Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 10/2023/QĐ-PQTT NGÀY 20/5/2023 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

07/08/2024

1. Nội dung vụ việc có liên quan  

Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X đã giải quyết tranh chấp về Hợp đồng bảo hiểm tàu biển Việt Nam số 026/HD/01KD2/TAU.TT/2020 giữa Công ty Cổ phần đào tạo và cung ứng thuyền viên BM “Công ty BM” (Nguyên đơn) với Tổng Công ty CP BHBĐ  “Công ty BHBĐ” (Bị đơn thứ nhất) và Công ty Bảo hiểm BHQĐ  “Công ty BHQĐ” (Bị đơn thứ hai).

Nguyên đơn là Công ty BM khiếu nại đối với Phán quyết của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X đến Tòa án có thẩm quyền. Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã thụ lý đơn yêu cầu và thành lập Hội đồng xét đơn để giải quyết yêu cầu của Nguyên đơn.

Nguyên đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài Vụ tranh chấp vì lý do: Thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với quy định pháp luật và thoả thuận của các bên; Phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam vì phán quyết bỏ qua việc một bên tham gia xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiếu thiện chí, trung thực.

Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội có thẩm quyền nhận định: Phán quyết trọng tài của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X không vi phạm các nguyên tắc cơ bản quy định tại điều 3 Bộ luật dân sự 2005 và không thuộc trường hợp để hủy phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Do đó, yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp của Công ty G không có cơ sở để Hội đồng xét đơn yêu cầu chấp nhận. 

Thứ nhất, đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vì lý do thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với quy định pháp luật và thoả thuận của các bên, Nguyên đơn cho rằng: Theo Thỏa thuận tố tụng Trọng tài giữa các Bên thì thủ tục tố tụng được đề nghị theo hình thức rút gọn. Tuy nhiên, Trọng tài đã vi phạm thỏa thuận này khi chấp thuận các văn bản của Công ty BHBĐ cung cấp không theo yêu cầu của Trọng tài và thời gian Trọng tài nhận văn bản chênh lêch rất lớn khi ghi lùi ngày, so với ngày ghi trên văn bản.

Hội đồng xét đơn nhận thấy, tại Thỏa thuận tố tụng trọng tài các bên có thỏa thuận: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm thân tàu biển Việt Nam thì giữa các bên sẽ được giải quyết bằng Trọng tài tại Trung tâm trọng tài X theo quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này và được tiến hành theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 37 Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài X”.

Ngày 29/4/2022 Trung tâm trọng tài X nhận được bản tự bảo vệ của bị đơn thứ nhất và đến ngày 11/5/2022 Trung tâm trọng tài X nhận được bản tự bảo vệ và tài liệu kèm theo của bị đơn thứ hai. Hội đồng xét đơn thấy rằng: Việc Trung tâm trọng tài X nhận được ngày 11/5/2022 không phải do lỗi của BHQĐ và không phải là bằng chứng chứng minh bản tự bảo vệ của BHQĐ  là do ghi lùi ngày khi Công ty BM không có chứng cứ chứng minh việc BHQĐ  ghi lùi ngày. 

Tại phiên họp giải quyết vụ tranh chấp, Bên liên quan là Công ty BHBĐ trình bày: yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Công ty BM  là không có căn cứ. Theo đó, Công ty BHBĐ xác nhận nộp bản tự bảo vệ trực tiếp và đúng hạn. Hội đồng trọng tài đã xem xét phân tích đầy đủ toàn diện các nội dung liên quan đến vụ án, tuân thủ đầy đủ các quy định tại quy tắc tố tụng trọng tài nên yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Công ty BM  là không có căn cứ. Đồng thời, Công ty BHQĐ nhất trí với quan điểm của Công ty BHBĐ về việc không có căn cứ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

Ngoài ra, bên yêu cầu là Công ty BM không có ý kiến đối với việc nộp bản tự bảo vệ của Bị đơn thứ nhất theo yêu cầu của Trung tâm trọng tài X mà chỉ cho rằng bị đơn thứ hai vi phạm thời hạn trả lời Trung tâm trọng tài X. Xét thấy BHBĐ và BHQĐ  là liên danh trong hợp đồng bảo hiểm với Công ty BM  nên họ là đồng bị đơn (hay là bị đơn thứ nhất và bị đơn thứ hai) khi Công ty BM  khởi kiện tại Trung tâm trọng tài X nên nếu bị đơn thứ hai vi phạm thời hạn trả lời mà bị đơn thứ nhất không vi phạm thời hạn thì phải xác định bị đơn không vi phạm.

Bên cạnh đó, nếu là trường hợp cả hai bị đơn nộp văn bản đến Trung tâm trọng tài X quá thời hạn 10 ngày mà phía nguyên đơn không có phản đối về việc đó mà vẫn tham gia tố tụng trọng tài chỉ khi Hội đồng trọng tài có phán quyết bất lợi thì mới nêu vấn đề trả lời chậm này ra thì cũng đã mất quyền phản đối.

Đối chiếu theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Quy tắc Tố tụng của Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC): “Trong trường hợp một bên phát hiện có sự vi phạm quy định của Pháp luật về Trọng tài, của Quy tắc Tố tụng này hoặc của Thỏa thuận trọng tài mà không phản đối trong thời hạn quy định của Quy tắc Tố tụng này thì mất quyền phản đối về những vi phạm đó. Đối với các trường hợp không quy định thời hạn phản đối thì việc phản đối phải được đưa ra chậm nhất trước thời điểm Hội đồng Trọng tài tuyên bố phiên họp giải quyết vụ tranh chấp là phiên họp cuối cùng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Theo đó, Nguyên đơn không thể hiện sự phản đối về những vi phạm này với Hội đồng trọng tài hay Trung tâm Trọng tài trong thời hạn mà vẫn tiếp tục thực hiện quá trình tố tụng thì mất quyền phản đối những quy định đó tại Trọng tài. 

Thứ hai, Nguyên đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vì lý do Phán quyết của Trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam khi công nhận điểm 3,4 hợp đồng bảo hiểm. Hội đồng xét đơn thấy rằng phán quyết của Hội đồng trọng tài không vi phạm các nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 3 Bộ luật dân sự 2015, lý do này của Công ty BM  thuộc về việc xem xét nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết. 

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 điều 71 Luật Trọng tài thương mại: thì Hội đồng xét đơn không xem xét các nội dung này. Theo đó, việc xem xét yêu cầu của các Bên thuộc về nội dung vụ tranh chấp. Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại quy định: “Khi xét đơn yêu cầu, Hội đồng xét đơn yêu cầu căn cứ vào các quy định tại Điều 68 của Luật này và các tài liệu kèm theo để xem xét, quyết định; không xét xử lại nội dung vụ tranh chấp mà Hội đồng trọng tài đã giải quyết…………….”.Dựa trên quy định pháp luật, khi giải quyết Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn không xét lại nội dung vụ tranh chấp, Tòa án chỉ xem xét dưới góc độ về tố tụng. 

Căn cứ theo quy định pháp luật và tình hình thực tế Vụ tranh chấp, Hội đồng xét đơn nhận định: Phán quyết của Hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp trên không vi phạm các nguyên tắc cơ bản quy định tại điều 3 Bộ luật dân sự 2005, không thuộc một trong các trường hợp phải hủy theo khoản 2 điều 68 Luật trọng tài thương mại. Do đó, yêu cầu huỷ Phán quyết trọng tài của Công ty BM là không có cơ sở để chấp nhận.

Tư vấn giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm - Apluslaw 

2. Bản án, quyết định

Với Hội đồng xét đơn yêu cầu gồm có: 

Thẩm phán - Chủ tọa: Ông Hoàng Minh Thành 

Các Thẩm phán:          Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh 

                                    Bà Lê Thúy Linh 

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tham gia phiên họp: bà Bà Đinh Thị Tuyết Mai - Kiểm sát viên.    

Thư ký ghi biên bản phiên họp: bà Dương Thị Huệ - Thư ký Tòa án. 

Căn cứ vào Điều 71 của Luật trọng tài thương mại; 

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ kèm theo và Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 12/22 ngày 30/11/2022 của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (Trung tâm trọng tài X) tại Hà Nội.  

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Bên yêu cầu là Công ty Cổ phần đào tạo và cung ứng thuyền viên BM  là nguyên đơn trong Phán quyết trọng tài số 12/22 ngày 30/11/2022 với bị đơn là Tổng Công ty Cổ phần BHBĐ  và Tổng Công ty cổ phần BHQĐ  

Các bên tham gia phiên họp xét đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài gồm có:  

Bên yêu cầu: Công ty Cổ phần Đào tạo và cung ứng thuyền viên BM  

Bên liên quan: Tổng Công ty Cổ phần BHBĐ  

Đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Kim L – Tổng Giám đốc 

NỘI DUNG VỤ VIỆC NHƯ SAU 

Công ty Cổ phần đào tạo và cung ứng thuyền viên BM  (Sau đây gọi tắt là Công ty BM ) ký Hợp đồng bảo hiểm tàu biển Việt Nam số 026/HD/01KD2/TAU.TT/2020 (Gọi tắt là hợp đồng bảo hiểm số 26") với Liên danh Công ty BHBĐ  Thủ Đô (“BHBĐ Thủ Đô") (là công ty con hạch toán phụ thuộc của Tổng Công ty CP BHBĐ  (Gọi tắt là Công ty BHBĐ ) và Công ty Bảo hiểm BHQĐ  Thủ Đô (BHQĐ  Thủ Đô") (là công ty con hạch toán phụ thuộc của Tổng Công ty CP BHQĐ  (Gọi tắt là Tổng Công ty BHQĐ ) với một số nội dung chính như sau:  Đối tượng bảo hiểm: Tàu MN  07 (“Tàu”), số IMO/số đăng ký: 3WBP- 8118217. Số tiền bảo hiểm: 25.000.000.000 VND, mức khấu trừ: 100.000.000 VND/vụ (không áp dụng mức khấu trừ trong trường hợp tàu bị tổn thất toàn bộ), tỷ lệ phí bảo hiểm: 0,8 % (đã bao gồm thuế GTGT), phí bảo hiểm: 181.818.182 VND, thuế GTGT: 18.181.818 VND, tổng phí bảo hiểm: 200.000.000 VND, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm: chia thành 04 kỳ, mỗi kỳ tương ứng với 25% phí bảo hiểm trong vòng, lần lượt là, 30 ngày, 90 ngày, 150 ngày và 210 ngày kể từ ngày ký kết Hợp đồng bảo hiểm. Thời hạn bảo hiểm là 01 năm, từ 00h00 ngày 07 tháng 07 năm 2020 đến 24h00 ngày 06 tháng 07 năm 2021.  

Theo Kháng nghị hàng hải lập ngày 07 tháng 10 năm 2020, Tàu hành trình từ cảng Xi măng Thăng Long, Hiệp Phước, TP. Hồ Chí Minh đi Cẩm Phả, Quảng Ninh nhận hàng clinker. Khi hành trình ngang qua vùng biển Vũng Áng, Hà Tĩnh thì gặp gió mùa Đông Bắc mạnh dần lên cấp 8, sóng cao khoảng 4 - 5 m vào lúc 7h20 ngày 07 tháng 10 năm 2020. Tàu chuyển hướng vào khu neo Vũng Áng để tránh gió và bảo đảm an toàn cho thuyền viên và Tàu. Tàu đã thả 08 đường neo trái và dùng máy chính để hỗ trợ neo (máy chính tới hết) nhưng do sóng to, gió lớn cộng thêm tàu không chở hàng nên bị trôi neo, trôi nhanh vào phía bờ biển khu vực cửa khẩu và mắc cạn lúc 11h35 phút ngày 07 tháng 10 năm 2020 tại khu vực Cửa Khẩu. 

Ngay sau khi xảy ra sự cố đối với Tàu, Nguyên đơn đã cập nhật thông tin và thông báo tổn thất cho BHBĐ Thủ Đô qua thư điện tử ngày 07 tháng 10 năm 2020, 4:04 PM, công văn số 04/CV-BH, và công văn số 150/CV-KD gửi BHBĐ Thủ Đô và BHQĐ  Thủ Đô. 

Sau khi nhận được thông báo sự cố của Nguyên đơn, Công ty BHBĐ  (PTI) đã chỉ định Công ty CP giám định Phương Bắc Hà Nội giám định, đồng thời thu thập tài liệu liên quan. 

Ngày 4 tháng 11 năm 2020, các Bên đã có buổi họp tại văn phòng của Công ty BM  về việc giải quyết bồi thường cho Tàu. BHBĐ cho rằng theo quy định tại khoản 4.4. Điều 4 Hợp đồng bảo hiểm, Bên được bảo hiểm [Nguyên đơn] đã thanh toán phí bảo hiểm kỳ 2 chậm so với quy định HĐBH (Hợp đồng bảo hiểm] đã tự động chấm dứt trước thời điểm Bên được bảo hiểm [Nguyên đơn] thanh toán phí bảo hiểm kỳ 2 và do đó tổn thất của tàu MN  07 xảy ra vào ngày 07/10/2020 phát sinh sau thời điểm HĐBH đã bị tự động chấm dứt. Nguyên đơn “không đồng ý với ý kiến của BHBĐ rằng HĐBH đã bị chấm dứt. Yêu cầu BHBĐ thực hiện trách nhiệm bảo hiểm đối với vụ tổn thất này." 

Có án lệ, tranh chấp bảo hiểm nhân thọ bớt căng | Tin nhanh chứng khoán

Do thương lượng không có kết quả, Công ty BM  đã khởi kiện các Bị đơn tại Trung tâm trọng tài X để yêu cầu bồi thường tổn thất Tàu bị mắc cạn và chi phí phát sinh liên quan đến quá trình giải quyết tranh chấp và yêu cầu Hội đồng Trọng tài buộc các Bị đơn phải bồi thưởng cho Nguyên đơn tổng số tiền tạm tính đến ngày 15 tháng 3 năm 2022 là 12.240.000.000 VND; và các bị đơn phải chịu toàn bộ chi phí phát sinh liên quan đến quá trình giải quyết tranh chấp như lãi chậm trả, phí trọng tài, phí luật sư….  

Ngày 30/11/2022, Hội đồng trọng tài đã ban hành phán quyết số 12/22 đối với vụ tranh chấp nêu trên và quyết định: Không chấp nhận các yêu cầu trong đơn khởi kiện của Công ty BM . Các bị đơn phải liên đới thanh toán cho Nguyên đơn số tiền phí trọng tài là 151.164.000 đồng. 

Không đồng ý với phán quyết trọng tài nêu trên, ngày 28/12/2022, Công ty BM có đơn yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hủy phán quyết trọng tài nêu trên 

Tại đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài ngày 28/12/2022, bản giải trình ngày 10/5/2023 bên yêu cầu (nguyên đơn) trình bày căn cứ yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài như sau: 

Căn cứ Điều 68 Luật Trọng tài thương mại 2010 Công ty CP đào tạo và cung ứng thuyền viên BM  đề nghị Tòa án Nhân dân TP Hà Nội xem xét hủy Phán quyết Trọng tài số 12/22 vì: 

1. Thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với quy định pháp luật và thoả thuận của các bên và có bằng chứng cho thấy Trọng tài đã sử dụng Bản tự bảo vệ ghi không đúng ngày của Tổng Công ty CP bảo hiểm BHQĐ làm căn cứ để ra phán quyết bất lợi cho BM :              

- Theo Thỏa thuận tố tụng Trọng tài giữa các Bên ngày 18/2/2021 (ngày ghi trên Thỏa thuận) thì thủ tục tố tụng được đề nghị theo hình thức rút gọn; tuy nhiên Trọng tài đã vi phạm thỏa thuận này khi chấp thuận các văn bản của BHQĐ  cung cấp không theo yêu cầu của Trọng tài và thời gian Trọng tài nhận văn bản chênh lêch rất lớn-  ghi lùi ngày, so với ngày ghi trên văn bản; cụ thể: Theo phán quyết của Trọng tài vụ 12/22 thì (trích): 

……………………..

2. Phán quyết của Trọng tài vụ tranh chấp 12/22 trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” khi công nhận điểm 3,4 Hợp đồng Bảo hiểm số 0000026/HD/0001 KD2/TAU.TT/2020 do liên danh các Công ty bảo hiểm soạn thảo theo mẫu của Bảo hiểm BHBĐ là đúng pháp luật: 

……………………

Những quy định Pháp luật trên đây được hiểu rằng việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự trong quan hệ bảo hiểm phải được lập bằng văn bản, việc chấm dứt hiệu lực bảo hiểm không thể mang tính “tự động, nếu 1 trong 2 bên muốn chấm dứt hiệu lực hợp đồng bảo hiểm thì cũng như khi xác lập và thay đổi thì việc chấm dứt bảo hiểm cũng phải được lập thành văn bản để thông báo cho bên được bảo hiểm. 

Mặc dù vậy, điểm 3,4 Hợp đồng Bảo hiểm số 0000026/HD/0001 KD2/TAU.TT/2020 do liên danh các Công ty bảo hiểm soạn thảo theo mẫu của Bảo hiểm BHBĐ lại quy định “Ngoài những điều quy định trong luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ luật Hàng hải và Bộ luật Dân sự Việt nam và điều kiện áp dụng cho từng tàu, Hiệu lực bảo hiểm cũng tự động chấm dứt khi Bên được bảo hiểm không thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hợp đồng”  Thực tế, Bảo hiểm BHBĐ đã không thông báo chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm bằng văn bản cho BM  

Hợp đồng bảo hiểm quy định trái pháp luật, BHBĐ và BHQĐ  thực hiện trái pháp luật nhưng nhưng Trọng tài vẫn công nhận. 

…………………

Hợp đồng bảo hiểm số 0000026/HD/0001 KD2/TAU.TT/2020 cũng quy định sai với quy định của Thông tư 50/2017 của Bộ Tài chính về thời hạn đóng phí bảo hiểm. Cũng tại Điểm 1.1 Khoản 1 điều 21 của Thông tư quy định:” (trích)” Trường hợp đóng phí bảo hiểm theo kỳ: Thời hạn thanh toán phí bảo hiểm của kỳ đóng phí bảo hiểm đầu tiên không vượt quá 30 ngày kể từ ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm, trong khi đó Điểm 4.4 Hợp đồng bảo hiểm số 0000026/HD/0001 KD2/TAU.TT/2020 lại quy định (trích)” trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký kết Hợp đồng bảo hiểm” quy định này dẫn tới hệ quả khác nhau về thời gian thực hiện việc nộp phí. 

3- “Phán quyết của Trọng tài vụ tranh chấp 12/22 trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” phán quyết bỏ qua việc một bên tham gia xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiếu thiện chí, trung thực “thể hiện: 

Điểm 4.4 Hợp đồng bảo hiểm số 0000026/HD/0001 KD2/TAU.TT/2020 quy định trách nhiệm thanh toán Phí bảo hiểm của BM  như sau (trích)” Kỳ I: Thanh toán 25% phí bảo hiểm trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký kết Hợp đồng bảo hiểm”; ngày ký kết Hợp đồng bảo hiểm là ngày 06/7/2020; đến ngày 06/8/2020 BM  nộp phí bảo hiểm và được BHBĐ và BHQĐ  xuất hóa đơn VAT chấp nhận việc nộp phí đúng hạn, trong khi kể từ ngày 06/7/2020 đến ngày 06/8/2020 đã là 32 ngày vì Hợp đồng bảo hiểm tính thời gian từ ngày 06 (khác quy định về tính thời hạn của Bộ luật Dân sự) và tháng 7 có 31 ngày;  

Vì sao vào thời điểm đó, Hợp đồng bảo hiểm không tự động chấm dứt hiệu lực dù BM  cũng nộp phí trong vòng 32 ngày.  

…………………………..

Có thể thấy rõ một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là:” Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực” thì cả BHBĐ và BHQĐ  trong quan hệ hợp đồng bảo hiểm với BM  đã thiếu thiện chí, không trung thực dẫn đến tranh chấp nhưng vẫn được Trọng tài bảo vệ, ban hành Quyết định trái pháp luật. 

Bên cạnh đó, Công ty CP đào tạo và cung ứng thuyền viên BM  xin được bổ sung quy định của Điều 405. Bộ Luật Dân sự 2015” Hợp đồng theo mẫu:(3)” Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. 

Việc phán quyết Trọng tài vụ 12/22 trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt nam đã gây thiệt hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty CP đào tạo và cung ứng thuyền viên BM  

Tại bản giải trình bổ sung ngày 25/5/2023 gửi Tòa án, Công ty BM  giải trình như sau: 

Thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với quy định pháp luật và thoả thuận của các bên và có bằng chứng cho thấy Trọng tài đã sử dụng Bản tự bảo vệ ghi không đúng ngày của BHQĐ  làm căn cứ để ra phán quyết bất lợi cho Công ty BM , cụ thể:            

 - Theo Thỏa thuận tố tụng Trọng tài ngày 18/2/2021 giữa các Bên (ngày ghi trên Thỏa thuận) thì thủ tục tố tụng được đề nghị theo hình thức rút gọn, (trích điểm 5):”Thời gian gửi Bản bảo vệ và đơn kiện lại (nếu có):không quá 10 ngày kể từ ngày thông qua vụ tranh chấp và hồ sơ kiện từ Trung tâm;  tuy nhiên Trọng tài đã vi phạm thỏa thuận này khi chấp thuận các văn bản của BHQĐ  cung cấp không theo yêu cầu của Trọng tài và thời gian Trọng tài nhận văn bản chênh lêch rất lớn-  ghi lùi ngày, so với ngày ghi trên văn bản; cụ thể:  

+ Ngày 12/4/2022 Trung tâm gửi tới các Bị đơn” Thông báo vụ tranh chấp số 456/X kèm theo Đơn khởi kiện, Thỏa thuận Trọng tài và các tài liệu có liên quan của Nguyên đơn. Tại Thông báo Trung tâm trọng tài X đề nghi Bị đơn trong vòng 10 ngày kể từ ngày tiếp theo của ngày nhận được Thông báo, gửi tới Trung tâm trọng tài X 04 bộ tài liệu gồm Bản tự bảo vệ và các tài liệu có liên quan.  

+ Ngày 11/5/2022 Trung tâm trọng tài X nhận được văn thư số 725/2022/CV-BHQĐ  kèm theo Bản tự bảo vệ và các tài liệu của Bị đơn thứ hai tức là sau khi BHQĐ  nhận được Thông báo 23 ngày nhưng trên công văn BHQĐ  vẫn hợp thức bằng việc ghi ngày soạn thảo là 28/4/2022, dù ghi ngày nhận được Thông báo của Trung tâm trọng tài X là 18/4/2022. 

+ Bản tự bảo vệ số 02 của BHQĐ  ghi ngày 05/9/2022 

+ Bản tự bảo vệ số 03 của BHQĐ  ghi ngày 02/11/2022 

Vì vậy, Công ty BM  kính đề nghị Tòa án ND TP Hà Nội hủy bỏ phán quyết Trọng tài số 12/22 lập ngày 30/11/2022 bởi Hội đồng Trọng tài Trung tâm Trọng tài X

Tại bản ý kiến ngày 18/5/2023, bên liên quan (là bị đơn trong vụ việc) là Tổng Công ty cổ phần BHBĐ  (PTI) trình bày: 

Yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty BM  không thuộc một trong các trường hợp được hủy phán quyết trọng tài theo quy định của khoản 2 điều 68. Luật trọng tài thương mại năm 2010. Cụ thể: 

1.1 Trong đơn xin hủy phán quyết trọng tài và bản tự giải trình của Công ty BM  nêu: “Thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với quy định pháp luật và thỏa thuận của các bên.” điều này là không đúng với hồ sơ vụ án và không có căn cứ: 

…………………….

Như vậy, trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp tại trọng tài, Hội đồng trọng tài đã tuân thủ đầy đủ các thủ tục tố tụng trọng tài đúng theo quy định của Luật trọng tài thương mại, quy định tại quy tắc tố tụng trọng tài của trung tâm trọng tài X và thỏa thuận tố tụng trọng tài của các bên.  

1.2. Trong đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Công ty BM cho rằng: “2. Phán quyết của Trọng tài vụ tranh chấp 12/22 trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam khi công nhận điểm 3.4 Hợp đồng bảo hiểm số 0000026/HD/0001KD2/TAU.TT/2020 do liên danh các Công ty bảo hiểm soạn thảo theo mẫu của Bảo hiểm BHBĐ là đúng pháp luật.” là không có căn cứ và không có bằng chứng chứng minh cho ý kiến của mình. 

  • Theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi và chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự”  

  • Hợp đồng bảo hiểm 0000026/HD/0001KD2/TAU.TT/2020  được các bên ký kết đúng pháp luật, đảm bảo các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015:  

……………………..

-Hợp đồng bảo hiểm được ký giữa các bên không có bất kỳ điều khoản nào vi phạm điều cấm của pháp luật, do đó, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo đúng cam kết theo quy định tại khoản 2. Điều 401 Bộ luật dân sự năm 2015: 

…………………….

Các căn cứ dẫn chiếu trong đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và bản tự giải trình của Công ty BM  không đúng với nội dung hồ sơ vụ tranh chấp và phán quyết trọng tài. 

Công ty BM  xác định Hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng theo mẫu theo quy định tại điều 405 Bộ luật dân sự năm 2015 là không phù hợp với quy định về hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 12. Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 về hợp đồng bảo hiểm: 

“Điều 12. Hợp đồng bảo hiểm 

1. Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.” 

Như vậy, theo Luật kinh doanh bảo hiểm,  hợp đồng bảo hiểm là sự thỏa thuận giữa các các bên chứ không phải là hợp đồng theo mẫu như dẫn chiếu của Công ty BM , vì vậy các căn cứ dẫn của Công ty BM  về hợp đồng theo mẫu là không phù hợp trong trường hợp này. Tại trang 5. Đơn xin hủy phán quyết trọng tài, Công ty BM  nêu: “…Phán quyết trọng tài vụ 12/22 cũng sai trái khi không yêu cầu BHBĐ cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc thanh toán phí kỳ 2 của BM .” Luận điểm này của BM  là không đúng quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài và nội dung phán quyết trọng tài: 

…………………………

Về nội dung Công ty BM  nêu “Trong trường hợp này Trọng tài có thể áp dụng Án lệ 37 để xử lý tranh chấp nhưng lại nhận định mang tính thiên vị làm sai lệch bản chất vụ việc”, đây là ý kiến mang tính chủ quan của Công ty 

BM  mà không có bất kỳ căn cứ nào chứng minh trong khi tại phán quyết trọng tài đã ghi nhận tại mục 40 trong đó phân tích chi tiết các căn cứ để Hội đồng trọng tài kết luận Án lệ số 37 không được áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp.  

Đề nghị của BHBĐ đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty BM   

Từ các phân tích trên thấy, Phán quyết của Hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp số 12/22 của Trung tâm Trọng tài X ngày 30/11/2022  đã tuân thủ đầy đủ nội dung thành phần trọng tài, các thủ tục tố tụng trọng tài phù hợp với thỏa thuận tố tụng trọng tài của các bên và các quy định của Luật trọng tài thương mại. Phán quyết của trọng tài không vi phạm nguyên tắc cơ bản về tự do, tự nguyện, cam kết, thỏa thuận của các bên quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật thương mại năm 2005, việc giải quyết của Hội đồng trọng tài hoàn toàn dựa trên hồ sơ vụ án, các căn cứ do các bên đưa ra và hoàn toàn hợp pháp. Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 12/22 ngày 30/22/2022 của Trung tâm trọng tài X không thuộc một trong các trường hợp bị hủy theo quy định tại khoản 2. Điều 68 Luật trọng tài thương mại.  

Vì vậy, BHBĐ không đồng ý với yêu cầu của Người yêu cầu và đề nghị Tòa án không chấp nhận  yêu cầu hủy phán quyết trọng tài  của Công ty BM .   

Tại bản giải trình ngày 18/5/2023 gửi Tòa án, bên liên quan là Tổng Công ty Cổ phần BHQĐ  trình bày:  

BHQĐ  khẳng định Hội đồng trọng tài đã giải quyết vụ việc đúng theo quy định của Luật trọng tài thương mại, Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài X và đúng theo thỏa thuận tố tụng trọng tài đã ký giữa các bên. 

………………………….

Đồng thời ngày 31/08/2022, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cũng có Quyết định giải quyết khiếu nại số 10/2022/QĐ-GQKN, theo đó Tòa án công nhận thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trong việc giải quyết vụ tranh chấp. 

………………………..

Như vậy, trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ tranh chấp tại trọng tài, Hội đồng trọng tài đã tuân thủ đầy đủ các thủ tục tố tụng trọng tài đúng theo quy định của Luật trọng tài thương mại, quy định tại quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài X và thỏa thuận tố tụng trọng tài của các bên. 

Ý kiến phản biện của BHQĐ  đối với các căn cứ của Công ty BM  đưa ra trong Đơn xin hủy phán quyết trọng tài ngày 28/12/2022. 

“Thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên và có bằng chứng cho thấy Trọng tài đã sử dụng Bản tự bảo vệ ghi không đúng ngày của Tổng Công ty CP BHQĐ  làm căn cứ để ra phán quyết bất lợi cho BM ”. 

Ý kiến của BHQĐ : 

Đây là nhận định mang tính suy diễn vì Công ty BM  không đưa ra được bất cứ tài liệu, chứng cứ nào chứng minh việc BHQĐ  cố tình ghi lùi ngày Công văn số 725/2022/CV-BHQĐ  ngày 28/04/2022. Trong khi theo quy định tại Điều 68 Luật trọng tài thương mại xác định nghĩa vụ đưa ra chứng cứ chứng minh để Tòa án xem xét là nghĩa vụ của Công ty BM . 

………………………….

2. “Phán quyết của Trọng tài vụ tranh chấp 12/22 trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam khi công nhận điểm 3.4 Hợp đồng bảo hiểm số 0000026/HD/0001KD2/TAU.TT/2020 do liên danh các Công ty bảo hiểm soạn thảo theo mẫu của Bảo hiểm BHBĐ là đúng pháp luật. 

Phán quyết của Trọng tài vụ tranh chấp 12/22 trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam phán quyết bỏ qua việc một bên tham gia xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiếu thiện chí, trung thực”. 

Ý kiến của BHQĐ : 

Luận điểm của Công ty BM  xác định Phán quyết của Trọng tài trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là một nhận định không có căn cứ. 

…………………………..

Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài sau khi đã chỉ ra được rằng phán quyết trọng tài có nội dung trái với một hoặc nhiều nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam mà Hội đồng trọng tài đã không thực hiện nguyên tắc này khi ban hành phán quyết trọng tài và phán quyết trọng tài xâm phạm nghiêm trọng lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của một hoặc các bên, người thứ ba.”. 

Như vậy, theo quy định trên, phán quyết trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật là phán quyết trái các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam. 

………………..

Công ty BM  cho rằng: Hợp đồng bảo hiểm quy định hiệu lực bảo hiểm tự động chấm dứt khi Bên được bảo hiểm không thanh toán phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hợp đồng là trái pháp luật nhưng Trọng tài vẫn công nhận. Thực tế, Bảo hiểm BHBĐ đã không thông báo chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm bằng văn bản cho Công ty BM . 

Ý kiến của BHQĐ : 

Theo Điều 23 Luật kinh doanh bảo hiểm quy định Hợp đồng bảo hiểm đương nhiên bị chấm dứt khi Bên mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm hoặc không đóng phí bảo hiểm theo thời hạn thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm

…………………

Như vậy, Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm trọng tài X căn cứ các quy định của hợp đồng, các tài liệu chứng cứ do các bên cung cấp để đưa ra phán quyết là tuân thủ đúng quy định của pháp luật. 

Từ các phân tích, lập luận nêu trên, BHQĐ  khẳng định: 

  • Những nội dung Công ty BM  trình bày trong Đơn xin hủy phán quyết trọng tài ngày 28/12/2022 và Bản tự giải trình ngày 10/05/2023 là không có căn cứ. 

  • Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 12/22 ngày 30/11/2022 của Trung tâm trọng tài X không thuộc một trong các trường hợp bị hủy theo quy định tại Khoản 2 Điều 68 Luật trọng tài thương mại. 

BHQĐ  kính đề nghị Qúy Tòa bác toàn bộ yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Công ty BM . 

Tại phiên họp xét đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài:  

Bên yêu cầu trình bày: Bên yêu cầu giữ nguyên yêu cầu đề nghị Hội đồng xét đơn hủy Phán quyết trọng tài theo các chứng cứ, tài liệu đã cung cấp và trình bày trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc. ……………………………………. Bên yêu cầu xác nhận không thắc mắc gì về thời hạn nộp bản tự bảo vệ của PTI, xác nhận trong quá trình giải quyết tại trọng tài chưa bao giờ nêu vấn đế BHQĐ  gửi bản tự bảo vệ đến Trung tâm trọng tài X chậm thời hạn. 

Bên liên quan là Tổng Công ty Cổ phần BHBĐ (PTI) trình bày: BHBĐ giữ nguyên quan điểm về việc yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Công ty BM  là không có căn cứ. BHBĐ xác nhận nộp bản tự bảo vệ trực tiếp và đúng hạn. Trong quá trình giải quyết vụ việc tranh chấp thì Hội đồng trọng tài đã xem xét đầy đủ mọi khía cạnh khi giải quyết vụ tranh chấp từ thủ tục trọng tài đến nội dung tranh chấp, các nội dung trọng tài xem xét đánh giá được thể hiện đầy đủ trong phán quyết trọng tài, cụ thể: Hội đồng trọng tài đã xem xét phân tích đầy đủ toàn diện các nội dung liên quan đến vụ án, tuân thủ đầy đủ các quy định tại quy tắc tố tụng trọng tài nên yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Công ty BM  là không có căn cứ. 

………………..

 Bên liên quan là Tổng Công ty Cổ phần BHQĐ  (BHQĐ )  trình bày:  

…………………….

Phán quyết trọng tài đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài của Bên yêu cầu. Cụ thể là Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo đúng thỏa thuận của các bên, đúng thành phần và trong quá trình xét xử HĐTT không vi phạm Quy tắc trọng tài. Hội đồng trọng tài đã xem xét kỹ và đầy đủ toàn bộ vụ việc cũng như quyền yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trên cơ sở ủy quyền của bên thụ hưởng. Nội dung Phán quyết không trái với những nguyên tắc cơ bản pháp luật Việt Nam. Lý do xin hủy Phán quyết trọng tài là không có căn cứ. Phán quyết trọng tài không vi phạm một trong các trường hợp quy định tại Điều 68 LTTTM, đề nghị Hội đồng xét đơn ra Quyết định không hủy Phán quyết trọng tài. 

XÉT THẤY 

Sau khi xem xét Đơn yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 12/22 ngày 30/11/2022 của Hội đồng trọng tài và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc, ý kiến của những người được triệu tập đến phiên họp và quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội, Hội đồng xét đơn nhận thấy:  

……………..

Về nội dung: Xét các căn cứ mà bên yêu cầu đưa ra để đề nghị Tòa án hủy phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn thấy: 

Tại đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài và các văn bản gửi Tòa án, Công ty BM  yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với các lý do: Thủ tục tố tụng trọng tài không phù hợp với quy định pháp luật và thỏa thuận của các bên. Có bằng chứng cho thấy Trọng tài đã sử dụng bản tự bảo vệ ghi không đúng ngày của Tổng Công ty BHQĐ  (BHQĐ ) làm căn cứ để ra phán quyết bất lợi cho Công ty BM . Phán quyết Trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam 

Xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và ý kiến của các bên tại phiên họp xét yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn thấy: 

Tại Thỏa thuận tố tụng trọng tài ngày 18/02/2021, các bên có thỏa thuận: Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm thân tàu biển Việt Nam số 26 ngày 6/7/2020 và phụ lục hợp đồng số 01 ngày 25/11/2021 giữa các bên sẽ được giải quyết bằng Trọng tài tại Trung tâm trọng tài X theo quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này và được tiến hành theo thủ tục rút gọn quy định tại Điều 37 Quy tắc tố tụng trọng tài. 

…………………..

Ngày 29/4/2022 Trung tâm trọng tài X nhận được bản tự bảo vệ của bị đơn thứ nhất và đến ngày 11/5/2022 Trung tâm trọng tài X nhận được bản tự bảo vệ và tài liệu kèm theo của bị đơn thứ hai. Công ty BM  cho rằng có bị đơn đã nộp bản tự bảo vệ và tài liệu không theo yêu cầu của Trung tâm trọng tài X (nộp muộn theo thông báo) và có dấu hiệu ghi lùi ngày (ngày 11/5 thì ghi là ngày 28/4). Hội đồng xét đơn thấy rằng: Ngày 12/4/2022, Trung tâm gửi thông báo cho các bị đơn, đến ngày 18/4/2022 BHQĐ  nhận được qua đường bưu điện nên thời hạn 10 ngày tính từ ngày 19/4/2022. Ngày 28/4/2022, BHQĐ  đã gửi bản tự bảo vệ cho Trung tâm là trong thời hạn nêu trên. Việc Trung tâm nhận được ngày 11/5/2022 không phải do lỗi của BHQĐ  và không phải là bằng chứng chứng minh bản tự bảo vệ của BHQĐ  là do ghi lùi ngày khi Công ty BM  không có chứng cứ chứng minh việc BHQĐ  ghi lùi ngày. Ngoài ra, bên yêu cầu là Công ty BM  không có ý kiến đối với việc nộp bản tự bảo vệ của Bị đơn thứ nhất theo yêu cầu của Trung tâm mà chỉ cho rằng bị đơn thứ hai vi phạm thời hạn trả lời Trung tâm. Xét thấy BHBĐ và BHQĐ  là liên danh trong hợp đồng bảo hiểm với Công ty BM  nên họ là đồng bị đơn (hay là bị đơn thứ nhất và bị đơn thứ hai) khi Công ty BM  khởi kiện tại Trung tâm nên nếu bị đơn thứ hai vi phạm thời hạn trả lời mà bị đơn thứ nhất không vi phạm thời hạn thì phải xác định bị đơn không vi phạm. Mặt khác, nếu là trường hợp cả hai bị đơn nộp văn bản đến Trung tâm quá thời hạn 10 ngày mà phía nguyên đơn (công ty BM ) không có phản đối về việc đó mà vẫn tham gia tố tụng trọng tài chỉ khi Hội đồng trọng tài có phán quyết bất lợi thì mới nêu vấn đề trả lời chậm này ra thì cũng đã mất quyền phản đối tại Tòa án về vi phạm này (nếu có) theo Điều 13 Luật Trọng tài thương mại. 

…………………………

Xem xét toàn diện phán quyết trọng tài, đối chiếu với Luật trọng tài thương mại, Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài X, Thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận của các bên, Hội đồng xét đơn thấy: 

………………………….

Phán quyết của Hội đồng trọng tài vụ tranh chấp 12/22 ngày 30/11/2022 không vi phạm các nguyên tắc cơ bản quy định tại điều 3 Bộ luật dân sự 2005, không thuộc một trong các trường hợp phải hủy theo khoản 2 điều 68 Luật trọng tài thương mại. 

Từ những phân tích trên, thấy rằng luận cứ của bên yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 12/22 ngày 30/11/2022 của Trung tâm trọng tài X là không có căn cứ nên không chấp nhận 

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với tài liệu có trong hồ sơ vụ việc và phù hợp quy định của pháp luật 

 

………………

QUYẾT ĐỊNH 

1. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty Cổ phần đào tạo và cung ứng thuyền viên BM  về việc đề nghị hủy Phán quyết trọng tài vụ tranh chấp số 12/22 ngày 30/11/2022 của Trung tâm trọng tài X. 

CHÚ THÍCH:

[1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1199597t1cvn/chi-tiet-ban-an

[2] https://mcac.vn/quy-tac-to-tung

Bài viết trên MCAC đã nêu ra Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 10/2023/QĐ-PQTT ngày 30/5/2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn.

Xem thêm: Những vấn đề về trọng tài thương mại thể hiện trong Quyết định số 923/2023/QĐ-PQTT ngày 13/6/2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh

 

Tin liên quan

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 11/2022/QĐ-PQTT NGÀY 20/9/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]
20 09/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 11/2022/QĐ-PQTT NGÀY 20/9/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI [1]

Cùng MCAC tìm hiểu các vấn đề liên quan đến trọng tài thương mại trong vụ án giữa Công ty GMA Accessories và Công ty TNHH THB, được thể hiện qua Quyết định số 11/2022/QĐ-PQTT của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, bao gồm tranh chấp hợp đồng mua bán và thỏa thuận trọng tài giữa các bên.

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 1644/2022/QĐ-PQTT NGÀY 23/9/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH [1]
30 08/2024

NHỮNG VẤN ĐỀ VỀ TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI THỂ HIỆN TRONG QUYẾT ĐỊNH SỐ 1644/2022/QĐ-PQTT NGÀY 23/9/2022 CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH [1]

Khám phá những điểm nổi bật về vụ tranh chấp giữa Công ty Cổ phần T và công ty TNHH N. Bài viết dưới đây MCAC sẽ phân tích chi tiết về các yếu tố chính trong vụ tranh chấp, lý do Bị đơn yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài và Tòa án có thẩm quyền nhận định về vụ việc trên đối với các bên có liên quan.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG