm Trọng tài Thương mại Cần Thơ giải quyết” . [12]

Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài khi các bên cùng có sự thoả thuận, dù pháp luật Trọng tài thương mại không cứng nhắc yêu cầu phải xác lập bằng văn bản hay phải ký kết trực tiếp, nhưng cũng có những quy định về việc thể hiện ý chí, hành vi pháp lý của một bên đối với đề xuất thoả thuận trọng tài của bên kia, đó là sự “không phủ nhận”, khi ấy hình thức thoả thuận đó được coi là thoả thuận trọng tài xác lập “dưới dạng văn bản”.

Như vậy, với một quá trình nỗ lực của nguyên đơn về thể hiện ước muốn, và về đề xuất vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài rõ ràng cần được các trung tâm trọng tài xem xét thụ lý. Trường hợp trong bản tự bảo vệ mà bị đơn đồng ý hoặc không phủ nhận đề xuất thoả thuận trọng tài của nguyên đơn thì vụ kiện được tiếp tục giải quyết theo trình tự của tố tụng trọng tài. 

Ngoài ra còn một lý do quan trọng nữa để khẳng định trung tâm trọng tài không có quyền từ chối nhận đơn khởi kiện khi không có thoả thuận trọng tài của nguyên đơn là việc xem xét vụ tranh chấp có thoả thuận trọng tài hay không, hay thoả thuận trọng tài có hiệu lực hay không… là thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, Toà án có liên quan… chứ không thuộc trung tâm trọng tài, như trong khoản 1 Điều 38 Bản quy tắc Tố tụng trọng tài của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) xác định: “Trung tâm không tự mình giải quyết tranh chấp. Việc giải quyết các vụ tranh chấp được tiến hành bởi Hội đồng Trọng tài”.

Vậy nên, các trung tâm trọng tài không nên cứng nhắc bám vào quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật TTTM khi yêu cầu: “Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài” để mà từ chối tiếp nhận việc khởi kiện của nguyên đơn.
Nói một cách ví von thì trung tâm trọng tài như một chiếc cầu nối để nguyên đơn và bị đơn văn thư qua lại, tìm lại được mối nhân duyên, ngồi lại bên nhau để gỡ rối tơ lòng bấy lâu.

2. Mất quyền phản đối của bị đơn về vấn đề thoả thuận trọng tài.

Mất quyền phản đối là một chế định độc đáo trong lĩnh vực tố tụng, được nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới áp dụng và lần đầu tiên Việt Nam đưa ra trong Luật TTTM năm 2010 tại Điều 13 như sau: “Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật này quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc Tòa án”.

Quy định về mất quyền phản đối tại Điều 13 Luật TTTM được Điều 6 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại (gọi tắt là Nghị quyết số 01/2014) hướng dẫn thêm như sau: 

“1. Trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định Luật TTTM hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối với Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài những vi phạm đó trong thời hạn do Luật TTTM quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài, hoặc tại Tòa án đối với những vi phạm đã biết đó. Trường hợp Luật TTTM không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định thì việc phản đối phải được thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết.

2. Trước khi xem xét yêu cầu của một hoặc các bên về việc có vi phạm quy định Luật TTTM hoặc của thỏa thuận trọng tài, Tòa án phải kiểm tra các tài liệu, chứng cứ, quy tắc tố tụng trọng tài để xác định đối với yêu cầu đó, một hoặc các bên có mất quyền phản đối hay không mất quyền phản đối.
Trường hợp Tòa án xác định vi phạm đã mất quyền phản đối quy định tại Điều 13 Luật TTTM và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này thì bên đã mất quyền phản đối không được quyền khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để quyết định chấp nhận yêu cầu của một hoặc các bên.

3. Khi giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Tòa án có trách nhiệm xem xét theo quy định tại điểm đ khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 68 Luật TTTM. Trường hợp xét thấy có đủ căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thì Tòa án có quyền quyết định ngay cả khi một hoặc các bên đã mất quyền phản đối”.

