Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Số điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

XÁC ĐỊNH THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA TRỌNG TÀI, TÒA ÁN THEO QUY ĐỊNH LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

17/02/2023

1.    Các tranh chấp mà trọng tài có thẩm quyền giải quyết

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định về Luật trọng tài thương mại (Nghị quyết số 01/20214/NQ-HĐTP): “Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp quy định tại Điều 2 Luật TTTM nếu các bên có thoả thuận trọng tài quy định tại Điều 5 và Điều 16 Luật TTTM, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.”. Theo đó, nếu các bên có thỏa thuận trọng tài phù hợp với quy định pháp luật, trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sau:
-    Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại.
-    Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động kinh doanh, thương mại.
-    Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.

Trọng tài có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp nếu các bên có thoả thuận trọng tài phù hợp với quy định pháp luật.

2.    Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa trọng tài và Tòa án

Để giải quyết xung đột thẩm quyền xét xử giữa Trọng tài và Tòa án, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP quy định cụ thể như sau:
2.1. Khi có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp phát sinh được liệt kê ở trên thì Tòa án yêu cầu một hoặc các bên cho biết tranh chấp đó các bên có thoả thuận trọng tài hay không. Tòa án phải kiểm tra, xem xét các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện để xác định vụ tranh chấp đó có thuộc trường hợp có thoả thuận trọng tài nhưng Toà án vẫn có thể có thẩm quyền hay không.
Tùy từng trường hợp cụ thể mà Tòa án xử lý như sau:
a) Trường hợp tranh chấp không có thoả thuận trọng tài hoặc đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định, phán quyết có hiệu lực pháp luật của Trọng tài xác định vụ tranh chấp không có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.

b) Trường hợp tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp bị vô hiệu thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Trường hợp sau khi thụ lý vụ án Tòa án mới phát hiện vụ tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài không thuộc trường hợp bị vô hiệu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện cho người khởi kiện.
c) Trường hợp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp và Hội đồng trọng tài đang giải quyết vụ tranh chấp thì dù Tòa án nhận thấy tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài hoặc tuy đã có thoả thuận trọng tài nhưng bị vô hiệu mà người khởi kiện có yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp Tòa án đã thụ lý thì ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án, trừ trường hợp Tòa án thụ lý vụ tranh chấp trước khi có yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp. Sau khi có quyết định, phán quyết của Hội đồng trọng tài mà người khởi kiện có yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án xem xét thụ lý, giải quyết theo thủ tụ tố tụng dân sự.
2.2. Tranh chấp có thỏa thuận trọng tài nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác:

a) Có quyết định của Tòa án huỷ phán quyết trọng tài, hủy quyết định của Hội đồng trọng tài về việc công nhận sự thỏa thuận của các bên;
b) Có quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp của Hội đồng trọng tài, Trung tâm trọng tài quy định tại khoản 1 Điều 43 các điểm a, b, d và đ khoản 1 Điều 59 Luật Trọng tài thương mại;
c)  Các bên đã có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài cụ thể nhưng Trung tâm trọng tài này đã chấm dứt hoạt động mà không có tổ chức trọng tài kế thừa, và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trung tâm trọng tài khác để giải quyết tranh chấp;
d) Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà Trọng tài viên không thể tham gia giải quyết tranh chấp, hoặc Trung tâm trọng tài, Tòa án không thể tìm được Trọng tài viên như các bên thỏa thuận và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế;
e) Các bên đã có thỏa thuận cụ thể về việc lựa chọn Trọng tài viên trọng tài vụ việc, nhưng tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Trọng tài viên từ chối việc được chỉ định hoặc Trung tâm trọng tài từ chối việc chỉ định Trọng tài viên và các bên không thỏa thuận được việc lựa chọn Trọng tài viên khác để thay thế;
f) Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng có điều khoản về thỏa thuận trọng tài được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn quy định tại Điều 17 Luật Trọng tài thương mại nhưng khi phát sinh tranh chấp, người tiêu dùng không đồng ý lựa chọn Trọng tài giải quyết tranh chấp.

Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP quy định các nội dung để giải quyết xung đột thẩm quyền xét xử giữa Trọng tài và Tòa án

2.3. Trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này mà phát sinh tranh chấp thì xử lý như sau:
a) Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại Điều 6 Luật TTTM để từ chối thụ lý, giải quyết. Trong trường hợp này, khi nhận được đơn khởi kiện Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện, nếu đã thụ lý vụ án thì căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.
b) Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà Tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp thì Tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án mà phát hiện tranh chấp đã có yêu cầu Trọng tài giải quyết trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì Tòa án căn cứ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 192 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án vì không thuộc thẩm quyền của Tòa án, trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện.

Bạn có thể quan tâm: Phán quyết trọng tài theo nguyên tắc tố tụng của MCAC

Trên đây là các nội dung liên quan đến vấn đề xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa trọng tài, toà án theo quy định trọng tài thương mại. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.

 

Tin liên quan

10 THUẬT NGỮ LATIN THÔNG DỤNG TRONG TRỌNG TÀI QUỐC TẾ
09 04/2024

10 THUẬT NGỮ LATIN THÔNG DỤNG TRONG TRỌNG TÀI QUỐC TẾ

Trong pháp luật quốc tế nói chung và trọng tài thương mại quốc tế nói riêng, thỉnh thoảng các thuật ngữ Latin được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, người hành nghề thực tiễn (trọng tài viên, Luật sư,…) đề cập đến.

NHỮNG KHÁC BIỆT VÀ ƯU ĐIỂM CỦA PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI SO VỚI TOÀ ÁN MÀ DOANH NGHIỆP CẦN BIẾT
02 04/2024

NHỮNG KHÁC BIỆT VÀ ƯU ĐIỂM CỦA PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG TRỌNG TÀI SO VỚI TOÀ ÁN MÀ DOANH NGHIỆP CẦN BIẾT

Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hiện đang trở thành một lựa chọn phổ biến cho các doanh nghiệp trong việc giải quyết mâu thuẫn. Bài viết này sẽ đi sâu vào những khác biệt và ưu điểm của phương thức này so với việc chuyển tranh chấp tới toà án. Nhờ vào tính linh hoạt, hiệu quả và tính bảo mật cao, phương thức này đem lại nhiều lợi ích mà mọi doanh nghiệp cần nắm vững.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG