Thời gian làm việc: T2-T6 / 8h00 – 17h00

|

Liên hệ: 0935 925 068 - 0236 3656799

| Ngôn ngữ:

Số điện thoại: 0935 925 068

Ngôn ngữ:

THỎA THUẬN VỪA CHỌN TRỌNG TÀI, VỪA CHỌN TÒA ÁN ĐỂ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

19/07/2023

1. Nội dung vụ tranh chấp có liên quan

Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X đã giải quyết một tranh chấp hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất số 063-2011/HĐTD/NKT giữa Công ty C& N VINA (Nguyên đơn) và Công ty Kim Thành (Bị đơn).

Theo đó, Bị đơn khiếu nại đối với Quyết định của Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X về thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài. Công ty Kim Thành cho rằng việc Trung tâm Trọng tài X không xác định rõ lại thỏa thuận của hai bên về phương thức giải quyết tranh chấp theo Hợp đồng đã ký và tiếp tục giải quyết vụ tranh chấp khi thỏa thuận trọng tài của các bên không có giá trị là trái với quy định pháp luật.

Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền nhận định: Trọng tài có thẩm quyền giải quyết Vụ tranh chấp trên.

2. Bản án, quyết định

Quyết định số 56/2014/QĐ-GQKN ngày 13-1-2014 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh

Căn cứ vào khoản 4 Điều 340 và Điều 341 của Bộ luật Tố tụng dân sự (đã sửa đổi bổ sung năm 2011);

Căn cứ Điều 1; Điều 6: Điểm c khoản 2, Điều 7; Điều 19; Điều 44 và khoản 3 Điều 81 Luật Trọng tài thương mại;

Căn cứ pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án;

Sau khi xem xét đơn khiếu nại nhận ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Công ty Kim Thành là Bị đơn khiếu nại đối với Quyết định của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X về thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài vụ tranh chấp số 25/13 HCM giữa Công ty C& N VINA (gọi tắt là VINA) và Công ty Kim Thành;

Nội dung khiếu nại:

Do phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất số 063-2011/HĐTD/NKT ngày 26/5/2011 giữa Vina và Kim Thành (gọi tắt là Hợp đồng) nên ngày 10/6/2013 Vina đã kiện Kim Thành ra Trung tâm Trọng tài X yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng và Trung tâm Trọng tài X đã thụ lý vụ kiện. Ngày 09/10/2013 Kim Thành nhận được Quyết định đề ngày 04/10/2013 của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X về thẩm quyền giải quyết vụ kiện, theo đó xác định Trung tâm Trọng tài X có thẩm quyền giải quyết vụ kiện.

Thỏa thuận vừa chọn Trọng tài, vừa chọn Tòa án

Trong đơn khiếu nại Kim Thành cho rằng: mặc dù tại hợp đồng Kim Thành và Vina có thỏa thuận về phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng, tuy nhiên nội dung thỏa thuận này lại chưa rõ ràng và có sự mâu thuẫn. Cụ thể tại Điều 9 của Hợp đồng các bên thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp là “...một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Sau đó tại Điều 13 xử lý vi phạm thì lại thỏa thuận “...phải đưa vụ tranh chấp đó ra Trung tâm Trọng tài X để giải quyết. Do các bên chưa có sự thỏa thuận Tòa án hay Trọng tài giải quyết tranh chấp phát sinh liên quan đến Hợp đồng, ý chí của Kim Thành đã phản đối, không đồng ý đưa vụ kiện giải quyết tại Trọng tài mà chọn Tòa án giải quyết. Do đó việc Trung tâm Trọng tài X không xác định rõ lại thỏa thuận của hai bên về phương thức giải quyết tranh chấp theo Hợp đồng đã ký và tiếp tục giải quyết Vụ tranh chấp khi thỏa thuận Trọng tài của các bên không có giá trị là trái với qui định tại khoản 1 Điều 4 về nguyên tắc giải quyết Trọng tài và điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài tại khoản 1 Điều 5 và Điều 43 Luật Trọng tài thương mại năm 2010.

Xét thấy:

Mặc dù tại Điều 9 của Hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất số 063-2011/HĐTD/NKT ngày 26/5/2011 giữa Vina và Kim Thành các bên thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp là “…một trong hai bên có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết”. Tuy nhiên, tại Điều 13 của hợp đồng các bên lại thỏa thuận: “Các tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng trước hết phải được hai bên giải quyết qua con đường thương lượng hòa giải. Trong trường hợp thương lượng hòa giải không giải quyết được tranh chấp thì phải đưa vụ tranh chấp đó ra Trung tâm Trọng tài X để giải quyết. Việc phân xử sẽ theo pháp luật Việt Nam”.

Xét thỏa thuận Trọng tài mà các bên đã ký kết tại Điều 13 của Hợp đồng đã được người đại diện theo pháp luật của hai bên ký kết, hình thức thỏa thuận Trọng tài phù hợp với Điều 16 Luật Trọng tài thương mại, không thuộc các trường hợp vô hiệu theo Điều 18 Luật Trọng tài thương mại, do đó việc Bị đơn Kim Thành cho rằng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp do Hợp đồng các bên vừa thỏa thuận Trọng tài vừa thỏa thuận Tòa án giải quyết tranh chấp là mâu thuẫn và chưa rõ ràng về thẩm quyền giải quyết tranh chấp là không có cơ sở vì căn cứ Điều 19 Luật Trọng tài thương mại thì thỏa thuận Trọng tài của các bên tại Điều 13 của hợp đồng hoàn toàn độc lập với Điều 9 của hợp đồng do đó theo Điều 6 Luật Trọng tài thương mại Tòa án phải từ chối thụ lý trong trường hợp có thỏa thuận Trọng tài trừ trường hợp thảo thuận Trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận Trọng tài không thể thực hiện được. 

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH:

1. Không chấp nhận khiếu nại của Công ty Kim Thành. Trung tâm Trọng tài X có thẩm quyền giải quyết vụ kiện số 25/11 HCM (...).

2. Công ty Kim Thành phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án liên quan đến Trọng tài là 300.000 đồng.

3. Quyết định giải quyết khiếu nại này là quyết định cuối cùng.

3. Nội dung bình luận

Đây là một tình huống trong hợp đồng, về điều khoản giải quyết tranh chấp tồn tại 2 điều khoản “mâu thuẫn” vừa chọn Toà án, vừa chọn Trọng tài. Thoả thuận “nước đôi” này không hiếm xảy ra trong thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Toà án và các trung tâm trọng tài thương mại.

Trong Vụ tranh chấp trên, Bị đơn cho rằng:

  • Hợp đồng cho thuê lại quyền sử dụng đất số 063-2011/HĐTD/NKT ngày 26/5/2011 có thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp, nhưng lại chưa rõ ràng và có sự mâu thuẫn.
  • Trung tâm trọng tài X không xác định rõ lại thỏa thuận của hai bên về phương thức giải quyết tranh chấp theo Hợp đồng đã ký và tiếp tục giải quyết Vụ tranh chấp.
  • Thỏa thuận trọng tài của các bên không có giá trị là trái với qui định về điều kiện và nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

Vấn đề đặt ra ở đây là: Việc Bị đơn cho rằng Trọng tài, tức là Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp có đúng không?

Hội đồng xét đơn của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy, việc Bị đơn Kim Thành cho rằng Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp do Hợp đồng các bên vừa thỏa thuận Trọng tài vừa thỏa thuận Tòa án giải quyết tranh chấp là đã có sự mâu thuẫn về thẩm quyền giải quyết tranh chấp là không có cơ sở pháp lý.

Hội đồng xét đơn bác đề nghị của Bị đơn dựa trên các căn cứ sau đây:

Thứ nhất, trong quá trình ký kết Hợp đồng, giữa các bên thỏa thuận phương thức giải quyết tranh chấp là Tòa án. Tuy nhiên, tại một điều khoản khác trong Hợp đồng có quy định về việc các bên sẽ lựa chọn Trung tâm trọng tài X để giải quyết khi có tranh chấp phát sinh.

Thứ hai, thỏa thuận Trọng tài mà các bên đã ký kết phù hợp về hình thức, đồng thời được người đại diện theo pháp luật của hai bên ký kết và không thuộc các trường hợp vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Thứ ba, thỏa thuận Trọng tài của các bên tại Điều 13 của Hợp đồng hoàn toàn độc lập với Điều 9 của Hợp đồng.

Dựa trên cơ sở pháp lý quy định tại Điều 19 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 quy định: “Thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài”.

Thứ tư, Điều khoản giải quyết tranh chấp có thoả thuận vừa chọn Toà án, vừa chọn Trọng tài là vẫn có giá trị ràng buộc các bên. Các bên vẫn có thể lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hoặc Toà án để giải quyết vụ kiện của mình.Thậm chí pháp luật Việt Nam vẫn ưu tiên cho thẩm quyền của Trọng tài giải quyết trước.

Từ những căn cứ pháp lý trên, Hội đồng xét đơn kết luận: Thỏa thuận trọng tài được ký kết giữa Công ty C& N VINA và Công ty Kim Thành là có hiệu lực pháp luật, nên việc Hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài X giải quyết Vụ tranh chấp trên là đúng với quy định.

Hướng giải quyết của Hội đồng xét đơn là phù hợp, tại Điều 2 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại (gọi tắt là Nghị quyết số 01/2014) có quy định về trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng Tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Cụ thể, theo điểm a khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 01/2014 quy định như sau: “Trường hợp người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án quy định tại điểm b khoản 4 Điều này thì Tòa án căn cứ quy định tại Điều 16 Luật TTTM để từ chối thụ lý, giải quyết”.

Như vậy, thoả thuận giải quyết tranh chấp vừa chọn Trọng tài vừa chọn Toà án trên là phù hợp. Thỏa thuận trọng tài dựa trên việc xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và cả toà án sẽ không làm mất đi quyền khởi kiện ra Tòa án của các bên trong tranh chấp, mà còn là cơ hội để các bên có quyền lựa chọn việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong những trường hợp mà họ xác định việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ thuận lợi hơn.

Đọc thêm: Một số vấn đề về nội dung và hình thức của thỏa thuận Trọng tài.

Bài viết trên của MCAC đã chia sẻ chi tiết chuyên đề thỏa thuận vừa chọn Trọng tài, vừa chọn Tòa án để giải quyết tranh chấp. Chi tiết xin liên hệ: hotline 0935 925 068 hoặc email contact@mcac.vn

Tin liên quan

TẠI SAO DOANH NGHIỆP KHU VỰC MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN NÊN CHỌN TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG
26 04/2024

TẠI SAO DOANH NGHIỆP KHU VỰC MIỀN TRUNG – TÂY NGUYÊN NÊN CHỌN TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG

Bài viết này trình bày những lý do tại sao các doanh nghiệp tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên nên cân nhắc lựa chọn Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung (MCAC) làm đối tác chiến lược. Từ sự thuận tiện địa lý đến uy tín và chuyên nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp thương mại, bài viết sẽ phân tích chi tiết những lợi ích mà MCAC mang lại cho các doanh nghiệp trong khu vực.

10 THUẬT NGỮ LATIN THÔNG DỤNG TRONG TRỌNG TÀI QUỐC TẾ
09 04/2024

10 THUẬT NGỮ LATIN THÔNG DỤNG TRONG TRỌNG TÀI QUỐC TẾ

Trong pháp luật quốc tế nói chung và trọng tài thương mại quốc tế nói riêng, thỉnh thoảng các thuật ngữ Latin được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, người hành nghề thực tiễn (trọng tài viên, Luật sư,…) đề cập đến.

Liên hệ với TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI MIỀN TRUNG