Chế định mất quyền phản đối trên cũng đã được các trung tâm trọng tài thương mại quy định cụ thể trong quy tắc Tố tụng để giải quyết tranh chấp phát sinh. 

Điều 14 bản quy tắc Tố tụng của Trung tâm Trọng tài Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Tracent) quy định: “Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của pháp luật về trọng tài, Quy tắc này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do pháp luật liên quan hoặc Quy tắc này quy định thì mất quyền phản đối”

VIAC cũng quy định rõ: “Trong trường hợp Bị đơn cho rằng thỏa thuận trọng tài không tồn tại, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Bị đơn phải nêu rõ trong Bản tự bảo vệ. Nếu Bị đơn không nêu rõ điều đó trong Bản tự bảo vệ thì Bị đơn mất quyền phản đối” .[13]

MCAC còn mở rộng thêm về cả mất quyền phản đối đối với Quy tắc Tố tụng trọng tài: “Trong trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của pháp luật về trọng tài, của Quy tắc Tố tụng này hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục tham gia tố tụng trọng tài và không phải đối trong thời hạn quy định của Quy tắc Tố tụng này thì mất quyền phản đối về những vi phạm đó” .[14]

Như vậy, trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định của Luật TTTM hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối những vi phạm trong thời hạn do Luật TTTM quy định, thì bên đó sẽ mất quyền phản đối tại Trọng tài hoặc tại Tòa án với những vi phạm mà bên đó phát hiện.
Hậu quả pháp lý của mất quyền phản đối là: 

  • Bên phát hiện vi phạm sẽ không được quyền khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài, yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó.
  • Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để quyết định chấp nhận yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài của một hoặc các bên

Để có cái nhìn thực tiễn về quy định mất quyền phản đối thì chúng ta tham khảo ví dụ sau. Đây là nhận định của TAND Thành phố Hồ Chí Minh về tình huống một bên đã mất quyền phản đối: “Khoản 4 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ”. Trong khi đó, tại Bản tự bảo vệ cũng như trong suốt quá trình tố tụng trọng tài, bà T không đưa ra bất cứ phản đối nào đối với thẩm quyền của trọng tài mà vẫn tiếp tục tố tụng trọng tài, vẫn tham gia phiên họp giải quyết tranh chấp. Như vậy, bà T đã mất quyền phản đối về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài theo quy định tại Điều 13 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại Điều 6 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP” .[15]

Chế định Mất quyền phản đối là sự khuyến cáo đối với các bên tham gia tranh chấp phải có trách nhiệm “phản đối” với các vi phạm (nếu có) mà mình nhận thức được. “Do đó, biết vi phạm mà không phản đối trong thời hạn thì được coi là các bên đã lựa chọn, đã đồng ý về thành phần, về tố tụng, về thẩm quyền… trọng tài. Nó khác hẳn với tố tụng dân sự là tố tụng luật định… Mặt khác, mất quyền phản đối còn có ý nghĩa ngăn chặn sự lợi dụng kéo dài vụ kiện, đồng thời còn đảm bảo nguyên tắc thiện chí trong giải quyết tranh chấp. Đặc biệt, trong trường hợp một bên đã biết có vi phạm nhưng không phản đối, chỉ đến khi bị thua kiện tại trọng tài, không muốn bị ràng buộc bởi phán quyết trọng tài mới đưa ra căn cứ đó tại Tòa án” .[16]

Trách nhiệm “phản đối” này thể hiện trong toàn bộ các vấn đề của Luật TTTM có liên quan đến các bên nói chung và về thoả thuận trọng tài nói riêng. Mất quyền phản đối với vi phạm của thoả thuận trọng tài cũng có phạm vi tương đối rộng, đó có thể là những vi phạm khiến cho thoả thuận trọng tài giữa các bên trở thành thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được…, Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày quy định Mất quyền phản đối với vấn đề: Không có thoả thuận trọng tài giữa các bên khi nguyên đơn khởi kiện ra Trung tâm trọng tài.

Thoả thuận trọng tài là điều kiện tiên quyết để Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên bằng trọng tài. Thoả thuận trọng tài phổ biến và tốt nhất là các bên trực tiếp ký kết với nhau, tuy nhiên trong không ít trường hợp thoả thuận trọng tài là xuất phát từ đề xuất của một bên trong một tình thế muộn màng và thiếu sự đồng nhất của nhau khi mà mối quan hệ giữa các bên phát sinh bất đồng, tranh chấp. 

Ví dụ sau đây là hướng giải quyết về một vụ tranh chấp mà Bị đơn là Công ty Nòng Cốt yêu cầu huỷ Phán quyết trọng tài, trong đó có lý do cho rằng: “Hội đồng Trọng tài giải quyết tranh chấp và ban hành Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp 16/14/HCM khi hai bên tranh chấp không có thoả thuận trọng tài đối với nội dung tranh chấp” .

Tuy nhiên, Hội đồng xét đơn thuộc TAND Thành phố Hồ Chí Minh đã phản bác lý do trên của Bị đơn như sau: “Trong suốt quá trình VIAC giải quyết vụ kiện nói trên, Công ty Nòng Cốt không phản đối thẩm quyền giải quyết vụ kiện của VIAC và Công ty Nòng Cốt cũng được thực hiện tố tụng Trọng tài thể hiện bằng việc đã chỉ định Trọng tài viên “L.V.T là Trọng tài viên theo lựa chọn của Pivotal với tư cách là Bị đơn trong vụ tranh chấp số 16/14/HCM” thông qua văn bản không số đề ngày 01/7/2014 gửi Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” .[18]

Trong quá trình giải quyết tranh chấp mặc dù bị đơn nhận định rằng “hai bên tranh chấp không có thoả thuận trọng tài đối với nội dung tranh chấp” nhưng vẫn không phản đối, dẫn đến hậu quả pháp lý là bị đơn mất quyền phản đối đối với vấn đề không có thoả thuận trọng tài, nên sau này không thể lấy đó là lý do để khiếu nại về giá trị pháp lý của phán quyết trọng tài.

Ví dụ sau đây cũng là một tình huống bên nguyên đơn khởi kiện ra trọng tài khi chưa có thoả thuận trọng tài, và những hành vi pháp lý có liên quan đến sự kiện mất quyền phản đối của bên bị đơn: “Sau khi xảy ra tranh chấp, Liên danh nhà thầu đã nộp đơn yêu cầu phân xử và tài liệu kèm theo tới VIAC. Sau khi thụ lý vụ kiện, VIAC đã gửi thông báo, cùng hồ sơ khởi kiện tới Công ty Vĩnh Sơn và yêu cầu gửi bản Tự bảo vệ, Đơn kiện lại (nếu có) và chỉ định Trọng tài viên tham gia HĐTT. Công ty Vĩnh Sơn sau khi nhận được thông báo của VIAC đã chỉ định Trọng tài viên Đặng tham gia làm Trọng tài viên thứ hai của HĐTT. Việc chỉ định Trọng tài viên Đặng cho thấy Công ty Vĩnh Sơn vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng Trọng tài thì bị coi là mất quyền phản đối thẩm quyền của HĐTT do chính họ tham gia chỉ định.
Hơn nữa, trong các Bản tự bảo vệ và yêu cầu phản tố của mình gửi tới HĐTT vụ kiện 24/14, Công ty Vĩnh Sơn không nêu rõ Vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài là không thực hiện đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật TTTM là bị coi là mất quyền phản đối theo quy định tại Điều 13 Luật TTTM” . [19]

Vụ tranh chấp trên đã thể hiện không có sự tồn tại của thoả thuận trọng tài nhưng nguyên đơn là Liên danh nhà thầu vẫn gửi đơn kiện đến VIAC để đề nghị giải quyết. VIAC đã nhận hồ sơ vụ kiện và gửi thông báo theo quy định cho bị đơn. Công ty Vĩnh Sơn trong Bản tự bảo vệ đã chỉ định Trọng tài viên cho mình, và không có bất kỳ sự phản đối vấn đề thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, thoả thuận trọng tài... như theo quy định tại khoản 4 Điều 35 Luật TTTM , thậm chí Bị đơn còn có yêu cầu phản tố (trong tố tụng trọng tài gọi là Đơn kiện lại) – tức là đưa ra các yêu cầu kiện ngược lại nguyên đơn để Hội đồng trọng tài giải quyết. Với những phân tích về quá trình tham gia và thực hiện các hành vi pháp lý trên của Bị đơn tại VIAC thì Toà án đã khẳng định rằng Bị đơn “bị coi là mất quyền phản đối theo quy định tại Điều 13 Luật TTTM”[20] đối với những vấn đề thoả thuận trọng tài, thẩm quyền của Trọng tài, của Hội đồng trọng tài.

Quy định về mất quyền phản đối tại Điều 13 Luật được khoản 1 Điều 6 Nghị quyết 01/2014 hướng dẫn thêm như sau: “Trường hợp một bên phát hiện có vi phạm quy định Luật TTTM hoặc của thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối với Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài những vi phạm đó trong thời hạn do Luật TTTM quy định thì mất quyền phản đối tại Trọng tài, hoặc tại Tòa án đối với những vi phạm đã biết đó”.

Vậy thời hạn phản đối “những vi phạm đó ... do Luật TTTM quy định” như thế nào? 

Điều 6 Nghị quyết số 01/2014 hướng dẫn như sau: “Trường hợp Luật TTTM không quy định thời hạn thì thời hạn được xác định theo thỏa thuận của các bên hoặc quy tắc tố tụng trọng tài. Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định thì việc phản đối phải được thực hiện trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết”.

Theo Nghị quyết số 01/2014 thì thời hạn để phản đối chậm trễ nhất là “trước thời điểm Hội đồng trọng tài tuyên phán quyết”. 

Nhận thấy rằng thời hạn chậm trễ nhất (trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc quy tắc tố tụng trọng tài không quy định) như vào phút 89 theo Nghị quyết số 01/2014 có lẽ sẽ gây không ít lúng túng, bất ngờ nên một số trung tâm trọng tài đã đưa ra thời hạn sớm hơn, cụ thể là “chậm nhất trước trước thời điểm Hội đồng Trọng tài tuyên bố phiên họp giải quyết vụ tranh chấp là phiên họp cuối cùng” .

Có nhiều kiểu được gọi là “vi phạm” như đã trình bày ở những nội dung trên, và tương ứng với mỗi “vi phạm” thì rõ ràng sẽ có thời hạn phản đối khác nhau.

Riêng thời hạn bị đơn phản đối thẩm quyền của Hội đồng trọng tài với lý do không có thoả thuận trọng tài là cùng với thời hạn của việc gửi Bản tự bảo vệ [22], tức là trong thời hạn 30 ngày (nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác), kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu khác kèm theo.
Như vậy, nếu bên bị đơn phát hiện có vi phạm thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài và không phản đối với Hội đồng trọng tài trong thời hạn 30 ngày (nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác), kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu khác kèm theo thì “mất quyền phản đối tại Trọng tài, hoặc tại Tòa án đối với những vi phạm đã biết đó”.
Qua đó, chúng ta đã thấy rằng, trường hợp nguyên đơn đề xuất giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, mặc dù bên bị đơn không xác lập thoả thuận trọng tài với nguyên đơn, nhưng vẫn tham gia quá trình giải quyết tranh chấp mà không phản đối trong thời hạn quy định thì việc giải quyết vụ tranh chấp là thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, bên bị đơn sẽ mất quyền phản đối như quy định tại Điều 13 Luật TTTM: Sẽ không được quyền khiếu nại thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, khiếu nại với lý do không có thoả thuận trọng tài, hay yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đối với những vi phạm đã mất quyền phản đối đó. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà một hoặc các bên đã mất quyền phản đối để quyết định chấp nhận yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài của một hoặc các bên.

3. Nhận xét chung.

Trung tâm trọng tài, Hội đồng Trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các bên tranh chấp thực hiện quyền thoả thuận là nguyên tắc cơ bản của tố tụng Trọng tài, trong đó bao gồm việc giúp các bên xác lập một thoả thuận trọng tài.

Quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 16 Luật TTTM chính là cơ sở pháp lý để nguyên đơn “đặt một chân” vào cánh cửa Trọng tài khi khởi kiện mà không có thoả thuận trọng tài kèm theo. Bởi nếu không có quy định này thì có lẽ các Trung tâm trọng tài, Hội đồng Trọng tài khó có thể chấp nhận việc giải quyết vụ tranh chấp khi mà chưa có thoả thuận trọng tài giữa các bên, chỉ là đề xuất trọng tài đơn phương của nguyên đơn.
Tuy nhiên, từ việc khởi kiện khi chưa có thoả thuận trọng tài thì sẽ có 2 “nhánh” pháp lý có bản chất khác nhau, giúp nguyên đơn có thể đạt được thoả thuận trọng tài hoặc vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài khi bên bị đơn mất quyền phản đối.

Nhánh pháp lý thứ nhất: Căn cứ pháp lý của hướng giải quyết này là khoản 4 Điều 35 và điểm đ khoản 2 Điều 16 Luật TTTM. Thoả thuận trọng tài giữa nguyên đơn và bị đơn được xác lập dưới dạng văn bản nếu “qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận”, trong Bản tự bảo vệ Bị đơn không “cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài”. 

Nhánh pháp lý thứ hai: Căn cứ pháp lý của hướng giải quyết này là khoản 3, 4 Điều 35 và Điều 13 Luật TTTM, Điều 6 Nghị quyết số 01/2014. Vụ tranh chấp do nguyên đơn đưa ra Trọng tài được tiếp tục giải quyết bằng trọng tài khi bên bị đơn mất quyền phản đối. Đó là trường hợp nếu bên bị đơn phát hiện không có thỏa thuận trọng tài mà vẫn tiếp tục thực hiện tố tụng trọng tài, trong Bản tự bảo vệ bị đơn không “cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài” và không phản đối với Hội đồng trọng tài trong thời hạn 30 ngày (nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác), kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu khác kèm theo. Như vậy, “nếu chưa mất quyền phản đối thì mới bị coi là vi phạm tố tụng Trọng tài, nếu đã mất quyền phản đối thì vi phạm tố tụng đó không còn bị coi là vi phạm tố tụng…”[23].

Mặc dù là hai hướng pháp lý có bản chất khác nhau, nhưng sự phân biệt giữa chúng đôi chỗ cũng mong manh, tuỳ vào điều kiện thực tế mà chúng ta lựa chọn hướng nào cho phù hợp, hiệu quả. Trong đó chế định mất quyền phản đối trong thực tiễn được khai thác không ít, và là một vấn đề tố tụng pháp lý rất lý thú được pháp luật trọng tài áp dụng, do đó các luật sư có thể khai thác tốt quy định này để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho khách hàng của mình./.

Thành phố Đà Nẵng, ngày 25/11/2021

Đọc thêm: Chuyên đề: Thỏa thuận trọng tài được xác lập bởi người không có quyền đại diện theo pháp luật
Bài viết trên đã làm rõ thực tiễn pháp lý về giải quyết tranh chấp khi nguyên đơn khởi kiện chưa có thoả thuận trọng tài. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn. 

 

 [1] Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
 [2] Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

 [3] Trích bài viết: “Không có thoả thuận trọng tài có khởi kiện ra trung tâm trọng tài được không?” của website:

https://nganhangphapluat.thukyluat.vn/tu-van-phap-luat/thu-tuc-to-tung/khong-co-thoa-thuan-trong-tai-co-khoi-kien-ra-trung-tam-trong-tai-duoc-298716

 [4] Trích bài viết: “Huỷ một phán quyết trọng tài vì …. Không có thoả thuận” của báo Pháp Luật TP HCM, dẫn nguồn: https://plo.vn/phap-luat/huy-mot-phan-quyet-trong-tai-vi-khong-co-thoa-thuan-836282.html

 [5] Khoản 1 Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
 [6] Khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
 [7] Khoản 4 Điều 35 Luật Trọng tài thương mại năm 2010: “Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp … không có thoả thuận trọng tài…. thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ”.

 [8] Toà án nhân dân Tối cao, World Bank Group (2017), Sổ tay pháp luật về trọng tài và hoà giải, Nxb. Thanh Niên, tr. 88

 [9] Toà án nhân dân Tối cao, World Bank Group (2017), Sđd, tr. 88
 [10] Đỗ văn Đại, tập 1, tr. 70
 [11] Quyết định số 1598/2012/KDTM-QĐ ngày 31/10/2012 của TANDTC Thành phố Hồ Chí Minh.

 [12] Trích bài viết: “Huỷ một phán quyết trọng tài vì …. Không có thoả thuận” của báo Pháp Luật TP HCM, dẫn nguồn: https://plo.vn/phap-luat/huy-mot-phan-quyet-trong-tai-vi-khong-co-thoa-thuan-836282.html

 [13] Điểm đ khoản 1 Điều 9 quy tắc Tố tụng trọng tài của VIAC (có hiệu lực từ ngày 01/3/2017).
 [14] Khoản 4 Điều 38 Quy tắc Tố tụng trọng tài MCAC.

 [15] Quyết định số 755/2018/QĐ-PQTT ngày 12/6/2018 của TAND TP Hồ Chí Minh
 [16] Tưởng Duy Lượng, Một số vấn đề về xem huỷ phán quyết phán trọng tài. Dẫn nguồn từ Tạp chí Toà án: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/mot-so-van-de-ve-xem-xet-huy-phan-quyet-trong-tai

 [17] Quyết định số 224/2015/QĐ-PQTT ngày 17/3/2015 của TAND TP Hồ Chí Minh.
 [18] Quyết định số 224/2015/QĐ-PQTT ngày 17/3/2015 của TAND TP Hồ Chí Minh.

 [19] Quyết định số 03/2017/QĐ-PQTT ngày 13/4/2017 của TAND TP Hà Nội.
 [20] Khoản 4 Điều 35 Luật TTTM: “Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ”

  [21] Khoản 4 Điều 38 quy tắc Tố tụng trọng tài của MCAC: “Đối với các trường hợp không quy định thời hạn phản đối thì việc phản đối phải được đưa ra chậm nhất trước thời điểm Hội đồng Trọng tài tuyên bố phiên họp giải quyết vụ tranh chấp là phiên họp cuối cùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
  [22]  Khoản 4 Điều 35 Luật TTTM quy định: “Trường hợp bị đơn cho rằng vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thoả thuận trọng tài, thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì phải nêu rõ điều đó trong bản tự bảo vệ”.

  [23] Tưởng Duy Lượng, Bình luận BLTTDS, Luật Trọng tài thương mại và thực tiễn xét xử, Nxb. Tư Pháp 2016, tr.375

Tin liên quan

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 786/2022/QĐ-PQTT NGÀY 07/6/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
19 10/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 786/2022/QĐ-PQTT NGÀY 07/6/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Cùng MCAC tìm hiểu Quyết định số 786/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày 07/06/2022 về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa Công ty C và Công ty F liên quan đến vi phạm thủ tục tố tụng và chứng cứ giả mạo.

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2022/QĐ-PQTT NGÀY 25/8/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]
08 10/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2022/QĐ-PQTT NGÀY 25/8/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]

Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG