Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

TẠI SAO DOANH NGHIỆP KHU VỰC MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN NÊN CHỌN TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG

26/04/2024

Nguyễn Ái Hồng Ân

Ban Thư ký Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung

 

Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (“MCAC”) trong những năm qua đã có những bước đột phá, tiên phong trong việc phát triển phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam.

Nhiều tranh chấp của các doanh nghiệp ở các tỉnh thành như Đà Nẵng, Bình Định, Nghệ An, Đăk Lăk, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội,… đã được Hội đồng trọng tài thuộc MCAC tham gia giải quyết.

Vậy, điều gì đã khiến cho việc lựa chọn Trọng tài MCAC là điều cần thiết cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân?

1. Vì sao chọn Trọng tài?

Trọng tài thương mại ngày càng trở nên phổ biến đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phương thức giải quyết tranh chấp này được các doanh nghiệp tiếp cận và lựa chọn có xu hướng ngày càng tăng bởi vì thủ tục giải quyết nhanh gọn và hiệu quả cùng một số ưu điểm trong thực tế mà phương thức này mang lại.

Hoạt động Trọng tài nổi bật với các ưu điểm sau:

  • Với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, Trọng tài thương mại cho phép các bên có quyền chủ động thỏa thuận giúp rút ngắn thời gian tố tụng và không phải trải qua nhiều cấp xét xử. Ngoài ra, tính linh hoạt trong thủ tục tố tụng trọng tài còn được tối ưu với hình thức tố tụng điện tử thông qua các phiên họp trực tuyến như tele-conference, video-conference,...
  • Quyền “tự do thỏa thuận” của các bên được đảm bảo xuyên suốt quá trình giải quyết tranh chấp. Theo đó, từ khi bắt đầu đến giai đoạn kết thúc tố tụng, các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn về: thời gian và địa điểm giải quyết tranh chấp, thành phần Hội đồng trọng tài, ngôn ngữ trọng tài,...
  • Việc chủ động chỉ định trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài sẽ giúp các bên lựa chọn được trọng tài viên nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc các vấn đề tranh chấp.
  • Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Nguyên tắc xét xử này tạo điều kiện cho các bên giữ được bí mật và uy tín kinh doanh.
  • Trọng tài không nhân danh Nhà nước mà nhân danh ý chí của các bên tranh chấp, phù hợp với các quy định của pháp luật. Vì thế, phương thức này được ưu tiên lựa chọn khi giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
  • Một trong những đặc điểm nổi bật của hoạt động Trọng tài là tính chung thẩm của Phán quyết trọng tài. Phán quyết trọng tài là quyết định giải quyết toàn bộ vụ tranh chấp và chấm dứt quá trình tố tụng Trọng tài, buộc các bên phải thi hành. Khác với Bản án và Quyết định của Tòa án, Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực bắt buộc thi hành với các bên. Tính chung thẩm giúp đơn giản hóa thủ tục tố tụng Trọng tài; tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên đồng thời góp phần tạo nên ưu thế vượt trội của tố tụng Trọng tài.
  • Phán quyết của Hội đồng trọng tài có hiệu lực tương đương với Bản án, Quyết định của Tòa án và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án Dân sự. Không có sự phân biệt giữa việc thi hành Phán quyết của Trọng tài thương mại với việc thi hành án Bản án, Quyết định của Tòa án.

Phán quyết trọng tài có hiệu lực kể từ ngày ban hành, thời hạn thi hành được quy định cụ thể trong Phán quyết. Hết thời hạn thi hành Phán quyết mà bên phải thi hành không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ Phán quyết trọng tài thì bên được thi hành Phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án Dân sự có thẩm quyền cưỡng chế thi hành Phán quyết này.

 

2. Thực trạng phát triển Trọng tài ở Việt Nam hiện nay.

Các quốc gia khu vực Châu Á, Đông Nam Á đã hình thành các tổ chức trọng tài mang tầm quốc tế như: Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC), Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kong (HKIAC), Trung tâm trọng tài Kualalumpur (nay là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Châu Á – AIAC), Viện Trọng tài thuộc Phòng thương mại Thái Lan (TAI), …

Việt Nam hiện nay có khoảng 40 trung tâm trọng tài thương mại, phân bổ chủ yếu ở hai trung tâm kinh tế, tài chính là thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đây, không ít tranh chấp của các doanh nghiệp ở miền Trung – Tây Nguyên khi được giải quyết bằng trọng tài phải tham gia các phiên họp tại thủ đô Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Việc đi lại trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp cũng là gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.

Sự ra đời của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng đã góp phần đẩy mạnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam.

Trong những năm qua, hoạt động trọng tài thương mại đã có nhiều chuyển biến tích cực tại khu vực Miền Trung – Đà Nẵng, các hội thảo về trọng tài thương mại đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tổ chức luật sư và các hiệp hội, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng cùng tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và các tổ chức khác đã triển khai nhiều toạ đàm, hội thảo về chuyên đề trọng tài, như hội thảo “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải – Phương án khả thi cho doanh nghiệp”, “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hoà giải bằng hình thức trực tuyến trên thế giới và Việt Nam hiện nay”….

 

3. Vì sao chọn Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) để giải quyết tranh chấp?

Thứ nhất, liên quan đến vấn đề lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp

Theo quy định tại Điều 11 Luật TTTM 2010 cho phép các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp không có thỏa thuận thì Hội đồng trọng tài quyết định địa điểm giải quyết tranh chấp mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp.

Không ít trường hợp các bên không chọn địa điểm giải quyết tranh chấp, khi ấy trung tâm trọng tài sẽ chọn địa điểm giải quyết tranh chấp là nơi “thích hợp cho việc trao đổi ý kiến giữa các thành viên của Hội đồng trọng tài”, ban Thư ký – Trong thực tế được hiểu theo hướng là địa điểm trụ sở của trung tâm trọng tài.

Và một vấn đề các bên cần tính đến là phần lớn các trung tâm trọng tài có trụ sở ở Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cho nên nếu địa điểm giải quyết không ở trụ sở của trung tâm trọng tài thì các bên sẽ mất thêm một khoản chi phí đi lại, ở cho Trọng tài viên, Thư ký Hội đồng trọng tài,.. để đến địa điểm xử theo yêu cầu của các bên đương sự.

Những vấn đề phát sinh liên quan cho tình huống ấy về chi phí, thời gian, di chuyển.. của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp là khó tránh khỏi và khó tính được bằng tiền… Điều này thì quả là chẳng bên nào muốn cả.

Trong một số Hợp đồng thương mại có điều khoản thỏa thuận Trọng tài để giải quyết tranh chấp được xác lập bởi các bên là những doanh nghiệp có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng hoặc các tỉnh miền Trung, thì việc lựa chọn Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung sẽ là sự lựa chọn phù hợp và thuận tiện cho các bên về các yếu tố như khu vực địa lý hay sự thuận tiện cho trọng tài viên, kể cả khoảng cách di chuyển giữa các địa điểm. Hiện nay, MCAC có hệ thống các chi nhánh văn phòng đại diện trên khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Theo đó, các bên sẽ không mất thêm một khoản chi phí đi lại, ở cho Trọng tài viên, cũng như thuận lợi cho việc tham gia của các bên.

Thứ hai, các vấn đề phát sinh trong quá trình giải quyết tranh chấp được giải quyết thuận tiện hơn.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài hoặc Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đáp ứng một hay một số yêu cầu cấp bách của đương sự trong vụ tranh chấp, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tài sản và đảm bảo cho việc thi hành án sau này.

Theo khoản 1 Điều 53 Luật TTTM 2010: “Một bên có quyền làm đơn gửi đến Toà án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời”.

Ví dụ:  Nguyên đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT là kê biên tài sản đang tranh chấp, trong đó yêu cầu đối với tài sản là nhà xưởng tại huyện Y, thành phố Đà Nẵng. Trong trường hợp này, Tòa án có thẩm quyền áp dụng BPKCTT theo yêu cầu của Nguyên đơn là TAND thành phố Đà Nẵng.

Hoặc trong quá trình giải quyết bằng Trọng tài, các bên nếu cần đến sự hỗ trợ của Toà án liên quan đến hoạt động trọng tài như kiến nghị về thẩm quyền của Trọng tài, trọng tài viên, hiệu lực của Phán quyết trọng tài,… thì việc lựa chọn giải quyết tranh chấp tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ thuận lợi hơn cho các bên khi thực hiện các quyền ấy.

Theo một vụ kiện liên quan đến dự án bất động sản được giải quyết bằng Trọng tài thể hiện cả Nguyên đơn và Bị đơn đều có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây Dựng A và Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư B. Vụ kiện được Trung tâm Trọng tài Quốc tế X có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết, và trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp trên thì cả Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây Dựng A, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư B phải có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh để tham gia các phiên họp.

Chưa dừng ở đó, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư B sau đó đã có những khiếu nại đối với phán quyết trọng tài. Để thực hiện quyền yêu cầu đó, Công ty Cổ phần Tư vấn và Đầu tư B phải làm các thủ tục nộp đơn và tham gia phiên họp của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh,…

Dựa vào những thực tế và quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, trong trường hợp các bên tranh chấp là những tổ chức nằm ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên thì việc lựa chọn MCAC là Trung tâm để giải quyết tranh chấp sẽ có nhiều ưu thế hơn bởi vì: Tiết kiệm được thời gian cũng như các chi phí đi lại của các bên, bởi lẽ nếu lựa chọn các Trung tâm ở phía Nam hay phía Bắc khác thì các đương sự phải phát sinh chi phí đi lại cũng như sinh hoạt khác sẽ tốn kém hơn.

Thứ ba, quá trình thi hành phán quyết trọng tài

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật TTTM 2010 xác định thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài như sau: “Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài là Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết”.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, trường hợp vụ tranh chấp này được giải quyết tại các trung tâm trọng tài ở Thành phố Hồ Chí Minh hay Thành phố Hà Nội thì việc giải quyết tài sản tranh chấp trong quá thi hành Phán quyết trọng tài phải do Cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương mà nơi Hội đồng trọng tài ra phán quyết. Do đó, trong trường hợp các đương sự đều ở khu vực miền Trung thì sẽ gây ra một số bất tiện về việc di chuyển và tốn thêm thêm chi phí phát sinh.

 

Vai trò của MCAC đối với hoạt động trọng tài tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung đặt trụ sở tại thành phố Đà Nẵng tạo nhiều cơ hội để tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp khu vực Miền Trung – Tây Nguyên góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ giải quyết tranh chấp kinh doanh cho các doanh nghiệp thông qua phương thức trọng tài, hòa giải.

Hiện nay, tổng số Trọng tài viên của MCAC đã hơn 60 Trọng tài viên. Cùng với trụ sở chính tại thành phố Đà Nẵng, MCAC có 10 văn phòng đại diện tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội.

Thực tế, MCAC đã tiếp nhận và tiến hành giải quyết nhiều vụ tranh chấp thương mại ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Bên cạnh việc giải quyết tranh chấp tại trụ sở thành phố Đà Nẵng, MCAC cũng đã tổ chức các phiên họp giải quyết ngoài phạm vi thành phố Đà Nẵng như tại tỉnh Bình Định, Thành phố Hồ Chí Minh,…. giữa các doanh nghiệp ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên như thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bình Định, tỉnh Đăk Lăk, tỉnh Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh,….

Bên cạnh việc giải quyết tranh chấp, MCAC còn có một số hoạt động liên kết với các trường đào tạo ngành luật nhằm hỗ trợ chuyên môn trong vấn đề về học thuật liên quan đến lĩnh vực trọng tài cũng như kinh doanh thương mại. Trong đó, MCAC từng là đơn vị bảo trợ về chuyên môn cho cuộc thi Trọng tài thương mại giả định Due Arbitration moot 2023 tổ chức tại Đại học Kinh Tế Đà Nẵng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng tạo cơ hội cho các sinh viên trường Đại học Kinh tế - Luật kiến tập thực tế và trao đổi trực tiếp với đại diện Ban Lãnh đạo của MCAC nhằm tìm hiểu về các hoạt động và bộ máy tổ chức của Trung tâm trọng tài.

Ngoài ra, MCAC có các buổi trao đổi tiếp xúc với các doanh nghiệp tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên, trong đó MCAC có buổi làm việc với các đại diện hợp tác xã, xã viên của Liên minh Hợp tác xã thành phố Đà Nẵng với mong muốn có nhiều cơ hội hỗ trợ, tư vấn cho các xã viên, hợp tác xã tại thành phố Đà Nẵng trong việc giải quyết các tranh chấp kinh doanh thương mại một cách hiệu quả nhất. MCAC cũng gặp gỡ với các hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng nhằm quảng bá về hoạt động giải quyết tranh chấp tại khu vực này. Theo đó, một số doanh nghiệp đã có sự chú ý đến lĩnh vực này và đưa phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vào thỏa thuận giữa các bên.

Có thể thấy rằng việc doanh nghiệp khu vực miền Trung – Tây Nguyên chọn MCAC là Trung tâm trọng tài để giải quyết tranh chấp bởi vì những ưu điểm mà Trung tâm mang lại cho các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp cũng như giai đoạn thi hành phán quyết trọng tài, thực thi các quyền lợi liên quan mà các bên được pháp luật bảo vệ.

 

Bài viết trên MCAC đã đưa những lý do tại sao doanh nghiệp tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên nên chọn trung tâm trọng tài thương mại miền Trung (MCAC). Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn

Đọc thêm: VTV8 – Công dân và pháp luật: Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại

Tin liên quan

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 786/2022/QĐ-PQTT NGÀY 07/6/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
19 10/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 786/2022/QĐ-PQTT NGÀY 07/6/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Cùng MCAC tìm hiểu Quyết định số 786/2022/QĐ-PQTT của Tòa án Nhân dân TP.HCM ngày 07/06/2022 về yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong vụ tranh chấp giữa Công ty C và Công ty F liên quan đến vi phạm thủ tục tố tụng và chứng cứ giả mạo.

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2022/QĐ-PQTT NGÀY 25/8/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]
08 10/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 08/2022/QĐ-PQTT NGÀY 25/8/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]

Khám phá các vấn đề pháp lý liên quan đến trọng tài thương mại trong Quyết 08/2022/QĐ-PQTT ngày 25/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, vụ tranh chấp về Hợp đồng thương mại giữa Công ty BH và Công ty LTD đã nổi bật những điểm quan trọng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Quyết định này không chỉ làm sáng tỏ quy trình xử lý của Hội đồng Trọng tài mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách thức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG