Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Số điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

Phán quyết Trọng tài theo Quy tắc tố tụng của Trung tâm Trọng Tài Thương Mại Miền Trung (MCAC)

11/01/2023

1.    Phán quyết trọng tài là gì?

Theo khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại: “Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài”.

2.    Tạo lập phán quyết trọng tài.

2.1.    Cách thức tạo lập phán quyết trọng tài

Phán quyết trọng tài được lập bởi các trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài. Phán quyết trọng tài được lập theo nguyên tắc đa số. Trong trường hợp không đạt được đa số thì phán quyết được lập theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Việc phán quyết trọng tài được lập theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng trọng tài là hợp lý trong trường hợp này vì suy cho cùng vẫn cần phải có một quyết định cuối cùng. Nguyên tắc lập phán quyết trọng tài được quy định cụ thể tại Điều 31 Quy tắc tố tụng trọng tài của MCAC như sau: “Trong trường hợp Hội đồng trọng tài gồm ba Trọng tài viên, Phán quyết trọng tài và các Quyết định của Hội đồng trọng tài được lập theo nguyên tắc đa số. Trường hợp không đạt được đa số thì Phán quyết trọng tài và các Quyết định của Hội đồng trọng tài được quyết định bởi Chủ tịch Hội đồng trọng tài”.

Phán quyết trọng tài được lập theo nguyên tắc đa số

2.2.    Thời hạn ban hành Phán quyết trọng tài

Theo khoản 3 Điều 32 Quy tắc tố tụng trọng tài của MCAC quy định: “Phán quyết trọng tài phải được lập trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng giải quyết vụ tranh chấp.”
Phán quyết trọng tài phải được Hội đồng trọng tài gửi tới Trung tâm ngay sau ngày lập. Trung tâm gửi ngay tới các bên bản chính hoặc bản sao có chứng thực của Phán quyết trọng tài. Các bên có quyền yêu cầu Trung tâm cấp thêm bản sao Phán quyết trọng tài và phải trả phí theo quy định của Trung tâm.

2.3.    Hình thức và nội dung chủ yếu của Phán quyết trọng tài

Theo khoản 1 Điều 32 Quy tắc tố tụng trọng tài của MCAC quy định:
“Phán quyết trọng tài được lập bằng văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:
a)    Ngày, tháng, năm và địa điểm lập Phán quyết trọng tài;
b)    Tên, địa chỉ của Nguyên đơn và Bị đơn;
c)    Tên của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất;
d)    Tóm tắt Đơn khởi kiện và các vấn đề tranh chấp; Tóm tắt Đơn kiện lại và các vấn đề tranh chấp, nếu có;
e)    Căn cứ lập Phán quyết trọng tài, trừ khi các bên có thỏa thuận không cần nêu căn cứ trong phán quyết trọng tài;
f)    Kết quả giải quyết vụ tranh chấp;
g)    Thời hạn thi hành Phán quyết trọng tài; 
h)    Phân bổ phí trọng tài và các chi phí khác có liên quan;
i)    Chữ ký của các Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất.”


Phán quyết trọng tài phải được lập bằng văn bản

Như vậy, theo quy tắc tố tụng của MCAC, phán quyết trọng tài phải được lập bằng văn bản. Yêu cầu cần có “chữ ký của các Trọng tài viên” được thể hiện là một trong những nội dung của phán quyết. Tuy nhiên, nếu áp dụng nội dung này một cách cứng nhắc, có thể xảy ra trường hợp không thể ban hành phán quyết trọng tài nếu một trong các Trọng tài viên không ký tên vào phán quyết trọng tài. Chính vì vậy, khoản 2 Điều 32 Quy tắc tố tụng trọng tài của MCAC có quy định: “Khi có trọng tài viên không ký tên vào Phán quyết trọng tài, Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải ghi việc này trong Phán quyết trọng tài và nêu rõ lý do. Trong trường hợp này, Phán quyết trọng tài vẫn có hiệu lực”. Như vậy theo Quy tắc tố tụng trọng tài của MCAC, Phán quyết trọng tài vẫn sẽ có hiệu lực trong trường hợp trên.

Xem thêm: Một số lưu ý về phiên họp giải quyết tranh chấp theo Quy tắc tố tụng trọng tài của MCAC

3.    Hiệu lực của phán quyết trọng tài

3.1.    Tính chung thẩm của phán quyết trọng tài

Luật Trọng tài thương mại ghi nhận tính chung thẩm của phán quyết trọng tài. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại, “Phán quyết trọng tài là chung thẩm”. Tính chung thẩm này còn được thể hiện lại tại khoản 5 Điều 61 Luật Trọng tài thương mại theo đó “phán quyết trọng tài là chung thẩm”. Bên cạnh đó, Luật Trọng tài thương mại còn khẳng định “Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hòa giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài”. (Điều 58).
Tương tự, Quy tắc tố tụng trọng tài của MCAC cũng quy định rõ về tính chung thẩm của Phán quyết trọng tài tại khoản 5 Điều 32 “Phán quyết trọng tài là chung thẩm và ràng buộc các bên” và tại Điều 29 “Quyết định công nhận hòa giải thành của Hội đồng Trọng tài có hiệu lực như Phán quyết trọng tài”.

3.2.    Phán quyết trọng tài không bị kháng cáo, kháng nghị

Như đề cập ở trên, Phán quyết trọng tài là chung thẩm. Với tính chung thẩm nêu trên, Phán quyết trọng tài không thể bị kháng cáo, kháng nghị, hay nói cách khác Phán quyết trọng tài không thể bị phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm. 

Trên đây là các nội dung về phán quyết trọng tài theo Quy tắc tố tụng của MCAC. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.

Tin liên quan

ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI THAM KHẢO VÀ LỰA CHỌN CHO CÁC DOANH NGHIỆP MIỀN TRUNG
13 03/2024

ĐIỀU KHOẢN TRỌNG TÀI THAM KHẢO VÀ LỰA CHỌN CHO CÁC DOANH NGHIỆP MIỀN TRUNG

Trong quá trình quản lý tranh chấp và xử lý các vấn đề pháp lý, việc tìm kiếm và lựa chọn trọng tài phù hợp là một bước quan trọng và không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp. Qua bài viết dưới đây, MCAC cung cấp thông tin chi tiết về những điều khoản trọng tài tham khảo và lựa chọn cho các doanh nghiệp miền Trung.

ÁP DỤNG ÁN LỆ SỐ 09/2016/AL TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG MẠI TẠI TÒA ÁN VÀ TRỌNG TÀI
15 12/2023

ÁP DỤNG ÁN LỆ SỐ 09/2016/AL TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP KINH DOANH, THƯƠNG MẠI TẠI TÒA ÁN VÀ TRỌNG TÀI

Trong bài viết này, tác giả bình luận, phân tích một số nội dung của Án lệ số 09/2016/AL về cách tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường và việc áp dụng án lệ này trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Tòa án và Trọng tài thương mại. Từ đó, chỉ ra những bất cập, vướng mắc của án lệ này và đưa ra các khuyến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG